Nghi lễ và thực hành thờ cúng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 58 - 78)

5. Đóng góp của luận văn

2.2. Nghi lễ và thực hành thờ cúng

2.2.1. Nghi lễ thờ cúng thường ngày

2.2.1.1. Nghi lễ ngày thường

Ngày thường nhà đền vẫn mở cửa cho con nhang đệ tử tới lễ bái, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có người đến lễ, thường là khi một gia đình nào đó có công việc người ta mới đem lễ đến đền. Các hoạt động thờ cúng vào những ngày thường rất đa dạng, đó có thể là lễ động thổ hoặc cất nhà, lễ cầu tự, lễ cắt tiền duyên, cầu thăng quan tiến chức, lễ xin cho đi học hoặc đi làm, đi nước ngoài. Cũng có khi gia đình đó mới gặp vận may hoặc vận rủi người ta đều đến lễ để tạ ơn hoặc xin giải hạn. Ông từ đền có nhiệm vụ viết sớ rồi làm lễ cho gia chủ.

Cô Nguyễn Thị Dung (60 tuổi) xã Trực Phú, là một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, nhà cô ở gần đền nên rất thường xuyên ra lễ đền, cô cho biết việc đi lễ là điều phải làm khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra với gia đình mình:“Khi cô định xây cái nhà này cô phải xem ngày, rồi mời thầy xem hướng hông các thứ có được nay không,

mình tuổi gì hợp với hướng gì, rồi tuổi mình hợp với tháng nào, ngày nào trong tháng. Khi cô xây móng nhà cô phải xem giờ nào mình lễ, giờ nào động thổ. Trước khi động thổ phải có lễ, lễ chùa lễ đền, lễ gia tiên rồi lễ thổ công bản địa, long thần. ngày hạ móng, ngày đổ mái, mái một, mái hai, mái ba, rồi mái tum, cái ngày quan trong nhất là cái ông thổ địa và cái ông thổ công là cái dưới cùng và cái trên cùng, lễ nhà xong mình ra lễ chùa rồi lễ đền. Ngày xong mình cũng phải lễ đền hoàn long mạch báo cáo xong, cũng phải trừ uế tạp, rước vong, cứ lễ xong ở nhà rồi lại ra đền ra chùa lễ. Phải theo đủ thủ tục như vậy. Còn không biết đúng sai thế nào, mình làm để giải tỏa cái tâm linh của mình, mình làm như thế này là mình yên trí rồi, thầy bảo như vậy mình làm như vậy để không nghĩ ngợi gì nữa”.21 Như vậy, việc ra đền lễ là một phần trong chuỗi quá trình xây nhà và lễ bái, khởi công hoặc hoàn thành mỗi hạng mục nhà là một lần người ta làm lễ để kính cáo với tổ tiên, thần đất, thần vùng (địa phương). Tống Hậu là một vị thần địa phương có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống tinh thần của người dân trong vùng, đến lễ Tống Hậu là một công việc không thể thiếu khi người ta bắt đầu làm một công việc mới. Với cô Dung thì đó là một việc làm “để giải tỏa tâm linh, yên trí, không phải nghĩ ngợi gì” trong quá trình xây nhà của mình để mọi việc được thuận buồm xuôi gió, và những người đi lương (không theo Công giáo) đều như vậy:“Bên lương hầu như vậy, người ta bảo “giầu làm kép, hẹp làm đơn” để nó an tâm, bây giờ không ai không thế đâu, toàn bộ các Phật tử người ta đã đến chùa đến đền là đều như vậy, từ xưa đến nay”.

Về lễ vật mang ra đền lễ thánh, ông Nguyễn Thanh Mai (65 tuổi), trưởng ban Trị sự đền Mẫu Ninh Cường cho biết: “Khi đến lễ người ta thường mang lễ chay hoặc lễ mặn. Nếu hoa quả người ta gọi là lễ chay; xôi, thịt, rượu người ta gọi là lễ mặn. Còn phần lớn người ta mang vào gồm: một thẻ hương này, tùy theo cái lễ to lễ nhỏ của họ, tùy cái lòng thành của họ như thế nào. Có thể là một cân hoa quả gì đó, một cân xoài, cân ổi, quả bưởi, nải chuối, đó là do họ thôi. Còn dứt khoát không thể thiếu được đó là một thẻ hương, gọi là thắp nén tâm hương. Thường thường đi lễ người ta có thẻ hương, có rồi giấy tiền giấy vàng. Còn phần lớn bây giờ người ta đặt

21

theo tiền mặt, tiền giấy Việt Nam để lễ”.22 Đây là những lễ vật thường thấy trong các mâm lễ ở Việt Nam, không có gì khác biệt so với những nơi khác mà tôi quan sát. Lễ vật to hay nhỏ tùy thuộc vào sự việc và đôi khi là tài chính của người đi lễ.

Tôi có một thời gian quan sát tại đền Mẫu trong những ngày bình thường (không phải ngày tuần hoặc lễ hội), việc lễ chay hay lễ mặn chủ yếu phụ thuộc vào công việc của gia chủ là lớn hay nhỏ. Những việc lớn như chuẩn bị xây cất nhà, xin con cầu tự, cắt tiền duyên, dâng sao giải hạn và xin thăng quan tiến chức người ta lễ bằng lễ mặn, nhiều gia đình còn làm cỗ mặn tại đền và cả gia đình cùng thụ lộc sau khi lễ. Còn những việc khác đôi khi chỉ cần hoa quả, thẻ hương và đặt tiền để ông từ viết sớ rồi người ta ra về.

Cô Phùng Thị Nhàn (46 tuổi), xã Trực Thái, cô đi lễ cầu duyên cho con gái hơn 26 tuổi rồi chưa lấy chồng. Ông từ yêu cầu cô đi mua cháo, oản, chuối, quả, bánh chưng, xôi, nhưng cô ấy chỉ đi mua được bánh chưng và giấy tiền bởi trong khoảng thời gian ngắn cô không thể chuẩn bị đầy đủ được. Sau khi ông lễ xong, cô xin đài âm dương nhưng gieo tới bốn lần mà vẫn không được (các thánh không chấp nhận), đều ra các đồng sấp. Lần thứ năm thì được, ông bảo: “được rồi, nhưng vẫn chưa được đâu. Tức là việc cầu xin của cô có phần khó khăn lắm”. Hay nói cách khác con gái cô chưa thể có ý chung nhân vừa ý được hoặc chưa thể kết hôn trong năm nay. Sau khi lễ xong, cô đi đốt vàng hương, cô nói “Em nó cũng vất vả lắm, học xong ra trường rồi, con gái mà yêu đương cũng chẳng đâu ra đâu”.23 Có rất nhiều trường hợp tương tự như cô đến cầu duyên cho con cái hoặc đi lễ về các việc hôn nhân cưới hỏi mà tôi gặp trong quá trình nghiên cứu tại đền Mẫu Ninh Cường. Có những người đến lễ cho con đi thi hoặc đi làm ăn xa, cũng có những người mang hoa quả ra gửi ông từ, kèm theo đó họ muốn xin gì thì viết vào tờ giấy để ông từ viết sớ. Như vậy, điều dẫn đến các quyết định trong đời sống của người đi lễ một phần phụ thuộc vào việc gieo quẻ tại các nơi thờ tự. Điều đó như là một cuộc thăm

22 Phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Mai, 65 tuổi, xã Trực Phú, ngày 4/4/2015

23

dò ý kiến của thần linh để hiệu chỉnh công việc tại dương thế. Đó là cách làm tăng sự tín ngưỡng của con người với vị thần của họ.

2.2.1.2. Các ngày tuần

Ngày tuần là những ngày rằm và mùng một hàng tháng. Ông từ cho biết, ngày xưa (trước 1954) cũng có nhiều người đến lễ nhưng chủ yếu vào mùng một, ngày rằm người dân ra chùa lễ (chùa Trực Cường), ngoài đền các chức sắc họp hành và tế lễ, thời ấy đền là nơi đình chung của chức dịch, một số người có công có việc họ mới đến đền lễ. Sau năm 1954, nhà nước xây dựng đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan nên ít người đến lễ, các ngày mùng một chỉ có những nhà có việc mới lên hương khấn thôi. Một cụ ông khác kể rằng, thời bao cấp, vào các ngày tuần các cụ chỉ tranh thủ ra đền lễ, khoảng 10 giờ lao động về sớm hơn thì một vài người có nải chuối ra thắp hương lễ thánh, còn ngày rằm thì không ai ra lễ cả. Nhiều người muốn đến lễ phải đi chui không cho người khác biết, cán bộ biết là bị phạt trừ điểm. Chỉ từ sau những năm 1990 trở đi thì mới được tự do lễ bái, nhưng khi ấy còn nghèo, có gì lễ ấy không được như bây giờ.

Ngày rằm hàng tháng là ngày tuần nhưng ít người đi lễ hơn, từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch 2015, vào ngày rằm tôi đều đến quan sát chỉ có 1 đến 2 người đi lễ riêng mỗi tháng do trong nhà họ có công việc mà ngày thường họ không ra đền phải để đến ngày tuần, cũng như những người thường xuyên ra đền trò chuyện với ông từ. Tuy nhiên, ngày rằm cũng là ngày tuần của các hội tế lễ dâng hương địa phương. Ở địa phương bốn xã Ninh Cường có 25 hội tế dâng hương. Các hội này đều được ban tổ chức cắt cử từ cuối năm trước trong khi chuẩn bị cho lễ hội đầu năm. Tuy nhiên ông từ cho rằng có hội đến tuần của họ cũng chẳng thấy ai lễ, một số hội thành tâm hơn đi lễ đều hằng năm vào đúng ngày tuần nhưng chỉ có đại diện hội đến lễ. Không chỉ có các hội ở Ninh Cường mà còn có các hội ở nhiều nơi khác như Hải Trung, Hải Anh… huyện Hải Hậu, một số người ở Liễu Đề huyện Nghĩa Hưng thường xuyên đến lễ vào ngày tuần (không phân biệt rằm hay mùng 1, do họ không bị cắt cử). Những hội này phần lớn họ đều có Tục thờ Tống Hậu tại nơi họ sinh sống do được rước chân nhang từ đền Ninh Cường về thờ. Trước khi đến đền lễ, họ

đều qua chùa Trực Cường lễ trước, một số hội còn qua đền Trần Trực Thái lễ rồi mới qua chùa.

Ngày mùng 1 thì đông người đến lễ hơn, người dân nơi đây có thói quen đi lễ vào sáng mùng 1, buổi chiều thường vắng người lễ.

Vào ngày tuần mùng một tháng 10 năm 2015, khoảng 8 giời 30 sáng, ông thủ từ đợi một ông trong ban trị sự đền Mẫu có mặt, hằng tháng ông này đều đến sớm hơn những người đi lễ khác. Khi có một vài người đầu tiên đến lễ, ông từ mở cửa đền, hai ông lên hương vào tất cả các bát hương, những người đi lễ rửa hoa quả bên một bể nước nhỏ trước cửa ra vào đền (gọi là tắm quả) cho thanh tịnh. Một bà cụ nói với tôi rằng: “hoa quả được cắt từ trên cây, đi ra đường ra chợ bị bụi bặm bám vào nên trước khi dâng Mẫu phải tắm cho sạch sẽ, bởi vậy mới đặt cái bể này ở đây”. Sau khi lên hương, hai ông đánh một hồi chiêng trống dài khoảng 5 phút, sau đó ông từ ngồi vào trước hương án tại Trung đường, viết sớ và lễ cho từng người. Mỗi người sau khi lễ xong đều không quên xin một quẻ thẻ và nhờ ông từ phán cho quẻ đó tốt hay xấu. Có hai chị em người Trực Thái đến lễ đền, người em chuẩn bị đi Ba Lan, người chị có con bên đó, họ đến lễ cho công việc đi Ba Lan của em được thuận lợi bởi chưa biết khi nào bên tuyển lao động gọi người em đi cả. Họ đang lo lắng về việc này, cô em (30 tuổi) nói với tôi rằng: cô đang đợi cấp visa, có thể cuối tháng họ sẽ gọi, đầu tháng nào cô cũng đến đền lễ cầu Mẫu phù hộ cho vợ chồng cô, chồng cô cũng đang bên Ba Lan”. Ông từ cho biết “ở Ninh Cường, người ta đi Ba Lan và Đông Âu đông lắm, nhiều người xây được biệt thự, cũng có người cúng tiến vào đền rất nhiều, các đồ thờ, lọ lục bình mới hàng chục triệu đồng, họ mới có tiền cúng tiến chứ người quê nghèo lấy đâu ra”. Khi người ta càng ăn lên làm ra, người ta càng cúng tiến lễ bái nhiều. Những người đến lễ đều có một thẻ hương, tiền vàng mã, hoa quả, có người mua thêm bánh kẹo, sữa, nước ngọt, cau trầu và trên đồ lễ là một chút tiền thật. Sau khi lễ xong người ta biếu ông từ một chút lộc thánh cùng

tiền sớ. Hôm ấy, tôi quan sát có 3 người đến lễ cho người nhà ở nước ngoài, một số người khác lễ cho người nhà làm ăn xa hoặc đi học xa.24

Ngày mùng 1, người ta thường đến lễ cá nhân, gia đình hoặc đi theo hội. Ông thủ từ cho biết, ở gần đây có nhiều công ty may, công ty gạch ngói, các công ty đóng tàu thuyền tháng nào họ cũng cử người về thắp hương lễ thánh, lễ xong họ lại về làm việc, họ cũng hay công đức cho nhà đền. Một số người thường xuyên đến đền lễ vào ngày mùng 1 là những người buôn bán nhỏ ở chợ hoặc mở cửa hàng, họ cho rằng đi lễ ngày đầu tháng sẽ được thánh Mẫu phù hộ cho làm ăn phát đạt trong cả tháng.

2.2.2. Các ngày lễ quan trọng

2.2.2.1. Ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng (6.3 âm lịch)

Việc phối thờ Hai Bà Trưng trong đền Mẫu Ninh Cường là một việc làm bất đắc dĩ. Vào những năm chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979 – 1980), một bộ phận quần chúng cho rằng “thờ người Tàu đau lòng chiến sĩ” nên đã có ý định đập phá đền, điều này càng được ủng hộ bởi một số người dân Công giáo và một số lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, đứng trước sự phá hủy ngôi đền, năm 1980, ông Nguyễn Văn Mẫn cùng một số người đã về đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn (Vĩnh Phúc) rước chân nhang Hai Bà Trưng về thờ. Ông Phạm Văn Lạc (61 tuổi) cho biết: Trước là đền do xã quản lý (1980), họp dân rồi bảo đền ở xã Trực Phú thờ người Tàu phải phá đi, bởi ở đó toàn là dân đi giáo nhiều, ở đền chẳng có ông nào chủ trì mà ủy ban mời đến để mà họp cả, sau có mấy ông già có ông Mẫn ở Trực Cường trưởng hội tín ngưỡng thôi chứ không phải cái gì to gọi là chủ trì (đứng đầu), thủ từ hồi ấy là ông Tiếp, cùng ông Tính lên Hà Nội, xin ý kiến ông giáo sư Nguyễn Hoài (một bác sĩ, người Ninh Cường thành đạt ở Hà Nội) xin chân nhang về đây thờ. Rồi chính quyền họ cho thờ. Rõ tớ đục tượng Hai Bà, về sau các ống bắt rồi hóa mất, công an Hải Hậu bắt”.25 Cô Minh Thanh cho biết: “bà Trưng Trắc và Trưng Nhị có từ năm 40 sau công nguyên, thời Mẫu hệ bà phải làm vua, hai bà lên làm vua thì

24 Trích nhật ký điền dã ngày 12/11/2015

25

mới chỉ có 3 năm, năm 40 đến 43 sau công nguyên. Thế thì nước mình mới tôn bà là Anh hùng dân tộc mới đưa vào đây để người ta không tàn phá chứ không thì không còn cái gì nữa”.26 Ông Nguyễn Thanh Mai (60 tuổi, trưởng ban trị sự đền) cho rằng: “thờ Hai Bà Trưng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lại là người Việt, ai dám không cho thờ”. Vào thời điểm ấy, ngoài đền Ninh Cường thì gần như tất cả các đền/đình thờ Tống Hậu trong vùng (Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng) đều bị phá hủy. Tuy nhiên, việc rước Hai Bà Trưng về thờ đã tránh được tai họa đập phá đền ở Ninh Cường. Sau này các đền khác đều về đây xin lại chân nhang sau khi đã xây dựng lại. Tuy nhiên, tại đền Ninh Cường người ta vẫn coi Tống Hậu là vị thần chủ của ngôi đền. Tháng 11 năm Nhâm Thìn (2012), gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn, xóm Khang Ninh (Trực Cường) xin tạc hai pho tượng cùng khám thờ Hai Bà, bát hương đồng đặt ở Trung đường, bên dưới ban thờ Tống Hậu cùng hai con voi nhựa tổng cộng là 23,5 triệu đồng. Cũng năm ấy, người ta xin phép chính quyền xã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 365 anh hùng liệt sĩ bốn xã Trực Phú – Thái – Hùng – Cường hai bên tả hữu dãy Tiền đường.

Ngày vía Hai Bà Trưng là ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch, ông từ Rụ cho biết “những năm 1980 - 1990 chỉ là lễ cho có lệ thôi chứ không làm to như ngày nay. Ngày nay, điều kiện kinh tế khá giả, người dân lại có hiểu biết và tín ngưỡng nên cho làm lễ linh đình tế lễ các kiểu”.

Ngày 25 tháng 4 năm 2015 (tức 6/3 âm lịch), tôi có mặt sớm tại đền Mẫu Ninh Cường (7h30), tôi khá ngạc nhiên khi đó đền chưa có gì gọi là tế lễ cả, chỉ có loa đài người ta đặt trước thềm cửa đền. Lúc sau, một số người phụ nữ đến, họ dâng tiến lễ vật gồm hai mâm ngũ quả, bánh kẹo, nước ngọt và tiền giấy. Dưới nhà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 58 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)