Về phương diện hoạt động

Một phần của tài liệu tổ chức và hoạt động của tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 41 - 44)

c. Các Tòa án quân sự khu vực

2.2.2.Về phương diện hoạt động

Ở nước ta quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Với tư cách tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc này thì vị trí của quyền tư pháp và vị trí của các cơ quan tư pháp khác với quan niệm truyền thống của các nước phương Tây. Theo họ, tư pháp là một bộ phận hợp thành của cơ cấu quyền lực nhà nước, trong đó quyền tư pháp phải được độc lập với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Quyền tư pháp do Tòa án đảm nhiệm thông qua hoạt động xét xử. Còn ở nước ta, từ Hiến pháp năm 1946 đến nay đều quy định: quyền tư pháp là một bộ phận hợp thành của quyền lực nhà nước và gắn liền với hoạt động bảo vệ pháp luật nhằm duy trì trật tự xã hội; hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp là thước đo của nền công lý trong nhà nước pháp quyền XHCN, đó là sự thể hiện về tính minh bạch, sự công bằng và độ tin cậy của người dân đối với hệ thống cơ quan tư pháp. Xét dưới góc độ thể chế nhà nước thì tư pháp là bộ phận của quyền lực nhà nước gắn bó chặt chẽ với

quyền lập pháp, hành pháp tạo thành quyền lực nhà nước thống nhất. Vì vậy, nói đến hoạt động tư pháp không chỉ bao gồm hoạt động xét xử mà còn bao gồm cả hoạt động thực hành quyền công tố, hoạt động điều tra, hoạt động thi hành án. Nên cơ quan tư pháp không chỉ có Tòa án mà còn bao gồm các cơ quan khác như: Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, ngoài ra còn có các cơ quan bổ trợ tư pháp. Trong đó, Tòa án là nơi biểu hiện tập trung của quyền tư pháp, nơi mà kết quả của hoạt động điều tra, truy tố, bào chữa, giám định tư pháp được kiểm tra, xem xét, đánh giá công khai thông qua các thủ tục tố tụng để đưa ra những phán quyết cuối cùng mang tính quyền lực nhà nước, nơi thể hiện nền công lý, sự công bằng và bình đẳng, tình công minh của pháp luật, đồng thời là nơi thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống cơ quan Tòa án trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay về phương diện hoạt động Tòa án còn bộc lộ những hạn chế, bất cập sau đây:

Trong hệ thống cơ quan nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền XHCN thì Tòa án có chức năng xét xử, hoạt động xét xử của hệ thống TAND các cấp đặt dưới sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và quyền giám sát tối cao thuộc về Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 về chức năng xét xử của Tòa án: “TAND tối cao, các TAND địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác theo quy định là những cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 127 Hiến pháp năm 1992) thì không còn một điều luật nào khác quy định chức năng khác của Tòa án. Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định chức năng xét xử chỉ thuộc về Tòa án chứ không thuộc bất kỳ cơ quan nhà nước nào và đồng thời Tòa án chỉ có chức năng xét xử chứ không có bất kỳ chức năng nào khác. Theo tinh thần này thì việc Tòa án có trách nhiệm phát hiện tội phạm và khởi tố vụ án hình sự, trách nhiệm thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm. Ví dụ như Điều 10- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Tòa án có trách nhiệm chứng minh tội phạm”, “Hội đồng xét xử có thẩm quyền yêu cầu hoặc quyết định khởi tố vụ

án hình sự” (Điều 104 - Bộ Luật tố tụng Hình sự) không thuộc về xét xử là chưa hoàn toàn phù hợp với bản chất, vị trí, chức năng của Tòa án trong nhà nước hiên đại (pháp quyền XHCN) và đồng thời cũng là sự vi hiến. Vì vậy, việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của hệ thống Tòa án nhân dân được coi là một trong tám nhóm nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thẩm quyền xét xử của mỗi cấp Tòa án hiện nay đang được xác định vừa theo nguyên tắc lãnh thổ vừa theo tính chất vụ việc và thủ tục tố tụng để giải quyết các vụ việc khác nhau đã không thể hiện đúng, chính xác tính chất hoạt động, vị trí, vai trò của mỗi cấp trong hệ thống Tòa án. TAND cấp tỉnh, với vị trí là Tòa án cấp dưới của TAND tối cao, nhưng có vai trò vừa là Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, vừa là một cấp giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài ra, TAND cấp tỉnh còn có nhiệm vụ quản lý các TAND cấp huyện về tổ chức theo phân cấp của TAND tối cao. Vì vậy, sức ép về công việc đối với TAND cấp tỉnh cũng không phải nhỏ, nhất là đối với TAND các thành phố lớn. Các bản án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh, về mặt lý thuyết và cả trên thực tế vẫn có thể bị hủy bởi TAND tối cao nên làm hạn chế ý nghĩa pháp lý của trình tự xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, cũng có không ít các bản án, quyết định phúc thẩm của các Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã bị kháng nghị và bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bởi chính TAND tối cao hình trung đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín của TAND tối cao với tư cách là cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống Tòa án.

Việc có nhiều Tòa án thực hiện chức năng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm dẫn đến mục tiêu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và xác định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Trên thực tế, đã có những quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh, hoặc thậm chí có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách TAND tối cao bị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy. Ngoài

ra, việc có nhiều cấp giám đốc thẩm cùng với quy định không hạn chế về điều kiện kháng nghị và thủ tục không rõ ràng trong việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, một mặt làm cho việc giải quyết một vụ kéo dài, thậm chí không có điểm dừng, mặt khác làm mất tính ổn định trong các phán quyết của Tòa án và ở một chừng mực nào đó làm vô hiệu hóa nguyên tắc Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.

Tòa án nhân dân tối cao còn nặng về công tác xét xử hơn là công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn việc áp dụng pháp luật đối với hệ thống Tòa án cũng có ảnh hưởng nhất định đến vị trí pháp lý của TAND tối cao cũng như áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Một phần của tài liệu tổ chức và hoạt động của tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 41 - 44)