Phụ nữ và nữ thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 102 - 105)

5. Đóng góp của luận văn

3.4. Phụ nữ và nữ thần

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi sinh tôn giáo ở Việt Nam. Họ tích cực tham gia vào các hoạt động tôn giáo, thúc đẩy quá trình thị trường hóa tôn giáo diễn ra nhanh chóng hơn, họ đặt tôn giáo trước áp lực giải quyết các vấn đề xã hội hiện tại. Cho dù các tôn giáo độc thần hay đa thần phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao trong việc thực hành tín ngưỡng. Các tôn giáo độc thần du nhập vào Việt Nam như Phật giáo, Ki-tô giáo cũng xây dựng những hình tượng nữ thần như Phật Bà Quan Âm hay Đức mẹ Maria để dung hòa với tôn giáo bản địa phục vụ các nhu cầu chính của nữ giới.

Tục thờ nữ thần gắn liền với những người buôn bán, chủ yếu là phụ nữ. Lịch sử buôn bán của người Việt gắn liền với phụ nữ, người phụ nữ cũng chính là người cầm hầu bao trong gia đình, họ chăm lo đời sống sinh hoạt gia đình. Chúng ta thấy người phụ nữ là những người thường xuyên phải đi chợ mua bán, ngay cả những người bán hàng cũng chủ yếu là phụ nữ, và họ là thành phần đi lễ nhiều nhất tại các đền chùa miếu mạo. Việc kinh doanh vốn không thuộc về những người đàn ông trong lịch sử, họ coi nghề buôn bán là nghề không mấy tốt đẹp như “buôn gian bán lận” và gọi những người buôn bán là “con buôn”. Do vậy, Ngô Đức Thịnh cho rằng “không có gì đáng ngạc nhiên khi ven các con đường buôn bán như vậy mọc lên không biết bao nhiêu là đền phủ của Đạo Mẫu , nơi các thương lái nữ giới đi buôn thường ghé vào cầu cúng Thánh Mẫu phù hộ cho họ buôn bán được may mắn (Ngô Đức Thịnh 2003:387). Các đền thờ Tống Hậu đều nằm cạnh các con sông, bờ biển, nơi dừng chân của thuyền buôn mà chủ yếu việc giao lưu kinh tế hàng hóa của người Việt trong lịch sử đều bằng con đường sông nước.

Phụ nữ là người nội trợ, các quan điểm truyền thống như “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” cho thấy rằng việc nuôi dạy con cái là công việc của người mẹ, một người mẹ mẫu mực sẽ khiến con cái của họ học tập theo và như thế gia đình đó có phúc. “Các nữ thần mang đến cho họ sự tự tin hơn về bản thân mình với sắc đẹp, sự

thùy mị, hiền hòa, khả năng sinh sản và những đứa con nối dõi tông đường. bằng sự tự tin đó, người phụ nữ có niềm tin vào cuộc sống, họ sống một cách tích cực và đầy hạnh phúc giúp vai trò của họ được nâng lên làm cho quan niệm “trọng nam khinh nữ” theo truyền thống Nho giáo dần dần bị phai nhạt, góp phần hình thành một cộng đồng đề cao bình đẳng giới” (Trần Hạnh Minh Phương 2012:509). Nữ thần, mẫu thần trước hết là những người phụ nữ mẫu mực, những người phụ nữ chung thủy đảm đang là biểu tượng của phụ nữ phong kiến. Người phụ nữ nhờ đó tìm đến những chỗ dựa tinh thần này đề tìm kiếm sự đồng cảm, sự an ủi. Họ tìm kiếm những hình tượng người phụ nữ chuẩn mực là các Nữ thần, Mẫu thần để có thể thay thế họ bảo ban con cháu của mình.

Khác với các nam thần là những người có công với quê hương, đất nước, là những anh hùng chống giặc ngoại xâm, thầy giáo, thầy thuốc. Phụ nữ với chức năng sinh đẻ, sinh sôi nên việc tìm đến các nữ thần cầu mong con cái, cầu mong mùa màng là đặc trưng riêng của nữ thần khác với các nam thần. Tống Hậu cũng như các vị nữ thần khác mang chức năng sinh sôi nảy nở, nhiều người đã đến các đền thờ Bà để xin con cái. Tại đền Mẫu Ninh Cường, theo thống kê của ông thủ từ trong ba năm từ 2012 đến 2015 đã có 18 cặp vợ chồng đến xin con cái, có 12 đứa trẻ được sinh ra là con của Quốc Mẫu, sau khi sinh được con tất cả đều về đền làm lễ tạ ơn, bán khoán tại đền đổi thành họ Tống, công đức cho nhà đền và đến đền lễ bái thường xuyên. Một số đền khác như đền Cờn và đền Lộ, đền Mẫu Hưng Yên cũng có những trường hợp tương tự. Bên cạnh đó người dân còn cầu mong sự được mùa, buôn bán phát đại, thăng quan tiến chức và thi cử, đây là những ước vọng chung của người dân đối với hầu hết các vị thành thần của mình.

Nữ thần vừa là thần linh nhưng mang những tình cảm của người phụ nữ, người phụ nữ tìm được ở đó sự thấu hiểu bởi những nỗi khổ mà nữ thần khi còn đương thế cũng từng gặp phải: oan ức, chịu đựng, mất nước, cam chịu, đau khổ, v.v. Và hơn hết đó là nơi bám víu về mặt tinh thần, chỗ đến của những người phụ nữ khi mà những nơi thờ nam thần lại không dành cho phụ nữ. Người phụ nữ không được vào các đền thờ nam thần bởi những kiêng kị về sự sạch sẽ khi phụ nữ đến kỳ kinh

nguyệt. Những người phụ nữ được phỏng vấn tại Ninh Cường đều cho rằng phụ nữ khổ hơn đàn ông, nếu lấy phải một người chồng không ra sao thì người phụ nữ đó khổ suốt đời, họ bị đánh đập, bị chửi mắng, bị đuổi ra khỏi nhà và nhiều người tìm đến đền Mẫu (Ninh Cường) để cầu cúng chứ không tìm đến đền Trần (Ninh Cường) vì được Mẫu che chở cho họ.

Sự hoán đổi vị trí nam nữ của các thanh đồng giúp họ được là chính mình dù chỉ trong khoảnh khắc, các đồng thầy là phụ nữ đều có tướng mạo phương phi, nói năng mạnh mẽ mang căn các ông Hoàng, còn đồng cô yểu điệu mang căn các cô. Những người phụ nữ tìm thấy sự mạnh mẽ vốn có của chính mình trong các giá đồng mà bình thường họ không có được. Ngô Đức Thịnh giải thích “trong quá trình lên đồng, tức là quá trình biến đổi ý thức, con người dễ rơi vào trạng thái tự ám thị về sự tồn tại của các thần linh. Chính trong cái môi trường tự biến đổi ý thức và tự ám thị đó, cái vô thức tiềm ẩn trong con người được đánh thức, giải phóng cho các kìm nén được giải tỏa, tạo cho con người trở lại thăng bằng hơn, khắc phục những lệch chuẩn trong hành vi và tái hòa nhập cộng đồng” (Ngô Đức Thịnh 2013:392). Một số người phụ nữ hầu đồng tại đền Mẫu Ninh Cường cho biết sau khi hầu xong họ cảm thấy khỏe mạnh, giảm bớt mọi gánh nặng trong cuộc sống, họ suy nghĩ thoáng hơn trong mọi công việc, họ tin rằng sau khi hầu Mẫu xong công việc làm ăn, gia đình, các mối quan hệ của họ sẽ tốt đẹp hơn.

Hằng tháng, tại đền Mẫu Ninh Cường, phụ nữ cũng chiếm số đông trong những người đền lễ, có nhiều người phụ nữ tháng nào cũng đến và nhiều người đến khi họ cảm thấy bất an, một số người đến cầu xin việc gì đó như việc học hành của con cái, việc kinh doanh, xin sức khỏe, ra nước ngoài.

Tháng Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12

Nam 7 4 5

Nữ 14 19 9

Tổng 21 23 14

Những người đàn ông đến lễ trong ba tháng này đều là những người thường xuyên ra đền lễ do họ đã từng làm công việc nhà đền hoặc ở trong ban Quản lý. Bên cạnh đó, một số công ty có mặt tại địa bàn Ninh Cường cũng thường xuyên cử người đến đền làm lễ hằng tháng, chủ yếu là chị em trong công ty, như công ty may 10, xí nghiệp gạch ngói Ninh Cường, xí nghiệp đóng tàu Ninh Cường, v.v. Những người phụ nữ đến lễ không chỉ có ở Ninh Cường, có nhiều người đến từ Hải Anh, Hải Trung, Trực Nội, Nghĩa Hưng, họ cũng là những người thường xuyên đến đền Mẫu Ninh Cường lễ mặc dù nhiều người trong số họ cho biết làng họ cũng thờ Tống Hậu, nhưng vì đền Mẫu Ninh Cường thiêng hơn nên họ đến lễ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng tống hậu nghiên cứu trường hợp đền mẫu ninh cường (xã trực phú, huyện trực ninh, nam định) (Trang 102 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)