Một số biến đổi trong thực hành thờ cúng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 115 - 123)

7. Nội dung của luận văn

3.3. Những biến đổi trong hoạt động thờ cúng ở các làng ven sông

3.3.1. Một số biến đổi trong thực hành thờ cúng

Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng được biểu hiện trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Từ những làng thuần nông nghiệp hoặc thủ công, buôn bán nhỏ lẻ mang đậm đặc trưng của nông thôn Việt Nam truyền thống, các làng ven sông Tô Lịch – Hà Nội đã trở thành một “đô thị mới” và quá trình phát triển đô thị đang diễn ra một cách mạnh mẽ và đa dạng, đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong cuộc sống của những người dân nơi đây. Đó là sự thay đổi trong tổ chức quản lý hành chính – xã hội, không gian kiến trúc và cơ sở hạ tầng, thành phần dân cư, những chuyển biến về cơ cấu kinh tế, ngành nghề,…đã kéo theo những biến đổi về đời sống tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân.

Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu, phân tích dưới góc độ đơn vị là làng mà không sử dụng khái niệm phố hay phường. Tuy nhiên, một thực thể thì không thể tách rời bối cảnh của nó được, do đó cái mà chúng tôi quan tâm chính là làng đang trong quá trình đô thị hóa và tác động của đô thị hóa đó đối với tín ngưỡng, đời sống tâm linh của dân cư đang sinh sống trong các “làng” đó như thế nào.

Mô hình đô thị từ làng lên phố chứ không phải là mô hình đô thị hoàn toàn mới. Dân cư đô thị là một dân cư động, khác dân cư nông thôn mang tính chất tĩnh. “Làng” ở đây đã trở thành phố trong quá trình đô thị hóa do đó đương nhiên nó mang các đặc điểm của dân cư đô thị. Lối sống vẫn mang đậm nét là tư cách một thành viên trong xã hội, thành viên trong cộng đồng phải có nghĩa vụ bảo vệ cộng đồng đó. Mối liên kết người dân đô thị, đặc biệt dân nhập cư có liên quan đến thân phận, không gian sinh tồn.

Thay đổi là một hằng số của văn hóa và không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến. Trong không gian của “thành phố” luôn có một phần thuộc khu vực nông thôn và phần nông thôn lúc nào cũng ở vị thế lấn át so với phần thành thị. Quá trình đô thị hóa diễn ra đã tạo ra diện mạo mới và biến đổi mạnh mẽ trên mặt tín ngưỡng, tôn giáo.

Những biến đổi trong thực hành thờ cúng mà chúng tôi đề cập trong luận văn sẽ được so sánh trong thời gian hiện tại với thời gian trước khi quá trình Đổi mới về kinh tế bắt đầu diễn ra năm 1986.

*Những biến đổi trong không gian thờ cúng và thời gian diễn ra lễ hội

Thời kỳ chiến tranh 1946-1954 là khởi điểm của việc thu hẹp dần không gian lễ nghi công cộng và dẫn tới một số những biến đổi cơ bản về các hoạt động thờ cúng thần tại các làng ven sông Tô Lịch. Một phần đình bị phá vào trong chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Thần tích, sắc phong cũng bị đốt hoặc thất lạc. Sau 1954, nhà tiền tế của khá nhiều đình bị phá để làm nhà văn hóa và khu vực đình trở thành kho hợp tác xã theo chủ trương chung của Nhà nước.

Những gián đoạn và giản thiểu nói trên của đời sống lễ nghi cộng đồng một phần là do những khó khăn về kinh tế, nhất là trong thời kỳ chiến tranh Việt - Pháp và Việt - Mỹ không thể duy trì các hoạt động thờ cũng một cách thường xuyên, đều đặn. Tuy nhiên, lý do chính yếu là bởi chính sách của nhà nước xem sinh hoạt lễ nghi là mang tính duy tâm, dị đoan.

Sang thập niên 1990, chính sách của nhà nước về tôn giáo, văn hóa đã có phần cởi mở hơn, đời sống của nhân dân được nâng cao sau khi chính sách đổi mới được áp dụng, do đó nhu cầu về tâm linh dường như có sự thay đổi khá tích cực. Không gian thờ cúng, lễ nghi và lễ hội cộng đồng tại các làng ven sông Tô Lịch cũng trở nên sinh động hơn. Đây cũng là giai đoạn những sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng được khôi phục khá mạnh mẽ. Song song với việc tu sửa và tái tạo không gian lễ nghi cộng đồng là việc tái tạo và sáng tạo cơ chế cho lễ nghi ở đình và chùa. Tuy nhiên, không gian thờ cúng thần cũng có những sự biến đổi nhất định với hai khuynh hướng khác nhau. Thứ nhất, với tác động của quá trình đô thị hóa, phần không gian dành cho việc thờ cúng các thần ở các di tích như đình, đền, miếu có xu hướng ngày càng bị thu hẹp dần, phần đất thuộc khu vực thờ cũng nay biến thành khu dân cư mà đình Ứng Thiên là một ví dụ điển hình. Cấu trúc của đình gồm có nhà tiền tế, phương đình với hai dãy giải vũ nằm song song. Phần thờ tự chính xây liền với phương đình. Tuy nhiên, không gian thờ cúng nay đã bị thu hẹp chỉ còn

nhà tiền tế và một dãy nhà giải vũ mà thôi. Sự biến đối này diễn ra mạnh mẽ nhất ở khu vực sầm uất, có trục đường giao thương, buôn bán thuận lợi.

Xu hướng thứ hai là việc khôi phục lại không gian thờ cúng và giữ nguyên được hiện trạng của các di tích trong tổng thể không gian chung cho dù về kiến trúc đã có sự biến đối nhất định.

Việc không gian thờ cúng có sự biến đổi sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là các nghi lễ hoặc trò diễn dân gian cũng sẽ được điều chỉnh lại sao cho phù hợp nhất mà điều này sẽ được chúng tôi đề cập ở phần sau.

Bên cạnh không gian thờ cúng có sự biến đổi đáng kể thì thời gian diễn ra các hoạt động tín ngưỡng cộng đồng cũng có sự thay đổi. Nếu như hội làng trước đây được tổ chức long trọng trong vòng nhiều ngày thì trong suốt một thời gian chiến tranh, thời kỳ hợp tác xã và bao cấp hội làng đã bị mai một, thậm chí có làng hầu như không được tổ chức. Việc khôi phục các lễ nghi được tiến hành từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỳ 20. Tuy nhiên, thời gian diễn ra lễ hội không kéo dài như trước, hội hiện nay chỉ gói gọn trong vòng 2-3 ngày là chính và không phải năm nào cũng rước thần hoàng làng, có những làng 3 năm hoặc 5 năm mới tổ chức rước thần một lần. Tuy nhiên, quy định về thời gian lễ hội cũng có sự linh hoạt vì khi làng có việc lớn thì cũng tổ chức tế lớn. Ví dụ như đình Ứng Thiên của làng Láng (Yên Lãng), các nghi lễ thờ cúng, đặc biệt là lễ hội mới khôi phục gần chục năm nay do điều kiện kinh tế phát triển nên lễ hội của làng được tổ chức trong vòng 3 ngày, trước kia, các hoạt động lễ hội chỉ được tổ chức trong vòng một ngày mùng 8-3 Âm lịch mà chủ yếu là chỉ có đội tế nam thực hành nghi lễ mà không có đội dâng hương nữ như hiện nay.

*Biến đổi trong việc lựa chọn thần đƣợc thờ và phối thờ các thần

Xuất phát từ sự phát triển kinh tế, xã hội mà việc thờ cúng các thần cũng có sự thay đổi, một trong số đó chính là việc phối thờ thêm nhiều vị thần không có nguồn gốc hoặc liên quan tại làng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tại làng Hòa Mục do nguyện vọng của nhân dân mà đền thờ vọng Mai Hắc Đế đã được lập. Căn nguyên của việc lập đền thờ mới xuất phát từ mối quan hệ với vị thần cũ tại làng. Mai Hắc

Đế chính là phu quân của Bà Phạm Thị Uyển – một trong những vị Thành hoàng của làng Hòa Mục.

Việc phối thờ thêm Chủ tích Hồ Chí Minh là một hiện tượng khá phổ biến trong nhiều di tích mà chúng tôi đã đề cập tại phần “Đặc điểm của hệ thống thờ thần linh ven sông Tô Lịch”.

Theo nguyên tắc thì đình thường thờ các vị thần, thành hoàng làng, tuy nhiên có một hiện tượng mới diễn ra ở Đình Ngoài – làng Hòa Mục, bên cạnh thờ 3 vị thành hoàng là Phạm Thị Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy thì còn phối thờ cả Mẫu. Đây là một hiện tượng hiếm gặp ở các làng khác ven sông Tô và những nơi khác. Hầu đồng cũng được diễn ra khá thường xuyên tại đình, đền và không chỉ trong các ngày lễ hội lớn. Đình Ứng Thiên như đã đề cập tuy có thờ Mẫu Địa nhưng về bản chất thì đây chính là một ngồi đền thờ mẫu hơn là một ngôi đình thờ thành hoàng làng.

*Những cải biên đáng kể trong những lễ nghi ngày hội làng

Khi mà không gian sinh hoạt văn hóa bị giới hạn thì một hệ quả tất yếu là sinh hoạt lễ nghi trong tín ngưỡng cộng đồng cũng bị giới hạn nhiều và sẽ có sự biến đối nhất định so với ban đầu. Các hoạt động lễ nghi, thờ cúng thần tại các làng ven sông Tô Lịch về cơ bản đã có những cải biên đáng kể và được minh chứng rõ nhất thông qua các hoạt động lễ hội mang quy mô lớn, quy tụ được sự tham gia của cả cộng đồng. Do sự đứt đoạn bởi chiến tranh hay do chính sách của Đảng và Nhà nước trong những giai đoạn cụ thể mà những phong tục, lễ nghi trong việc thực hành thờ cúng thần không còn đúng hoàn toàn theo nguyên gốc trước đó. Thực chất, các hoạt động lễ nghi đó được khôi phục lại một phần dựa trên các tài liệu ghi chép còn lại được gìn giữ hoặc do trí nhớ của các bậc cao niên trong làng.

Đình Gừng nằm ở đường Khương Hạ (nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây theo tư liệu dân gian đã từng được quân Quang Trung chứa vũ khí để đánh đuổi quân Thanh. Đình có thờ vị thành hoàng là Lê Dương Vệ - người đã có công tập hợp trai tráng theo vua Lê chống Mạc vào tận Thanh Hóa. Cứ đến lễ hội mùa xuân (xuân tế) diễn ra vào ngày 12/2 Âm lịch hàng năm, theo phong tục truyền thống thì dân làng sẽ chọn các cụ có

uy tín cùng trống giong cờ mở rất long trọng tổ chức lễ rước nước, tức là lấy nước ở Giếng Ngự trong làng rước về để thờ cúng ở Đình Gừng. Còn Giếng Ngự cách Đình Gừng hơn 1 km, qua xóm Chàm (nằm sát Đầm Hồng - lớn hơn hồ Hoàn Kiếm). Nhưng từ khi hợp tác xã nông nghiệp bị giải tán, đất trong làng được mua bởi nhiều người dân nhập cư, quá trình đô thị hóa ồ ạt, Đầm Hồng giao cho tư nhân thả cá thì Giếng Ngự bị nước bẩn tràn vào và bị ô nhiễm nên ngày lễ hội Đình Gừng vẫn tổ chức rước nước, tuy nhiên không dùng nước lấy từ giếng mà dùng nước suối đóng chai để dâng cúng thành hoàng trong ngày lễ. Sự biến đổi này cho thấy về bản chất thực hành thờ cúng vẫn giữ nguyên nhưng biểu hiện bên ngoài đã có sự thay đổi đáng kể.

Nhiều người trẻ tại làng Khương Hạ cho rằng nay đã có nước máy sạch sẽ nên lấy nước máy ở Đình Gừng thờ cúng vừa thuận tiện, không cần trống giong cờ mở ách tắc giao thông khi rước nước từ Giếng Ngự về Đình Gừng. Nhưng khi chúng tôi phỏng vấn trực tiếp các cụ cao niên trong các buổi lễ hội ở Đình Gừng thì tất cả đều cho rằng thủ tục rước nước từ Giếng Ngự về Đình Gừng nếu mất đi vĩnh viễn thì rõ ràng một phần hồn của lễ hội này đã mất.

Việc thực hành lễ nghi trong ngày lễ hội tại các làng cũng có sự biến đối nhất định. Điều này thể hiện rõ nhất trong thành phần tham gia và các hoạt động thực hành thờ cúng của nhân dân. Kịch bản lễ hội nay được soạn thảo cẩn thận, chi tiết: diễn văn khai mạc, đánh trống, múa lân, rước xách, trách nhiệm của từng ban đều được quy định rõ ràng. Có thể thấy rõ xu hướng giảm bớt các chi tiết rườm rà, không hợp lý, đầu tư vào một số nghi lễ thờ cúng quan trọng, xuất phát từ nhu cầu và sự lựa chọn của dân làng. Ngoài ra, có trong hoạt động lễ nghi còn có sự có mặt của khá nhiều những yếu tố được tạo dựng hoàn toàn mới, hoặc cải biến những yếu tố cũ theo những nội dung hay hình thức mới hơn.

Lễ khai mạc là một nghi lễ gần như hoàn toàn hiện đại, có chào cờ Tổ quốc, Quốc ca, có những lời phát biểu của Trưởng ban tổ chức cũng giống hệt như một chương trình lễ hội kiểu mẫu thường phát trên truyền hình. Các lời văn cũng tế trong lễ hội, ban tổ chức cũng chú trọng sao cho diễn đạt dễ hiểu.

Sự tham gia của nữ giới vào trong các hoạt động thờ cúng, đặc biệt là thực hiện các lễ nghi trong lễ hội được thể hiện khá rõ nét tại tất cả các làng ven sông Tô Lịch, phản ánh sự bình quyền nam nữ tương đối trong hệ thống lễ nghi cộng đồng. Trong đám rước, sự tham gia của phụ nữ cũng khá đông đảo như toán thanh nữ vác các cờ ngũ sắc, đội dâng hương của các phụ nữ tương đối lớn tuổi mặc áo dài và các cụ bà. Theo các tư liệu điền dã cũng như các bậc cao niên kể lại thì đám rước trong thời kỳ Pháp thuộc chỉ có nam giới tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, các cụ bà hoặc phụ nữ trung niên cũng thành lập một đội dâng hương và lễ dâng hương ở đình, đền đã trở thành một “truyền thống” mới, đối xứng với lễ tế của đội tế nam ở đình. Đội dâng hương tổ chức dâng hương 4 lần/năm vào dịp thượng nguyên, vào hè, ra hè, và các ngày Thánh đản, kỵ Thánh,...

Việc mở rộng đám rước Thành Hoàng cho nữ giới, phản ánh những thay đổi quan trọng trong hệ tư tưởng và cơ cấu xã hội Việt Nam sau thời kỳ độc lập theo chiều hướng nam nữ bình quyền. Điều này cũng phản ánh những tác động từ các chính sách của nhà nước đến hoạt động thờ cúng thần ven sông Tô mà cụ thể trong trường hợp này là chính sách bình đẳng giới.

Cũng có một sự thay đổi đáng kể về sự bình quyền của nữ giới trong hoạt động từ cúng, không chỉ thể hiện ở sự tham gia vào các nghi lễ rước xách. Từ góc độ ý nghĩa biểu tượng và tâm linh, phái nam có thể vào khu vực linh thiêng nhất của chùa (phần hậu cung, phía sau, nơi có bàn thờ chính, long ngai bài vị của thần), phái nữ trên nguyên tắc thì không được vào hậu cung của đình. Tuy nhiên, hiện nay phụ nữ vẫn có quyền nhất định trong việc vào hậu cung thực hiện các lễ nghi tuy quyền hạn không bằng nam giới.

Sự tham gia của các tổ chức quan phương như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và phi quan phương mới như đội thể dục thể thao đã phản ánh cách tổ chức và sự thay đổi trong tổ chức xã hội địa phương trong những năm gần đây.

Nguyên tắc chỗ ngồi ở đình vào ngày lễ cũng như những dịp sinh hoạt khác cũng có sự thay đổi khá nhiều so với trước kia. Ở đình và chùa thì cao nhất là cụ

Thượng và cụ bà lớn tuổi nhất. Nguyên tắc này ở chùa dường như không thay đổi, nhưng ở đình thì có một sự thay đổi lớn. Về ngôi thứ, theo một cụ đã từng ra đình trước năm 1949, thì những vị trí quan trọng nhất ở đình dành cho cụ tiên chỉ là người có tiền hay vai vế trong làng, cụ Thượng (người cao tuổi nhất trong các cụ cao tuổi đã từng tổ chức khao theo lệ làng để được tham gia ăn cỗ ở đình) và Ông đám. Cụ Tiên chỉ, cụ Thượng, và Ông đám mỗi người ăn một cỗ riêng, nhưng cụ Thủ thì lại thêm một cỗ mang về. Các tổng lý, hương trưởng ngồi một bên và các cụ lớn tuổi khác ngồi bên kia, còn bạch đinh (gồm cả những người lớn tuổi nhưng không có điều kiện kinh tế làm lễ khao) thì ngồi ngoài nhà tiến tế chứ không được vào ăn trong đình. Như vậy, nghi thức vị trí của các cụ ông sau này tại đình làng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 115 - 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)