7. Nội dung của luận văn
2.2. Đặc điểm thờ thầ nở các làng ven sông Tô Lịch
2.2.3. Tính biểu trưng của tín ngưỡng thờ thần và ý nghĩa của nó
Tín ngưỡng thờ cũng thần linh tại các làng ven sông Tô, Hà Nội đều ra đời từ nhu cầu thực tế của nhân dân và có ý nghĩa văn hóa xã hội nhất định. Khi tìm hiểu về tín ngưỡng thờ thần ở làng xã, người ta thường đề cập đến hai loại thần: phúc thần và hung thần. Phúc thần là những vị thần được nhân dân tôn thờ, đề cao bởi họ là những vị thần mang tính thiện, luôn phù hộ, giúp đỡ cho con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Qua khảo sát và tìm hiểu về các vị thần và thần tích ở các làng ven sông Tô Lịch, chúng tôi nhận thấy đa số các vị thần được thờ ở vùng ven sông Tô đều là phúc thần, phúc thần được thờ cúng cũng chủ yếu là nhân thần. Cho đến nay chưa thấy có làng nào ven sông Tô thờ hung thần. Các vị thần được thờ ở khu vực này là thần sông, thần núi cai quản một vùng đất, bảo vệ cho vùng đất ấy, hay là những anh hùng dân tộc có công dẹp giặc, bảo vệ đất nước, những vị khoa bảng đỗ đạt, các vị tổ nghề. Tất cả những vị thần ấy đều được nhân dân thờ phụng để thể hiện lòng thành kính và mong thần phù hộ, che chở cho cuộc sống của nhân dân.
Phúc thần có nguồn gốc là nhân thần hay nhiên thần được các nhà vua thời phong kiến sắc phong và có thể chia làm ba hạng: Thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thần. Những vị thần bị coi là tà thần chủ yếu do quan điểm của Nho giáo thường căn cứ vào hành trạng của thần mà đánh giá đạo đức của thần. Các thần tích thần sắc nay còn đều một mẫu chung theo quy định của nhà nước mà như đã đề cập ở trên đều do Viện Viễn Đông Bác Cổ điều tra năm 1938.
Ở ven sông Tô không làng xã nào không thờ thần. Mỗi làng ít nhất xây dựng cho mình một vị thần, làng nhiều có tới 7 vị thần. Dù vị thần đó là nhân thần hay nhiên thần, có công với đất nước hay không, miễn là dân làng thấy linh thiêng thì đều tôn thờ.
Tính biểu trưng của các thần được thể hiện rõ thông qua hiện tượng nhân thần hóa và thiên thần hóa các vị thần tức là trong tâm thức của người dân các thần đã
trở thành một biểu tượng mang tính tính siêu nhiên nhưng lại rất gần gũi với đời sống của nhân dân, do đó người dân thường gán ghép cho các vị thần những lai lịch, hành trạng vừa có yếu tố ly kỳ vừa mang yếu tố trần thế.
Nhân hóa nhiên thần thành nhân thần là quá trình cá thể hóa, biến đối tượng sùng bái từ một hiện tượng tự nhiên chung chung thành một cá thể với một lí lịch nhân thế cụ thể, rõ ràng. Đó là các vị thần có nguồn gốc thiên nhiên, không phải là những nhân thần, cho dù đã được nhân cách hoá như sơn thần Tản Viên Sơn Thánh, thuỷ thần như Long Vương, thần rắn như Linh Lang Đại Vương. Nhiều khi các vị thần do truyền thuyết để lại được nhân dân khoác thêm cho chiếc áo lịch sử, có lai lịch trần thế, có công tích với dân làng hay mang dấu tích con người. Ví dụ như thần được sinh ra do bà mẹ đi cầu tự, mơ gặp thần, ướm vào vết chân to, gặp giao long về thụ thai nhưng mang thai nhiều tháng hơn người bình thường hoặc sinh ra trong một gia đình bố mẹ nghèo nhưng ăn ở phúc đức, nhưng có con muộn. Đứa trẻ sinh ra đã mang trong mình nhiều điều kỳ lạ: có mùi hương thơm, có tướng mạo đặc biệt, sức khỏe phi thường, là người văn võ song toàn, được cử làm tướng, góp công sức trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và được nhà vua phong thưởng.
Linh Lang Đại Vương được thờ tại làng Thủ Lệ và một số làng khác thuộc Thập tam trại được xếp vào hạng thiên thần nhưng có một lai lịch trần thế. Theo ngọc phả của làng “Bà Hoàng phi họ Nguyễn người làng Bồng Lai (Đan Phượng) đang tắm ở hồ Dâm Đàm, bỗng có rồng hiện ra phun nước thơm vào, về nhà có mang 14 tháng sinh ra Linh Lang. Vua Lý Thánh Tông cho bà đưa hoàng tử về nuôi tại chỗ cũ của bà ở trại Thủ Lệ. Linh Lang lớn lên tướng mạo khôi ngôi, trên người có tướng lạ. Lúc bấy giờ, quân Tống sang xâm lược nước ta. Linh Lang ra trận, đánh cho quân giặc thua tan tác. Khi kháng chiến thành công, vua cha muốn nhường ngôi cho con nhưng Linh Lang từ chối. Được ít lâu sau, Linh Lang bị ốm nặng, tâu với vua cha tung lá cờ chiến thắng của mình lên, nếu cờ rơi xuống chỗ nào thì cho lập đền thờ ở đấy và có tất cả 269 nơi. Sau đó, ngài hóa thành con giao long dài trăm trượng rồi trườn xuống hồ Dâm Đàm và biến mất. Vua phong tước cho Linh Lang là Đại Vương và sửa lại nơi ở cũ làm đền thờ, một trong 13 trại của kinh
thành Thăng Long.” (Trích thần tích của Linh Lang Đại Vương còn lưu tại đền Voi Phục – Thủ Lệ). Linh Lang thực chất là thiên thần và mang dáng dấp của một vị thủy thần nhưng đã được nhân dân “tô vẽ” thêm một hàng trạng mang đầy tính trần thế.
Ngược lại với xu thế nhân hóa là xu thế huyền thoại hóa, thiên nhiên hóa. Đó là việc gắn cho những vị thần cụ thể, có tên tuổi, gốc tích rõ ràng những điều linh dị, phi thường. Xu thế huyền thoại hóa, thiên nhiên hóa làm cho thần tích của nhiều thần có nhiều nét linh dị với những tình tiết kì diệu. Các vị thần được nhiên thần hóa thường có mô típ về một sự ra đời lạ, tuổi nhỏ đã hơn người, khi trưởng thành thì làm được những điều tốt đẹp, lập công trạng lớn và khi qua đời thì được gọi là “hóa”, “về trời”. Chính xu thế này đã làm cho các nhân thần là phúc thần được dân làng thờ phụng lấp lánh các kì tích mà thần ấy đã lập được lúc sinh thời và tôn thêm tính linh thiêng của thần. Nhiều thành hoàng phải bổ sung lý lịch, huyền thoại hóa. Đây là nét tư duy thiêng trong cái phàm tục và phàm tục lại mang nhiều tính thiêng.
Dân gian đã tưởng tượng ra các nhân vật huyền thoại, truyền thuyết, dùng thủ pháp nhân hóa, đắp thêm cho nhân vật sự huyền diệu để họ trở thành tiên thánh. Các nhân vật lịch sử đích thực hầu hết cũng đươc dân gian thần linh hóa có sức mạnh phi thường. “Cho nên các sự biến hóa thần thông không thể xóa được căn cốt trần thế của họ. Vậy chỉ có thể gọi họ là các nhân vật của huyền thoại, của truyền thuyết, do trí tưởng tượng của dân gian tạo ra và cùng với thủ pháp nhân hóa mà văn hóa dân gian đã đắp thêm cho những sự huyền diệu, những hành động phi thường để họ trở thành tiên, thành thánh, rồi thành thành hoàng làng.” [82, tr. 11]
Các vị thần được thờ lại không quá xa lạ với con người mà có phần thân thiết, đồng cảm với con người. Vì thế, người dân nới đây đã xây dựng cho thần một lí lịch rất con người nếu thần là nhiên thần, tức là "phàm trần hóa" thần; còn nếu thần là nhân thần, họ lại tạo dựng cho thần có những điểm khác hẳn với người thường. Chính vì thế, nên thần vừa là người nhưng cũng không hẳn là người. Do vây, các thần "không đứng ngoài trần thế" mà “vẫn sống” xung quanh con người, theo dõi hoạt động của con người mà phù trợ (hoặc trừng phạt) con người. “Các phân loại này cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi nhân vật truyền thuyết do đã được nhân
cách hóa từ lâu nên được nhiều người coi như là có thật và được lịch sử hóa, nghiễm nhiên là nhân vật lịch sử và ngược lại các nhân vật lịch sử thì cũng phủ lên một màn sương thần kỳ trở thành linh dị không thua các nhân vật huyền thoại” [82, tr. 11,12]
Ngoài xu thế nhân thần hóa hoặc thiên thần hóa thì xu hướng lịch sử hóa, địa phương hóa cũng thể hiện đậm nét trong tín ngưỡng thời thần của các làng ven sông Tô khi các nhiều thần của cả nước được địa phương hóa thành thần của làng, xã mình bên cạnh những vị thần là thành hoàng bản thổ của riêng từng làng chiếm số lượng lớn nhất. Ví dụ như thần Cao Sơn Đại Vương được thờ chính ở đình, miếu làng Cót – Hạ Yên Quyết, làng Khương Thượng, Quý Minh Đại Vương thờ tại đình làng Kim Lũ. “Hệ thống thần linh Tứ phủ gồm các thiên thần và nhân thần cũng là các vị thần linh đã từng là người trần thế hay có nguồn gốc Tiên, Thánh. Tuy nhiên xu hướng “trần gian hóa” và “lịch sử hóa” là xu hướng chính trong quá trình “thêu dệt” nên thần tích các vị Thánh này. Vị Thánh Mẫu Liễu Hạnh ra đời chậm trễ nhất trong số các Thánh Mẫu, nhưng thần tích của Bà cũng được người đời “trần thế hóa”, “địa phương hóa” và “lịch sử hóa” một cách khá trọn vẹn, để từ đó bà bước lên ngôi thứ cao nhất trong thần điện Tứ phủ” [109, tr. 147,148]
Trong khi điều tra thực địa cũng như phân tích tài liệu, chúng tôi cũng nhận thấy có hiện tượng là các làng cố tìm lai lịch của các vị thần dù là nhân thần hay thiên thần theo hướng là những nhân vật có công xây dựng và bảo vệ đất nước hoặc là những anh hùng văn hóa. Làng nào cũng có nhu cầu cần có một vị thần che chở, làng nào có truyền thuyết lưu truyền thì khơi dậy, có những danh nhân nào thì khai thác để xác định cho làng mình một vị thần, nơi nào không có thì mượn hoặc chung thành hoàng với làng khác, đôi khi nhu cầu dựa trên cơ sở rất mơ hồ. Nhân thần chiếm một vị trí quan trọng. Đối với người Việt, các vị thần rất thiêng liêng và xa vời nhưng đôi khi cũng rất gần gũi.
Tính biểu trưng của các vị thần phản ánh một thực tế xã hội, một lớp văn hóa và khi bóc tách chúng ta có thể nhận diện được một phần nào đó ý nghĩa khởi thủy của nó. Năm 1127, đời Lý Nhân Tông, nhà vua bị đau mắt, có Ông Dầu, Bà Dầu tự
nguyện gieo mình xuống sông chữa khỏi bệnh cho nhà vua cũng như giúp chân thành không bị xói lở khi sông Tô đổi dòng cũng là một dạng thức hiến tế – một trong những dạng thực hành tín ngưỡng sơ khai thuở xưa. Như đã đề cập ở trên về sự việc vào năm 2001, đội thi công số 12 - Thuộc Công ty xây dựng VIC khi nạo vét sông Tô Lịch phát hiện được di vật cổ và tiếp sau đó là các hiện tượng kỳ lạ xảy ra đã phản ánh khá rõ nét ý nghĩa thực tế của sông Tô Lịch. Phải chăng khu vực phát hiện di vật trước kia là cổng Hoàng thành có thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long Tứ trấn) và có yểm bùa hay còn làm lễ hiến sinh. Thông qua tính tương đối thống nhất giữa niên đại của các loại tiền và đa số đồ gốm cho thấy niên đại của địa điểm này trong khoảng thế kỷ 11 cho đến 14, thuộc vào thời Lý -Trần Việt Nam hay thời Tống của Trung Quốc. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hiện tượng sông Tô Lịch bị lở do đổi dòng và mắt nhà vua bị đau đã tạo ra một lễ trấn yểm, trong đó có những bộ xương người cùng những hiện vật khác. Tất nhiên, nhận định này mới chỉ là một giả thuyết giải thích bản chất của hiện tượng hiến sinh liên quan đến sự tích ông Dầu bà Dầu cũng như sự đổi dòng của sông Tô và sông Thiên Phù.
Khi phân tích thần tích của các thần, chúng tôi cũng nhận thấy âm phù cũng là một trong những hiện tượng khá phổ biến trong lai lịch của các thần. Đây phải chăng cũng là một yếu tố “thêm bớt” làm ly kỳ cũng như hiện thực hóa nguồn gốc của các thần nhưng dưới một lớp vương quyền tức là đã có sự can thiệp và ảnh hưởng của nhà vua khi mà Nho giao đang thắng thế và có ảnh hưởng tới cả thần quyền. “Thần người Việt không đối lập với người (có nơi có lúc thần cũng tạo ra một sự trừng phạt nào đó, nhưng hãn hữu) mà phần lớn là phù trợ cho người, thần diệt trừ ma quái, đem lại mưa thuận gió hòa cho mùa màng, sức khỏe và đông con cái cho con người” [20, tr. 215]
Hiện tượng phò giúp vua bảo vệ vương quyền chúng ta có thể bắt gặp ở rất nhiều thần tích nói về các sự tích của các thần tức là các căn cứ vào mộng mị chiêm bao giúp vua đánh giăc hay chữa bệnh hoặc là dựa vào huyền tích trong dân gian. Quan niệm về âm phù thoạt nghe thì là quan niệm thần bí nhưng nghĩ kỹ thì lại thấy có ý nghĩa rất trần thế. Vì việc các anh hùng đời trước hiển linh âm phù chính là
một hình thức củng cố tinh thần bằng cách nhớ đến truyền thống oanh liệt của ông cha, tranh thủ lấy sức mạnh truyền thống từ đó tạo nên sức mạnh mới để hoàn thành những nhiệm vụ mới. Ví dụ như việc rước thần Đồng Cổ về kinh đô, âm phù chỉ là một lý do, có thể có lý do thực tế hơn, đàn áp biến loạn, nhà nước chủ yếu muốn thâu tóm cả thần quyền. Sự báo mộng của thần Đồng Cổ giúp cho Lý Thái Tông dẹp loạn Tam Vương, rước thần từ Thanh Hóa về Thăng Long là một cái cớ để lập hội thề sau biến loạn, thần trước hết bảo vệ cho vương triều Lý.
Thần tích cũng phản ánh một thực tế là gắn bó với triều đình phong kiến. Nhiều bản thần tích có chép về việc thần báo mộng cho nhà vua để chỉ điềm lành, tránh điềm dữ hoặc hiển linh âm phù để giúp triều đình diệt giặc. Có một thực tế, đã có sự “nâng cấp thần” từ địa phương lên Trung ương nhưng bên cạnh đó cũng là sự dân gian hóa tín ngưỡng này bởi thực tế sau này nhiều vị thần ban đầu không phải của nhân dân như thần Đồng Cổ trở thành thần tôn sùng của nhân gian, hội thề thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Tín ngưỡng bản địa – tín ngưỡng thờ thần từ xưa ít nhiều cũng bị nhà nước phong kiến tác động vào, phục vụ cho đường lối cái trị. Nhà vua sử dụng tín ngưỡng thờ thần cho mục đích củng cố vương quyền. Theo Nho giáo “Với quỷ thần thì kính nhi viễn chi”, đề ra tiêu chuẩn phân loại thần linh, quan niệm đạo đức và chính trị, có các khái niệm phúc thần (chính thần), tà thần, dâm thần. Triều đình chỉ sắc phong cho thần với hai tiêu chuẩn là phò vua bảo vệ vương triều (âm phù) và giúp dân làng làm ăn phát đạt, cuộc sống no ấm.
Việc phò vua thì căn cứ vào các giấc mơ của vua, các tướng tá giúp vua đánh giặc hoặc các huyền thoại dân gian. Việc ban phúc cho dân làng thì thường căn cứ vào các truyền thuyết có từ trước, do dân làng tâu lên và thường gán ghép thêm công tích đánh giặc giúp nước. Thần tích các làng ven sông Tô thường có những câu như: thần rất thông minh tài trí, anh dũng chiến đấu, giúp vua đánh giặc, cứu giúp dân làng. Ở các làng mà có thành hoàng là các vua triều trước như Lê Đại Hành, Lê Hiển Tông, Lý Thần Tông,...thì các triều sau không sắc phong nữa. Việc ban cấp sắc phong thành hoàng làng là biểu hiện của sự cố gắng thống nhất tinh thần giữa triều đình và làng xã, giữa vương quyền và thần quyền.
Cho dù các thần có xuất thân từ một nhân vật có thật trong lịch sử hay được hư cấu thì đối tượng thờ cúng này luôn là sự kết hợp của cả hai yếu tố thật và hư ảo, mặt thật thể hiện sự xuất thân từ cộng đồng, mang những đặc điểm của cộng đồng đó, mặt ảo thể hiện những mong ước, khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp cần vươn tới mà những ước vọng này xuất phát từ chính thực tế xã hội. Đây