Hành trạng và mối liên hệ giữa các vị thầ nở các làng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 57 - 62)

7. Nội dung của luận văn

2.2. Đặc điểm thờ thầ nở các làng ven sông Tô Lịch

2.2.1. Hành trạng và mối liên hệ giữa các vị thầ nở các làng

Lý lịch các vị thần được thờ tại các làng ven sông Tô Lịch cũng có một mô típ chung như các thần được thờ ở khu vực khác, tức là thường có hành trạng kỳ bí, lập nên nhiều chiến công kỳ tích, có đóng góp lớn cho đất nước, xóm làng, khi chết cũng có yếu tố thần kỳ, hiển linh âm phù. Khi xét đến hành trạng và mối liên hệ giữa các vị thần được thờ ở các làng thì việc phân tích thần tích, sắc phong, văn tế là những yếu tố không thể bỏ qua. Cho dù đây là những cứ liệu không hoàn toàn xác thực, có sự biến đổi nhưng dựa vào nội dung mà những văn bản này cung cấp,

chúng ta vẫn có thể “gạn đục khơi trong” để tìm ra được một số những thông tin đáng lưu ý, phục vụ cho việc phân tích nguồn gốc, hành trạng của các thần.

Để việc thờ cúng và truyền thuyết các vị thần được truyền từ đời này sang đời khác thì một việc làm không thể thiếu được là biên soạn thần tích hay còn gọi là thần phả, ngọc phả. Nhiều vị thần bình dân, có nguồn gốc trần gian, lúc bình sinh thuộc những tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhưng khi chết vẫn được tôn vinh, có thể do công lao đóng góp của các vị, thậm chí có nguyên nhân là chết vào giờ thiêng. Không loại trừ nhiều trường hợp lý lịch, hành trạng của các thần không phù hợp với chuẩn mực Nho giáo nên đã bị biến đổi nhiều đến mức khó nhận ra. Nhiều làng không muốn vị thần mình thờ ở vị trí thấp cho nên trước kia thờ những vị thần có liên quan đến nông nghiệp hoặc lai lịch không rõ ràng thì sau dẹp bỏ thay bằng vị thần mới hoặc bồi đắp thêm lý lịch cho thần thêm phần sang trọng hơn.

Các bản thần tích mà chúng tôi khai thác đều được biên soạn năm 1938 và những thần tích đó viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán do Hương lý các làng nộp cho Viện Viễn Đông Bác Cổ dựa trên cơ sở bản kê khai của các làng.

Dựa vào thư mục “Thần tích, thần sắc” (lưu tại thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) của Viện Viễn Đông Bác Cổ điều tra năm 1938, thì thần tích thần sắc các làng tại ven sông Tô Lịch đều được các chức sắc kê khai bao gồm nội dung như sau:

1. Tên làng

2. Tên thần Thành Hoàng: - Hiệu, húy

- Ngài là nhân thần hay thiên thần? - Sự tích của ngài như thế nào?

- Đồng thời với ngài có vị nào giúp ngài hay không?

- Khi còn sinh thời làng đã thờ ngài chưa? Và có làng nào thờ ngài nữa không? - Trước khi thờ ngài, làng có thờ vị thần nào nữa không?

- Làng thờ ngài bằng gì? 3. Thờ ngài ở những đâu?

4. Trong năm tế lễ ngài những ngày nào? 5. Đồ lễ gồm những gì?

6. Trong làng những ai được dự tế lễ?

7. Trước khi tế lễ và trong ngày hành lễ thì những người dự tế cần kiêng kỵ gì? 8. Trang phục tế lễ như thế nào?

9. Hèm húy, kiêng kỵ gì khi cúng tế thần? 10. Những thay đổi về việc cúng tế

Nếu như thần tích có phần mang ý nghĩa chủ quan của nhân dân thì “Sắc phong là một loại hình văn bản đặc biệt ghi sắc lệnh ban tặng của nhà vua. Nó được viết bằng những câu chữ chọn lọc, chuẩn mực trên một loại giấy vàng khổ to, có trang trí hình rồng, có ghi ngày, tháng, năm phong và niên hiệu nhà vua cùng với con dấu được đóng có dòng chữ ghi niên hiệu. Sắc phong ghi lại tên đơn vị hành chính cũ như thôn, huyện, tỉnh, ghi lại các mỹ tự, mỹ hiệu của các Thành hoàng làng đã có công với dân, với nước trên nhiều lĩnh vực được các triều đại trong lịch sử đánh giá và phong tặng.” [5, tr. 49]

Với các làng ven sông Tô mà thờ các vua, vương đời trước làm thành hoàng làng như Lý Phật Tử, Lê Đại Hành, Lê Hiển Tông thì các vua đời sau không có sắc phong.

Các sắc phong của vua cho thành hoàng làng thường bao gồm các phần như sau: - Tên địa phương có vị thần

- Tên vị thần và các mỹ hiệu (nhiều khi không có tên người) - Chức danh thành hoàng

- Vua cho địa phương được tôn thờ, trách nhiệm của thần và nghĩa vụ của người dân trong làng đối với vị thần và địa điểm, nơi chốn thờ cúng vị thần.

Các mỹ hiệu của thần qua các triều đại sẽ dài thêm ra do được các vị vua sắc phong, gia phong thêm danh hiệu, có khi lên đến hàng trăm từ nhưng cũng có vị thần này phong tặng mà triều đại khác lại loại bỏ. Thần linh là thành hoàng làng khi được vua sắc phong thường được phân chia làm ba hạng: thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thẩn. Mỗi lần phong là một lần gia phong mỹ tự của triều đình đối với từng vị thần.

Có một đặc điểm chúng tôi nhận thấy đó là thần tích của các thần, thành hoàng tại các làng ven sông Tô Lịch không hoàn toàn giống nhau khi thờ cùng một thần do tính chất truyền miệng, trần tục hóa hay thần linh hóa tùy thuộc vào văn hóa và hoàn cảnh của từng nơi. Các thần đa số được thờ tại các làng ven sông Tô đều có thần tích, nó được lưu truyền, phần chính theo văn bản cổ nhưng cũng có thể bổ sung, gắn thêm vào vào nhiều làm cho các thần mang yếu tố thiêng hay có công lao to lớn, hư cấu trên cơ sở những mô típ có sẵn hoặc mô phỏng của các làng khác.

Qua hành trạng các thần được phản ánh trong thần tích, chúng ta có thể có được những nhận định ban đầu về mối liên hệ giữa các vị thần ở các làng khác nhau, các làng này có thể có vị trí địa lý gần nhau hoặc cũng có khi cách xa nhau. Hiện tượng này có thể tìm thấy ở rất nhiều làng ven sông Tô Lịch. Ví dụ, khu vực đình An Thái, Miếu An Thái thuộc phường Bưởi có thời Chiêu Ứng Phù Vận Đại vương và Thuận Chính Phương Dung công chúa (ông Dầu bà Dầu), trong khi đó hiện đình Bái Ân thuộc Nghĩa Đô – Cầu Giấy cũng thời Ông Thánh Chú, Chiêu Ứng Đại vương, Thuận Chính phu nhân (ông Dầu bà Dầu). Hằng năm, cứ vào ngày giỗ của ba vị thành hoàng, dân làng lại sửa soạn đồ cúng tế. Với Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà thì lễ vật gồm xôi dẻo, bò béo, gà mái ghẹ, đúng như nguyện vọng của ông bà trước khi mất. Còn với Đức Thánh Chú thì lễ vật dâng cúng gồm thủ lợn, đuôi lợn, ít lông mao lợn và bát tiết. Cúng xong sẽ đổ tiết xuống ao. Đình Tân (Tiên Thượng) gần đó hiện cũng thời thành hoàng làng của mình là Ông Dầu, Bà Dầu.

Trong quá trình đi thực địa, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều trường hợp có cùng một vị thần, một vị thành hoàng mà hai nơi thờ lại có hai thần tích khác nhau.

Cũng cùng thờ cúng thần Cao Sơn Đại Vương nhưng hành trạng của Cao Sơn Đại Vương được phản ánh trong thần tích của làng Đông Xã và làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) lại có sự khác biệt rõ nét. Theo thần tích của đình Đông Xã nay thuộc phường Bưởi thì thần Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh là ba anh em con chú bác ruột, quê động Lăng Xương nay thuộc huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, sau được tiên dạy phép thuật, giúp vua Hùng nhiều lần đánh bại Thục Phán, Tản Viên ngự ở giữa, bên trái là Cao Sơn, bên phải là Quý Minh. Trong khi đó, theo thần tích làng Cót mà

thực chất là thần tích làng Kim Liên thì thần Cao Sơn lại là một trong 50 người con của Lạc Long Quan và Âu Cơ. Đền thờ chính ở Nho Quan, Ninh Bình. Khi tướng của Lê Tương Dực đem quân từ Thanh Hóa ra Bắc diệt Lê Uy Mục có vào đền Cao Sơn này cầu đảo và trận đó toàn thắng, sau đó xây lại đền thờ và lập bia, về sau bia trôi ra sông Cái, dân làng Kim Liên rước về thờ. Phải chăng vị thần Cao Sơn mà hai làng này thờ là hai vị thần khác nhau?

Nguồn gốc và hành trạng của các vị thần được miêu tả trong thần tích cũng mang đậm yếu tố Đạo giáo, trong đó có sự kết hợp với các yếu tố Phật Giáo mà phép thuật biến hóa của Từ Đạo Hạnh là một ví dụ. Đôi khi, hai yếu tố Đạo giáo và Phật giáo có sự đan xen rất khó phân biệt. Việc các vị thiên thần bay về trời hay hóa thành giao long là một cách “tại thần” của người Việt, gán cho họ những tính chất thần thánh và theo thời gian sẽ trở thành chính thần trong điện thờ bên cạnh những vị nhân thần có thật trong đời sống thực tại. Mặc dù các Linh Lang xuất hiện trên một không gian văn hóa lịch sử ở nhiều địa phương, hệt như một nhân vật lịch sử nhưng lại không phải là nhân vật lịch sử thực thụ. Đó là những nhân vật cùng chung một dòng giống là giống Rồng. Khi đất nước lâm nguy lại hiển hóa giáng thế đầu thai làm con vua Lý và con vua Trần, giúp hai vương triều đình đánh Tống cùng với Lý Thường Kiệt và bình Nguyên cùng với Trần Hưng Đạo.

Với nội dung ý nghĩa như thế, hình tượng các Linh Lang được dân gian tôn thờ vừa có ý nghĩa hiện thực, vừa hoang đường, vừa có những yếu tố làm cho người ta tin, lại có yếu tố làm cho người ta ngờ. Xét về nguồn gốc thì các Thánh là con vua Lý và vua Trần nhưng lúc sinh ra thì lại không phải là do kết quả của một cuộc hôn nhân bình thường giữa vua Lý với Cảo Nương và vua Trần với Minh Đức hoàng hậu. Đây chưa kể các chi tiết nói về nguồn gốc ban đầu trước khi Linh Lang giáng thế đầu thai làm con vua Lý và vua Trần thì Linh Lang là người con giống rồng. Còn công tích của Linh Lang thì rõ ràng là công tích của một vị tướng tài ba nào đó trong sự nghiệp đánh Tống, bình Nguyên, lịch sử phải ghi chép nhưng tìm trong sử sách thì lại không thấy có tên trong giai đoạn lịch sử vinh quang đó. Như vậy, Linh Lang là một nhân vật huyền thoại nhiều hơn là nhân vật lịch sử, yếu tố

thiên thần nhiều hơn là nhân thần. Thần có công tích gắn liền với hai nhân vật lịch sử, hai người anh hùng dân tộc của hai triều đại đã làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Truyền thuyết là những câu chuyện được nhiều thế hệ truyền lại nên khó có thể là những cứ liệu đáng tin cậy. Thần tích cũng vậy, nó cũng được sao chép lại nhiều lần trong một khoảng thời gian dài theo nhãn quan của người viết tức là chịu ảnh hưởng về mặt tình cảm của người biên soạn, do đó nội dung của thần tích không thể được nhìn nhận là sự thật lịch sử. Tuy vậy, đây cũng là một cứ liệu tham khảo quan trọng, gợi mở cho các giả thuyết nghiên cứu bởi suy cho cùng bất cứ cái gì cũng được sáng tạo dựa trên thực tế và phản ánh tâm tư lối sống cũng như ước vọng của người dân. Việc nghiên cứu thần tích, thần phả, sắc phong thần chính có thể giúp gạn lọc những thông tin quý giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa của một vùng đất, của dân tộc.

Rõ ràng, thông qua thống kê và phân tích các thần tích, chúng ta có thể nhận rõ một điều không phải tất cả các thần thờ ở làng đều được sắc phong thành hoàng và một làng có thể có nhiều thành hoàng khác nhau. Các thành hoàng này có thể có quan hệ mật thiết với nhau nhưng cũng có thể hoàn toàn không có mối liên hệ nào. Có làng không có thành hoàng nhưng không làng nào mà hàng năm lại không tế thần. Nhiều trường hợp có thần không được nhà nước sắc phong thành hoàng nhưng vẫn được thờ như thành hoàng. Thành hoàng làng là thần làng chứ không phải thần bảo hộ thành trì.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng thờ thần của các làng ven sông tô lịch, hà nội (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)