Các loại hình di tích thờ tự trong tín ngưỡng thờ thần và sự phân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 53 - 57)

7. Nội dung của luận văn

2.1. Các vị thần đƣợc tôn thờ trong không gian tín ngƣỡng hai bên sông

2.1.3. Các loại hình di tích thờ tự trong tín ngưỡng thờ thần và sự phân

của các di tích thờ thần ven sông Tô Lịch

2.1.3.1. Các loại hình di tích thờ tự trong tín ngưỡng thờ thần

Bất kỳ một tôn giáo hay tín ngưỡng nào cũng đều tồn tại với một hay nhiều loại hình thờ tự nhất định. Nếu như các tôn giáo lớn trên thế giới Thiên chúa giáo, Islam giáo đều có nơi thờ tự cụ thể như nhà thờ hay thánh đường thì tín ngưỡng thờ thần tại Việt Nam lại có nét đặc thù riêng biệt về không gian thờ cúng. Trong đó, tín ngưỡng thờ thần ven sông Tô Lịch, Hà Nội cũng được định hình bằng khá nhiều loại hình di tích thờ thần. Các loại hình di tích thờ thần có sự phân chia về mặt chức năng khác nhau. Nếu như đền, miếu, phủ xuất hiện trước thì đình ban đầu với chức năng mang tính hành chính đã gia nhập thành nơi thờ cúng thần linh về sau này.

Đền là công trình kiến trúc, dùng làm nơi thờ những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước, những vị thần được nhân dân tôn sùng hoặc đền cũng có thể là nơi để thờ Mẫu. Ví dụ đền Hai Bà Trưng, đền Trần Hưng Đạo, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đền thực chất là một kiến trúc thờ thần chứ không phải thờ thành hoàng. Mỗi làng có thể có một hay nhiều đền. “Đền chỉ dành riêng cho việc phụng thờ, tế lễ, đình là nơi thờ vọng, với chức năng là nơi hội họp của làng vì vậy đình có cấu trúc to lớn còn đền thường nhỏ bé hơn đình.

Đền Đồng Cổ với hội thề Trung Hiếu (Ảnh tác giả luận văn chụp ngày 21/5/2013)

Miếu là công trình kiến trúc được xây dựng làm nơi thờ tự thần linh ở làng quê hoặc đô thị. Mỗi làng thờ thần phải có một tòa miếu. Có nơi thì vừa có miếu vừa có đình. Làng nào to thì mỗi thôn lại lập đình riêng. Miếu là chỗ quỷ thần bằng y, đình là nơi thờ vọng và để làm nơi công sở cho dân hội họp.

Đền, miếu là những di tích tín ngưỡng hoàn toàn mang tính bản địa Việt Nam, nó liên quan chặt chẽ đến tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng phồn thực trong dòng chảy văn hóa địa phương cũng như dân tộc. Khi tổ chức tế lễ, dân làng thường tổ chức rước thần từ đền về đình, đền mới là nơi thường trú của thần và chỉ có ngày lễ thì thần mới giáng lâm ở đình.

Đình ngoài chức năng là trung tâm sinh hoạt chính trị của làng xã còn là nơi gắn với đời sống tâm linh của cộng đồng. Phần lớn đình là nơi thờ chung mang tính cộng đồng nghĩa là trong làng xã có các đền miếu thờ thần thì thì các vị thần ở những nơi đó được mời về thờ chung ở đình. Có những làng không có hoặc không

còn thì đình kiêm cả hai chức năng là thờ thần và là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngôi đình làng là sản phẩm của chế độ quân chủ áp đặt vào làng xã với chức năng đại diện của triều đình. Cũng có xu hướng dân gian hóa để trở thành một thực thế văn hóa của làng xã, vừa đáp ứng được yêu cầu của triều đình vừa đảm bảo được nhu cầu văn hóa của xã thôn khi là nơi sinh hoạt tinh thần của cộng đồng dân làng.

Trước khi được đưa vào đình thì thần được thờ chủ yếu ở đền, miếu, nghè. Có làng chỉ có đình thờ thần mà không có đền, miếu hoặc đền, miếu đã bị phá hủy nhưng cũng có làng tồn tại song song nhiều di tích: đình, đền, miếu, phủ tức là còn đầy đủ thiết chế thờ tự. Riêng nghè hầu như tại các làng ven sông Tô Lịch hiện nay không còn tồn tại nhiều. Theo quan niệm dân gian thì đình là nơi làm việc của thành hoàng còn nghè là nơi ở của thành hoàng. Đây là một kiến trúc phi Hán thờ thần, lưu giữ sắc phong của thành hoàng và có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có thể thờ thành hoàng làng của một làng nhỏ được tách từ một làng gốc nào đó. Căn nhà thành hoàng ở là nghè, đình làng chỉ là nơi để tên tuổi và oai linh của mình và gọi là thờ vọng.

Trong ngày tế lễ, dân làng rước sắc thần từ miếu đến đình để cử hành việc tế lễ, sau đó đưa trở về miếu. Di tích Đình Vòng thuộc phường Hạ Đình còn tồn tại nghè cho đến ngày nay và trong ngày khai lễ thường có nghi thức rước thần từ nghè về đình trong ngày hội. Về sau ngôi đình đảm nhiệm cả hai chức năng trên với kiến trúc là thêm phần hậu cung. Nếu như đình đảm nhận cả hai chức năng đó thì việc tế lễ chỉ dành cho thần thành hoàng làng. Mỗi làng thường có một đình nhưng có thể có nhiều đền, miếu khác nhau. Cũng có trường hợp một làng có nhiều đình, đền, miếu như trường hợp đặc biệt là làng Hòa Mục (Kẻ Đáy) hiện còn tồn tại hai ngôi đình là nơi thờ cũng thành hoàng làng của nhân dân là đình Trong và đình Ngoài, bên cạnh đó thì vẫn còn bảo tồn đền Dục Anh thờ Bà Phạm Thị Uyển, đền Cây Quế thờ Mẫu, đền thờ Mai Hắc Đế, Miếu Hai Cô thờ hai nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Kiến trúc đình, đền, miếu tại các làng ven sông Tô theo khảo sát thì hầu hết gần sông, hồ. Đây có thể có nguyên do yếu tố phong thủy khi lựa chọn một địa thế

đẹp nhất cho việc thực hành tín ngưỡng. Đặc điểm địa lý trong việc phân bố các di tích thờ thần cũng như sự hình thành các làng, các nhóm cư dân ở đây cho thấy hiện tượng thờ thần được định vị trong không gian ven sông Tô tức là nó tồn tại theo quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, nhóm cư dân.

Nhiều làng đình chỉ là thờ vọng nhưng nhiều nơi chỉ có đình và là nơi thờ chính thành hoàng gọi là Thành hoàng Bản cảnh, có thể do không có miếu, đền hoặc là do trong chiến tranh, thời gian thay đổi miếu không còn, cũng có nơi bỏ hẳn thờ thần ở miếu và chuyển về đình cho tiện lợi việc nhân dân đến cúng bái. Hình thái ngôi đình không chỉ là nơi mở lễ hội mà còn là nơi thờ cúng thường xuyên thành hoàng làng trong hậu cung của ngôi đình làng đó.

2.1.3.2. Sự phân bố của các di tích thờ tự bên sông Tô Lịch

Theo khảo sát của chúng tôi, ở tất cả các làng được tiến hành khảo sát thì đều có các di tích thờ thần, thờ thành hoàng làng. Tuy nhiên, có làng thì vẫn còn tồn tại cả miếu, đền, đình thờ một vị thần hoặc nhiều vị thần, cũng có nhiều làng thì chỉ còn đình thực hiện chức năng thờ cúng cũng như hội họp của cộng đồng cư dân. Khi đó, ngôi đình thực hiện chức năng tín ngưỡng chính của cả làng.

Theo thống kê của chúng tôi qua khảo sát thì có tất cả 70 di tích thuộc 38 làng, trong đó có 36 đình, 19 đền, 10 miếu, tôn thờ 79 vị thần. Tất cả các làng đều có một hoặc nhiều các loại hình di tích thờ thần khác nhau.

Tại khu vực ven sông Tô, hiện nay có khá nhiều làng bảo lưu khá tốt những di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ thần với mật độ khá dày: Làng Đông Xã còn bảo tồn đình Đông Xã, Đền Đồng Cổ; làng Hồ Khẩu có đình Hồ Khẩu, Đền Dực Thánh (Miếu Giáp Bắc), Đền Thăng Long, Đền Vệ quốc Đại Vương. Khu vực Kẻ Cót (Yên Quyết) nay là An Hòa và Hạ Yên Quyết, Hòa Mục, Kim Giang, Định Công bảo tồn khá nhiều di tích bao gồm đình, đền và miếu.

Một số làng, các di tích tín ngưỡng thờ thần không còn hiện diện nhiều bởi một ngôi đình hay miếu đã bao hàm tổng hòa, là nơi thờ tự chung của các thần và thành hoàng như làng Bái Ân, Làng Dâu, Thụy Khuê, An Phú, làng Tân, Trung Kính Thượng, Giáp Nhất, Quan Nhân, Cự Lộc, Kim Lũ, Cống Yên, Cống Vị, Voi Phục, Khương Thượng, Khương Trung, Đại Từ.

Có làng hiện nay còn bảo tồn Đình Nghè (Đền Trung Nha), tức là đình vừa có chức năng thờ thành hoàng làng vừa được coi như một ngôi đền thờ thần. Có nhiều trường hợp, các làng chỉ có một nơi thờ thần duy nhất là đình, đền, hay miếu hoặc có nhiều làng ban đầu có khá nhiều di tích thờ cũng các thần, thành hoàng nhưng theo thời gian thì một số di tích đã biến mất và chỉ còn lại một di tích duy nhất là nơi thực hành tín ngưỡng của cả một làng. Đình Kim Giang thờ cả Từ Vinh, trước kia có miếu thờ Từ Vinh nhưng khi miếu bị mất thì phải chuyển thờ thần ở đình. Ông Từ Vinh cũng được thờ ở cả ba làng Lủ với ý nghĩa “Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ khúc giữa”. Có một trường hợp khá đặc biệt đó là tại làng Hòa Mục có đền Cây Quế không phải là ngôi đền xuất phát từ tín ngưỡng bản địa của địa phương mà vào cuối thế kỷ XIX, ngôi đền gốc bị Pháp lấy đất để xây nhà máy điện Bờ Hồ nên dân làng Tả Vọng cử người vào làng Hòa Mục mua đất và dỡ ngôi đền cũ xây lại ở đây. Ngày xưa dân làng Tả Vọng vẫn về lễ, có người trông nom nhưng sau ít người qua lại và hiện nay đền Cây Quế đã trở thành một trong những di tích thờ cúng của cư dân làng Hòa Mục.

Mật độ phân bố của các ngôi đền, đặc điểm về di tích và bố trí điện thờ đã biểu hiện một phần sự đa dạng các sắc thái tín ngưỡng trong tục thờ thần, thể hiện sự hỗn dung văn hóa. Đây là kết quả của sự tương tác trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế xã hội cũng đời sống văn hóa của các nhóm cư dân ven sông Tô với môi trường sinh thái của vùng đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)