Tổ chức của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Một phần của tài liệu tổ chức và hoạt động của tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 31 - 33)

Tổ chức của TAND cấp tỉnh được quy định trong Chương III Luật tổ chức TAND năm 2002, trong đó quy định cơ cấu tổ chức TAND cấp tỉnh gồm có Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc. Thành phần của TAND cấp tỉnh bao gồm: Chánh án, các phó Chánh án,Thẩm phán và Thư ký.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh

Ủy ban thẩm phán gồm có Chánh án, các phó Chánh án; các Chánh Tòa hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Ủy ban Thẩm phán là tổ chức xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, đồng thời có nhiệm vụ, quyền hạn: Hướng dẫn TAND cấp huyện thực hiện các Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn của TAND tối cao; bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật tại Tòa án mình và các Tòa án cấp dưới; tổng kết kinh nghiệm xét xử, thông qua báo cáo của Chánh án TAND cấp tỉnh về công tác của các Tòa án ở địa phương để báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và với TAND tối cao. Tổng số thành viên của Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh không quá chín người. Phiên họp của Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Các Tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh

Các tòa chuyên trách TAND tỉnh gồm có: Tòa hình sự, tòa dân sự, tòa kinh tế, tòa lao động, tòa hành chính. Các tòa chuyên trách này có Chánh tòa, phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư kí .

Bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác văn phòng, tổ chức cán bộ, tiếp dân, nhận đơn thư khiếu nại…

1.4.3. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Các TAND cấp huyện gồm có Chánh án, một hoặc hai phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư kí. Các TAND cấp huyện không có Hội đồng thẩm phán, Ủy ban thẩm phán, các Tòa chuyên trách như TAND cấp tỉnh và TAND tối cao. Hoạt động của TAND cấp huyện do Chánh án lãnh đạo, Chánh án TAND cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức công tác xét xử và công tác khác theo quy định của pháp luật; báo cáo công tác của TAND cấp mình trước hội đồng nhân dân cùng cấp và với TAND cấp trên trực tiếp.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp huyện

Các Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có nhiệm vụ và thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.

Về các vụ án hình sự: Tòa án cấp huyện xét xử những vụ án về tội phạm

mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù từ 15 năm tù trở xuống trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa hình sự TAND cấp tỉnh. Mức hình phạt 15 năm tù trở xuống là mức hình phạt do luật quy định, nó có thể được quy định ở Khoản 1 hoặc Khoản 2 của điều luật về tội phạm cụ thể. Nếu khung hình phạt có mức cao nhất là trên 15 năm tù thì TAND cấp huyện không có thẩm quyền xét xử vụ án về tội phạm đó mặc dù hình phạt trên thực tế Tòa án tuyên phạt đối với người phạm tội có thể dưới 15 năm tù.

Về các vụ án dân sự: TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử theo thủ tục

sơ thẩm hầu hết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, trừ một số việc phức tạp, quan trọng hoặc có yếu tố nước ngoài, tranh chấp về sở hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về các vụ án lao động: theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp

lao động thì TAND cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các vụ án lao động mà không có yếu tố nước ngoài.

Về các tranh chấp kinh tế: TAND cấp huyện chỉ giải quyết theo thủ tục sơ

thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng mà không có yếu tố nước ngoài.

Về các vụ án hành chính: TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm những khiếu

kiện hành chính đối với các quyết định của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng lãnh thổ và quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, viên chức của các cơ quan nhà nước đó.

1.4.4. Các Tòa án Quân sự

Các Tòa án quân sự là những cơ quan xét xử thuộc hệ thống TAND nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trong quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật. Các Tòa án quân sự các cấp có: Chánh án, phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký. Theo Luật tổ chức TAND năm 1992 (sửa đổi năm 2002), các Tòa án quân sự gồm có Tòa án quân sự trung ương, các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án quân sự khu vực.

Một phần của tài liệu tổ chức và hoạt động của tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 31 - 33)