Hệ thống các làng ven sông Tô Lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 25 - 35)

7. Nội dung của luận văn

1.2. Hệ thống các làng ven sông Tô Lịch

Như trình bày ở phần mở đầu, chúng tôi sử dụng khái niệm “làng” tức đơn vị tụ cư truyền thống để phân tích và so sánh thay cho đơn vị hành chính bởi nhiều làng hiện nay đã trở thành “phường” nhưng vẫn giữ một số hạt nhân truyền thống mà chúng ta có thể tìm hiểu.

Theo thống kê khu vực khảo sát thực địa từ khu vực Bưởi cho đến Thanh Liệt, Linh Đàm cho đến nay có 38 làng ven sông Tô Lịch (xem bảng Phụ lục 1). Các sinh hoạt tín ngưỡng liên quan tới các vị thần tuy có những nét riêng biệt trong thực hành thờ cúng nhưng lại có sự thống nhất về bản chất, đặc trưng tín ngưỡng. Do đó, về cơ bản các làng ven sông Tô Lịch đã tạo thành một vùng tín ngưỡng thờ thần trong không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội tức là hiện tượng thờ thần linh nảy sinh, tồn tại, biến đổi và liên kết với nhau như một hệ thống giữa các làng trong mối quan hệ với các hiện tượng văn hoá khác.

Ngay từ khi Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và trải qua các triều Lý - Trần Lê, khu vực ven sông Tô Lịch đã có một sức sống mạnh mẽ. Hai bên sông xuất hiện nhiều làng dân cư đông đúc, kinh tế phát triển. Bên tả ngạn bao gồm phần đất của 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, ngoài thành Nội còn có 61 phường thợ thủ công. Dân thập tạm trại từ Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía tây thành Thăng Long, ven sông Tô khá đông đúc với nghề làm nông nghiệp: trồng lúa, rau, hoa cùng với nhiều sản vật nổi tiếng nhiều đời nay:

“Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây” Hay “Kể chơi một huyện Thanh Trì Mọc làm hàng xáo, Láng thì trồng rau”

Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, dân cư ven sông Tô Lịch còn có các nghề thủ công nổi tiếng như Nghĩa Đô, An Thái, Hồ Khẩu, Kẻ Cót có nghề làm làm giấy, trong đó giấy đó Nghĩa Đô, An Thái được triều đình dùng để viết chiếu chỉ, sắc phong. Các làng Trích Sài, Bái Ân, Nghĩa Đô có nghề dệt lụa lĩnh nổi tiếng từ ngàn xưa. Dân huyện Thanh Đàm xưa có nhiều làng xã nằm ven sông Tô có các nghề thủ

công truyền thống nổi tiếng hay những nghề mang đặc trưng riêng như nghề kim hoàn ở Định Công Thượng, nghề làm quạt và kẹo bột bỏng gạo ở Kim Lũ, làm dưa cà làng Gừng (Khương Hạ),...

Dọc hai bờ sông Tô từ khu vực Bưởi đến Thanh Trì có nhiều làng cổ, mỗi làng đếu có đầy đủ các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, đền, chùa. Sông Tô Lịch gắn liền với những địa danh mang dấu ấn của các làng nghề và các danh nhân đất kinh đô.

Dưới đây nguồn tư liệu thực địa về một số ngôi làng cổ tiêu biểu bên cạnh dòng sông Tô với những nét chính về sự thay đổi địa giới cũng như văn hóa. Chính các ngôi làng này đã có đóng góp quan trọng giúp hình thành nên một vùng văn hóa trong không gian văn hóa chung Thăng Long – Hà Nội.

Làng cổ An Thái (Yên Thái) vốn từ thời Lý có tên gọi là phường Tích Ma, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Từ đời Minh Mệnh, phường Tích Ma được đổi thành một đơn vị hành chính mới gọi là xã Yên Thái với ba thôn là An Đông, An Thọ và Yên Thái. Hiện nay, ba thôn này là ba khối cụm dân cư thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

An Thái xưa nằm cạnh ngã ba hai con sông, thứ nhất là sông Tô Lịch chảy từ Giang Khẩu (phố Hàng Buồm) chạy lên phía Tây - Bắc, thứ hai là sông Thiên Phù chảy từ phía bến Lâm Ấp (nay là phường Phú Thượng) chảy qua Bái Ân đến Nghĩa Đô thì hoà nước vào với nhau tạo thành một bến nước có chợ họp đông vui gọi là bến Hồng Tân, chợ Hồng Tân (nay gọi là chợ Bưởi). Làng An Thái trứ danh với nghề làm giấy dó. An Thái có ba thôn: An Thái, Thọ Thôn và Đông Xã (nay thuộc phường Bưởi - quận Tây Hồ) nhưng Đông Xã là nơi duy nhất có bí quyết làm giấy dó lụa.

Cống Vị là một làng nhỏ (năm 1926, chỉ có 260 người), nằm ở đoạn cuối của phố Đội Cấn và đường Bưởi, nay thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình. Đây cũng là một làng thuộc “Thập tam trại” (13 trại ở phía tây Kinh thành Thăng Long). Đình làng thờ Hoàng Ngọc Trung, người có công di dân, lập làng, khai phá vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long thời Lý. Phía Bắc làng tiếp giáp thôn Cống Yên của làng Vĩnh Phúc, phía nam giáp làng Thủ Lệ, phía Đông là khu hồ nước

chung với hai làng Liễu Giai và Kim Mã Thượng, phía tây giáp đường Bưởi chạy dọc sông Tô Lịch, bên kia sông là một phần làng Thượng Yên Quyết (nay là làng An Hòa, thuộc phường Yên Hòa và Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Cống Vị có hai họ chính, cũng là hai họ sinh sống tại làng từ lâu đời là họ Nguyễn và họ Trương.

Bái Ân từ thời Lý là một phường của kinh thành Thăng Long. Đầu thế kỷ XIX, phường Bái Ân thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đầu thế kỷ XX, nhập vào đất phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Trong kháng chiến chống Pháp thuộc khu Đại La. Đến năm 1961, Bái Ân thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm và từ tháng 9 – 1997 cho đến nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Xa xưa, làng Bái Ân nằm ở chỗ hợp lưu hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù, có bến Giang Tân. Về sau sông bị lấp, tạo ra vùng bãi rộng lớn, dân cư lúc đầu ở tại xóm Bãi. Truyền thuyết xưa kể lại, sau khi rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, Vua Lý Thái Tổ đã đi thuyền rồng đến bến Giang Tân, dừng chân hỏi thăm bà con một làng ven sông Tô và ban cho tên gọi là Bái Ân nghĩa là ơn nghĩa của vua thấm nhuần thiên hạ.

Bái Ân là một trong bốn phường hợp thành Kẻ Bưởi nổi tiếng với hai đặc sản là giấy và lĩnh. Tương truyền, tổ nghề dệt là người họ Thái ở Trung Quốc sang Việt Nam từ hơn 1000 năm trước đây, truyền cho dân làng Bái Ân đầu tiên, rồi từ Bái Ân truyền sang các làng khác trong vùng Bưởi.

Làng Thủ Lệ nằm ở góc giữa đường Bưởi - Cầu Giấy, gắn với sông Tô Lịch ở phía Tây, Phía bắc làng Thủ Lệ ngăn cách với làng Cống Vị bởi một con đường nhỏ. Phía đông tiếp giáp với làng Vạn Phúc.

Thủ Lệ là một làng nhỏ, diện tích chưa đầy 100 mẫu Bắc Bộ. Hai họ được coi là gốc là họ Nguyễn và họ Trương, song đây đều là các họ nhỏ. Dân làng xa xưa sống chủ yếu bằng làm ruộng trên phần ruộng công. Ngoài ra, dân làng còn kiếm sống bằng đánh bắt cá trong các hồ lớn quanh vùng. Đầu thế kỷ XIX, Thủ Lệ là một trại tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức (từ năm 1831 trở đi thuộc tỉnh Hà Nội). Thời Pháp thuộc, có thời kỳ làng nhập với làng Cống Vị thành một xã. Từ đầu năm 1915, làng thuộc huyện Hoàn Long (tỉnh Hà Đông), đến năm 1942

đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Vĩnh Phúc, Cống Vị thành xã Phúc Lệ thuộc quận I. Ngày nay Thủ Lệ là một bộ phận của phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Làng Thủ Lệ nổi tiếng với ngôi đền Voi Phục – một trong Thăng Long tứ trấn xưa thờ Linh Lang Đại Vương. Hội làng diễn ra vào ngày 10 tháng Hai Âm lịch với nhiều hoạt động thờ cúng mang tính chất truyền thống, thu hút rất đông khách thập phương tham dự.

Láng (Yên Lãng) cũng là một làng cổ nằm bên sông Tô Lịch đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở. Làng Láng là tên nôm của xã Yên Lãng thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ. Đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Láng được sáp nhập vào huyện Từ Liêm, Hà Nội, nay thuộc quận Đống Đa, được chia làm 3 phường: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ. Làng Láng nổi tiếng với những di tích, thắng cảnh đẹp như Chùa Láng, đình Ứng Thiên và còn nổi tiếng với nghề trồng rau thơm.

Tiếp giáp với làng Láng là làng Thịnh Quang. Dân làng Thịnh Quang vốn từ làng Sở (nay là xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) ra Thăng Long kiếm sống. Họ lập một trại ở giữa các làng Láng và Khương Thượng, Khương Trung, dần dần thành làng, lấy tên làng cũ đặt cho tên làng mới, gọi là làng Sở. Địa dư của làng xưa kia khá rộng, nhưng dân cư ít nên về phương diện hành chính vẫn chỉ là một trại, đến đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.

Lớp cư dân gốc của làng Thịnh Quang thuộc ba họ: Trần, Nguyễn, Đoàn. Tổ chức làng của Thịnh Quang trước Cách mạng vẫn theo mô hình của làng xã nông thôn. Làng có ba xóm: Đình, Giữa, Dưới và hai giáp (Đông và Đoài).

Làng Khương Trung nằm trong vùng “Tam Khương” (ba làng Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ), đầu thế kỷ XIX cả ba làng nằm trong xã Khương Đình thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội, từ 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Từ năm 1915, ba thôn của xã Khương Đình được tách thành ba xã độc lập: xã Khương Thượng thuộc tổng Yên Hạ, xã Khương Trung thuộc tổng Hoàng Mai cùng nằm trong huyện Hoàn Long, còn xã Khương Hạ vẫn nằm trong tổng Khương Đình,

huyện Thanh Trì. Trong kháng chiến chống Pháp, ba thôn lại sáp nhập thành xã Khương Đình thuộc quận VI. Khi hòa bình lập lại, lúc đầu xã Khương Đình thuộc quận VII ngoại thành Hà Nội. Về sau, hai thôn Khương Thượng và Khương Trung thuộc khu Đống Đa (Hà Nội), rồi trở thành các tiểu khu riêng biệt, đến năm 1981 đổi thành hai phường thuộc quận Đống Đa. Thôn Khương Hạ được nhập với thôn Hạ Đình và hai xóm Đình, Chùa của thôn Thượng Đình thành xã Khương Đình, (làng Thượng Đình sau năm 1954 chỉ còn hai xóm Đình và chùa khi một phần đất đã được chuyển thành khu công nghiệp Thượng Đình). Năm 1961, xã Khương Đình được chuyển về huyện Thanh Trì. Khi quận Thanh Xuân được thành lập năm 1997, xã Khương Đình được chia thành hai phường: Khương Đình và Hạ Đình thuộc quận này.

Địa dư của làng Khương Trung xưa kia khá rộng: phía Đông giáp đồng làng Phương Liệt (tức làng Vọng), phía Nam giáp hai làng Khương Hạ và Định Công; phía Tây tiếp giáp sông Tô Lịch ngăn cách làng với các làng Thượng Đình, Hạ Đình; phía Bắc và Tây Bắc giáp các làng Láng Hạ, Thịnh Quang, Khương Thượng. Tổng cộng có đến trên 300 mẫu, nhưng đến năm 1919, hơn hai phần ba ruộng đất của làng bị thực dân Pháp chiếm để làm sân bay Bạch Mai. Làng Khương Trung có hai họ lớn, cũng là hai họ gốc là họ Phạm và họ Vũ. Làng có 4 xóm là: xóm Trên (ở giáp đường từ Ngã Tư Sở đi vào nội thành), xóm Hồng và xóm Đầm (ở giữa làng) và xóm Dộc giáp làng Khương Hạ. Làng Khương Trung trước đây có một cụm di tích đình - chùa và văn chỉ nằm sát nhau, ở cánh đồng Vàng, cạnh sân bay Bạch Mai. Trong kháng chiến chống Pháp, cả cụm di tích này bị hủy hoại, đến gần đây mới phục hồi được đình và chùa.

Làng Khương Hạ, tên Nôm là làng Gừng, ngăn cách với làng Hạ Đình bởi sông Tô Lịch có Cầu Trắng bắc qua. Làng vốn là một trong ba thôn của của xã Khương Đình (Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ) thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng.

Khương Hạ có năm xóm: xóm Giữa, xóm Hồng, xóm Cầu, xóm Cò và xóm Chàm. Trong năm xóm trên thì xóm Giữa được coi là xóm gốc của làng, nên dân gian thường gọi xóm này là Khương Hạ. Xóm Chàm là xóm khá đặc biệt. Nhiều

nhà nghiên cứu cho rằng, đây là nơi tập trung tù binh Chiêm Thành từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Lối vào xóm có cổng rộng, hai cột trụ xây khá vững, trên có biển đề bốn chữ “Xóm Đức Long Chàm” như là minh chứng cho luận điểm này. Qua hơn năm thế kỷ, những tù binh Chiêm Thành đã hòa huyết, hòa nhập với cư dân sở tại thành một cộng đồng bình đẳng, đoàn kết.

Làng Định Công nằm bên bờ sông Tô Lịch, tiếp giáp với khu Tam Khương, bao gồm Định Công Thượng và Định Công Hạ, trước năm 1945 thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Năm 1954, xã Định Công lại thuộc quận VII, ngoại thành Hà Nội, từ năm 1961 thuộc huyện Thanh Trì và hiện nay, Định Công thuộc quận Hoàng Mai.

Làng Định Công vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề chạm bạc. Đây là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo sử sách ghi chép lại, làng nghề Định Công (hay Định Công kim hoàn) nổi tiếng với nghề chạm khắc vàng, bạc. Vào thời vua Lý Nam Đế, có ba anh em họ Trần: Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điển sinh sống tại làng. Trong thời gian chạy loạn, ba anh em tình cờ học được nghề làm đồ vàng, bạc. Từ đó, ba người truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, làm nên tiếng tăm cho sản phẩm vàng, bạc Định Công. Định Công cũng là một đất học của Thăng Long với nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao như Bùi Xương Trạch, Bùi Xương Tự, Bùi Huy Bích. Làng Định Công hiện nay thuộc phương Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Làng Đại Từ thời phong kiến cùng với làng Linh Đàm (Linh Đường), hợp thành Linh Đàm. Từ sau hòa bình, Đại Từ hợp với các làng Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Làng Linh Đàm (hay Linh Đường) trước kia hợp với làng Đại Từ thành xã Linh Đàm, từ sau hoà bình lập lại là một thôn thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Làng như một hòn đảo nhỏ nổi lên ở phía nam đầm Linh Đàm. Đầm Linh Đàm giữ vai trò là trung tâm liên kết các làng xã xung quanh hồ thông qua những hình thức thờ phụng và lễ hội. Vị thành hoàng của làng tương truyền là học trò của Chu Văn An đã có công giúp dân chống hạn, cứu mùa màng, được huyền thoại hóa là con vua Thủy Tề đã làm mưa cho 5 xã 7 thôn.

Làng Cót hay Kẻ Cót là tên gọi theo chữ nôm của hai làng Yên Quyết có từ lâu đời, là Thượng Yên Quyết (ở phía Bắc) và Hạ Yên Quyết (ở phía Nam), đều nằm bên hữu ngạn sông Tô Lịch. Về sau, làng Hạ Yên Quyết đổi thành Bạch Liên Hoa (An Hòa), còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy.

Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính. Làng Cót được coi là làng truyền thống khoa bảng trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót) với nhiều người học giỏi đỗ cao như Hoàng Quán Chi, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Nhật Tráng,...

Làng Trung Kính Thượng vốn là bộ phận gốc của làng Trung Kính. Xa xưa, làng Trung Kính có tên là Kính Chủ, không rõ từ bao giờ được đổi tên thành Trung Kính. Thời phong kiến, cả hai làng nằm trong một đơn vị hành chính là xã Trung Kính thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Năm 1949, hai làng nhập với làng Hòa Mục thành xã Trung Kính thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội. Năm 1955, xã Trung Kính đổi thành xã Trung Hòa thuộc quận V, năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1997, xã Trung Kính trở thành phường thuộc quận Cầu Giấy. Cũng như làng Hạ, dân làng Trung Kính Thượng xưa kia chủ yếu làm ruộng nhưng có thêm nghề thủ công làm hương đen, hương sạ và hương vòng, nên có thu nhập ổn định, có nhà thờ tổ nghề chung với làng Hạ.

Làng Trung Kính Hạ tên Nôm là làng Giàn, vốn từ làng Kính Chủ, tức Trung Kính tách ra. Làng Trung Kính Hạ cùng với thôn Thượng hợp thành xã Trung Kính (từ đầu thế kỷ XIX trở đi thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, năm 1942 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội. Năm 1949, làng Giàn nhập với hai làng Trung Kính Thượng và Hòa Mục thành xã Trung Kính thuộc quận VI ngoại thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 25 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)