Những thay đổi trong tục thờ cúng Tống Hậu ở Ninh Cƣờng và xu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 105 - 111)

5. Đóng góp của luận văn

3.5. Những thay đổi trong tục thờ cúng Tống Hậu ở Ninh Cƣờng và xu

hƣớng thế tục hóa, thƣơng mại hóa hoạt động tâm linh

3.5.1. Những thay đổi trong lễ hội đền Mẫu Ninh Cường

Ở chương 2 chúng ta có thể nhận thấy những thay đổi trong quá trình lễ hội ở đền Mẫu Ninh Cường. Việc thay đổi rõ rệt nhất sau một thời gian dài lễ hội bị thu nhỏ ở thời kỳ bao cấp, thậm chí bị cấm trong thời kỳ chiến tranh biên giới Việt – Trung. Một số nét văn hóa truyền thống được bảo lưu như:

Trong đám rước vẫn còn giữ được sự liên kết với các địa phương khác trong lễ hội bằng cách mời các địa phương khác rước kiệu chung với kiệu đền Mẫu trong đó có kiệu Đức Thánh Trần ở đền Trần Trực Thái, kiệu Phật và kiệu võng thánh mẫu Liễu Hạnh ở chùa Trực Cường, và khi đền Trần và chùa Ninh Cường có lễ hội, đền Mẫu Ninh Cường lại góp kiệu cùng rước trong lễ hội đó. Tuy nhiên, việc góp rước này được thu hẹp hơn so với trước (cả vùng Ninh Cường – Quần Anh), và các cụ cho biết các nhà thờ họ của “Tứ tính, Cửu tộc” vẫn mang lễ đến dâng hương Mẫu trong dịp lễ hội.

Một số trò chơi vẫn được duy trì như tổ tôm điếm và cờ người, đây là hai trò chơi có từ xưa và hầu hết năm nào có lễ hội cũng được tổ chức (trừ những năm bị cấm 1979-1985). Có lẽ những trò chơi mang tính tư duy, ăn thua và có thưởng dễ khiến người ta hứng thú và thậm chí nghiện ngập. Và khi được công khai nó càng

được người ta thỏa chí hơn trong các dịp lễ hội mà không phải chơi “chui” như những ngày thường.

Thực chất, những người trong ban Tổ chức lễ hội ngày nay cũng như các chức dịch xưa đều là những người có vai vế và uy tín trong làng xã. Người đứng đầu ban Tổ chức là ông phó Chủ tịch UBND xã Trực Phú (kiêm trưởng ban Quản lý di tích đền Quốc Mẫu), ông Mai phó ban Tổ chức (phó ban Quản lý, trưởng ban Trị sự đền Quốc Mẫu) xưa cũng là một thầy giáo, làm cán bộ nông nghiệp tỉnh, sau đó nghỉ hưu và tham gia công tác nhà đền. Những người trong ban Tổ chức hầu hết là những người có học thức, họ là giáo viên về hưu, cán bộ xã về hưu hoặc những hội trưởng các hội đoàn tín ngưỡng địa phương, họ có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng của họ.

Những biến đổi so với lễ hội truyền thống

Chúng ta thấy rằng, hầu hết các lễ hội trải qua thời gian đều thay đổi đặc biệt từ sau Đổi mới (1986), sau một thời gian dài bị hạn chế, thậm chí bị cấm đoán, lễ hội ngày càng được tổ chức to hơn (xem Lương Văn Hy & Trương Huyền Chi 2009). Lễ hội Ninh Cường cũng không ngoại lệ, việc tổ chức lễ hội đã có sự thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây nhất là việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các công việc chung nhà đền.

Biến đổi về mặt không gian lễ hội, nếu như trước đây lễ hội Tống Hậu là lễ hội của cả vùng Quần Anh (trong đó có Ninh Cường) thì ngày nay chỉ diễn ra trên địa bàn Ninh Cường. Đây có thể do sự thay đổi về mặt hành chính, các ngôi đền khác trong vùng thờ Tống Hậu vẫn tổ chức cùng ngày nhưng đã hạn chế sự liên hệ. Một số đền chỉ gửi lễ đến trước lễ hội hoặc cử người dâng lễ trong lễ hội bởi ở địa phương họ cũng đang tổ chức lễ hội như đền Tây Lạc (Nam Trực), đền Lạc Chính (Trực Ninh), đền Hải Trung (Hải Hậu), v.v và từ khi Ninh Cường chia tách thành ba xã (Trực Phú – Thái – Cường) sau thêm Trực Hùng thì quy mô lễ hội chỉ còn xung quanh đền Ninh Cường, các xã khác chỉ góp kiệu và lễ rước chung. Trước đây đám rước là rước từ các đình-đền-chùa tới đền Tống Hậu tế, còn ngày nay là rước từ đền Tống Hậu vòng ra đường Cái (Tỉnh lộ 56) rồi lại quay lại đền, như vậy xưa lễ hội

đền Tống Hậu là một lễ hội của một vùng rộng lớn, ngày nay chỉ là lễ hội của những xã có liên quan. Sự thay đổi về không gian lễ hội còn diễn ra trong phạm vi hẹp hơn tại đền, đó là việc bắc rạp và làm rạp, điếm cho chức sắc và những người chủ tế, chủ lễ ngày nay đã không còn.

Ngày xưa, việc rước kiệu thánh chỉ dành cho nam giới, trẻ em, phụ nữ và người già ngồi trên thuyền xem rước thì ngày nay phụ nữ đã được tham gia rước kiệu Thánh Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Tống Hậu).41 Phụ nữ đã được tế trong những ván tế dâng hương lên Thánh Mẫu, thậm chí số lượng hội tế nữ quan còn nhiều hơn so với nam giới, việc này là cấm kị trước 1980. Nếu như trước đây chỉ có 3 ván tế (tế cáo, tế khai hội và tế tạ) đều là nam giới phụ trách thì bây giờ là hàng chục ván tế trong dịp hội, liên tục suốt ba ngày lễ hội. Mỗi ván tế là một hội tế lễ khác nhau, có cả tế nam quan và nữ quan nhưng chủ yếu là tế nữ quan. Phụ nữ được bình đẳng trong các công việc quản lý của đền như hội họp, thu chi, tế lễ, v.v.

Ngày nay cũng không còn cảnh hát chầu của các đào nương và hình ảnh nhảy đồng của ca công đây vốn là một nghi lễ trong đạo Tứ Phủ, cùng những ông lý trưởng hút thuốc phiện nghe hát trong đền dịp lễ hội. Khoảng mùng 9 – 10 tháng giêng, một hội trong xã Trực Thái làm lễ mở phủ tại đền, hội này xin được mở phủ đúng ngày trong các năm gần đây, sau đó là những hội hoặc những cá nhân hầu theo sự xắp đặt từ trước.

Trong lễ hội hiện đại đã có sự thêm mới các trò chơi hiện đại (bóng chuyền) và tổ chức treo giải cho các trò chơi. Ở hầu hết các lễ hội hiện đại đều thêm những trò chơi hiện đại như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, v.v để thu hút khách tham dự, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

Các nghi thức lễ hội truyền thống như tế lễ, rước sách, trò chơi ở hầu hết các lễ hội miền Bắc Việt Nam đều có không riêng gì đền Mẫu Ninh Cường. Tuy nhiên, các đền thờ Tống Hậu có những tập tục khác nhau. Đền Cờn (Nghệ An) có tục “chạy Ói” là tục lệ tái hiện lại sự tích tranh cây gỗ thần giữa hai làng Phương Cần và Phú Lương (xem Ngô Đức Thịnh 2001, Vũ Ngọc Khánh 2005). Hội đền làng

41

Đại Lộ (Thường Tín) dâng cúng cơm nắm muối vừng là món ăn phổ biến tưởng nhớ những người buôn bán bằng thuyền bè từ Nghệ Tĩnh ra kinh đô Thăng Long (xem Võ Hoàng Lan 2003). Hội đền làng Đông Lạc (Nam Trực) có tục rước nước, đây là một ngôi đền thờ Tống Hậu rước chân nhang từ đền Mẫu Ninh Cường bằng đường sông. Hằng năm đến kỳ lễ hội (8-10/3 âm lịch)42 người ta bơi thuyền nhỏ ra giữa sông nơi đậu thuyền đưa bát hương Tống Hậu lên bờ lấy đầy một bình nước tế lễ trên bến sông rồi rước về đền. Sau khi tế lễ xong người ta đặt bình nước đó lên khám thờ, người dân thường đến đó xin “nước Thánh” về chữa bệnh như đau khớp, đau bụng, giải cảm, tắm cho trẻ con... Người ta tin rằng làm như thế sẽ được khỏi bệnh và tôi được nghe không ít những trường hợp kỳ diệu như vậy. Đền Lạc Chính (Trực Ninh) cũng rước chân nhang từ đền Mẫu Ninh Cường, ở đây có tục thi trâu béo khỏe. Ngày 6 tháng giêng các giải pháp tắm rửa cho trâu, cho trâu ăn no, lại trang trí trên đầu, trên sừng trâu. Các nhà trong giáp góp gạo thổi xôi làm lễ, tối mồng 6 thắp đuốc rước trâu. Người cưỡi trên lưng trâu giơ cao ngọn đuốc và đoàn người trống chiêng hối hả theo sau. Đoàn rước có tới hàng chục con trâu béo, trâu đẹp được tập trung để dự thi, con nào đạt thì được giải.Lệ này được duy trì cho mãi đến ngày nay, vừa khích lệ tinh thần chăn nuôi tạo sức kéo (xem Hồ Đức Thọ 2010). Và còn nhiều đền thờ Tống Hậu khác trong vùng cùng rước chân nhang từ đền Mẫu Ninh Cường do hoàn cảnh lịch sử nên họ đã cắt đứt liên lạc với đền chính nhưng vẫn duy trì tập tục lễ hội ngày 6/1 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên nhiều đền đã liên lạc trở lại với đền chính Ninh Cường. Việc nối lại sợi dây quan hệ giữa đền chính và các đền thờ vọng đang ngày được củng cố và tạo dựng trong điều kiện xã hội hiện nay. Một phần do sự giao thông đi lại dễ dàng hơn, một phần khác do người ta có kinh tế trong việc dâng lễ vật lên đền chính trước khi chính thức mở hội tại đền làng mình, họ muốn bày tỏ sự biết ơn tới nguồn gốc của mình. Điều quan trọng hơn đó là việc tạo ra một mạng lưới quan hệ giữa các đền nhằm xây dựng vị

42 Do hoàn cảnh lịch sử những năm sau chiến tranh Việt – Trung (1979) người ta rỡ bỏ đền thờ, chuyển ngày lễ hội từ 6/1 sang 8-10/3 (ngày vía Đức thánh Mẫu Liễu Hạnh), tuy nhiên họ vẫn lấy Tống Hậu làm trung tâm cho nghi lễ tế lễ. Ngày 1/6 âm lịch vẫn tổ chức lễ hội như các đền thờ Tống Hậu khác nhưng quy mô tổ chức không lớn như ngày này.

thế và uy danh của ngôi đền thu hút các con nhang đệ tử tới tế lễ, cúng bái và hầu đồng.

5.3.2. Xu hướng thế tục hóa, thương mại hóa hoạt động tâm linh

Khái niệm “thế tục hóa” tôn giáo đã được không ít các nhà nghiên cứu đề cập đến như một trào lưu tư tưởng có tác động và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2009) thì “thế tục” là tập tục ở đời; là đời sống trần tục, đối lập với đời sống tu hành theo quan điểm của tôn giáo”. Ở đây, thế tục được hiểu theo nghĩa đời sống trần tục. Xu hướng thế tục hóa đã và đang thâm nhập sâu vào trong các tôn giáo, nhất là trong tín ngưỡng dân gian với quan niệm “trần sao âm vậy”, tất cả đều có mối quan hệ giữa cái trần tục với cái siêu nhiên. Điều này được thể hiện trong các thực hành lễ bái, những cầu xin của con người tới thần thánh hoặc những điều chỉnh truyền thống để phục vụ lối sống hiện đại của con người.

Đối với nhiều người, việc đi lễ cầu xin sự giải thoát là việc quá xa vời và không thực tế. Người ta đến các đền, chùa, miếu mạo, nhà thờ hoặc các nơi thờ tự để cầu mong sự bình yên cho cuộc sống hiện tại trước hết là trấn an về tâm hồn và giảm bớt gánh nặng tâm lý. Người ta cầu mong cho sức khỏe tốt, công việc thuận lợi, việc học hành thi cử được đỗ đạt… là một giải pháp tâm lý hiệu quả nhất trước những khó khăn của cuộc sống. Những vị thần quyền năng có thể ban phát sức mạnh, mang lại động lực sống cho con người. Tại đền Mẫu Ninh Cường, khi phỏng vấn nhiều người chúng tôi đã nhận được các thông tin về cuộc sống của họ, những khó khăn trong công việc, trong các mối quan hệ, áp lực thi cử và cuộc sống gia đình. Họ đến cầu xin thánh Mẫu để mong được phù hộ giảm nhẹ các áp lực tâm lý đó. Họ cho biết sau khi đi lễ họ cảm thấy thanh thản, được có thêm động lực, không phải lo nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Đây là chức năng tâm lý hiệu quả của thánh thần đối với cuộc sống trần thế con người.

Bên cạnh việc cầu cúng, việc gieo quẻ (tiền xu) và xóc quẻ thẻ (bốc quẻ) là một hoạt động được đông đảo những người đi lễ sử dụng để xem lời phán của thánh thần. Sau khi cầu xin, ông từ đền đưa đĩa tiền xu cho người đi lễ, người ấy gieo

xuống đĩa mặt âm mặt dương là được sự đồng ý của thánh thần về lời cầu xin đó, còn lại là không được, nhiều người muốn biết rõ hơn họ xin được xóc ống quẻ thẻ. Tại đền Mẫu Ninh Cường ống quẻ có 49 thẻ được đánh số từ 1 đến 49, tương ứng với 49 lời phán xét của thánh Mẫu. Người đi lễ đầu năm nhất là vào các dịp lễ hội đều vào xóc quẻ xem vận hạn trong năm mới của mình ra sao sau đó ông từ sẽ xem và giải quẻ. Đây là một phong tục phổ biến ở nhiều đền chùa miền Bắc Việt Nam với ý nghĩa đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp từ trong quẻ hoặc muốn biết trước sự việc sẽ xảy ra để chủ động đón nhận. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý đó các nhà đền đã tạo ra các dịch vụ giải quẻ từ những ông thầy với giá của mỗi lần từ 10 đến 20 ngàn đồng trong những ngày lễ hội. Điều đó đã mang lại lợi nhuận không nhỏ cho chính các ông thầy và nhà đền. Đây có thể coi là một hình thức thương mại hóa tâm linh.

Tống Hậu vốn không phải là một vị thần trong Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nhưng các đền thờ Tống Hậu đều đưa hầu đồng vào trở thành một trong những nghi lễ quan trọng trong đền. Ngày nay, hầu đồng được phép hoạt động sôi nổi trong tất cả các điện phủ Đạo Mẫu cũng như các đền thờ nữ thần trong đó có đền Tống Hậu Ninh Cường điều đó mang lại cho nhà đền những khoản thu đáng kể từ những người hầu đồng. Theo thống kê của ban Quản lý đền những năm gần đây có trên 30 đoàn về hầu trong đó có các đoàn địa phương và các đoàn từ các nơi khác như Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, v.v. Mỗi lần mở cửa đền cho các đoàn hầu đồng, tiền mở cửa và chi phí cho nhà đền từ 1 đến 3 triệu đồng (2015). Đây là một trong những nguồn thu nhập lớn của nhà đền đồng thời tạo nên tiếng tăm của đền. Không chỉ có đền Tống Hậu Ninh Cường, hầu hết các đền thờ Tống Hậu lớn đều diễn ra các hoạt động hầu đồng sôi nổi như đền Cờn (Nghệ An), đền Lộ (Thường Tín), đền Mẫu (Hưng Yên), v.v.

Ngoài ra, tại đền Mẫu Ninh Cường còn tổ chức các đợt bán khoán, cắt tiền duyên, dâng sao giải hạn cho người dân. Như vậy, những lễ lạt đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của con người đều đã được thực hiện. Ông từ là người thực hành các nghi

lễ đó, điều đó không còn được coi là mê tín dị đoan như trước những năm 90 mà hiện nay đã trở nên phổ biến và được thừa nhận.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 105 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)