7. Nội dung của luận văn
3.2. Mối liên hệ giữa các làng thông qua các hoạt động thờ cúng
Thăng Long là đất ngàn năm văn hiến. Người Hà Nội có những tục lệ tốt đẹp từ ngàn xưa được trân trọng giữ gìn và phát huy trong nếp sống thanh lịch, văn minh hôm nay. Một trong những tục lệ tốt đẹp ấy là kết chạ giữa những làng, những xã trong phạm vi một huyện, một vùng quê của Hà Nội hoặc với những làng xã của các tỉnh lân cận.
Kết chạ là một hình thức liên kết phổ biến trong quan hệ giữa các làng. Kết chạ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: giao hảo, giao hiếu, dân anh dân em,…Kết chạ thực chất là một trong các tục lệ khá lâu đời ở rất nhiều làng quê đồng bằng Bắc
bộ. Chúng tôi xem kết hiện tượng kết chạ ở các làng ven sông Tô Lịch – Hà Nội chủ yếu ở mối quan hệ thông qua các hoạt động thờ cúng hàng năm của các làng.
Làng thôn vốn là cơ cấu gốc về tổ chức xã hội của người Việt, là một chỉnh thể kinh tế - xã hội, văn hóa là cấp hành chính cơ sở của nước. Do tính chất cố kết cộng đồng cao biểu hiện ở cộng đồng dân cư, cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng kinh tế văn hóa nên tục lệ kết chạ, kết nghĩa, giao hảo, giao hiếu,...diễn ra khá phổ biến, có khi là 2 làng, có khi là 5 làng, lớn hơn là 10 làng có mối quan hệ giao hảo với nhau.
Việc kết chạ giữa các làng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà cơ bản là do sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các làng có vị trí gần nhau trước thiên tai địch họa. Ngoài ra, kết chạ còn xuất phát từ sự gần gũi về vị trí địa lý khi hai làng, hai thôn thường không cách xa nhau, có thể trong cùng một xã, một khu vực kết chạ, tức là thuận nhận làm anh em. Do môi trường, vị trí địa lý giống nhau của hai làng vốn đều cùng châu, huyện, phủ mà trước kia luật lệ phong kiến có quy định một số tạp dịch cho người dân địa phương phải gánh vác tạo nên sự gắn bó giữa hai nơi giúp đỡ nhau trong công vụ.
Kết chạ, giao hiếu, giao hảo còn có nguyên do xuất phát từ mối quan hệ gần gũi giữa các vị thần được thờ tại các làng, đặc biệt là thần thành hoàng bảo trợ cuộc sống của nhân dân. Có nhiều trường hợp Thành hoàng làng của các làng giao hảo là anh chị em hoặc các làng có thờ chung một Thành hoàng. Ví dụ như giao hảo giữa các làng thờ bố mẹ, thờ con như làng An Hòa (Yên Hòa) thờ bà Tằng Thị Loan là thân mẫu của pháp sư Từ Đạo Hạnh thờ ở chùa Láng (Láng Thượng) và theo tục lệ vào kỳ mở hội mùng 8-3 Âm lịch sẽ rước thánh Từ ở chùa Láng sang chùa Hoa Lăng ở An Hòa thăm mẹ. Cũng có nơi giao hảo giữa các làng thờ anh chị em như Làng Giáp Nhất (Nhân Chính) thờ Phùng Luông và làng Hòa Mục (Trung Hòa) thờ ba chị em Phạm Thị Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy. Cả vị thành hoàng đều là cháu, là tướng của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và là anh em con cô con cậu theo như thần tích của các làng. Ba làng Yên Thái (cả), An Thọ và Đông Xã là ba anh em. Đông Xã và Đồng Cổ có mối quan hệ cùng làng và có thời kỳ năm 1954, làng Đông Xã rước Thánh sang thờ chung ở Đồng Cổ và cho đến ngày nay vẫn còn tục rước giải, giao hảo trong lễ hội.
Có một số trường hợp giao hảo giữa các làng trong xã cổ xưa, sau tách ra nhưng vẫn giữ mối quan hệ anh em như năm làng Mọc (Giáp Nhất, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân, Phùng Khoang). Ngoài năm làng Mọc có thêm Hòa Mục kết chạ với Giáp Nhất, Triều Khúc giao hảo với Phùng Khoang cũng tham gia đám rước. Tục lệ kết chạ của các làng Mọc thể hiện qua lễ hội mùa xuân đã đi vào trong ca dao:
“Làng Mọc mở hội tháng hai Rước hôm mười một, mười hai rõ ràng
Nhất vui mở hội năm làng Để cho thiên hạ phố phường vào xem”
Kết chạ giữa các làng ven sông Tô với nhau được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi chỉ phân tích thông qua sinh hoạt tín ngưỡng mà biểu hiện rõ nét nhất là trong lễ hội.
Về nghi thức giao hiếu, hằng năm trong dịp lễ hội lớn nhất, thường vào mùa xuân các làng gần nhau hoặc thờ chung một vị thần thì rước sang lẫn nhau gọi là rước giải, tiếp đãi chạ anh, chạ em. Cũng có nơi thường là vào các ngày cúng lễ Thành hoàng, mỗi làng sẽ đăng cai tổ chức một năm, các làng khác rước kiệu thánh về làng đó để hội tế, làng này cử một đoàn bô lão sang dự tế lễ ở làng kia hoặc khi làng này có sự cố gì thì làng kia tới giúp đỡ. Cỗ bàn khoản đãi làng giao hiếu có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn, một số nơi còn tổ chức tại nhà hàng như trong lễ hội của làng Khương Trung. Tham dự lễ hội không chỉ có đông đảo dân làng mà còn có đại diện của quan phương tức là chính quyền, tổ dân phố, hội cựu chiến binh,…Trong việc tổ chức ăn uống, số lượng khách mời từ các làng khác thường dao động khoảng vài chục người, không đông như trước kia.
Lễ hội mùa xuân thể hiện rõ nhất các phong tục đón tiếp chạ giữa các làng giao hảo với nhau. Làng Cống Vị, Vĩnh Phúc và Thủ Lệ bên cạnh dòng sông Tô thuộc hệ thống thập tam trại (13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa) thường có truyền thống giao hảo với nhau trong lễ hội hàng năm để tưởng nhớ một vị thành hoàng có công khai hoang lập ấp là Hoàng Phúc Trung. Đình Cống Vị, bên phải có Miếu Chúa nơi thờ công chúa được Hoàng Phúc Trung vớt lên nay đã bị
phá và ngôi miếu được chuyển về thờ công chúa tại gian cạnh đình, hội nhập thờ Tam tòa thánh mẫu (Thiên, Địa, Thoải). Ngày 23/3 Âm lịch, dân 13 làng tụ hội rước kiệu về đình Vĩnh Phúc (nơi thờ chính được gọi là đình Hoàng Tổng) để tế thành hoàng làng rồi lại từ đình Vĩnh Phúc trở về Cựu Quán (Lệ Mật - Gia Lâm).
Làng Trung Kính Thượng từ xưa cũng có giao hiếu với hai làng ở Nghĩa Đô là Vạn Long và An Phú, mối quan hệ giao hảo này vẫn còn duy trì tới tận ngày nay cho dù cũng đã ít nhiều có sự biến đổi. Ở thôn Trung Kính Thượng gần cầu bắc qua sông Tô Lịch gọi là miếu Ông Nghè Tráng. Vào ngày 13/2 Âm lịch, làng Trung Kính Thượng rước thần Nguyễn Nhật Tráng lên đình Vạn Long, rồi sau đó lại cùng rước lên đình An Phú. Rước giao hảo là rước từ nơi ngài được phong thần lên nơi ngài ở để ngài được dự hội và thăm lại quê xưa. Hôm sau, ngày 14/2, làng Vạn Long lại cùng với làng An Phú rước giải bài vị thần về đình Trung Kính. Sở dĩ có tục này là do Nguyễn Bông quê ở Trung Kính Thượng và quan Tá Lý công thần, Hoàng giáp Nguyễn Nhật Tráng là tổ chi họ Nguyễn làng An Phú được làng Trung Kính thượng thờ làm thành hoàng.
Đền Voi Phục Thụy Khuê lập tại nơi thánh hóa vẫn có tục kết chạ với Thủ Lệ. Hằng năm đến ngày 10/2 Âm lịch, nhân dân Thụy Khuê lại qua Thủ Lệ làm lễ. Nghi thức đoàn đi lễ gồm có: cờ hội, cờ tứ linh, cờ ngũ hành, bộ chấp kích, dàn nhạc bát âm, trống cái, chiêng lớn, bốn “con đĩ đánh bồng”, hương án, tiếp theo là kiệu bát cống do tám giai kiệu khở mạnh đóng khố, cởi trần khiêng (diễn lại tích Thủ Lệ vượt sông Tô Lịch vào chép trộm bài vị). Đến đền Thủ Lệ làm lễ cáo yết, sau đó các cụ quay về Thụy Khuê làm lễ bao sái đồ thờ chuẩn bị đón làng Thủ Lệ sang. Ngay 12/2 Âm Lịch thì đám rước lại khởi hành từ làng Thủ Lệ sang làng Thụy Khuê. Đây được gọi là hình thức rước chạ giữa hai làng.
Sau lễ rước thánh giao hiếu hai làng, nhiều trò chơi được tổ chức để trai, gái đua tài chơi đu, đấu vật chọi gà, đánh cờ thẻ,...và buổi tối có cả phường chèo về diễn hai làng cùng xem.
Về nguồn gốc, hoàn cảnh kết chạ tại các làng ven sông Tô đôi khi cũng không được tường minh bởi sự kiện không được ghi chép hoặc nếu có thì cũng
bị thất lạc do nhiều yếu tố. Quan hệ đi lại giữa các làng kết chạ vẫn được diễn ra thường niên (trừ những năm chiến tranh loạn lạc), được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng càng về thế hệ sau, con cháu càng không biết tường tận về lịch sử kết chạ và do đó có những mối quan hệ chạ anh chạ em theo thời gian cũng lỏng lẻo, mờ nhạt dần.
Mối quan hệ về văn hóa mà tiêu biểu là sự giao hảo giữa các làng ven sông Tô Lịch thông qua các lễ hội đã phản ánh sự gắn bó của cư dân các làng về mặt tinh thần nhưng dựa trên những quan hệ gần gũi về địa lý cũng như yếu tố lịch sử. Chính những giá trị này đã thể hiện được sự liên kết về văn hóa giữa các nhóm cư dân được duy trì và tương tác không chỉ qua yếu tố không gian địa lý mà còn qua những biến thiên về mặt thời gian. Mối quan hệ giao hảo không chỉ được phản ánh giữa hai làng mà còn có sự liên kết giữa nhiều làng gần kề nhau hoặc cách xa nhau tạo nên mối liên hệ “liên làng” (chữ dùng của GS Hà Văn Tấn) gắn bó chặt chẽ và duy trì cho tới tận ngày nay.
Cụ Nguyễn Bá Đạm, 94 tuổi, số nhà 68D phố Giáp Nhất có chia sẻ “Đình làng Giáp Nhất có thờ Phùng Luông, cháu Phùng Hưng. Trước kia lễ hội của làng kéo dài cả nửa tháng với nhiều hoạt động, đặc biệt là đại hội năm 1934. Sau đó thì bị gián đoạn bởi chiến tranh và mãi tới năm 90 mới khôi phục lại được. Làng Giáp Nhất kết chạ với 4 làng khác trong hệ thống 5 làng Mọc là Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân, Phùng Khoang. Làng cũng có giao hảo với bên làng Hòa Mục nữa. Hiện tại cũng chưa có câu hỏi trả lời tại sao và thời điểm nào các làng kết chạ với nhau, cũng không có văn bản nào ghi lại nhưng các làng có giao hảo với nhau thường giúp đỡ nhau nhiều, đặc biệt là trong lễ hội. Từ năm 1990 trở đi, khi khôi phục đình chùa thì các làng cũng có liên lạc lại và tổ chức giao hảo lại với nhau.”