Khái niệm sự tham gia của cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý khu di tích cổ loa, huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 25 - 27)

Chƣơng 1 : TỔNG QUAN VỀ TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.2 Khái niệm sự tham gia của cộng đồng

Vậy sự tham gia của cộng đồng là gì? Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm sự tham gia của cộng đồng. Một định nghĩa cho rằng sự tham gia bao gồm sự can dự của người dân trong tiến trình ra quyết định, trong thực hiện chương trình, chia sẻ quyền lợi của các chương trình phát triển cũng như trong đánh giá những chương trình này [Cohen và Uphoff, 1977; trích theo 88]. Sự tham gia của cộng đồng là một tiến trình chủ động qua đó người thụ hưởng hay nhóm thân chủ ảnh hưởng định hướng và sự thực hiện một dự án phát triển với quan điểm nâng cao chất lượng cuộc sống về thu nhập, tăng trưởng cá nhân, tự tin hoặc những giá trị khác mà họ mong ước [Paul, 1987, trích theo 88; tr 10]

Theo đó sự tham gia của cộng đồng cần diễn ra trong các công đoạn: ra quyết định - thực hiện - chia sẻ thành quả, quyền lợi - đánh giá. [88].

Tiếp cận khái niệm này ở một chiều cạnh khác, Marzuki (2009) cho rằng “sự tham gia của cộng đồng” là khái niệm thể hiện các phương diện sau: sự tham gia là quá trình trao quyền cho mỗi cá nhân trong cộng đồng được tham gia vào việc xây dựng và ra các quyết định, chính sách của chính phủ; sự tham gia là quá trình chia sẻ một hành động chung giữa chính phủ và công dân trong việc tạo dựng chính sách; và sự tham gia là nền tảng của quyền con người, đặc biệt đối với những nhóm yếu thế trong xã hội; từ đó, tác giả kết luận “dân chủ”, “quyền công dân” và “trao quyền” là những nội dung trọng tâm của khái niệm sự tham gia và sự tham gia của cộng đồng là một quá trình quan trọng trong hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch và hướng tới phát triển bền vững. [tríchtheo 59; tr 72].

Tác giả Ngô Thắng Lợi trong nghiên cứu của mình chỉ ra rằng “nói đến sự tham gia của cộng đồng tức là nói đến sự tham gia của người dân với vị trí là thành viên trong cộng đồng thống nhất. Mỗi người dân mặc dù có tính cách, mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng với tư cách là một thành viên trong cộng đồng thì sự tham gia của họ không phải là đứng ngoài, đứng trên mà chính là đại diện cho lợi ích chung của cộng đồng”. Để phát huy được tính hiệu quả của sự tham gia, cộng đồng cần môi trường để thể hiện, đó là các tổ chức cộng đồng, tổ chức chính phủ, phi chính

phủ… “người dân chỉ tham gia được khi gắn mình với cộng đồng và ngược lại cộng đồng chỉ mạnh khi phát huy được trí tuệ, sức mạnh của từng người dân. Sự tham gia của cộng đồng thường được thực hiện thông qua các tổ chức cộng đồng, tổ chức Chính phủ (chính quyền địa phương), có thể là các tổ chức độc lập, tổ chức phi chính phủ dưới dạng các hiệp hội, đoàn thể…” [49; tr 13].

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đề cập đến tính quy trình khi định nghĩa về sự tham gia: “sự tham gia vào các hoạt động do ADB tài trợ là nói đến các quy trình mà qua đó các bên liên quan có thể tác động hoặc đóng góp vào việc thiết kế, thực hiện và theo dõi hoạt động phát triển. Sự tham gia, không chỉ là một mục đích tự thân, góp phần cải thiện các kết quả phát triển. Bằng cách làm cho các bên liên quan hiểu rõ hơn và tham gia vào các quyết định, phân bổ nguồn lực và các hoạt động có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, sự tham gia còn đảm bảo người tham gia đạt được lợi ích từ sự tham gia này” [2; tr 2].

Sự tham gia có thể thực hiện theo nhiều cách và mang bản chất khác nhau, Sherry R. Arnstein nhấn mạnh đến yếu tố quyền lực yếu tố quyền lực mà người dân có được trong quá trình ra quyết định. Theo tác giả thì sự tham gia là quá trình phân phối lại quyền lực của các thực thể khác nhau, và nếu sự tham gia không có yếu tố quyền lực ở trong đó thì sự tham gia đó trở nên vô nghĩa, chỉ mang tính hình thức. Trên cơ sở đó, tác giả đưa gia 8 nấc thang mô tả mức độ tham gia của người dân:

Bảng 1: Nấc thang mô tả mức độ tham gia của người dân của Arnstein [72; tr 216]

8 Quyền kiểm soát Mức độ trao quyền cho công dân

7 Ủy quyền

6 Cộng tác

5 Xoa dịu Mức độ có dấu hiệu của sự tham gia

4 Tham vấn

3 Cung cấp thông tin

2 Trị liệu/tâm lý Mức độ không tham gia

1 Vận động, lôi kéo

Theo sơ đồ trên thì hai mức thang đầu tiên là sự “vận động lôi kéo” và “trị liệu/tâm lý” biểu hiện mức độ không tham gia. Mục tiêu chính của hai mức thang này không phải là hỗ trợ người dân tham gia và việc lập kế hoạch hay triển khai

chương trình, mà là hỗ trợ những người nắm giữ quyền lực có thể thực hiện giáo dục hoặc tập huấn cho những người tham gia – không có quyền lực.

Nấc thang số 3, 4 biểu hiện cho sự tham gia một cách miễn cưỡng, chỉ cho phép người tham gia được đưa ra ý kiến và được lắng nghe. Bản chất của hai cấp độ này là thông tin được truyền đi một chiều, từ người nắm giữ quyền lực và chuyên gia đến người dân mà không có chiều ngược lại, đặc biệt khi thông tin được đưa ra ở những giai đoạn cuối của dự án thì người dân sẽ không có cơ hội tham gia và góp ý kiến cho việc lập kế hoạch và triển khai.

Nấc số 5 biểu hiện mức độ tham gia trong đó người dân được đưa ra ý kiến, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về người nắm giữ quyền lực.

Hai mức thang tiếp theo biểu hiện sự tăng lên của quyền lực nhân dân ở khâu ra quyết định. Công dân có thể hợp tác, đàm phán, tranh luận và thỏa thuận với những người nắm quyền lực. Arnstein cho rằng trên thực tế không có một cá nhân hay tổ chức nào có quyền lực kiểm soát một cách tuyệt đối nhưng trong bối cảnh tham gia của người dân thì người dân có quyền yêu cầu và đòi hỏi về mức độ quyền lực kiểm soát, và người dân có quyền quản lý chương trình, có trách nhiệm với việc hoạch định và thực thi chính sách, và có thể tiến hành những đàm phán cần thiết. [trích theo 59; tr 73, 74].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý khu di tích cổ loa, huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)