Biến đổi trong cách ứng xử của người dân các làng ven sông Tô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 123 - 198)

7. Nội dung của luận văn

3.3. Những biến đổi trong hoạt động thờ cúng ở các làng ven sông

3.3.2. Biến đổi trong cách ứng xử của người dân các làng ven sông Tô

đối với việc thờ cúng thần

Khu vực nông thôn gồm các làng mạc thôn ấp thuộc các quận huyện ngoại thành về cơ bản không có xáo trộn lớn về dân cư. Lịch sử đời sống và ghi chép về lai lịch của các dòng họ sống trong các làng mạc mà người ta còn lưu giữ được đến ngày nay cho thấy mức độ tương đối ổn định về dân số trong một khoảng thời gian nhất định. Trước kia, vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội được kiểm soát bởi các cộng đồng làng xã truyền thống với những tập tục khắt khe liên quan đến người ngụ cư có thể được xem là một trong những rào cản hữu hiệu chặn đứng các dòng người nhập cư vào làng xã. Tuy nhiên, hiện nay, đô thị phát triển tạo ra sức hút và trở thành động lực của dòng di dân vào thành phố, trong đó có cả những người lao động có trình độ cao và lao động phổ thông. Lao động nhập cư có thể làm cho thành phố tập trung nhiều người nghèo hơn, nhưng nó cũng là nơi mang lại niềm hy vọng của nhiều người dân muốn thoát khỏi đói nghèo.

Thực ra, không có cơ sở khoa học nào khả dĩ có thể phân biệt được người Hà Nội gốc và người Hà Nội nhập cư. Câu hỏi đặt ra là một gia đình sống ở Hà Nội bao nhiêu lâu thì được xem là người Hà Nội gốc? Ngoài thời gian định cư ở Hà Nội thì còn có tiêu chí nào khác để xác định tính chất “gốc” của người Hà Nội? Chính quá trình đô thị hóa cũng như dòng dân nhập cư vào các làng ven sông đã tạo nên một số những biến đổi nhất định trong cách ứng xử của người dân đối với việc thờ cúng thần.

Cùng với quá trình đô thị hóa, các làng ven sông Tô Hà Nội không chỉ có sự biến đổi về hình thức thờ cúng trong tín ngưỡng thờ thần mà cách ứng xử hàng ngày đối với các hoạt động nghi lễ cũng có sự thay đổi đáng kể. Làng hiện nay không mang tính chất thuần túy bó hẹp trong lũy tre như trước mà có sự mở rộng giao lưu, nhất là khi kinh tế phát triển và các phương tiện truyền thông xâm nhập, làm thay đổi tâm lý nhận thức của người dân. Lối sống đương đại dần dần cũng được đem vào trong lễ hội, đây là một hiện tượng tất yếu trong quá trình phát triển của văn hóa xã hội.

Nếu như trước kia, nam giới đóng vai trò chính trong các hoạt động thờ cúng thần bao gồm cả phần tế lễ và phần hội, từ khâu tổ chức đến thực hành thờ cúng thì nay phụ nữ ngày càng có vai trò nhiều hơn trong các hoạt động thờ cúng. Tại các làng như Đại Từ, Hòa Mục,...xưa kia nữ giới xưa nữ giới không được phép vào đình, đền thì hơn chục năm trở lại đây có sự tham gia ngày càng tích cực hơn vào trong các hoạt động lễ hội. Hầu hết các làng bên cạnh đội tế nam còn có đội dâng hương nữ thực hành tế lễ trong các ngày Xuân tế và Thu tế định kỳ.

Người dân tìm đến với tín ngưỡng, với các di tích thờ cúng thần không chỉ bó hẹp trong các ngày tế lế Xuân thu nhị kỳ mà thể đến đình, đền, miếu bất cứ ngày nào trong năm và người dân đi lễ cũng với nhiều mục đích khác nhau, nhiều nguyện vọng cầu cúng khác nhau. Những ngày rằm mùng một, dân làng đi lễ đình, đền khá nhiều. Không chỉ những người cao tuổi, trung niên mà ngay cả thanh niên, người trẻ tuổi cũng đến lễ thánh, thần với các lễ vật cùng nhiều mục đích khác nhau. Nhiều gia đình khi có công có việc như lên nhà mới, chuẩn bị cưới hỏi, con quấy khóc nhiều cũng sửa lễ ra đình chùa bán khoán. Đối tượng đến lễ thần thánh tại các di tích tín ngưỡng cũng không chỉ có dân làng mà còn thu hút du khách thập phương, các công ty trên địa bàn của làng, sinh viên thuê trọ ở gần. Trong các ngày lễ hội, phụ nữ làng đi lấy chồng nơi khác thường cùng với gia đình cố gắng về dự lễ và hầu như gia đình nào trong làng cũng mời khách, gồm những người thông gia từ làng khác và bạn bè, bạn làm ăn buôn bán đến lễ hội đình, đền, miếu.

Anh Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1979, giám sát công trình giao thông, hiện sống ở làng Kim Giang có chia sẻ với chúng tôi “Tôi không phải là người ở làng này, quê gốc ở Nam Định nhưng lấy vợ ở đây. Tôi là người rất quan tâm đến lịch sử văn hóa cũng như kiến trúc đình chùa. Là người rất tin vào thần linh, khi có hội lễ là tôi cùng với vợ con ra đây ngay. Thông thường thì ngoài ngày rằm, mùng 1 thì tôi thường đến đình, đền vào dịp lễ hội để cầu mong các thánh thần phù hộ cho sức khỏe, gia đình bình an”.

Với sự tác động của quá trình đô thị hóa thì lượng dân nhập cư tại các làng cũng tăng lên bên cạnh dân chính cư. Họ cũng là những người có sự tham gia tích cực cùng với nhiều người dân gốc vào trong các hoạt động thờ cúng. Và hiện nay tại các làng ven sông Tô, việc thực hành thờ cúng thần, đặc biệt trong các dịp lễ hội đều có sự đóng góp của dân nhập cư từ khâu chuẩn bị, nghi lễ, rước xách,...và hầu như không có sự phân biệt nào đáng kể giữa dân chính cư và nhập cư như trước kia. Cụm từ “dân ngụ cư” hiện nay không còn được nhắc đến nữa, bởi đây cũng được coi như là một thành viên chính thức của một làng và có đóng góp tích cực vào sự phát triển cũng như duy trì nét truyền thống của làng.

Tuy nhiên, có một hiện tượng nảy sinh khi quá trình đô thị hóa kéo thêm sự xuất hiện ngày càng đông của những người dân nhập cư. Phần lớn dân nhập cư đều xuất phát từ các làng xã, có phong tục tập quán riêng. Khi đến một mảnh đất mới, họ cũng có tư tưởng muốn áp đặt bản sắc, tập quán cũ của quê mình lên vùng đất mới. Khi làng phát triển thành phố, lối sống cổ truyền theo kiểu liên kết dòng họ và láng giềng vẫn ít nhiều được duy trì trong số cư dân gốc, nhưng một bộ phận lớn dân nhập cư giờ đây đã có cơ hội xâm nhập mạnh hơn vào trong cộng đồng. Nhóm cư dân này mua đất dựng nhà, thường chiếm lấy các vị trí dọc theo con đường làng quanh co chật hẹp nay trở thành những dãy phố mới. Vì không có mối liên hệ lịch sử nào với nhóm cư dân gốc, những cư dân mới gia nhập vào các làng - phố này mang đến những thói quen, tập tục và thế ứng xử của riêng họ bên cạnh các giá trị truyền thống của cộng đồng gốc, tạo nên những đứt gẫy và hẫng hụt trong lối sống của cả hai nhóm cũ và mới.

Có thể nói rằng mục đích của việc cầu cúng cũng đa dạng hơn vì đối tượng đi lễ mở rộng: người làm ăn cầu kinh doanh phát đạt, sinh viên cầu học hành thuận lợi. Trước kia, những người đi lễ thánh chỉ có tiền giọt dầu gửi cho người trông coi nơi thờ tự để họ chi phí cho việc cúng lễ, người dân đến lễ thần là vì niềm tin, thành tâm. Còn hiện nay, lễ thánh không đơn thuần vì thành tâm mà mang tư duy xin cho, trao đổi, tư duy hàng hóa thương mại. Những mặt trái của kinh tế thị trường, của đô thị hoá là những rủi ro, sự xuống cấp các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống.

Từ năm 1984, đình Ứng Thiên đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử. Theo Bác Nguyễn Mạnh Tiến – ông Từ đình Ứng Thiên cho biết thì do Mẫu

Địa rất linh thiêng nên vào các ngày lễ, Tết, từ 2 - 3h sáng đã có người gọi cửa đình để xin được vào lễ. Đa phần những người đến dâng lễ ở đây đều đang có việc liên quan đến đất đai, nhà cửa hoặc việc làm ăn.

Có một người dân kể lại “Nhiều người xin vào trong cung cấm làm lễ Mẫu rồi lấy điện thoại, máy chụp ảnh để chụp hình Mẫu nhưng khi ra ngoài xem lại thì các hình ảnh đều bị mờ, nhòe không thể xem được hoặc có người bị Mẫu nhập vào, khóc cười, la hét, lên cơn co giật. Sau đó phải lễ Mẫu mới hóa giải được”. Thực tế, chuyện Mẫu địa nhập vào người cầu khấn hay Mẫu phù hộ độ trì cho ai hay không thì không thể kiểm chứng được rõ ràng nhưng bản thân dân làng Láng cũng như du khách thập phương khi đến với đình Ứng Thiên thì đều có một lòng tin vào sự linh thiêng tuyệt đối của Mẫu Địa.

Sự trông chờ vào thần thánh, trông chờ vào thế lực siêu nhiên xuất hiện ở nhiều nhóm xã hội với sự mê tín trong tín ngưỡng, cúng bái, lễ nghi. Điều này thể hiện rất rõ không chỉ trong các lễ hội mà ngay những ngày bình thường thì việc tìm đến lễ thánh cũng mang những mục đích, động cơ khác nhau. Đền Quán Đôi là nơi đồn thồi có liên quan đến câu chuyện “Thánh vật sông Tô Lịch” năm 2001, hàng ngày vẫn có người tìm đến, trước là để vái đền, sau lại "tranh thủ" quay ra vái sông Tô Lịch. Mặc dù đã được cụ thủ từ của đền Quán Đôi khẳng định đền không liên quan gì đến chuyện "Thánh vật", thế nhưng đến giờ vẫn còn khá nhiều người tứ xứ thập phương tin vào những câu chuyện đó.

* Tiểu kết chương 3

Hà Nội dù là một đô thị nhưng vẫn mang nhiều tính chất của làng quê, đặc biệt biểu hiện ở lối sống cộng đồng qua hình thức thờ cúng thần. Dưới tác động của đô thị hóa, các hoạt động thờ cúng thần tại đình, đền, miếu cũng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới cùng với những biến đổi trong cách ứng của người dân với việc thờ cúng thần.

Sự đa dạng trong thực hành tín ngưỡng thờ thần cho thấy sự vận động của nó theo không gian và thời gian tồn tại của nó cho thấy quá trình hình thành vùng đất cà đời sống xã hội của các nhóm cư dân, phán ánh đời sống văn hóa tinh thần. Cũng từ những hoạt động tín ngưỡng nhưng mang ý nghĩa văn hóa xã hội này, người dân đã nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống của làng. Đặc biệt, khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, những căng thẳng, thách thức của nền kinh tế thị trường càng làm cho mỗi con người hiện đại thấy nhu cầu về văn hoá, về tâm linh một cách mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn.

KẾT LUẬN

1. Đặc trưng tín ngưỡng thờ thần tại các làng ven sông Tô Lịch không mang những giá trị, triết lý cao siêu mà mang ý nghĩa hiện sinh, đều xuất phát từ trong thực tế đời sống sinh hoạt của các cư dân và vẫn mang đậm yếu tố nông nghiệp như thờ thủy thần, vị trí quan trọng của Mẫu (các vị nữ thần) trong cuộc sống nhân dân.

Trải qua bao biến thiên, vận động của xã hội, tín ngưỡng thờ thần và các biểu hiện của tín ngưỡng tại các làng ven sông Tô Lịch vẫn là một hình thức cố kết cộng đồng, nó luôn vận động, bám sát cuộc sống, tích hợp nhiều lớp văn hóa khác nhau. Mỗi loại hình tôn giáo tín ngưỡng đều nảy sinh và tồn tại trong một môi trường xã hội nhất định, nó phản ánh trình độ tu duy, ước mong của cộng đồng. Tất nhiên, với sự ảnh hưởng của môi trường xã hội thì tín ngưỡng cũng có sự biến đổi nhất định trong cách thực hành thờ cúng cũng như có sự biến đổi nhất định trong cách ứng xử của cư dân đối với hoạt động thờ cúng thần.

Chúng tôi tìm hiểu tín ngưỡng thờ thần ven sông Tô Lịch trong bối cảnh các làng đang chịu tác động mạnh mẽ từ quá trình đô thị hóa. Không chỉ có kinh tế, xã hội mà các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng cũng bị ảnh hưởng khá rõ nét. Tuy nhiên, các khu dân cư trong quá trình đô thị hóa đó thì bản chất vấn là một ngôi làng và các di tích đình, đền, miếu vẫn tồn tại hoặc đang được phục hồi như một yếu tố văn hóa cộng đồng, giúp cố kết tinh thần cộng đồng không chỉ trong làng mà còn được duy trì thông qua mối quan hệ với nhiều làng khác.

Thông qua các hoạt động thờ cúng, đặc biệt là lễ hội có ý nghĩa giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên, xây dựng thị hiếu lành mạnh, nếp sống văn hóa, không bị mất gốc, lai căng. Tín ngưỡng thờ thần còn có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tình cảm, lối sống của người dân, khơi dậy trong họ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống văn hóa, từ đó thúc đẩy ý thức mỗi người trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Tính năng động trong không gian sinh tồn và lối sống của các làng ven sông Tô Lich mà luận văn chỉ tiếp cận một bộ phận liên quan đến tín ngưỡng thờ thần. Tuy có sự tác động đáng kể của quá trình đô thị hóa dẫn đến những biến đổi nhưng

về bản chất, tín ngưỡng thờ thần của các làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản trong các hoạt động thực hành thờ cúng.

2. Hoạt động thờ cúng thần trong một không gian ven sông Tô Lịch với những đặc điểm riêng biệt đã đóng góp tạo thành một bộ phận cấu thành nên không gian văn hóa Thăng Long – Hà Nội, một vùng văn hóa bao gồm cả yếu tố đô thị và làng quê. Điều này được thể hiện rõ trong sự biến đổi của các nghi thức thờ cúng cũng như ứng xử, thái độ niềm tin của cư dân đối với việc thờ cúng thần. Cho dù chịu tác động của các yếu tố bên ngoài khá rõ nét, đặc biệt là sự phát triển kinh tế xã hội trong quá trình độ thị hóa nhưng về cốt lõi, tín ngưỡng thờ cúng thần tại các làng ven sông Tô vẫn giữ được nét hạt nhân ban đầu chính là ước vọng chở che, là cứu cánh cho tâm hồn trong cuộc sống nhiều bất trắc.

Con sông Tô Lịch hiện hữu đã tạo nên xung quanh nó một vùng văn hóa mang một dấu ấn đặc biệt mà quan trọng nhất là yếu tố tín ngưỡng liên quan đến sông nước và nông nghiệp. Chính điều này là yếu tố giúp làm phong phú thêm cho không gian văn hóa Thăng Long – Hà Nội với nhiều sự biến đổi về đặc trưng từng ngày.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2003), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 2. Ngọc Anh (2002), Các hình thức thờ cúng của bộ lạc, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 3. Toan Ánh (1997), Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ), Nxb TP. Hồ Chí

Minh, TP. Hồ Chí Minh

4. Toan Ánh (2005), Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam (quyển thượng), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh

5. Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (2000), Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

6. Nguyễn Bắc, Nguyễn Vinh Phúc (2000), Hà Nội phố - làng - biên niên sử, Nxb Hà Nội, Hà Nội

7. Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh

8. Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010), Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội

9. Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tich của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

10. Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh (2011), Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội

11. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 12. Ngô Bách Bộ, Nguyễn Đăng Chuyên (dịch), Bùi Thanh Ba, Hoa Băng (hiệu

đính) (1978), Tuyển tập văn bia Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

13. Nguyễn Thị Phương Châm (2009), Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 123 - 198)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)