Nữ thần, bản sắc văn hóa địa phƣơng và vấn đề bảo tồn di sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 111 - 125)

5. Đóng góp của luận văn

3.6. Nữ thần, bản sắc văn hóa địa phƣơng và vấn đề bảo tồn di sản

hóa

Ninh Cường là một vùng đất được hình thành muộn hơn so với các nơi khác vùng đồng bằng sông Hồng do quá trình quai đê lấn biển, nhân dân tụ cư từ nhiều nơi hợp thành. Nơi đây cũng là một trong những nơi đặt nền móng cho sự hình thành và mở rộng huyện Hải Hậu sau này. Có thể nói vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đã tác động không nhỏ đến đặc điểm văn hóa của cư dân vùng Ninh Cường.

Vốn là những cư dân sông nước, trong quá trình tụ cư, người dân Ninh Cường đã tiếp nhận nhiều tín ngưỡng văn hóa khác nhau như tín ngưỡng thờ thủy thần, Nho giáo, Phật giáo và đặc biệt là đạo Công giáo, một trong những nơi du nhập đạo Công giáo đầu tiên vào Việt Nam. Theo Phan Thị Yến Tuyết “khi cư trú, mưu sinh ở môi trường thiên nhiên càng nhiều bất trắc, tai ương thì hệ thống thần linh của các tín ngưỡng tôn giáo nơi ấy càng giày đặc, càng chứng tỏ môi trường sinh thái đó nhiều hiểm họa”. Tuy nhiên, việc thờ cúng nữ thần ở những nơi gặp nhiều hiểm họa như vậy cho thấy nữ thần được xem là một thế lực lớn mạnh khuôn đúc thái độ và giá trị của con người. Bên cạnh đó không thể không kể đến sự phân chia lao động theo giới trong cấu trúc xã hội của những nhóm tôn giáo có khuynh hướng phản ánh phân tầng về giới trong xã hội và được lý giải bằng sự ủng hộ từ thế lực siêu nhiên cho sự phân tầng về giới rộng khắp. Ở những nơi vai trò của nam và nữ bình đẳng trong đời sống hàng ngày thì nữ thần nổi trội trong các câu chuyện về tạo hóa với biểu tượng phụ nữ thông lĩnh về sinh sản , sáng tạo và tiến hóa, bắt nguồn từ trong những yếu tố như nước và đất. Những cái chết trôi dạt trên biển của những người phụ nữ và hiển linh thành thần biển để cứu người cũng là một đặc điểm trong thần tích của một số nữ thần biển tại Nam Bộ (Phan Thị Yến Tuyết 2014:142-143). Tại Ninh Cường, bên cạnh tục thờ Tống Hậu đã có từ trước, sau một thời gian dài đạo Công giáo đã thành công trong việc truyền bá vào vùng đất này, người Công giáo đã tôn vị nữ thần của họ là Đức mẹ Mân Côi lên làm thần chủ của cả vùng bên cạnh

việc thờ phụng chúa Giê-su. Đền Thánh Đức mẹ Mân Côi được coi là Thánh địa của người Công giáo. Thánh mẫu Liễu Hạnh cũng được đưa vào các đền chùa thờ tự và nhiều điện phủ tư gia trên địa bàn Ninh Cường, có nhiều hội tế lễ là con nhang đệ tử của Đạo Mẫu. Như vậy, văn hóa thờ nữ thần đã có ảnh hưởng lớn tới các tôn giáo du nhập trong đó có cả Tống Hậu và Đức mẹ Mân Côi (Maria), Thánh mẫu Liễu Hạnh. Trong tâm thức người dân nữ thần được coi trọng hơn cả nam thần như Trần Hưng Đạo, Chúa Giê-su, Lý Thường Kiệt, Triệu Việt Vương, v.v. Do đặc điểm cư trú và sinh sống trong môi trường sinh thái ven biển, người dân phải đương đầu với những nguy hiểm, thách thức của biển cả, do đó họ có những hình thức thờ cúng, niềm tin vào vị thần bảo vệ cho họ được bình an, cuộc sống sung túc là đặc điểm chung của các nữ thần có thể mang lại cho họ.

Vùng đất Ninh Cường thờ Tống Hậu từ khi người Việt đến sinh sống và khai phá từ thế kỷ XIV, những giai đoạn sau này dù có những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng này ngày càng được phổ biến lan rộng ra các vùng xung quanh. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng đối với người dân Nam Định, những dân cư ven cửa sông biển, cửa ngõ đường biển đi vào đất liền. Hiện nay thật khó có thể kể hết được có bao nhiêu đền thờ Tống Hậu ở Nam Định rước chân nhang từ đền Mẫu Ninh Cường một phần do phá hủy thời chiến tranh Việt - Trung (1979) và từ đó nhiều đền đã cắt đứt sự liên lạc. Đền Mẫu Ninh Cường nằm bên dòng sông Ninh Cơ vốn là cửa biển Lạch Lác được xây dựng và tu sửa qua nhiều thế hệ, hiện nay được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2005, được

bảo trì thường xuyên dưới sự quản lý của các cấp chính quyền đảm bảo đời sống tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Đền Mẫu Ninh Cường hiện nay là một công trình kiến trúc được xây dựng hoàn chỉnh đầu thế kỷ XX, hiện trạng di tích được bảo quản khá tốt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ chính sách Đổi mới của Nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương đã có sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Hiện nay, việc trông coi, bảo vệ đền do ban Quản lý di tích và ban Trị sự đền Mẫu

địa phương đảm nhiệm với nòng cốt là các cụ già có uy tín, hiểu biết trong bốn xã nên đã không xảu ra tình trạng mất mát, hư hỏng, làm sai lệch hiện trạng di tích.

Để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di tích, chính quyền và nhân dân địa phương nên mở cửa đền thường xuyên để tạo sự thông thoáng, tránh ẩm thấp cho công trình nhất là phần kiến trúc gỗ, tiếp tục cải tạo khuôn viên, môi trường của di tích, tổ chức lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, lành mạnh, thu hút đông đảo nhân dân và khách thâp phương tham gia, hướng đến một lễ hội văn hóa du lịch. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương và tri ân công đức với người có công, nâng cao tinh thần đoàn kết trong nhân dân.43

Tiểu kết chương 3

Chúng ta thấy có sự khác nhau giữa các vị thần du nhập từ Trung Hoa vào Việt Nam đặc biệt với Tống Hậu, một trong những vị thần đầu tiên vào Việt Nam. Tống Hậu được thờ nhiều ở các cửa sông cửa biển phía Bắc, trong khi đó càng đi vào phía Nam tín ngưỡng này mờ nhạt hơn và Thiên Hậu được thờ nhiều hơn thường gắn với các cư dân gốc Hoa. Các vị nữ thần gốc Hoa khác có dấu ấn không rõ rệt như hai vị nữ thần này, họ thường được phối thờ với các vị thần khác, ít khi được làm thần chủ của một đền hoặc một vùng rộng lớn. Tống Hậu đã trở thành nữ thần biển của người Việt mang những đặc tính của nữ thần và mẫu thần và được người Việt phong là Quốc Mẫu.

Tống Hậu với tư cách một nữ thần mang những đặc tính của nữ thần như sáng tạo, sinh sản, che trở, là vị thần mang những đức tính cao quý của người phụ nữ như tiết hạnh, chung thủy là một tấm gương cho người phụ nữ, là cứu cánh cho họ trong cuộc sống. Đền Mẫu Ninh Cường cùng với chùa Ninh Cường là nơi tập trung nhiều phụ nữ đến lễ, họ đi lễ theo hội đoàn hoặc đi lễ cùng người thân, họ cầu mong ở Tống Hậu sự che trở về mặt đạo đức, giáo dục con cái, cầu xin được toại nguyện. Vai trò của nữ thần với phụ nữ trong các vấn đề kinh tế gia đình, giáo dục con cái, trấn an tâm lý… là những đặc trưng mà ít thấy ở các nam thần.

43 Hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa đền Quốc Mẫu Ninh Cường (xã Trực Phú-huyện Trực Ninh-tỉnh Nam Định)

Những thay đổi trong tập tục thờ cúng, lễ hội, trong các dịp kỷ niệm, lễ tết nhất là từ những năm 1990 trở lại đây được cải thiện cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ngôi đền ngày càng được tu bổ khang trang nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và thu hút khách thập phương về lễ bái, tham dự lễ hội. Bên cạnh đó, chính quyền cùng nhân dân địa phương bốn xã Ninh Cường cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền hướng người dân đến các hoạt động tâm linh lành mạnh, củng cố tinh thần đoàn kết lương giáo và tự do tín ngưỡng của người dân địa phương.

KẾT LUẬN

Từ nghiên cứu hiện tượng tín ngưỡng Tống Hậu – Tứ vị Thánh nương ở đền Mẫu Ninh Cường, chúng tôi đưa ra một số kết luận sau đây:

1. Tục thờ Tống Hậu ở Ninh Cường được hình thành cùng quá trình khai khẩn đất hoang ven cửa biển bãi bồi Lạch Lác, nơi đây là một trong 12 nơi thờ chính thức được vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ sau cuộc chinh chiến đánh Chiêm Thành năm 1470. Những cư dân đầu tiên thờ Tống Hậu có thể là những người chài lưới vùng Nghệ Tĩnh tới sinh sống và lập nghiệp, sau đó họ cùng với những người dân địa phương phía Bắc sông Ninh Cơ xuống khai khẩn tao thành các ấp sau này là xã Quần Anh, nơi đây là căn cứ phát triển và mở rộng huyện Hải Hậu ngày nay.

2. Tống Hậu là một nhân vật lịch sử thời Nam Tống Trung Quốc được cho là thần chủ được thờ ở nhiều vùng ven biển Việt Nam nhưng không có cứ liệu chắc chắn nào cho thấy đây là một sự thật lịch sử hay chỉ là cách huyền thoại hóa nhân vật được tôn thờ. Tuy nhiên có thể nhận định việc Tống Hậu được tôn thờ như một vị thần biển của người Việt là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Trung từ thế kỷ XIV đến nay. Tuy nhiên, tín ngưỡng Tống Hậu đã không còn ảnh hưởng trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam đặc biệt ở những lớp người Hoa di cư sau này. Đây là một hiện tượng văn hóa khác với các nữ thần gốc Trung Hoa khác ở Việt Nam. Tục thờ Tống Hậu ở Việt Nam có mối liên hệ đặc biệt với tục thờ cá, tục thờ nữ thần của người dân bản địa, nhất là những cư dân có ảnh hưởng văn hóa gốc Chăm vùng Thanh Nghệ thế kỷ XIV.

3. Tống Hậu có một vị trí quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng nữ thần ở Việt Nam, bà được xem là một Quốc Mẫu của người Việt, mang những khả năng cứu độ, che chở cho người đi biển. Đối với phụ nữ bà là một nữ thần mang lại cho họ niềm tin vào cuộc sống, phù hộ cho người dân được mùa màng, con cái, được bình an. Đền thờ Tống Hậu cùng với chùa Ninh Cường là một trong hai chốn tâm linh quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng bởi vì hai nơi này có sự thờ cúng hai vị nữ thần quan trọng trong văn hóa Việt Nam là Tống Hậu và Liễu Hạnh. Họ thường hay đến lễ vào đầu tháng, tụ tập thành các hội đoàn tế lễ và dâng hương trong các dịp lễ hội.

4. Đền thờ Tống Hậu ở Ninh Cường hiện nay được xây dựng lại đầu thế kỷ XX có nhiều giai đoạn thăng trầm, đang phải cạnh tranh gay gắt với đạo Công giáo phát triển mạnh ở địa phương và nhất là sự cưỡng chế của chính quyền sau nhất là khi chiến tranh Việt – Trung nổ ra (1979). Tuy nhiên, bằng sự khéo léo của những người có niềm tin mãnh liệt với Tống Hậu, họ muốn duy trì bản sắc văn hóa thờ nữ thần tại địa phương, họ đã giữ lại được tín ngưỡng và ngày nay ngôi đền vẫn mang một giá trị lịch sử, một sắc thái cổ kính và được người dân cho là ngôi đền linh thiêng nhất trong vùng Ninh Cường, Hải Hậu. Hằng năm, vào các dịp lễ hội, có rất đông du khách tới chiêm ngưỡng và lễ bái, các con nhang đệ tử thập phương về hầu đồng tại đền. Đây là kết quả của việc duy trì và hòa nhập sâu một nữ thần nước ngoài vào tín ngưỡng bản địa mà quan trọng hơn vẫn là yếu tố nữ thần trong đó.

5. Trong sự phát triển của kinh tế hiện nay, đền Mẫu Ninh Cường đang ngày càng giữ vị trí quan trọng trong tín ngưỡng văn hóa địa phương và một vùng rộng lớn đặc biệt là phía Nam tỉnh Nam Định. Người ta đặt niềm tin nơi Thánh Mẫu, họ thường xuyên công đức, tu bổ, và xây dựng lại nhiều hạng mục trong đền. Đó thường là những người buôn bán, người đi làm ăn nơi xa hoặc những người ngưỡng mộ vì sự linh thiêng của đền Mẫu. Bên cạnh đó không thể phủ nhận việc tổ chức tuyên truyền, quảng bá của ban Quản lý và Chính quyền địa phương nhất là trong các dịp lễ hội làm cho đền Mẫu Ninh Cường ngày càng nổi lên là một ngôi đền có tiếng về sự linh thiêng trong vùng. Mẫu Tống Hậu đã trở thành một vị thần có uy thế trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam, những vùng cửa sông biển và không chỉ với những người đi biển ngày xưa mà hiện nay bà còn mang nhiều chức năng khác nhau phù hợp với mọi nguyện vọng của người dân đến lễ.

6. Việc đưa hầu đồng – một nghi lễ đặc trưng trong Đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ vào thực hiện tại các đền thờ Tống Hậu cho thấy tín ngưỡng Tống Hậu đã chuyển đổi sâu sắc từ một nữ thần thành một mẫu thần có chân trong văn hóa Đạo Mẫu của người Việt. Đặc biệt hai nhân vật có liên quan mật thiết tới Tống Hậu đã trở thành hai vị Quan hoàng trong Đạo Mẫu là ông Hoàng Bơ (Đế Bính – con trai Dương Thái hậu) và ông Hoàng Chín (Ông Chín Cờn – vị sư cứu mẹ con Dương Thái hậu).

Một số nghiên cứu còn cho rằng Tống Hậu là hiện thân của Mẫu Thoải (vị thần cai quản vùng sông nước) và điều đó làm tăng vị thế Tống Hậu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đặc biệt, Nam Định được coi là một trong những nơi sản sinh ra Đạo Mẫu “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” là Mẫu Liễu Hạnh và Đức Trần Hưng Đạo. Đã làm cho việc đồng cốt nơi này ngày càng trở nên phổ biến trong bất cứ đền thờ Tống Hậu nào.

7. Sau một thời gian bị cấm đoán thờ một vị thần gốc Trung Hoa, việc thờ cúng Tống Hậu đã trở lại những nơi từng thờ bà. Các đền miếu thờ Tống Hậu tại Nam Định được sửa sang, xây dựng lại. Nhiều nơi đã quay về đền Mẫu Ninh Cường hoặc vào tận đền Cờn Nghệ An rước chân nhang Tống Hậu về thờ cúng. Đền Mẫu Ninh Cường trở thành ngôi đền thờ Tống Hậu linh thiêng nhất trong toàn tỉnh Nam Định. Duy chỉ có ngôi đền này giữ lại được nét kiến trúc cổ kính độc đáo mà không bị hủy hoại sau chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1980). Ngôi đền được công nhận Di tích lịch sử- văn hóa cấp Tỉnh năm 2005 và hiện đang được làm hồ sơ công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Ngôi đền ngày càng được sửa sang, mở rộng khang trang hơn đón các du khách thập phương về tham quan lễ bái và các con nhang đệ tử về hầu đồng. Sự linh thiêng của Tống Hậu bằng việc xuất hiện các hiện tượng lạ như có trăn, rắn cỡ lớn về chầu càng làm cho đền Mẫu Ninh Cường nổi tiếng thu hút nhiều người đến cúng bái.

Nghiên cứu về Tống Hậu là một đề tài không mới nhưng mở ra nhiều vấn đề trong nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Đó là quá trình hội nhập văn hóa của nhóm dân di cư chạy loạn Trung Hoa thâm nhập sâu vào văn hóa truyền thống Việt Nam và những biến đổi phù hợp với tình hình mới theo dòng thời gian lịch sử. Tống Hậu không còn là một vị thần Trung Hoa nữa mà đã trở thành Mẫu thần của Việt Nam, được đông đảo người Việt sùng bái, thờ cúng. Và đó cũng là sự khác nhau giữa các vị nữ thần Trung Hoa khác tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban tuyên giáo Hải Hậu 2010, Tên làng, xã – huyện Hải Hậu qua các thời kỳ (từ

năm 1485 đến năm 2010), tại website

http://www.haihau.vn/default.aspx?tabid=284& ID=449&CateID=, truy cập ngày 23/11/2015.

2. Chu Xuân Diên 2006, Văn hóa dân gian: Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Chu Xuân Giao 2010, “Đền Cờn và nữ thần cửa Chúa (Nghệ An) ở thế kỷ XVII trong ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ, từ góc nhìn nhân loại học lịch sử”, tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 111 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)