Quan điểm bảo tồ n phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý khu di tích cổ loa, huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 85 - 109)

Chƣơng 1 : TỔNG QUAN VỀ TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

3.6.4 Quan điểm bảo tồ n phát triển

Các nhà quản lý văn hóa luôn tự hào về một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, với nhiều loại hình, cấp độ, trải dài trên các khu vực, vùng quê của Việt Nam. Những di sản văn hóa này, trong bối cảnh xã hội hiện đại, được nhìn nhận như một nguồn tài nguyên nhân văn to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng tương tự như các hoạt động xúc tiến du lịch, các điểm di sản văn hóa của Việt Nam vẫn chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng. Dĩ nhiên,

điều này không đến từ toàn bộ các điểm di sản (phố cổ Hội An một di sản văn hóa trọng điểm của Quảng Nam và cả nước, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương).

Quan điểm bảo tồn - phát triển đang trở thành một xu hướng trong lĩnh vực di sản văn hóa: bảo tồn di sản văn hóa gắn liền với phát triển xã hội địa phương. Nguyên tắc của quan điểm này là hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, gắn những giá trị của lịch sử phục vụ cho đời sống văn hóa đương đại. Ngược lại, trong xã hội hiện đại, các giá trị di sản văn hóa được bồi đắp, bảo vệ và không ngừng được nuôi dưỡng. Suy cho đến cùng, mục tiêu của quan điểm trên nhằm hài hòa được các nguồn lợi ích, bảo tồn các yếu tố di sản văn hóa nhưng không làm ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện địa. Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển xã hội hiện đại làm sao gắn kết, bảo tồn lâu dài, bền vững những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, cộng đồng. Bản thân quan điểm trên đã có những mâu thuẫn nội tại khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Thực tế, trong thế ứng xử với các mục tiêu đưa ra, với sự hiện diện của nhiều bên, nhiều lĩnh vực khác nhau, thường có những sự “va chạm” do thiếu đồng bộ về hệ thống chính sách. Bên phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa thường đặt nặng tính nguyên vẹn/nguyên gốc của di sản văn hóa đó; bên phát triển đặt mục tiêu là đa dạng, hiện đại áp dụng được những tính năng mới phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Chính điều này tạo ra những sự lúng túng, chồng chéo, thiếu tính hệ thống giữa các bên khi gắn vào hoạt động thực tiễn.

Tại Khu di tích Cổ Loa, tồn tại tương tự những vấn đề mâu thuẫn đưa ra. Cả khu vực xã Cổ Loa đều nằm trong đồ án quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Các khu vực vũng lõi/trung tâm theo Luật Di sản Việt Nam buộc phải giữ nguyên, hạn chế tối đa sự tác động làm thay đổi tính nguyên gốc của di tích. Điều này đã gây ra những khó khăn đối với cộng đồng sống trong di tích: chính quyền và cộng đồng muốn xây dựng một con đường mới thay thế cho con đường đất nối giữa khu vực đền Thượng với thôn Mạch Tràng, nhằm tạo ra sự thuận lợi về mặt giao thông cho các em học sinh và bà con. Tuy nhiên, việc làm này không nhận được sự đồng tình của bên quản lý di sản vì có thể làm ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn của di tích; hay như câu chuyện xây nhà văn hóa của thôn Chùa; việc xâm phạm di tích của các hộ

gia đình xây dựng trên mặt thành và dưới chân thành Cổ Loa… Mặc dù, những việc làm này đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, khi đồ án quy hoạch chưa biết thời điểm ra đời và áp dụng vào thực tiễn, nhưng về Luật Di sản văn hóa, đây đều là những hành đồng sai luật, cần nghiêm cấm xảy ra.

Vì mục tiêu chung về bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cổ Loa, nhằm hài hòa được lợi ích của các bên, căn cứ vào tình hình thực tiễn về nhận thức của cộng đồng và sự xuống cấp hàng ngày của di tích, cần có những sự trao đổi “thẳng thắn”, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng giữa chính quyền, ban quan lý Khu di tích Cổ Loa và cộng đồng địa phương. Một thực tế, dù không muốn chúng ta phải khẳng định, đối với người dân nông thôn, những nhu cầu về sản xuất, kinh tế, không gian sống và những nguồn lợi trực tiếp đối với cuộc sống gia đình của họ mới là những yếu tố được họ quan tâm hàng đầu.

Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế, xã hội tại Cổ Loa: người dân không có những nguồn đất nông nghiệp thuận lợi phục vụ trong sản xuất, ít nghề thủ công truyền thống (chỉ có nghề làm bỏng Chủ và làm bún của thôn Mạch Tràng), di tích muốn được bảo tồn một cách nguyên vẹn nhất có thể, phát huy hiệu quả về giá trị vốn có, chỉ có thể gắn kết với cộng đồng địa phương, nhằm chỉ ra nguồn lợi có được từ di tích, hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

Tiểu kết

Khu di tích Cổ Loa là một trọng điểm về lịch sử văn hóa, du lịch của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, khu di tích này đang bị xuống cấp, làm ảnh hưởng tới tính nguyên gốc, tính đặc trưng của di tích. Trong một cơ chế chung về quản lý di sản văn hóa, với tính đặc thù riêng, tại khu di tích Cổ Loa đang có những sự chồng chéo nhất định giữa các đơn vị quản lý nhà nước: Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa - chính quyền UBND xã Cổ Loa. Cộng đồng địa phương, mặc dù được nhìn nhận là một chủ thể của khu di sản, góp phần làm phong phú hơn giá trị của khu di tích, nhưng hiện nay đang bị động và đứng ngoài khi các chương trình, dự án, quy hoạch về di tích Cổ Loa được tiến hành xây dựng, triển khai thực hiện.

Với mục tiêu bảo tồn - phát triển, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội đương đại, một điểm di sản sống như khu di tích Cổ Loa cần thiết sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý. Tuy nhiên, các nhà quản lý, nhà khoa học cần nhìn nhận, phân tích một cách cụ thể về mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong bối cảnh chung của Việt Nam, bối cảnh riêng của Cổ Loa nhằm có một sự kết hợp hài hòa về quyền lợi, trách nhiệm giữa các bên tham gia, cũng như tạo điều kiện để người dân địa phương có môi trường tiếp xúc, tham gia từng bước vào các công việc thực tế, nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa, kỹ năng xử lý công việc…

Phương pháp sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý nói chung, di sản văn hóa nói riêng cần thời gian và thực hiện trong một lộ trình nhất định, không áp dụng dập khuôn mô hình của nước ngoài hay một địa phương khác vào di tích Cổ Loa.

KẾT LUẬN

1. Di sản văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể là tài sản quý giá của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, với sự bùng nổ của những trào lưu văn hóa mới, sự, phát triển, lan tỏa “chóng mặt” của công nghệ thông tin; các xã hội đang trở nên “đồng dạng” hơn thì việc nhấn mạnh vai trò của công tác bảo tồn, gìn giữ những đặc trưng văn hóa vùng, miền, quốc gia, khu vực là một mục tiêu được đặt ra nhằm tìm kiếm một sự cân bằng tương đối giữa tốc độ phát triển giữa kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa của mỗi quốc gia, khu vực. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia, nhiều di sản văn hóa đang được bảo tồn, khai thác và phát huy một cách hiệu quả gắn liền với các loại hình du lịch văn hóa, khám phá, du lịch cộng đồng, trở thành một nguồn sinh kế góp phần cải thiện thu nhập của cộng đồng địa phương có di sản.

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nhiều các tộc người anh em cùng chung sống hòa bình, gắn kết; đất nước trải dài trên nhiều vĩ độ, đa dạng các loại địa hình… Về cơ bản, nước ta có một nguồn tài nguyên nhân văn phong phú mang đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền; chứa đựng những tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đất nước. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những sự quan tâm đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng. Luật di sản được ra đời (2001, sửa đổi bổ sung năm 2009); nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành; các chương trình liên quan đến di sản văn hóa được hoạch định từng bước chiến lược trong nhiều năm sắp tới; di sản văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương được kiểm kê và Nhà nước phong tặng các danh hiệu cho mỗi di sản đáp ứng được những tiêu chí phù hợp với các cấp độ đề ra (di tích cấp Huyện, Tỉnh/Thành phố, Quốc gia, Quốc gia đặc biệt); nhiều di sản văn hóa được Chính phủ xây dựng đề cử lên UNESCO phong tặng di sản văn hóa thế giới… Tuy nhiên, trước những thành tựu bước đầu đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan thực trạng về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, biến các di sản văn hóa mang đặc trưng của mỗi địa phương trở thành thế mạnh, góp phần thúc đẩy đời sống cộng đồng còn nhiều những hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả xứng tầm.

2. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý di sản văn hóa được đưa ra như một cách tiếp cận mới nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy tính hiệu quả tốt hơn. Nguyên tắc của cách tiếp cận này nhằm lấy cộng đồng địa phương làm gốc, vừa là chủ thể sở hữu, quản lý vừa là mục tiêu trong xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án về phát triển cộng đồng. Hiện nay, phương pháp tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng không còn quá mới mẻ đối với nền học thuật của Việt Nam. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang xuất hiện nhiều hơn trên các văn bản, chương trình hội thảo, tập huấn, tọa đàm khoa học… so với áp dụng trong thực tiễn nói chung, lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng. Ngoài ra, cách tiếp cận này thường xuất phát từ các nền học thuật phát triển của phương Tây và Mỹ, những quốc gia, khu vực không cùng tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như đặc điểm văn hóa với Việt Nam. Bởi vậy, khi sử dụng cách tiếp cận mới này vào thực tiễn, chúng ta cần linh hoạt, uyển chuyển nhằm phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi địa phương.

3. Khu vực thành Cổ Loa, huyện Đông Anh là một di tích trọng điểm của thành phố Hà Nội. Nơi đây lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa, khảo cổ về một quá trình phát triển liên tục của Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đây là một quần thể di tích với các đoạn tường thành, hào (3 vòng thành: Nội, Trung, Ngoại) minh chứng về một thời kỳ gắn với huyền tích vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa; các điểm di tích tâm linh (đền Thượng thờ đức vua An Dương Vương; đình Ngự triều Di quy (nơi vua An Dương Vương thiết triều); am Mỵ Châu (thờ công chúa, con gái của vua An Dương Vương, liên quan đến mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy); chùa Bảo Sơn (chùa Cổ Loa); đình và chùa Mạch Tràng; các điếm xóm (chức năng như đình làng)… Khu di tích Cổ Loa nhiều lần được Nhà nước phong tặng các danh hiệu lịch sử văn hóa (di tích Quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt).

Khu di tích Cổ Loa là một dang “di sản sống”, với các điểm di tích nằm đan cài trong khu dân cư. Cùng với đời sống sinh hoạt văn hóa, mang đặc trưng của những ngôi làng truyền thống vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng đã nuôi dưỡng nhiều giá trị, những câu chuyện lịch sử về vùng đất Cổ Loa, làm phong phú hơn tính đặc trưng văn hóa của khu di sản. Cũng như nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa trên nhiều vùng quê Việt Nam, khu vực thành Cổ Loa, dù là một di tích Quốc gia

đặc biệt, có các điểm di tích tham quan gắn với những mục đích khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng du khách, nhưng hiện nay, Khu di tích Cổ Loa vẫn tồn tại ở tiềm năng trong các hoạt động thu hút khách tham quan. Nhiều điểm di tích trong quần thể khu di sản đang bị xuống cấp. Điều này cho thấy sự thiếu hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đang diễn ra tại di tích.

4. Hiện nay, trong công tác quản lý tại Khu di tích Cổ Loa đang có những sự chồng chéo về không gian, thời gian giữa Ban quản lý và chính quyền UBND xã Cổ Loa. Trong khí đó, vai trò của cộng đồng địa phương lại bị xem nhẹ. Người dân địa phương chỉ được tiếp nhận thông tin một cách thụ động bằng các thông báo trên loa phát thanh, hoặc truyền miệng từ nhiều người dân. Cộng đồng người dân Cổ Loa ít có những điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó, do những đặc thù về lịch sử, văn hóa cộng đồng làng xã, người dân Cổ Loa chưa có sự nhận thức về vai trò và trách nhiệm của họ đối với những công tác chung của cộng đồng và xã hội. Với người dân, những công việc đó thuộc chức năng của các đơn vị quản lý nhà nước, như Ban quản lý Khu di tích và chính quyền xã. Cộng đồng thiếu những kiến thức/nhận thức về công tác quản lý, bảo tồn, cũng như tự đánh mất quyền và quyền lợi của họ tham gia vào công tác quản lý bảo tồn di tích.

Mặt khác, chính người dân, vì nhiều lý do khác nhau đang tác động làm ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn và cấu trúc không gian của Khu di tích Cổ Loa, như việc xây dựng các ngôi nhà ở dân sinh. Sự chậm trễ trong việc xây dựng và triển khai đồ án quy hoạch liên quan đến khu di tích Cổ Loa trong thời gian qua đã làm người dân mất dần sự tin tưởng vào tính khả thi của đồ án quy hoạch cũng như thời gian áp dụng vào thực tiễn của đồ án.

Căn cứ vào đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, trình độ nhận thức của người dân tại các làng quê Việt Nam nói chung, tại cổ Loa nói riêng, ta có thể hiểu mức độ về mối quan tâm của cộng đồng địa phương đến những vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống sinh hoạt, sản xuất hơn là những kiến thức, quan niệm về bảo tồn di sản văn hóa. Vì lẽ đó, việc tăng cường, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong trường hợp này là cần thiết đặt trong mối quan hệ giữa cộng đồng với Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa và chính quyền UBND xã Cổ Loa. Các đơn vị quản

lý hành chính, chuyên môn của Nhà nước là một bên cần chủ động kêu gọi, khuyến khích người dân tham gia cũng như tạo môi trường để cộng đồng có những sự trải nghiệm. Thông qua việc được giao đảm nhiệm những vai trò nhất định (theo từng bước, gắn liền với năng lực từng giai đoạn), cộng đồng địa phương sẽ nâng cao dần năng lực nhận thức của bản thân về kiến thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Họ sẽ nhận thức được vai trò của di sản văn hóa với đời sống kinh tế, xã hội địa phương nếu biết lưu giữ, phát huy một cách hiệu quả. Qua đó, mỗi người dân tham gia sẽ là một đầu mối, một kênh truyền thông quảng bá những kiến thức mới đến gia đình, làng xóm, góp phần cùng nâng cao nhận thức chung của toàn cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Anh (2009), Bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa - kinh nghiệm từ vùng Wallonie (vương quốc Bỉ), tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (29), tr 104 - 106.

2. Asian Development Bank (2012), Tăng cường sự tham gia vì kết quả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý khu di tích cổ loa, huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 85 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)