5. Đóng góp của luận văn
3.1. Đặc điểm tục thờ các nữ thần gốc Hoa ở Việt Nam
Người Hoa sang Việt Nam mang theo các vị thần của họ trong đó có rất nhiều vị thần đã được người Việt bản địa hóa. Các nữ thần được nhiều người thờ phụng nhất ở Việt Nam gồm có Thiên Hậu Thánh Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Quan Âm Nam Hải, Long Mẫu Nương Nương, Thủy Mẫu Nương Nương, Cửu Thiên Huyền Nữ, Nữ Oa, Tống Hậu, v.v chủ yếu các vị nữ thần này đều có thân phận gắn với thần nước hoặc là các thần sông biển, là những vị thần đã giúp họ vượt biển đến các vùng đất mới.
3.1.1. Thiên Hậu Thánh Mẫu
Thiên Hậu Thánh Mẫu, hay còn gọi là bà Thiên Hậu là một sinh hoạt tín ngưỡng mang tính khu vực, gắn liền với vùng lục địa hải đảo Trung Hoa và theo chân người Hoa ra các vùng khác ở Đông Á và Đông Nam Á, việc thờ cúng Thiên Hậu đã trở thành hiện tượng tín ngưỡng văn hóa xuyên quốc gia (Ngô Đức Thịnh 2012:353-354). Thần tích kể về bà Thiên Hậu như sau:
Bà là con thứ sáu của một thương nhân buôn bán trên biển. Bà sinh ngày 23 tháng 3 vào đời Tống Kiến Long (960) tại làng My Châu huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến. Khi bà sinh ra, nơi bà tỏa ánh hào quang, sức nức hương thơm cây cỏ, mãi đến ngày đầy tháng mà bà không biết khóc một tiếng nên bà còn có biệt danh là Lâm Mặc, Mặc Nương. Năm 13 tuổi, bà học pháp thuật tinh thông có thể cưỡi chiếu bay ra biển, cưỡi mây đi du ngoạn khắp nơi. Bà cũng có thể dùng pháp thuật để chữa bệnh cho mọi người. bà quyết chí ở vậy không lập gia đình, nguyện suốt đời làm việc thiện. Bà sinh ra và lớn lên ở cạnh bờ biển nên thông hiểu thủy văn, thông thuộc luồng nước, biết dự báo thời tiết. Các tàu đánh cá, thuyền buôn đi biển đều được bà chỉ dẫn cứu giúp. Một lần đang ngồi trên khung cửi dệt vài, bà nhận biết được cha và anh mình đang gặp nạn giữa biển khơi, bà nhắm mắt, vận phép thần thông để cứu họ. Nhưng người mẹ thấy bà như đang bị mê đi bên khung
cửi nên lay thức, do vậy bà không thể cứu người anh bị chết đuối (có dị bản nói là người cha của bà bị chết đuối). Từ đây bà trở nên nổi tiếng và đã dùng phép thuật cứu giúp được nhiều người gặp nạn trên biển. Đời Tống Ung Hy năm thứ tư (978), bà từ giã cõi đời ngày mùng 9 tháng 9, hưởng thọ 28 tuổi. Từ đó về sau, vào các thời Tống, Nguyên, Minh, những người đi biển thỉnh thoảng thấy bà mặc đồ nâu bay lượn trên biển, hiển linh cứu giúp mọi người đương lúc gặp nạn. Vì vậy, những người đi biển và cư dân ven biển đều họ hình bà để thờ cúng, cầu xin bà phù hộ được bình an.
Năm 1122, vị sứ thần nhà Tống đi sứ sang Triều Tiên, trên thuyền chở nhiều sách quý, trong lúc lâm nguy ông đã cầu nguyện bà. Chính vì thế, từ đời Tống và các triều đại về sau, bà luôn nhận được các tước hiệu do nhà vua các đời sau vinh tặng: Nhà Tống phong tước hiệu đầu tiên là Phu Nhân Linh Huệ, kèm theo vinh hiệu Thiên Ân. Năm 1181, bà được phong hiệu Bảo Quang, ba năm sau được phong hiệu Tứ Phước. Đời Tống Quang Trung (1190) bà được phong Linh Phi Huệ. Năm 1208 đời Tống Linh Tông phong bà là Hộ Quốc Trợ Thuận Gia Ứng Anh Liệt. Năm 1253 đời Tống Lý Tông phong bà là Linh Huệ Trợ Lý Gia Ứng Anh Liệt. Năm 1258, phong tặng Hiển Tế Linh Huệ Hiệp Chính Gia Ứng Thiện Khánh Phi. Năm 1278, hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt phong bà tước Thiên Phi, tước Thiên Phi này vẫn giữ lại dưới triều nhà Minh và đầu nhà Mãn Thanh. Đời Thanh Khang Hy được phong Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tổng số các triều đại bà được 28 lần vua ban sắc phong. Ngoài ra dân gian còn tôn vinh bà là Đại Mẫu (Phúc Kiến, Hải Nam), Đức Bà (Quảng Đông), Mã Tổ (Đài Loan) (Ngô Đức Thịnh 2012:354-355).
Ở Việt Nam, tín ngưỡng Thiên Hậu được hình thành và phát triển trong giai đoạn có nhiều cuộc di dân lớn của cộng đồng người Hoa Nam Trung Quốc sang Việt Nam định cư. Đặc biệt là trong giai đoạn có nhiều đoàn di dân trong phong trào “bài Thanh phục Minh” giữa thế kỷ XVII (1679) (Trần Hồng Liên 2006:353, Trần Hạnh Minh Phương 2013:500). Ước tính hiện nay có trên 50 miếu thờ Thiên Hậu, dân gian quen gọi là Chùa Bà. Ở miền Bắc Việt Nam, khu vực người Hoa cư trú tập trung cuối thế kỷ XIX là phố Cờ Đen (nay là phố Mã Mây), miếu bà thường
được dựng lên để thờ tự ở vị trí trung tâm hoặc phố tự trong nhiều ngôi miếu thờ Quan Thánh Đế Quân, Bắc Đế, Phúc Đức Chính Thần. Một số nơi khác thờ bà Thiên Hậu đều là nơi tập trung dân cư người Hoa sinh sống trong đó có Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), đền bà Thiên Hậu (thành phố Nam Định)… Dọc ven biển từ miền Trung trở vào, ngư dân Việt phối thờ Thiên Hậu với các vị thần bản địa như thần Cá Ông, Tứ Vị Thánh Nương, Thiên Y A Na,… đó là những vị thần biển cứu giúp người đi biển. Ở miền Nam, tất cả các cộng đồng Hoa cư trú trong lịch sử đều thờ Bà, tập trung nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, người Hoa sinh sống theo vùng (7 phủ)39 đều lập miếu, trong từng nhóm Hoa thuộc ngôn ngữ khác nhau cũng lập miếu riêng.
Nếu ở Trung Quốc, Thiên Hậu được thờ dưới dạng tranh vẽ “một người đàn bà ngồi trên sóng hay trên mây, hoặc chỉ ngồi trên ngai” thì ở Thành phố Hồ Chí Minh người Hoa thờ Thiên Hậu, được đặt trang trọng nơi chính điện dành riêng thờ bà “Thiên Hậu Cung”. Bà được tôn là một trong những đệ nhất thần của cộng đồng “Thiên Hậu được khoác áo bào màu thẫm, thêu kim tuyến, trang phục của hàng vương công” (Trần Hạnh Minh Phương 2013:500). Các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa ở Nam Bộ không chỉ thờ cúng riêng Thiên Hậu, mà còn thờ cúng một điện thần gồm nhiều vị thần đã từng theo chân người Hoa di cư đến nước ta và nhiều nơi khác như Quan Công, Cửu Thiên huyền Nữ, Thần Tài, Bao Công, bà Mụ… nhưng trong hệ thống điện thần như vậy, Thiên Hậu Thánh Mẫu luôn là vị thần chiếm vị trí trung tâm, vị trí đẳng trật cao nhất. Có thể nói những nơi thờ cúng đó là trung tâm tập hợp của các cộng đồng người Hoa về đời sống tâm linh, nơi thể hiện và bào tồn các giá trị văn hóa mang bản sắc văn hóa của người Hoa (Ngô Đức Thịnh 2012:361). Trong miếu Thiên Hậu, tượng bà được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm nơi chính điện. Cạnh tran thờ bà, người Hoa đặt một chiếc giường ngủ, buông rèm, có kích thước nhỏ tượng trưng, bên cạnh là thau nước cho bà rửa mặt cùng gương lược chải tóc… xem như tẩm cung, nơi bà ngự, ngủ và
39 7 phủ: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu (tỉnh Quảng Đông), Ninh Ba (Chiết Giang)
nghỉ ngơi. Ngoài ra, trên tran thờ bà thường phối thờ hoặc cả hai nữ thần khác như Long Mẫu Nương Nương và Kim Huê Nương Nương hoặc cùng với hai nam thần khác như Phúc Đức Chính Thần và Bắc Đế, hoặc một bên là nữ thần, bên kia là nam thần, v.v. Quá trình người Hoa sống cộng cư với người Việt và người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đưa đến hiện tượng giao lưu văn hóa thú vị là trong ngôi chùa của người Việt cũng đặt tượng thờ Bà, chẳng hạn như trường hợp của Vĩnh Phước An tự ở Sóc Trăng… (Trần Hồng Liên 2006:356).
Lễ hội bà Thiên Hậu diễn ra trong năm gồm có ngày vía Bà vào 23 tháng 3 âm lịch và ngày lễ khai ấn ngày 28 tháng Chạp.40 Lễ vật dâng cúng vào ngày vía Bà (23/3) gồm có heo quay, bộ đồ lễ choàng vào pho tượng, đồ nữ trang bằng kim loại, bên cạnh đó người ta còn cúng Bà bằng gà và trái cây. Ngày hội vía Bà là dịp người Hoa tỏ lòng thành kính, tỏ ơn cứu mạng giúp họ vượt qua sóng gió đến được vùng đất mới. Bên cạnh đó cũng là dịp để người Hoa khắp nơi tụ hội, chia sẻ, đoàn kết nhau hơn trong cuộc sống. Ngày 28 tháng Chạp là ngày khai ấn của người Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn, họ kỳ vọng rằng vào giai đoạn chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới đã có được sự phò trợ của bà Thiên Hậu để giúp cho nước thịnh dân yên, cầu mong cho một cuộc sống bình an hạnh phúc trong năm mới. Ngoài hai ngày lễ lớn dành cho Bà, người Hoa còn có tục vay tiền thần vào ngày tết Nguyên Tiêu thường trả vào tháng Chạp. Người ta đến miếu xin bà cho vay tiền để việc làm ăn của họ được gặp may, tiền lãi tùy vào lòng thành kính của mỗi người nhưng hầu như ai cũng mang đến trả hậu hĩ (Trần Hồng Liên 2006:357-159). Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu được cư dân người Hoa trên khắp thế giới thờ phụng như vị thần chủ phù hộ cho cư dân đi biển, làm ăn, buôn bán.
3.1.2. Ngũ Hành Nương Nương
Ngũ Hành Nương Nương hay còn gọi là bà Ngũ Hành, bà Ngũ Nương. Ngũ hành là một quan niệm mang tính vũ trụ luận của triết học cổ đại Trung Hoa, là năm loại vật chất căn bản gồm: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa) và Thổ (đất). Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành từ phương Bắc rồi hòa quyện vào những tín
40
ngưỡng dân gian đã có trước, người Việt đã đưa thuyết này vào thờ phượng với những nhận định thực tiễn, giản dị dân gian thường gọi gộp chung là bà Ngũ Hành hay gọi tách riêng từng bà là bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Hỏa, bà Thổ. Mặt khác, so với các tục thờ Thổ Địa, Tài Thần, Chúa Xứ Thánh mẫu… tục thờ Ngũ Hành Nương Nương - một nhóm năm vị nữ thần – đã xuất hiện muộn hơn. Còn muộn hơn là mãi đến năm Duy Tân thứ năm (tức năm1911), triều đình nhà Nguyễn mới sắc phong chung cho năm Bà là các “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”, phân ra là: Thổ Đức Thánh Phi, Hoả Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi.
Bà Ngũ Hành được thờ ở nhiều nơi có sự có mặt của cư dân Trung Hoa trong lịch sử, miền Bắc có ven Hà Nội, phố Hiến. Từ miền trung trở vào, tín ngưỡng Ngũ Hành phổ biến hơn cả. Một số nơi lập miếu thờ riêng như miếu Ngũ Hành Nam Ô (Đà Nẵng), miếu Ngũ Hành Cẩm Nam (Hội An), miếu Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), miếu Ngũ Hành Tĩnh Thủy (Tam Kỳ)… còn lại đa phần bà Ngũ Hành được phối thờ với Thiên Ya Na – Chúa Ngọc. Ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định cũ, do phần lớn giới trung lưu và giới bình dân (tiểu thương, sản xuất tiểu/thủ công nghiệp, lao động giản đơn…), thường tin là Bà Ngũ Hành linh hiển, nên từ xưa miễu/miếu Bà được cất, dựng rải rác, liền kề nhau khắp các thôn ấp, đường phố. Như ở quận Gò Vấp (thuộc tỉnh Gia Định cũ, là địa phương có rất nhiều chùa, miễu) chỉ nội trong hai khu phố kề nhau, đã có tới bốn chỗ thờ Bà Ngũ Hành, một miễu ở mặt tiền đường và ba cái khác thì khuất trong ngỏ hẽm, cách nhau chỉ chừng 500 – 600 mét. Xưa nay, trong đất thổ cư, vườn tược của mình, nhiều nhà giàu đã cúc cung dựng miễu thờ Bà, như ở vùng quận 9 (gần Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ) hiện nay, có những ngôi miễu Bà thật nhỏ, có khi chỉ bằng cái tủ áo, được cất ngay cạnh ao nuôi cá và chuồng gà vịt. Có khi Bà được gia chủ thờ riêng một miễu, khi thì thờ Bà chung với Thổ Địa, Quan Công, Mẹ Thai Sanh, v.v. Còn ở nơi thờ phượng công cộng là các ngôi đình làng, kiểu thờ “quần tiên, chư thần” càng phồn tạp hơn. Mang danh nghĩa “đình” là dành thờ Thành Hoàng (vị nhân thần bảo hộ cho làng, xã), nhưng trong đình thì ngoài bệ thờ Thành Hoàng, luôn luôn có thêm bàn thờ, tran thờ
Ngũ Hành Nương Nương, Quan Thánh, Thổ Địa, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Linh Sơn Thánh Mẫu, v.v. Ở những ngôi đình cổ, như đình Minh Hương Gia Thạnh (ở quận 5, xây năm 1797), đình Phong Phú (ở quận 9, xây năm 1937), đình Phú Nhuận (150 năm tuổi), đình An Phú (ở quận 12, khoảng 250 năm tuổi)… Hằng năm, bá tánh cùng vía Bà cũng lớn không thua gì lễ vía Thành Hoàng địa phương (xem Phạm Nga 2008).
Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt đời sống con người, tới mọi nghề nghiệp nhưng một đặc điểm chung là những lăng miếu thờ hay phối thờ bà Ngũ Hành thường tâp trung ở ven biển, các lạch, cửa sông vốn là nơi quy tụ của cư dân tứ xứ tới sinh sống lập nghiệp trong đó có cư dân Trung Hoa. Đặc biệt, các làng nghề cá ven biển, nghề thủ công (làm muối, làm gốm…) người ta thờ bà Ngũ Hành và cầu mong bà phù hộ cho việc làm ăn, cầu sức khỏe, may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn (Ngô Đức Thịnh 2012:307-309).
3.1.3. Một số vị nữ thần gốc Trung Hoa khác
Long Mẫu Nương Nương là một vị thần được người Hoa mang sang Việt Nam từ thế kỷ XVII. Long Mẫu Nương Nương họ Ôn, quê tỉnh Quảng Đông, bà có tài biết trước các thiên tai để báo trước cho con người. Truyền thuyết dân gian khác cho rằng bà nhặt được một cục đá dưới suối đem về, nhiều ngày sau cục đá nở ra thành năm con rồng, nhớ ơn bà chúng gọi bà là mẹ. Sau đó bà cùng năm con rồng đi khắp nơi làm việc thiện, chữa bệnh, diệt thú dữ, diệt trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, dân gian gọi bà là Long Mẫu Nương Nương. Một truyền thuyết khác kể bà là con vua Thủy Tề, một lần đi ngao du trên biển bà bị một ông lão đánh cá bắt được, ông mang về nuôi, sau khi thấy hiện nửa người nửa cá, ông lão mang ra biển, để cảm ơn ông lão Bà dặn dò nếu khi nào đi biển đánh cá gặp nạn, kêu Bà sẽ cứu. Sau này ông lão gặp nạn đã kêu Bà và được cứu, từ đó dân chài tin tưởng thờ cúng và cầu cứu bà khi gặp nạn ngoài biển (xem Trần Phỏng Diều 2015).
Thủy Mẫu Nương Nương là thần giếng nước, rạch, ao, hồ, sông. Thủy Mẫu Nương Nương có viên ngọc trị thủy họa, được đồng nhất với Vô Tri Kỳ, một thủy quái ở sông Hoài thành Tứ Châu. Thủy Mẫu Nương Nương là thần giếng nước của
người Hoa ở những nơi khô hạn và là vị thần phù hộ cho họ vượt sông vượt biển, đi tàu, ghe, xuồng an toàn (Trần Hạnh Minh Phương 2013:505).
Trân Châu Nương Nương theo truyền thuyết là em gái út của Thiên Hậu, cũng là một dạng thần biển. Người Hoa Hải Nam còn thờ Ý Mỹ Nương Nương, Thủy Vỹ, Ý Mỹ là những vị thần phù trợ cho họ vượt qua sóng gió trên đường di cư từ miền Nam Trung Quốc đến Việt Nam. Bên cạnh đó, người Hoa còn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, một vị thần của Phật giáo Đại thừa được người Hoa gọi là Quan Âm Nam Hải giúp người đi biển được an toàn (Trần Hạnh Minh Phương 2013:506).
Những vị nữ thần kể trên xuất phát từ Trung Hoa được người Hoa đưa vào Việt Nam trong quá trình di cư, buôn bán hoặc chạy loạn chủ yếu bằng đường biển. Hầu hết các vị nữ thần Trung Hoa khi vào Việt Nam đều được người Việt chấp nhận và biến cải cho phù hợp với đặc điểm văn hóa người Việt. Các vị thần này đều được phối thờ với những vị thần bản địa khác, có những thần được tôn lên làm thần chủ của miếu, đền như bà Thiên Hậu, bà Ngũ Hành. Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần mang đặc trưng của cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới “ở đâu có người Hoa ở đó thờ Thiên Hậu”. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, tín ngưỡng thờ nữ thần biển trở nên phổ biến và đặc biệt phát triển vì quá trình di cư và định cư ở vùng đất mới muôn vàn khó khăn thử thách không thể lường trước, người Hoa có nhu cầu được trấn an, nâng đỡ tinh thần để vượt qua những bất ổn của cuộc sống mới đầy bất ổn. Những nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu, Long Mẫu Nương Nương, Long Nữ, Quan Âm Nam Hải, Ý Mỹ Nương Nương, Thủy Vĩ… đã che chở những con thuyền