Vấn đề nghiên cứu, lý thuyết và phƣơng pháp tiếp cận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 34 - 39)

5. Đóng góp của luận văn

1.4. Vấn đề nghiên cứu, lý thuyết và phƣơng pháp tiếp cận

1.4.1. Vấn đề đặt ra trong nghiên cứu Tống Hậu

1.4.1.1. Các vấn đề đã được nghiên cứu

Tục thờ Tống Hậu (Tứ vị Thánh nương) đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, chúng ta có thể khái quát những vấn đề đã được nghiên cứu: 1) nguồn gốc hình thành Tứ vị Thánh nương; 2) So sánh tục thờ Tống Hậu Việt Nam và Trung Quốc; 3) Tăng quyền cho Tống Hậu; 4) Đưa các nghi lễ Đạo Mẫu vào đền thờ Tống Hậu: hầu đồng, nâng số vị thần từ một lên bốn.

Trước hết, về nguồn gốc hình thành Tứ vị Thánh nương, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tục thờ Tứ vị Thánh nương có nguồn gốc từ tục thờ thần cá của người Chăm bản địa (xem Tạ Chí Đại Trường 2006, Ninh Viết Giao 2009, Trần Thị An 2009, Ngô Đức Thịnh 2012). Sau đó là tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng nữ thần của người Việt (xem Tạ Chí Đại Trường 2006, Ngô Đức Thịnh 2012, Nguyễn Hữu Thụ 2012) và cuối cùng là ảnh hưởng của cư dân tị nạn người Tống trước cuộc xâm lược của quân Nguyên (xem Trần Thị An 2009; Trần Quốc Tuấn 2013).

Tục thờ Tống Hậu ở Việt Nam hoàn toàn không giống với tục thờ ở Trung Quốc về mặt ý nghĩa thờ cúng tuy cả hai đều thừa nhận Tống Hậu (Dương Thái hậu) là một người có thật, một vị Hoàng Thái hậu triều đại cuối cùng nhà Tống. Người Việt coi Tống Hậu – Tứ vị Thánh nương là vị thần biển phù trợ cho người đi biển còn người Hoa coi Ngài là một liệt nữ. Tống Hậu ở Việt Nam được thờ ở nhiều nơi vùng ven biển, cửa sông còn ở Trung Quốc chỉ một nơi thờ bà là đền Mẫu Tân Hội (Quảng Đông), nơi được xem như kinh đô cuối cùng của nhà Nam Tống (xem Long Bằng 2013; Trần Lê Bảo 2013).

Trần Thị An cho rằng các vị nữ thần biển đều có một cung cách hiển thần, tăng quyền khá tương đồng với một mô-típ quen thuộc: bị ném/rơi xuống biển (cái chết bất đắc dĩ) – hóa thành thần – hiển linh: trừng phạt/phù hộ - được thờ cúng.

Công thức này tự thân nó thể hiện đậm đà sắc thái giới tính của các nhân vật được thờ. Sắc thái này còn được thể hiện trong cách sùng bái của người dân đối với các vị thần nữ mà ẩn chứa đằng sau sự yếu đuối, chịu đựng, sự bất lực trong cuộc sóng đời thường là sức mạnh thiêng liêng khi họ hiển thần. Sự khác nhau giữa nam thần biển và nữ thần biển ở chỗ hệ thống các nam thần biển thể hiện sức mạnh chinh phục, gắn với các trận chiến đấu trong khi hệ thống nữ thần biển thể hiện sự hòa giải thích ứng, sự phù hộ độ trì cho cư dân biển và các miền vũ trụ, sự thích ứng mềm mại trước các biến động tự nhiên, chính trị, xã hội ở mọi thời đại (Trần Thị An 2012:122-145).

Sự tăng lên từ một đến bốn trong tục thờ Tống Hậu - Tứ vị Thánh nương mà Tống Hậu là trung tâm của tín ngưỡng này đã cho thấy sự hội nhập sâu của tục thờ Tống Hậu vào tín ngưỡng dân gian Việt Nam, con số chẵn 2-4-6-8 thể hiện tính nữ (Tứ vị Thánh nương, Tứ vị vua bà, Tứ phủ), trong khi các con số lẻ như 3-5-7-9 thể hiện nam tính (Tam thế, Tam tài, Ngũ vị tôn ông) (Trần Thị An 2009, 2012). Việc đưa hầu đồng của Đạo Mẫu vào làm nghi lễ trong các đền thờ Tống Hậu (xem Võ Hoàng Lan 2009, Ngô Đức Thịnh 2012).

Nhìn chung các nghiên cứu đi trước đều đặt trọng tâm vào quá trình hình thành và hội nhập của tín ngưỡng Tống Hậu vào văn hóa dân gian Việt Nam dựa trên các văn bản truyền thuyết, thần tích và lễ hội. Điều đó cho chúng ta nhìn một cách tổng quát về tín ngưỡng Tống Hậu - Tứ vị Thánh nương ở Việt Nam cung cấp một nguồn tư liệu phong phú và những kết luận khoa học quan trọng để các nhà nghiên cứu sau luận giải chuyên sâu về tín ngưỡng này.

1.4.1.2. Những vấn đề đặt ra

Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu, tôi nhận thấy các học giả đã có những đồng thuận về sự hình thành tín ngưỡng Tống Hậu - Tứ vị Thánh nương, mối liên hệ tín ngưỡng này với tục thờ nữ thần Việt Nam và tương quan với tục thờ thần biển của cư dân đi biển. Tuy nhiên, có một số vấn đề chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm làm rõ:

Những nghiên cứu đi trước hầu hết đã khái quát chung về tục thờ Tống Hậu - Tứ vị Thánh nương trên bình diện rộng lớn, chủ yếu là nghiên cứu trên các văn bản truyền thuyết sưu tầm được ở nhiều địa điểm và thời gian khác nhau. Các nghiên cứu trường hợp tương đối ít và chủ yếu mang tính chất so sánh. Trong nghiên cứu này, tôi muốn đi sâu vào phong tục thờ cúng tại một địa điểm cụ thể, một nghiên cứu trường hợp với phạm vi nhỏ hơn bằng các thông tin điền dã. Quá trình hình thành tín ngưỡng, những đặc điểm thờ cúng nữ thần ở địa phương và đặc biệt tôi sẽ sử dụng cách tiếp cận từ chủ thể văn hóa (tiếp cận emic), quan điểm của chủ thể với tín ngưỡng của mình theo hướng nhận thức luận. Bởi chính người dân, đối tượng thờ cúng mới là những người tạo nên tín ngưỡng của mình.

Trong nghiên cứu của mình tôi sẽ đi xem xét các yếu tố giới trong tín ngưỡng nữ thần, đặc biệt vai trò của nữ thần đối với phụ nữ, những nhìn nhận khác nhau của chính người dân về Tống Hậu với các nữ thần khác và các nam thần. Qua đó chúng ta có thể nhận thấy vị trí của Tống Hậu trong khung cảnh chung tín ngưỡng nữ thần ở Việt Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng.

Một số thảo luận xung quanh việc người Việt thờ Tống Hậu bên cạnh các các nữ thần ngoại nhập nhất là những nữ thần xuất thân từ Trung Hoa, bản thân Tống Hậu cũng là một nữ thần ngoại nhập, sự giống và khác nhau trong quá trình hội nhập ấy là gì? Tại sao Tống Hậu có hình thức thờ cúng như ngày nay? Quan điểm của các nhà nghiên cứu đi trước trong việc thờ cúng nữ thần biển sẽ được đề cập trong luận văn này. Do đó, tôi dựa trên các lý thuyết và cách tiếp cận Nhân học văn hóa để trả lời cho các câu hỏi trên.

1.4.2. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết chức năng xuất hiện vào những năm 1920 của trường phái Nhân học xã hội Anh. Người đề xướng lý thuyết chức năng là Bronislaw Malinowski và Radcliffe-Brown (với lý thuyết cấu trúc chức năng). Lý thuyết chức năng ra đời gần như cùng thời với trường phái Đặc thù luận lịch sử của Mỹ do Franz Boas khởi xướng, cả hai đều phê phán Tiến hóa luận thế kỷ XIX, đề cao vai trò của thực địa đặc biệt là nghiên cứu các cộng đồng nhỏ cũng như việc học tiếng nói của người

dân bản địa. B.Malinowski nhấn mạnh đến nhu cầu của cá nhân (gồm cả nhu cầu sinh học như ăn uống, tình dục, cũng như nhu cầu thứ cấp như nghe một loại nhạc nào), tính duy lý của cá thể (tương trợ có qua có lại là nguyên tắc của quan hệ xã hội) và sự căng thẳng giữa nhu cầu cá nhân và quy ước xã hội. Trong lễ nghi phong tục, ông quan tâm đến chức năng tâm sinh lý của cá thể. Ông có một thời gian dài trong thế chiến thứ nhất thực địa trên quần đảo Trobriand ở Thái Bình Dương, ông đã quan sát những người Trobriand khi đánh cá trong đầm mà không gặp nguy hiểm, họ không cần phải tiến hành nghi lễ phù phép gì. Tuy nhiên, khi ra biển đánh cá, độ rủi ro tăng cao và kết quả cũng bấp bênh hơn. Những ngư phủ Trobriand thường làm lễ và phù phép để trấn an chính mình về mặt tâm lý mong được an toàn và được mẻ cá to. Malinowski đã đưa ra một giả thuyết là môi trường càng bất trắc, kết quả càng bấp bênh thì con người lại càng cần đến lễ nghi phù phép (Lương Văn Hy & Trương Huyền Chi 2012:235-279). Chúng tôi giả định rằng các chức năng cá thể này gắn với từng lĩnh vực nào đó của con người, đặc biệt đối với người phụ nữ họ cần đến những vị thần của mình (Nữ thần, Mẫu thần) để cầu mong sự bù đắp lại thứ mà họ đang thiếu trong cuộc sống như tâm lý, kinh tế, giáo dục con cái.

Radcliffe-Brown kế thừa khuynh hướng nghiên cứu chức năng của nhà xã hội học Durkheim nghiên cứu chức năng của tổng thể các sự kiện xã hội. Ông cho rằng tôn giáo có các chức năng: Tạo quy củ (áp đặt quy củ), và những cảm giác tích cực (đối trọng lại những cảm giác tiêu cực hay mất niềm tin), chức năng gắn kết (tăng cường đoàn kết) các thành viên trong cộng đồng, tạo và tái tạo sức sống di sản của một nhóm người và truyền đạt giá trị cho một thế hệ tiếp theo (xem Trần Hạnh Mai Phương 2013). Tôn giáo rất có hiệu quả trong việc gắn kết con người, đưa một cá nhân vào trong một cộng đồng bắt những cá nhân đó phải tuân thủ quy tắc chung của cộng đồng, bên cạnh đó là việc lưu giữ và trao truyền lại những giá trị tốt đẹp của cộng đồng cho từng thành viên của cộng đồng. Lý thuyết chức năng có thể giúp chúng ta tìm hiểu những khía cạnh chung và riêng của từng con người trong cộng đồng, những nhân tố tác động đưa họ tìm đến tôn giáo, tìm đến vị thần của họ mà ở đây là Tống Hậu.

1.4.3. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu của mình tôi sử dụng cách tiếp cận liên ngành và tiếp cận từ chủ thể văn hóa “tiếp cận emic” xuyên suốt luận văn. Tôi cho rằng chính người dân, những “chủ thể văn hóa” mới là người quyết định ý nghĩa và thực hành tín ngưỡng văn hóa của mình. Nhận thức của người dân về vai trò của nữ thần trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng nữ thần trong mối liên hệ với phụ nữ tại địa phương.

Tôi đã có hơn một năm quan sát và nghiên cứu tại địa bàn đền Mẫu Ninh Cường (xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), tôi đã từng tham dự tất cả các dịp lễ lớn nhỏ trong năm như lễ hội, ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, ngày lễ tịch điền, lễ cuối năm và một số ngày rằm, mồng một hàng tháng. Tôi có quan sát một số khóa hầu tại đền Mẫu – Ninh Cường, một số nghi lễ tại đền như bán khoán, lễ tạ, v.v. Bên cạnh đó tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn sâu với 18 người về cách thực hành nghi lễ, quan niệm của họ về tín ngưỡng thờ Mẫu, sự khác nhau giữa mẫu Tống Hậu với các vị thần khác tại địa phương. Những đối tượng phỏng vấn gồm: một số thành viên trong Ban quản lý di tích, ông bà Thủ từ, các cụ thường xuyên ra đền làm công việc nhà đền, người đi lễ, một số ông bà trưởng đoàn hội địa phương và một số người dân Công giáo. Các hình thức phỏng vấn như phỏng vấn cấu trúc theo bảng hỏi, phỏng vấn phi cấu trúc theo chủ đề nghiên cứu, trò chuyện thân mật và thảo luận dưới sự có mặt của nhiều người. Những đối tượng phỏng vấn sâu (một người) tôi để họ cho một lịch hẹn nhất định vào thời gian rảnh rỗi của họ, tôi có một khoảng thời gian từ 1,5 – 3 tiếng vừa trò chuyện, vừa trao đổi và đặt câu hỏi với người phỏng vấn. Nội dung các cuộc phỏng vấn gồm sự so sánh lễ hội xưa (trước 1945), trước đổi mới (1986), và hiện nay; những phong tục tập quán xưa, những kỷ niệm của người được phỏng vấn về đền Mẫu, đi lễ và tính linh thiêng trong tâm linh của họ. Quan điểm cá nhân của người được phỏng vấn về Mẫu Tống Hậu so sánh với các vị nữ thần khác như Liễu Hạnh, Ngọc Hoa Công Chúa, Thiên Hậu (những vị nữ thần mà họ biết) v.v. và các nam thần như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Triệu Việt Vương là những vị thần được thờ nhiều gần địa bàn tôi nghiên cứu.

Bên cạnh đó, tôi kế thừa từ các kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước về nữ thần và Tống Hậu nhằm định hướng thông tin cho nghiên cứu của mình, những quan điểm, hướng tiếp cận lý thuyết, phương pháp tiếp cận giúp tôi có một nền tảng thông tin vững chắc trước khi bắt tay viết luận văn. Đồng thời tôi có những trao đổi với giảng viên hướng dẫn nhằm định hướng nghiên cứu của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)