Quản lý, coi sóc và tu bổ đền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 78 - 83)

5. Đóng góp của luận văn

2.3. Quản lý, coi sóc và tu bổ đền

2.3.1. Vai trò của cộng đồng làng và chính quyền

Đền Mẫu Ninh Cường không chỉ là đền thờ thần mà còn là nơi chốn đình chung của cộng đồng làng xã trước 1945. Ngoài không gian thờ cúng tế tự ra thì hai bên sân đền là hai dãy đình (dãy dải vũ) với năm gian mỗi bên, được xây dựng năm Bảo Đại thứ 4 (1929), các gian giữa được xây lên ba bục với bục giữa cao hơn bục hai bên cho các chức sắc, lý dịch ngồi bàn việc làng việc xã và tổ chức lễ hội. Năm 2013, ông Mai (trưởng ban Trị sự) đã phá bục bên phải san bằng và kê bàn ghế vào làm nơi hội họp của ban Tổ chức và Quản lý nhà đền. Bục bên trái được giữ nguyên và lát gạch men hoa lên trên cho con nhang đệ tử tới lễ bái và nghỉ chân. Tuy nhiên việc phá bục bên phải cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong quần chúng nhân dân. Có người cho rằng việc đó làm phá vỡ sự cân đối giữa hai bên đình, làm hỏng di tích. Có người lại cho rằng làm như thế thuận tiện hơn cho việc hội họp, và kê các bàn ghế vào để ngồi họp sẽ văn minh hơn.

Một cụ già địa phương cho biết, xưa kia đền Mẫu cũng là nơi hội họp của hàng xã, tuy nhiên xung quanh nơi đây có quá nhiều người Công giáo, họ không đến đền bao giờ. Vị trí hội họp không thuận tiện đi lại, hơn nữa đền lại quá xa trung tâm hành chính tổng nên sắc phong được chuyển về trung tâm hành chính của tổng Quần Anh tại đình Trung (Hải Trung – Hải Hậu),35 và khi có hội thì đền Mẫu phải rước kiệu lên Quần Anh làm lễ, nên mới có câu “Ninh Cường giữ đền, Quần Anh

35 Đình Trung nay là xã Hải Trung Hải Hậu, nơi đây thờ Tống Hậu làm thành hoàng làng cũng là trung tâm hành chính tổng Quần Anh khi xưa

giữ sắc”. Từ sau khi chia tách khỏi huyện Hải Hậu, Ninh Cường thuộc Trực Ninh, sự liên lạc giữa đền Mẫu Ninh Cường và đình Quần Anh cũng hạn chế đặc biệt sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) các đền, đình thờ Tống Hậu ở địa phương đều bị phá hủy, các hoạt động tế lễ bị cấm. Sau này, khi xây dựng lại đền, một số địa phương đến xin lại chân nhang và đặt quan hệ đi lại giữa các đền.

Ngày nay, đền có hai ban làm công tác Bảo vệ di tích dưới tên gọi là ban Quản lý di tích và ban Trị sự đền Mẫu Ninh Cường. Ban Quản lý di tích gồm 15 người nằm trực tiếp dưới sự chỉ đạo của phòng Văn hóa xã do ông phó Chủ tịch UBND xã Trực Phú làm trưởng ban. Ban Trị sự đền Mẫu gồm 15 người do ông Nguyễn Thanh Mai làm trưởng ban, kiêm phó ban Quản lý di tích. Những người được vào trong hai ban này phải được nhân dân tín nhiệm (như ông Từ, giáo viên, công chức về hưu, hội trưởng các hội đoàn địa phương…), dưới sự quản lý của xã. Một ban do chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý (ban Quản lý) và một ban do người dân địa phương quản lý (ban Trị sự), tuy nhiên phần lớn những người làm việc trong cả hai ban. Các công việc lớn của nhà đền như sửa sang, lễ hội, các ngày lễ quan trọng trong đền đều báo cáo với chính quyền xã trước khi đưa vào hội họp bàn thảo.

2.3.2. Thủ từ

Theo các cụ già địa phương kể lại, trước 1954, không có thủ từ, người đứng đầu hàng xã là lý trưởng và các chức dịch làm các công việc của làng xã ngay tại đền do đó việc tế lễ do chức dịch quản lý. Sau 1954, đền được bàn giao lại cho chính quyền xã. Tuy nhiên, chính quyền không quan tâm tới việc lễ bái và tu sửa, một số người dân có tín ngưỡng tới lễ vào các ngày tuần, một số gia đình gần đền thỉnh thoảng ra quét tước, hương khói. Đến những năm 1990 mới bắt đầu có ông từ ra coisóc đền.

Ông từ hiện nay là ông Vũ Hữu Rụ (sinh năm 1939) sinh tại Trực Cường làm công việc trông coi đền Mẫu từ năm 2001 đến nay, là ông từ thứ tư của đền Mẫu Ninh Cường. Hiện ông cùng vợ sinh sống ngay tại đền Mẫu. Ông cho biết: Dòng dõi nhà ông ba đời làm địa chủ. Bố ông là thư ký của tổng Ninh Cường, là một chức dịch có vai vế trong vùng, trước khi cải cách ruộng đất, nhà ông có hàng chục mẫu

đất. Ông là trưởng nam năm đời của dòng họ Vũ Hữu. Sau độc lập (1945), ông đi học bình dân học vụ hết lớp hai rồi bỏ học đi theo thầy cúng, khi đó chưa đến 20 tuổi và chưa lấy vợ. Sau 1955, gia đình ông bị đấu tố và bị tịch thu ruộng đất nhưng không bị xử bắn, bố vợ ông cũng là một địa chủ bị đấu tố. Thời kỳ chống Mỹ, vì là con một, trưởng nam và có người thân làm cán bộ nên ông chỉ đi bộ đội một thời gian ngắn rồi được về, sau đó ông vào dân quân tự vệ, ông thường đi tuần bắn máy bay Mỹ rồi nằm vùng trong đền. Ông cũng thường xuyên hành nghề thầy cúng chui mặc dù khi đó bị cấm, hơn nữa các cán bộ xã đều là người trong họ nhà của ông nên họ làm ngơ các hoạt động gọi là mê tín. Ông còn tham gia hợp tác xã mua bán, làm công việc vận chuyển nhu yếu phẩm từ cảng Hải Hậu về Ninh Cường. Ông cho biết, thời kỳ bao cấp (1975 – 1985), trong nhà ông lúc nào cũng có 7 tấn thóc, vợ ông làm nghề hàng xáo, hai vợ chồng ông cấy hơn ba mẫu ruộng của HTX, nuôi một con trâu đực, thóc lúa cho vay đến mùa họ trả lại đổ đầy bồ, có khi cao tới nóc nhà. Thời mà người ta còn chết đói những năm 80, thì ông đã có thể mua một cái đài Sony một tấn rưỡi thóc, một cái tivi đen trắng một tấn thóc, mấy cái xe đạp, mỗi cái hơn một tấn thóc. Ông còn cho HTX vay tiền kéo đường điện về xã, cả xã kéo nhau đến nhà ông xem tivi và nghe radio đầy một sân. Bà từ (vợ ông) cho biết, lúc đó dù khó khăn đến mấy gia đình ông không bao giờ phải ăn cơm độn. Điều này cũng được một số người dân vùng này thừa nhận.

Sau Đổi mới, ông cũng có thời gian ở đền Mẫu nhưng lại về nhà nuôi con, tuy nhiên các công việc kinh tế gia đình, nuôi con đều do vợ ông đảm nhiệm. Từ sau khi Nhà nước cho tự do tín ngưỡng, ông đi khắp nơi lễ bái, ít khi về nhà. Bà từ cho biết “thậm chí cả tháng ông ở nhà 1-2 ngày rồi lại đi”. Đến năm 2001, ông quyết định cùng vợ ra đền ở thay thế ông từ cũ. Ông cho rằng “ông là người trên chấm từ khi đẻ ra con nhà Phật Thánh, từ bé chỉ có ở nhà chung,36

suốt ngày ở nhà làm việc đền việc chùa, làm ở đền chán rồi về chùa, ở chùa chán rồi ra đền, sau này vào ban kiên thiết đến bây giờ vẫn nằm trong ban Quản lý, người ta chưa cho về”. Tuy nhiên, ông cũng còn một từ đường họ tại nhà riêng của ông (Trực Cường) vì ông là

36

trưởng nam dòng họ Vũ Hữu. Bà từ thì cho rằng “nhờ ơn Thánh Mẫu mà gia đình bà được giàu có, con cái bà được học hành tử tế nên người, hiện nay con bà có người hàm Đại tá quân đội, có người làm giáo viên, các cháu đều đỗ đạt thành danh và có việc làm sau khi ra trường”.

Ông từ cho biết tất cả các ông từ khi ra trông coi đền đều phải là thầy cúng để cúng bái cho nhân dân, sau đó phải là những người trong sạch không có mờ ám về chính trị, không mắc tiền án, tiền sự. Để được ra trông coi đền, không phải chỉ được chính quyền lựa chọn mà còn phải được nhân dân tin cậy vì công việc nhà đền là công việc chung, ở đó có nhiều tài sản quý giá và là chốn tâm linh nên phải trong sạch. Việc cử một người có điều kiện kinh tế trông coi việc chung của làng nước tránh được tình trạng làm thất thoát các tài sản công cộng cho mục đích cá nhân gia đình. Đây là điều mấu chốt khiến ông có thể ở lại trông coi đền Mẫu lâu như vậy.

2.3.3. Các hội đoàn tôn giáo địa phương

Trong thống kê của ông Nguyễn Thanh Mai (phó ban Quản lý, trưởng ban Trị sự đền Mẫu Ninh Cường), trên địa bàn Ninh Cường bốn xã Trực Phú – Thái – Hùng – Cường có tới 25 hội tín ngưỡng. Trong đó có các hội tế, hội con hương, hội Phật tử, hội sơn quân, hội hầu đồng, v.v. Theo các cụ địa phương cho biết, các hội đoàn này đã có từ lâu dưới dạng hội tế, người trưởng hội đồng thời là chủ tế, một hội có thể lên tới hàng trăm hội viên, ví dụ hội bà Thơm có khoảng 60 hội viên, hội ông Phủng có trên 120 hội viên. Một người có thể tham gia nhiều hội, hai vợ chồng có thể là thành viên của nhiều hội khác nhau. Tên của hội là tên của những người đứng đầu hội, ví dụ: hội bà Thơm, hội bà Đào, hội ông Phủng hoặc hội Phật tử (hội của những người hay đi chùa). Người ở Trực Thái có thể là thành viên của một hội ở Trực Cường, không quy định bất cứ tuổi tác, nghề nghiệp, địa vực nào, thậm chí có thể tự do ra vào hội chỉ cần thông báo với người hội trưởng. Như vậy, hội đoàn tôn giáo ở Ninh Cường là một tổ chức lỏng lẻo trên tinh thần tự giác của các hội viên. Tuy nhiên, khi tham gia họ cũng phải có những quy định bắt buộc như đóng phí duy trì hội viên theo năm, mỗi năm một người là 50 nghìn hoặc có thể hơn, một số tiền rất nhỏ, những người tham gia tế lễ đều không trở tang hoặc những người trở tang

thì không được động vào đồ lễ hoặc đi mua sắm lễ. Cô Dung cho biết “từ hồi cô tham gia đến giờ cô không được tế bởi vì mẹ cô là bụi khăn trắng, thì cô không được tế, những người có tang không được phép vào tế rước. Cô chỉ chuẩn bị đồ lễ tế thế thôi. Còn lại người đứng tế phải là người sạch sẽ. Không có khăn trắng áo xám, không có bụi bặm gì”.37 Các hội lễ có vai trò chính trong việc rước lễ ngày lễ hội. Những năm gần đây, ngày lễ hội (mùng 6 tháng giêng) thường rơi vào đúng dịp cấy lúa xuân nên người ta không có thời gian cho lễ hội. Người hội trưởng có nhiệm vụ kêu gọi hội viên của mình tham gia rước lễ và một vài người được chọn tham gia vào đoàn tế.

Một số hội lễ sẽ được ban Tổ chức lựa chọn đảm nhiệm phần lễ vào các dịp lễ tuần (ngày rằm hàng tháng). Tuy nhiên, không phải hội nào cũng tuân thủ quy định này, có hội sẽ tổ chức lễ vào bất kỳ ngày nào mà không phải ngày lễ tuần của mình, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người hội trưởng. Ngay cả việc sửa lễ cũng phải chọn người cẩn thận đi mua lễ. Cô Dung cho biết “người ta phải chọn những người nào mua sắm lễ nghi nó đầy đủ và nó đẹp chứ không phải bảo ai cũng mua được. Từ ngày cô ra đến giờ cô đều là người đi mua sắm, chỉ có mấy ngày mẹ cô mất vào cái ngày lễ thì cô không đi. Như đầu năm vừa rồi, cô cũng không muốn tham gia vào sửa lễ, việc sửa lễ ấy lại chuyển cho người khác”. Người mua lễ cũng phải là người có trách nhiệm, và hơn hết họ phải có lòng tin vào thần linh và lòng tin đó được thể hiện qua lễ vật mà họ lựa chọn: đầy đủ và đẹp.

Các hội lễ không chỉ lễ ở đền Mẫu Ninh Cường mà còn tổ chức lễ ở nhiều nơi khác như chùa Ninh Cường, đền Trần Ninh Cường. Hằng năm, trung bình mỗi hội có ít nhất hai chuyến đi lễ xa ở các đền phủ lớn như đền Trần (thành phố Nam Định), Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định), đền Bảo Hà (Lào Cai), hoặc đi ông Mười (Nghệ An) tuy nhiên hầu hết họ không phải là con nhang đệ tử của Đạo Mẫu Tứ Phủ. Cô Nhàn cho biết, việc đi lễ xa vừa là những chuyến đi lễ, vừa là chuyến đi du lịch lại không quá tốn kém nên nhiều người tham gia vào các hội này, và có khi họ tham gia nhiều hội. Bà Lượt cho biết, trước đây bà tham gia ba hội, nhưng sau đó

37

bỏ dần, từ khi sức khỏe bà yếu bà không đi lễ được nên mỗi năm bà gửi hội ông Phủng 50 nghìn để họ viết tên mình vào giấy sớ mỗi lần đi lễ. Những hội lễ này ngoài chức năng chính là đi lễ ra họ còn tổ chức các cuộc thăm hỏi hội viên ốm đau hoặc phúng viếng người chết.

Tóm lại, các đoàn hội tín ngưỡng địa phương có một vị trí nhất định trong đời sống của nhân dân. Khi mà đa số dân cư Ninh Cường theo Công giáo thì các hội đoàn tín ngưỡng là một tổ chức phi quan phương cố kết những người đi lương (không theo Công giáo). Việc tham gia vào các hội đoàn tín ngưỡng làm giảm gánh nặng chi phí lễ bái của người dân, tạo điều kiện cho những người không có điều kiện vật chất, thời gian hoặc sức khỏe có thể được ghi tên trong danh sách giấy sớ lễ thánh và hơn hết là cố kết mọi người bằng các chuyến đi lễ xa, chuyến du lịch với chi phí thấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)