5. Đóng góp của luận văn
3.2. Đặc điểm của tục thờ nữ thần gốc Việt
Việc thờ cúng các Nữ thần, Mẫu thần ở Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm. Vậy Nữ thần họ là ai trong hệ thống tín ngưỡng Việt Nam? Vũ Ngọc Khánh (2005) đã phân ra làm ba loại là nữ thần sáng tạo vũ trụ, nữ thần chinh phục tự nhiên, nữ thần là các nhân vật lịch sử. Ngô Đức Thịnh (2010, 2012) chia làm bốn loại: nữ thần tạo lập vũ trụ, nữ thần là biểu tượng quê hương, đất
nước, xứ sở; các nữ thần sáng tạo văn hóa và các danh tướng trận mạc cùng các nữ nhân có công với dân với nước.
3.2.1. Các nữ thần sáng tạo vũ trụ
Không chỉ có người Việt thờ Nữ thần, theo Tôcarev thờ cúng nữ thần xuất hiện trên cơ sở của chế độ thị tộc mẫu quyền, đó không phải là sự thờ cúng tổ tiên, đó là sự thờ cúng các thần che chở và vật thiêng của thị tộc (cũng như gia đình) mà một phần được thể hiện thông qua các vật thể. Đó là sự thờ cúng thần lửa của người của người Côriắc, người Tructra với “mỗi gia đình có lửa thiêng”. Vật thiêng liêng gia đình của người Nanai là cái bếp lò trong nhà và được nhân cách hóa thông qua hình ảnh của Phadia – mama (mẹ lửa) và được hình dung đó là một bà già lưng còng mặc áo dài đỏ. Người Ghiliắc ở Xiberi, người Ainu, người Evencơ, người Đôbantơ cũng thờ nữ thần bếp lò và gọi bếp là “mẹ lửa”, “bà chủ lửa”. Đó là một số sự kiện chứng tỏ những tàn dư các tập tục của chế độ mẫu quyền. Ông giải thích điều đó còn do phụ nữ là người giữ gìn bếp núc, người phụ nữ chuẩn bị các vật thiêng cho ngày lễ và hiểu biết hơn nam giới về những chi tiết của sự cúng lễ, thiếu phụ nữ không thể tiến hành tế lễ được. Một bằng chứng khảo cổ học cho thấy, có tương đối nhiều bức tượng nữ được phát hiện trong các thời đại đồ đá và thời đồng đá, trong đó có một số tượng có quan hệ rõ rệt với bếp đun. Đó là những âm hưởng xa xưa của những tín ngưỡng tôn giáo thần thoại rất cổ, bắt nguồn từ hậu kỳ đồ đá cũ, từ thời đại thị tộc mẫu hệ ra đời (Tôcarev.X.A 1994:298-311).
Các học giả đều cho rằng việc thờ cúng Nữ thần đều gắn với môi trường nông nghiệp, con người chuyển dần sang trồng trọt và chăn nuôi, nền kinh tế chiếm đoạt tự nhiên chuyển dần sang nền kinh tế sản xuất. Qua đó, các hình thức tôn giáo cũng dần thay đổi về nội dung để thích nghi với hoàn cảnh mới. Các nguồn lợi trồng trọt và chăn nuôi do con người tạo ra lại được linh thiêng hóa, gán cho các lực lượng siêu nhiên: thần lúa, thần ngô, thần mỳ, thần động vật... Trong các di tích khảo cổ từ châu Âu cho đến Siberi đã nổi lên một hình tượng phụ nữ với đặc điểm nữ tính nổi bật (vú to, mông lớn, bụng như có mang); những hình vẽ hay tranh khắc, thậm chí những vật thiêng biểu hiện quan hệ âm – dương (nam – nữ). Xét dưới góc độ tôn
giáo, điều đó tượng trưng tầm quan trọng của sự sinh sôi nảy nở giống nòi và sự phóng đăng liên quan đến mùa màng. Có thể coi đó là thần thị tộc mẫu hệ (mẹ của cộng đồng người), mẹ của sự phì nhiêu của đất (Đặng Nghiêm Vạn 2001:32-33). Theo Trần Ngọc Thêm việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực tư duy là lối tư duy tổng hợp; và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần. Tính chất âm tính của văn hoá nông nghiệp dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ, và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần. Và vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ đẹp, mà là các Bà Mẹ, các Mẫu (Trần Ngọc Thêm 2000:132- 133). Ngô Đức Thịnh cho rằng người xưa đã khoác cho tự nhiên, vũ trụ thuộc tính nữ, mang tính sản sinh tồn trữ và che trở. Đó là các Nữ thần Mặt Trời, Nữ thần Mặt Trăng, Bà Nữ Oa (cùng Ông Tứ Tượng), các Nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), và các yếu tố mang tính bản thể vũ trụ được gắn cho tính nữ Bà Ngũ Hành (Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thổ). Suy cho cùng, việc tôn thờ nữ thần chẳng qua chỉ là cách nhân thần hóa và tôn sùng lực lượng tự nhiên mà thôi (Ngô Đức Thịnh 2012:30-31). Nguyễn Xuân Đức (2010) cho rằng ban đầu sự hôn phối của con người còn ở dạng quần hôn, người mẹ đóng vai trò xác định và quan trọng về tình cảm trong mỗi gia đình Mẫu hệ và trở thành một thứ tình cảm thiêng liên trong khái niệm tình mẫu tử. Như vậy, nguồn gốc của sự hình thành tín ngưỡng Nữ thần xuất phát từ sự định cư trong sản xuất nông nghiệp, những ước vọng phồn thực, vai trò sinh sản của tính nữ đối với tự nhiên và tình mẫu tử đối với con người.
Với mỗi dân tộc, đều có một bà mẹ nào đó sinh ra dân tộc mình, họ là biểu tượng cho quê hương, đất nước, xứ sở. Với người Việt là mẹ Âu Cơ, người Tày là Mẹ Hoa (mẹ Booc), người Mường là bà Dạ Dần, bà Riada của người Xê đăng, bà Kon Keh của người Ba Na, bà Inư Nưga Taha của người Chàm… Những vị thần này vừa có công sinh ra loài người vừa có công dạy cho loài người biết cách để kiếm sống trên chính mảnh đất của mình, đồng thời cũng là thủy tổ của một số
ngành nghề nào đó: Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa, Mẹ Mía, Mẹ Lửa… (Ngô Đức Thịnh 2010:53). Vũ Ngọc Khánh lại cho rằng vấn đề “Mẫu” phải được xem xét về cả ba phạm vi: xã hội học, dân tộc học, triết học. Thế giới quan của người Việt rất hồn nhiên và sâu sắc, nó gắn với sự hình thành dân tộc, ở Đông Nam Á đều có những huyền thoại về các bà mẹ lớn, về những quả bầu mẹ, những cái trứng thần. Nhưng câu chuyện “đồng bào”: thì phải công nhận là ở Việt Nam có phần thiết thực và phổ cập hơn. Người dân ta quan niệm rằng cả nước là một đại gia đình, cùng chung ruột rà máu mủ, các dân tộc gắn bó với nhau bằng quan hệ gia đình, chủ của các gia đình là người mẹ chứ không phải người cha (Vũ Ngọc Khánh 2001:59-60).
Người Mẹ với thiên chức sinh nở đã được gán cho những gì sáng tạo nhất của con người, sau đó của thiên nhiên, của vạn vật và của các quy luật vũ trụ. Chính người mẹ đã sáng tạo ra vũ trụ của con người. Các vị thần tự nhiên đều được nữ tính hóa như Nguyễn Minh San nhận xét, “người Việt có xu hướng nữ tính hoá các hiện tượng tự nhiên, biến các thần tự nhiên thành các nữ thần và tôn phong nhiều vị nữ thần là Mẹ/Mẫu” như Mẹ Nước, Mẹ Lửa, Mẹ Chim, Mẹ Rừng, Mẹ Đất, v.v. (xem Nguyễn Minh San 1994). Cho nên cũng không khó hiểu khi vị thần bất tử thứ tư lại là một phụ nữ có tài năng, luôn giúp dân lành, được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu
đó là Liễu Hạnh cai quản vùng trời gọi là Mẹ Trời. Ở hầu hết các điện thờ Mẫu tại nơi chính cung trang trọng nhất đều ghi công ơn là Mẫu Nghi Thiên Hạ. Cũng bởi Trời ở xa xôi nhất và chỉ có con người mới có thể làm chủ được tự nhiên nên Mẹ Trời phải do con người nắm giữ.
3.2.2. Các nữ thần chinh phục tự nhiên
Trong lịch sử còn có những cuộc hành trình mở rộng cương vực. Khi đã thành công trong công cuộc chinh phục một vùng đất mới, người Việt lại đối mặt với các vị thần bản địa, các cách mà họ thường làm là đưa vị thần của mình vào thay thế các vị thần bản địa như họ làm với Thiên Yana, Po Yan Dari hoặc rước các vị thần ấy cùng đám tù nhân bắt được trong các cuộc chiến về làm vị thần bảo trợ nước Việt như Lý Thánh Tông đã làm. Còn đám di dân Việt khi về phương Nam lại đối mặt với một hệ thống thần biển với những mối liên hệ vốn chỉ có những đại diện mờ
nhạt ở trung châu miền Bắc. Các kiểu thờ cúng không giống với người Việt, những hình ảnh “dâm loạn” trong cách thai sinh, trong sự thờ cúng, có thần gần như nguyên vẹn hình ảnh cũ: thần Cá Voi. Có thần biến dạng thành Long Vương, nhập thành Tứ vị Thánh nương của Đại Việt, đồng dạng với bà Thiên Phi, Thiên Hậu của đám dân Trung Hoa hàng hải, lưu vong (Tạ Chí Đại Trường 2006:21).
Ta cũng bắt gặp hình ảnh các vị thần ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo trong hệ thống các Nữ thần ở Việt Nam. Khi mới đặt chân vào đất Việt, Phật giáo phải chịu sự cạnh tranh với các thần bản địa nhất là thần cây, thần đá và các vị thần nông nghiệp. Để có một chỗ đứng nhất định cho mình, việc thêu dệt nên một câu chuyện trong đó tập hợp tất cả các vị thần bản địa là cần thiết, câu chuyện Khâu Đà La bước qua người Man Nương rồi thụ thai được cho là dấu ấn của một sự hội nhập tôn giáo mới, nhưng sản phẩm của nó lại là các tôn giáo bản địa. Ta có thể nhận thấy trong đó có tục thờ cây, tục thờ đá (Thạch Quang Phật - mang hình sinh thực khí), và tục thờ thần mây, mưa, sấm, chớp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), điều đó người Việt có thể chấp nhận được. Trong các điện Mẫu, đứng đầu là Tứ vị Thánh Mẫu nhưng bên trên các Thánh Mẫu lại là một bức hình Quán Thế Âm Bồ Tát (nhiều khi còn gọi là Nam Hải Quan Âm) vốn là một “nam thần”, đệ tử của Phật nhưng khi theo đám thuyền buôn Trung Hoa đi biển lại trở thành nữ thần phù trợ cho người đi biển như Thiên Hậu của người Hoa hoặc Tứ vị Thánh nương của người Việt. Trong điện thờ Mẫu, sự xắp xếp vị trí các thần linh khiến ta lại thấy giống với một điện của Đạo giáo hơn. Bên cạnh việc thờ các Thánh Mẫu vẫn có sự thờ cúng các vị thần Đạo giáo như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, Quan Thánh Đế Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu… tuy nhiên các vị này mờ nhạt hơn so với các Thánh Mẫu và thuộc hạ của Ngài. Các nghi lễ cầu cúng, lên đồng vốn được xem như là của Đạo giáo phù thủy cũng trở thành nghi lễ chính thức của đạo Mẫu Việt Nam. Những câu đối trong các điện phủ mang đậm sắc thái Nho giáo nhằm ca ngợi công đức Thánh Mẫu, sự đối xứng của các vế đối vốn được dùng trong đối đáp thi cử thì cũng đã được trình diện lên trong các điện Mẫu rất trang trọng và uy nghiêm.
3.2.3. Nữ thần là các anh hùng dân tộc
Vị trí của Việt Nam tiếp giáp với một nền văn minh lớn là Trung Hoa và luôn chịu sự đe dọa từ phía Bắc. Lịch sử Việt Nam có rất nhiều nữ tướng đánh giặc, sau khi chết họ đều được nhân dân phụng thờ. Hai Bà Trưng là hai nữ tướng đầu tiên trong cuộc giải phóng khỏi ách xâm lăng của ngoại bang, đền thờ bà có mặt ở hầu khắp các nơi vùng đồng bằng sông Hồng, theo chân người Việt vào khai phá miền trong. Rồi đến Bà Triệu cùng các nữ tướng của bà, sau này là các Thái Hậu, Hoàng Hậu, các Công chúa, tỳ nữ… những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Vua cùng các nhân vật không có tên tuổi xác định như bà Chúa Kho, bà Vú Thúng, bà Áo The… có công giúp sức với nhà vua trong các trận chiến chống xâm lăng. Bên cạnh đó, không chỉ có các nữ nhân thần người Việt có công giúp đất nước được tôn thờ mà những vị thần nữ có nguồn gốc nước ngoài nhưng đã hiển linh âm phù cho các đoàn quân đánh giặc hoặc phù trợ cho cư dân một vùng, một nghề nghiệp nào đó cũng được dân cư nơi đó thờ phụng như bà Thiên Hậu, Tứ Vị Thánh Nương, đức mẹ Maria… họ đều được phong là Nữ thần, Nữ tướng, Mẫu, Quốc Mẫu hoặc Mẹ. Cũng có khi họ là những người có công giúp đỡ một nhân vật quan trọng nào đó trong chiến trận hoặc trong các công việc trọng đại của đất nước như các bà mẹ, bà vợ, các con gái hoặc tỳ thiếp của họ. Bởi những người này khi sống họ là những người có đức hạnh, có công lao, phần lớn họ là những người khá giả có điều kiện bố thí giúp đỡ dân nghèo, nhiều người còn được phân phong thực điền, khi chết có ruộng để cúng tế, nhờ thế mà người dân có thể được hưởng chút lợi lộc nào đó từ họ.
Đất nước Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tục và kéo dài, phần lớn thời gian ở trong tình trạng chiến tranh với ngoại xâm, nội chiến hoặc đi chinh phạt. Người chồng, người cha thường xuyên bị gọi đi lính, xung vào quân ngũ và hi sinh trong trận mạc để lại người vợ “ôm con hóa đá” đứng chờ chồng. Việc sinh thành và dưỡng dục con cái nằm trọn trên đôi vai người mẹ, tình cảm mẫu tử khắc sâu trong tâm hồn mỗi đứa trẻ rồi trở nên linh thiêng khi người mẹ qua đời. Có nhiều bà mẹ thủ tiết nuôi con chờ chồng, họ phải gánh vác công việc gia đình, công
việc làng xóm việc đất nước thay chồng, có người sau này được triều đình ghi công, dân làng thờ phụng. Thời nào cũng có những bà mẹ như thế.
2.3.4. Đạo Mẫu Việt Nam
Đạo Mẫu trong phạm vi nào đó cũng có nghĩa là nguyên lý mẹ, các nhà nghiên cứu đều cho rằng từ việc tôn thờ thần tự nhiên mang yếu tố nữ tính với chức năng sáng tạo, sinh sản, che trở, tồn trữ cho đến các bà mẹ của loài người, của mỗi dân tộc, các mẹ của vùng đất, cây cối, đến các vị nữ tướng, nữ quý tộc, cuối cùng là hệ thống triều đình Đạo Mẫu đều mang một nguyên lý. Đó là nguyên lý của sự sinh sôi nảy nở, nuôi dưỡng và phát triển hết đời này đến đời khác, là một hệ thống vũ trụ với người mẹ làm trung tâm. Như một vòng tuần hoàn sinh diệt của bất kỳ tôn giáo nào, Đạo Mẫu cũng đã mang được cái tầm của một tôn giáo xét về khía cạnh vũ trụ luận trong dân gian.
Các nhà nghiên cứu về Đạo Mẫu đều cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu thần là sự phát triển cao hơn của tín ngưỡng thờ Nữ thần, đạo Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ là sự phát triển cao hơn của tín ngưỡng thờ Mẫu (xem Vũ Ngọc Khánh 2005, 2012; Nguyễn Hữu Thụ 2008, 2009, 2012; Ngô Đức Thịnh 2010, 2012). Trải qua thời gian, các biến động về xã hội có tác động không nhỏ tới các biến động về tôn giáo. Sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự phát triển cao hơn của tín ngưỡng thờ Nữ thần, nhưng phải hội tụ một số đặc điểm nào đó thì Nữ thần mới có thể trở thành Mẫu thần và mãi đến thế kỷ XVI tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ phủ mới ra đời.
Các học giả đều nhất chí tục thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ, chính là mức phát triển cao về nhiều mặt từ thờ Mẫu thần. Ở tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ đã có sự “chưng cất” (hay chắt lọc) từ tín ngưỡng đa thần về một số vị nữ thần cơ bản và gọi là Mẹ, Mẫu, bao gồm: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Địa (Địa Tiên Thiên Thánh Mẫu). Bốn vị Mẫu trên đại diện cho bốn không gian địa lí khác nhau, trong đó mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản vùng trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản ở vùng sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất (xem Nguyễn Đăng Duy 2002; Vũ
Ngọc Khánh 2005, 2012; Nguyễn Hữu Thụ 2008, 2009; Ngô Đức Thịnh 2010, 2012).
Ngô Đức Thịnh cho rằng để tục thờ Thần, Nữ Thần và Mẫu Thần phát triển lên thành Đạo Mẫu Tam phủ - Tứ phủ thì những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc (dạng thờ Tiên) có vai trò quan trọng. Hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” ở