Việc tổ chức Tòa án phúc thẩm theo khu vực trên một số tỉnh hoặc theo đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc tổ chức Tòa án cấp phúc thẩm theo khu vực
trên một số tỉnh hoặc theo đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta có nguyên tắc tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử, nên tổ chức Tòa án phúc thẩm theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, mỗi Tòa án phúc thẩm có quản hạt tư pháp được giới hạn theo phạm vi địa giới hành chính như Tòa án cấp tỉnh hiện nay. Như vậy, trên phạm vi cả nước sẽ thành lập 63 Tòa án phúc thẩm, nội dung của cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và dự giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Tòa án phúc thẩm được xác định là Tòa án cấp trên của Tòa án sơ thẩm khu vực, cấp dưới của TAND tối cao, độc lập với các Tòa án này trong giải quyết các vụ việc. Tòa án phúc thẩm chịu sự quản lý, chỉ đạo của TAND tối cao, quản lý các Tòa án sơ thẩm khu vực theo sự phân cấp của TAND tối cao. Theo nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tòa án cấp phúc thẩm không còn chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Tòa án cấp này cũng không còn chức năng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và chủ trì các phiên họp của Ủy ban thẩm phán. Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm khu vực khi có kháng cáo, kháng nghị. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm sẽ được xác định trên nguyên tắc những vụ án nào không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm khu vực thì thuộc thẩm quyền của Tòa án phúc thẩm. Dự kiến, các vụ án lớn trọng điểm về hình sự, các vụ án dân sự có đương sự hoặc tài sản tranh chấp ở nước ngoài, các vụ việc khiếu nại đối với các quyết định hành chính liên quan đến chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh…trong khuôn khổ của WTO sẽ giao thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp phúc thẩm.