Lịch sử các vị thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 45 - 53)

7. Nội dung của luận văn

2.1. Các vị thần đƣợc tôn thờ trong không gian tín ngƣỡng hai bên sông

2.1.2. Lịch sử các vị thần

Tín ngưỡng thờ thần ở mỗi địa phương mang một sắc thái riêng, tùy thuộc vào phong tục tập quán, lối sống cũng như nhu cầu tâm linh của mỗi làng. Chính vì lẽ đó, nguồn gốc các vị thần được thờ cũng có muôn hình vạn trạng: thần mang yếu tố tự nhiên, thần là nhân vật lịch sử hoặc giả lịch sử và ngay cả nhân vật lịch sử cũng được phủ lên một lớp sương huyền ảo mang những yếu tố kỳ bí. Đa phần các thành hoàng được thờ tại các làng ven sông Tô Lịch đều có nguồn gốc là những thành hoàng bản thổ, ít có các thành hoàng hoặc các thần là ngoại lai.

Thăng Long – Hà Nội mang một vị trí đặc biệt là kinh đô nên việc thờ cúng thần của các cư dân ven sông Tô Lịch cũng rất đa dạng ở đình, đền, miếu. Có khá nhiều các vị thần mang tính huyền thoại: Cao Sơn, Quý Minh, con cháu tướng tá vua Hùng có lẽ được thờ phụng do sự di cư từ trung du xuống đồng bằng, cũng có nhiều thần theo chân về thờ tại kinh đô như thần Đồng Cổ - Thanh Hóa. Thần Cao Sơn, Quý Minh chính là sơn thần, thần của cả nước có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ xóm làng. Cao Sơn có tôn hiệu Cao Sơn Đại Vương, có thuyết tương truyền cùng với Quý Minh là anh em họ với thần Tản Viên, hoặc có khi là tướng của Tản Viên. Cao Sơn cũng chính là vị thần trấn phía nam kinh thành Thăng Long, được thờ chính ở đình Kim Liên – Hà Nội. Thờ thần Cao Sơn xuất phát từ tín ngưỡng dân gian là thờ núi.

Các vị thần có nguồn gốc lịch sử, tức là nhân thần chiếm vị trí khá lớn trong tổng số các vị thần được thờ trong các di tích. Các nhân thần cũng chủ yếu là những nhân vật có tính thiêng hoặc có công đức đối với dân làng nên được tôn làm thành hoàng làng, làm thần bảo trợ cho cuộc sống của dân làng. Ví dụ cụ thể: trường hợp

Đình Trong, Đình Ngoài làng Hòa Mục còn thờ Ả Đại Nương, tên thật là Phạm Thị Uyển cùng hai em là Phạm Miễn và Phạm Huy. Thần tích các vị thần hiện còn lưu giữ tại làng ghi rõ: ba chị em là con bà Phùng Thị Thảo - chị ruột của Phùng Hưng người Đường Lâm (Sơn Tây). Năm 721, Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa, ba chị em theo cậu ruột kéo quân về vây và giải phóng thành Đại La. Sau đó, hai ông Phạm Miễn, Phạm Huy về làng Kẻ Đáy du ngoạn, thấy thế đất đẹp bên bờ sông Tô Lịch bèn dựng hành cung, mua ruộng đất cho làng làm ruộng công để cùng cày cấy. Được ít ngày, hai ông cùng mất (vào ngày 12 tháng Chạp), dân làng lập đền thờ, về sau dựng đình. Còn bà Phạm Thị Uyển chỉ huy thuỷ quân đánh nhau với quân nhà Đường. Thế giặc mạnh, bà phải gieo mình xuống sông Tô Lịch tự vẫn, xác trôi về khúc sông Tô thuộc địa phận làng Kẻ Đáy. Dân làng vớt lên chôn và lập ngôi miếu thờ bên bờ sông, sau cùng thờ tại đình với hai người em của bà.

Trong số 70 di tích tín ngưỡng ven sông Tô Lịch được khảo sát với 79 thần thì có tới 31 vị thần có nguồn gốc lịch sử trong đó có nhiều vị thần có nguồn gốc tại địa phương. Tất nhiên, việc phân chia nhân thần, thiên thần như ở trên đã trình bày cũng chưa thật chính xác, do đó con số 31 vị thần “có thật” cũng là một sự xác định tương đối và mang tính chất tham khảo.

Bên cạnh những vị thần có nguồn gốc bản thổ hoặc gắn bó với làng xã thì có khá nhiều các vị thần được thờ ở các làng ven sông Tô có sắc phong của vua ban tức có ý định của vương triều phong kiến mà không phải do ý muốn chủ quan của nhân dân. Đình Kim Văn thờ công chúa Lê Cúc Phương cũng là một ví dụ điển hình. Công chúa là con vua Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Thị Mai, sau bị Long Đĩnh sát hại. Đến thời nhà Lý, khi vua Lý Thái Tổ dẫn quân đi chinh phạt, công chúa đã hiển linh âm phù giúp vua đánh thắng giặc. Khi về đến kinh đô, vua ban sắc phong cho công chúa là “Linh Quang Thánh Ý” và cấp cho 22 làng làm ấp thang mộc phụng sự công chúa trong đó có làng Kim Văn.

Đền Đồng Cổ ven hồ Tây hiện nay cũng là nơi thờ vọng thần Trống Đồng. Xưa kia đền vốn được xây dựng ở trên núi Khả Lao, xã Đan Nê (Yên Định, Thanh Hóa). Đền đó đã có từ thời Hùng Vương. Năm 1020, Thái tử Phật Mã đem binh đi

đánh Chiêm Thành. Khi qua nơi này đóng quân, được thần Đồng Cổ hiện ra giúp phá giặc lập công. Thái Tử đã sửa lễ tạ ơn, rồi rước thần về Thăng Long và tôn làm Thiên hạ Minh chủ, dựng miếu để giúp nước hộ dân. Năm 1028, trước hôm Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba âm lịch), lại được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có ba vương sẽ nổi loạn. Phật Mã vâng lời cùng tùy tùng cấp tốc về kinh đô, quả như thần đã báo mộng. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp nên Thái tử đã dẹp được cuộc nổi loạn này. Mười ngày sau khi lên ngôi, Phật Mã (tức vua Lý Thái Tông, 1028 – 1054) cho xây ngay một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25 tháng Ba tiến hành hội thề tại đền “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thần minh tru diệt”.

Trong đời sống tâm linh của người Việt thì không chỉ có những vị thần có tên tuổi, hành trạng phi thường, có công với dân làng mới được thờ mà hiện tượng các thần được thờ ở đền, miếu có nguồn gốc không rõ ràng như khúc gỗ, những người chết đường,...cũng khá phổ biến. Miếu cả hạ Yên Quyết thờ Trinh Thục Phu nhân là một trường hợp điển hình. Theo đó, có một người con gái 12 tuổi người họ Doãn đến miếu kiếm củi bị ngã chết không ai biết sau mối đùn lên được nhân dân thờ cũng gọi là Vua Bà.

Các vị nhân thần được thờ cúng tại các làng ven sông Tô không chỉ có một nguồn gốc rõ ràng là thần bản cảnh hay do sự phong sắc của vương triều phong kiến mà đôi khi chỉ thuần túy được “lựa chọn” nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong làng cũng như tìm kiếm một sự bảo hộ, chở che cho cả một cộng đồng. Đình làng Giáp Nhất với trường hợp thờ thần Phùng Luông thể hiện rõ luận điểm này. Theo như các tài liệu còn để lại thì việc thờ thần không liên quan đến các vị thần có công với dân làng được thời phụng hay do có tính thiêng mà được dân làng tôn làm thần bảo hộ. Việc thần Phùng Luông được thờ có liên quan đến việc xóc thẻ và đối chiếu trong danh sách các vị thần đã được Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính biên soạn tức là dân làng tự chọn cho mình một vị thần bảo trợ của cả làng. Giáp Nhất cũng có thể được coi là một làng khá cổ và có thể phải chăng việc thờ vị thần hiện tại chưa phải là vị thần gốc hoặc có chăng trước đó việc thờ phụng thần thánh là không có?

Có thể do nguyên nhân lịch sử, tài liệu thất lạc, việc thờ cúng bị gián đoạn mà sau này khi khôi phục lại thì những tư liệu về vị thành hoàng, vị thần gốc của làng không còn, do đó nhân dân sẽ tìm kiếm đến một vị thần mới để làm điểm tựa về mặt tinh thần cho cả cộng đồng. Ngoài ra, cũng chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ với việc thời phụng thần Phùng Luông ở làng Giáp Nhất với việc thờ Phạm Thị Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy tại làng bên Hòa Mục. Nhưng điều đáng bàn là cả bốn bị thần này theo thần tích các làng thì đều là cháu của Phùng Hưng, góp công chống quân xâm lược nhà Đường và cả làng Giáp Nhất và làng Hòa Mục đều nằm trong hệ thống 5 làng Mọc xưa với tục kết nghĩa anh em. Và liệu việc thờ phụng các vị thần có nguồn gốc gần gũi giữa các làng có quan hệ với nhau có mối liên hệ gì hay không?

Khu vực ven sông Tô có rất nhiều làng được lập sau này do quá trình mở mang đất đai. Khi đó, có rất nhiều dân làng mới ở vùng khác đến sinh cơ lập nghiệp và để đáp ứng như cầu tín ngưỡng thì người dân làng mới mang theo vị thần cũ của làng mình đến thời làng mới. Ở làng Hạ Yên Quyết có đình Cót, Miếu Chợ thờ Cao Sơn Đại Vương do bốn họ Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn là người gốc ở làng Kim Liên (Hà Nội) đến thời Trần chuyển đến làng Cót sinh sống và mang theo vị thần của mình thờ cúng. Đình Kim Liên chính là một trong bốn “Thăng Long tứ trấn” đời xưa. Ngọc phả của đình Cót còn ghi rõ “Đệ nhất Đông phương chính miếu, nhất vị tôn thần, đệ nhất thành hoàng Nam phượng hoàng đế Thánh tổ Cao Sơn hiển ứng đại vương thượng đẳng tối linh thần” theo đúng sắc phong thần ở đình Kim Liên.

Tín ngưỡng của các làng ven sông Tô không chỉ thờ những thần có nguồn gốc trong nước mà còn thờ cả thần là người nước ngoài tức là các vị thần ngoại lai. Trường hợp đền Cà – Khương Hạ thờ Chúa Bà tức là Thánh Mẫu của Tứ vị Hồng Nương là một ví dụ. Tương truyền “Tứ vị” đều là cung phi trong triều nhà Tống (Trung Quốc). Gặp năm nhà Tống bị giặc đánh phá, vua tôi thua chạy. Bốn mẹ con chạy giặc về đến vùng biển, nhờ một nhà sư cứu thoát. Nhà sư thấy bà mẹ là Hoàng phi xinh đẹp nên trêu ghẹo. Bà cự tuyệt, nhà sư xấu hổ đâm đầu xuống biển tự vãn. Bốn mẹ con biết không sống được và cảm ơn nhà sư cứu sống trước đây, cũng nhảy

xuống biển chết theo. Dân chài ở cửa biển Càn Hải (Cửa Cờn) thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An vớt được bốn thi thể phụ nữa mặt hoa da phấn đều mặc áo đỏ bèn đem chôn cất và lập đền thờ gọi là Đền Cờn. Các bà hoá thánh âm phù cho dân. Về sau thuyền mành xứ Nghệ ngược xuôi buôn bán trên sông biển đều có bàn thờ tứ vị ở trong khoang thuyền để cầu thuận buồm xuôi gió và đều được như ý sở nguyện. Đền xóm Cầu - Khương Hạ nằm bên bờ dòng sông Tô, không thờ Tứ vị mà chỉ thờ Thánh Mẫu của Tứ vị gọi là Chúa Bà. Chúa Bà mắt phượng mày ngài nên xóm Cầu được mang tên chữ là Nga My.

Có thể nói, yếu tố địa lý cũng góp phần giải thích nguồn gốc của các vị thần được thờ. Việc thờ Tứ vị Hồng Nương ở làng Khương Hạ ven sông Tô có lẽ liên quan đến các lái buôn xứ Nghệ vượt biển ra Thăng Long làm ăn buôn bán khá thường xuyên và trên hết là cầu sóng yên bể lặng, làm ăn thuận lợi, tức là mang vị thần ở quê mình đi theo với ước mong được chở che, phù hộ. Ngoài ra, cũng có thể có trường hợp những người làm ăn buôn bán và sinh cơ lập nghiệp ở đất Thăng Long, tạo thành một quần cư trong đó có các đình đền thờ cúng quanh năm, dần dần những người dân xung quanh cũng tin theo và trở thành tín ngưỡng chung của cả một cộng đồng làng.

Ở nhiều nơi, trải theo thời gian, việc thờ những “nhân thần” có lai lịch không rõ ràng như vậy có lẽ không lấy gì làm hãnh diện cho lắm nên một mặt người ta đã phối thờ thêm những vị thánh mới oai phong hơn, thường là những nhân vật lịch sử có công với nước, một mặt người ta đã ngụy tạo thần tích, tức là “sáng tạo sự tích, hành trạng của thần” để “oai phong hóa” vị thần được thờ phụng. Vị thành hoàng làng mà làng Giáp Nhất thờ là Phùng Hưng Theo thần tích của làng còn lưu tại thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội thì “Sự tích ngài xưa nay không ghi chép gì, nên ngày sinh ngày hóa, ngày hiển Thánh đều không có, cũng không có bia, có sách gì truyền tụng lại cho nên không biết ngài có công đức và khuông phù thời nào, duy chỉ có sáu đạo sắc phong về các đời vua”. Điều này có nghĩa là trước kia thần tích về thần, hành trạng của thần hầu như không được biết đến. Tuy nhiên, hiện nay theo khảo sát thực địa của chúng tôi tại làng Giáp Nhất, thông qua các tài liệu lưu trữ tại địa phương thì thần có một lai lịch hết sức cụ thể “Phùng Luông là cháu Phùng

Hưng, có công chống quân xâm lược nhà Đường giải phóng thành Đại La năm 791, là anh em họ với Phạm Thị Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy – thành hoàng làng của làng Hòa Mục bên cạnh. Thần cũng có ngày sinh cụ thể là 12/1 Âm Lịch và đây cũng chính là ngày dân làng tổ chức lễ tế hàng năm.

Rõ ràng việc thờ thần trước hết được xuất phát từ lòng tôn kính, cầu mong sự chở che của các đấng linh thiêng, bảo trợ cho đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, dần dần, thờ thần không chỉ thuần túy xuất phát từ nhu cầu tâm linh mà liên quan đến “cái danh” của làng. Các vị thần không, có nhiều làng các vị thần được thờ không phải là Bản cảnh Thành hoàng hoặc có mối liên hệ với làng mà thực chất là sự “vay mượn” để “lấp đầy” nhu cầu về tâm linh tức là chỗ dựa về mặt tinh thần cho cả một cộng đồng làng.

Điều này cũng được Phan Kế Bính chỉ rõ trong “Việt Nam phong tục”, nói về tục thờ thành hoàng có nguồn gốc từ bản địa kết hợp với việc du nhập từ Trung Hoa “Xét về cái tục thờ thành hoàng này từ đời Tam Quốc trở về đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết lập đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng mới bắt đầu lập miếu thần hoàng ở thành đô, kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ. Nước ta lúc bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tế cho viên ấm tí một phương mà thôi. Kế sau triều đình tính biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian dần dần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trời trong làng mình. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi rồi thì thờ ngay người ấy, làng nào không có thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về mà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tà khẩu, tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên, cho là thiêng liêng mà xin hiệu để thờ. Té ra làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu. Đến cả những xã mới lập, trước hết cũng nghĩ ngay đến việc thờ thần.” [11, tr. 96, 97].

Nhắc tới lịch sử các vị thần được thờ tại các làng ven sông Tô thì không thể bỏ qua một một vị được coi là vị thần bản cảnh, thành hoàng của đất Thăng Long với rất nhiều giai thoại có ý nghĩa đặc biệt. Đó chính là thần sông Tô Lịch.

Ngôi đền Bạch Mã thuộc phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương trước kia, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm được coi là nơi thờ chính của Tô Lịch giang thần. Khu vực đền Bạch Mã là nơi cửa sông Tô Lịch thông ra sông Hồng - hai dòng sông huyết mạch của Hà Nội cổ. Đền Bạch Mã được coi là "Đông trấn linh từ" - đền thiêng trấn giữ phía Đông (của kinh đô nước Việt). Năm 545, vua Lý Nam Đế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 45 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)