Dựa trên kết quả nghiên cứu ở chương 4, trong chương 5, tác giả sẽ tóm tắt lại kết quả nghiên cứu, đề xuất tập trung một số nhóm giải pháp để đẩy mạnh khả năng cho vay của ngân hàng. Cuối cùng là nêu lên một số hạn chế của nghiên cứu đồng thời đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.
5.1. Kết luận
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng hiện nay thì việc duy trì và phát triển thị phần cho vay KHCN càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là thách thức dành cho các ngân hàng trong việc tìm kiếm, lôi kéo những khách hàng mới và giữ chân những khách hàng cũ. Với nghiên cứu này, kết quả có được cũng phần nào giúp cho các ngân hàng nắm bắt được những mong muốn của khách hàng khi lựa chọn một ngân hàng để vay vốn.
Nghiên cứu sử dụng các nhân tố cơ bản của mô hình TPB và kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước như nghiên cứu của Nguyễn Kim Nam & Trần Thị Tuyết Vân (2015), Phạm Thị Tâm & Phạm Ngọc Thúy (2010), Saled & ctg (2013), Chigamba & Fatoki (2011), Zulfiqar & ctg (2014), Aregbeyen (2011), được điều chỉnh cho phù hợp đặc điểm của ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm đảm bảo tính tổng quát và độ tin cậy trong quá trình xây dựng các biến. Mô hình đề xuất 5 nhân tố tác động đến quyết định chọn ngân hàng để vay vốn của KHCN là Thái độ/ Sở thích, Sự thuận tiện, Ảnh hưởng của xã hội, Nhận thức về kiểm soát hành vi và yếu tố Nhân viên. Sử dụng bảng câu hỏi định tính để phỏng vấn chuyên sâu các khách hàng có ý định/ đã lựa chọn vay tại Vietinbank Đồng Tháp để vay vốn từ đó đề xuất các hàm ý chính sách cho ngân hàng.
Phương pháp chọn mẫu được sử dụng là thuận tiện phi xác suất do thời gian và chi phí cho nghiên cứu có hạn. Kích thước mẫu cuối cùng là 120 người, với tỷ lệ nam chiếm 52% và nữ là 48%. Trình độ học vấn trong mẫu chủ yếu là bậc đại học chiếm
40%, và 28% là cao đẳng. Độ tuổi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mẫu là từ 24-40 tuổi chiếm 54%. Ngành nghề của các khách hàng tương đối đa dạng nông dân chiếm tỷ trọng cao nhất với 44%, buôn bán là 27%, ngoài ra đối tượng là cán bộ công nhân viên chiếm 23%. Thu nhập ở nhóm từ 5-10 triệu chiếm 63%, từ 10-20 triệu chiếm tỷ trọng 29%, các mức thu nhập dưới 5 triệu và trên 20 triệu lần lượt chiếm 8% và 16%.
Các phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu là kiểm định sự phù hợp và hội tụ của thang đo bằng phân tích Cronbach alpha và phân tích nhân tố EFA. Xem xét mức độ tác động của các nhân tố đến sự quyết định lựa chọn của khách hàng bằng mô hình hồi quy bội.
Kết quả kiểm định sự phù hợp và hội tụ của thang đo các nhân tố cho thấy thang đo các nhân tố được xây dựng đều phù hợp. Kết quả hồi quy bội cho thấy Thái độ/Sở thích là nhân tố quan trọng nhất tác động đến quyết định chọn ngân hàng để vay vốn. Nhân tố đóng vai trò quan trọng thứ hai được chỉ ra trong nghiên cứu là Sự thuận tiện. Tiếp theo là nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi, Ảnh hưởng xã hội, và cuối cùng là nhân tố Nhân viên.
Phỏng vấn và phân tích chuyên sâu các khách hàng có ý định hoăc đã vay vốn tại Vietinbank Đồng Tháp cũng cho thấy nhân tố Thái độ/Sở thích có ảnh hưởng lớn nhất có 28/30 trường hợp, tiếp theo là sự thuận tiện với 21/30 sự lựa chọn, nhân tố nhân viên 14/30 trường hợp và cuối cùng là nhân tố Ảnh hưởng của xã hội với 11/30 sự lựa chọn. Phần lớn sự lựa chọn là do khách hàng quyết định, chiếm tỷ lệ 26/30, số còn lại bị tác động bởi ý kiến người thân (vợ/chồng, bố, mẹ…). Có 24/30 khách hàng trả lời rằng sẽ tiếp tục vay vốn tại Vietinbank Đồng Tháp, 4/30 khách hàng nói rằng sẽ xem xét lại và 2/30 người có ý định chuyển sang giao dịch với ngân hàng khác. Trong số 30 khách hàng được phỏng vấn, thì có 3 khách hàng hiện có thêm khoản vay tại ngân hàng khác. Kết quả phỏng vấn sâu cũng ghi nhận được một số trở ngại cũng như khó khăn mà khách hàng gặp phải khi vay vốn tại Vietinbank Đồng Tháp để từ đó tác giả đưa ra một số hàm ý giải pháp khắc phục những vấn đề này.
5.2. Một số khuyến nghị đối với ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp