Chƣơng 1 : TỔNG QUAN VỀ TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.4 Khái niệm quản lý và quản lý văn hóa
Khái niệm quản lý
Thuật ngữ quản lý là một khái niệm chỉ chức năng của các hệ thống có tính tổ chức, một loại tương tác xã hội trong đó các chủ thể hành động bị chi phối lẫn nhau bởi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về vị trí xã hội. [63; tr 17]. Quản lý chứa đựng nội dung rộng lớn, đa dạng phức tạp và luôn vận động, biến đổi, phát triển. Vì vậy, khi nhận thức về quản lý, có nhiều cách tiếp cận và quan niệm khác nhau.
F.W Taylor (1856-1915) là một trong những người đầu tiên khai sinh ra khoa học quản lý và là “ông tổ” của trường phái “quản lý theo khoa học”, tiếp cận quản lý dưới góc độ kinh tế - kỹ thuật đã cho rằng: Quản lý là hoàn thành công việc của mình thông qua người khác và biết được một cách chính xác họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất.
H. Fayol (1886-1925) là người đầu tiên tiếp cận quản lý theo quy trình và là người có tầm ảnh hưởng to lớn trong lịch sử tư tưởng quản lý từ thời kỳ cận - hiện đại tới nay, quan niệm rằng: Quản lý hành chính là dự đoán và lập kế hoạch, tổ chức, điều khiển, phối hợp và kiểm tra.
M.P Follet (1868-1933) tiếp cận quản lý dưới góc độ quan hệ con người, khi nhấn mạnh tới nhân tố nghệ thuật trong quản lý đã cho rằng: Quản lý là một nghệ thuật khiến cho công việc của bạn được hoàn thành thông qua người khác.
C. I. Barnarrd (1866-1961) tiếp cận quản lý từ góc độ của lý thuyết hệ thống, là đại biểu xuất sắc của lý thuyết quản lý tổ chức cho rằng: Quản lý không phải là công việc của tổ chức mà là công việc chuyên môn để duy trì và phát triển tổ chức. Điều quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của một tổ chức đó là sự sẵn sàng hợp tác, sự thừa nhận mục tiêu chung và khả năng thông tin. [trích theo 43].
Các nhà xã hội học thường xác định quản lý là quá trình thực hiện các chức năng lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức, phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong tổ chức: “quản lý là một kiểu quan hệ giữa con người và xã hội trong đó diễn ra quá trình ra quyết định, tổ chức, chỉ đạo, khuyến khích, động viên, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống xã hội của con người” [32; tr 35]. Tác giả Vũ Hào Quang thì cho rằng “quản
lý chính là sự tác động liên tục có tổ chức, có ý thức hướng mục đích của chủ thể vào đối tượng nhằm đạt được hiệu quả tối ưu so với yêu cầu đặt ra.” [63; tr 17].
Hoạt động quản lý là một loại tác động có ý thức của con người, trong đó xác định cụ thể chủ thể quản lý và đối tượng quản lý thông qua công cụ quản lý. Dựa vào đó, các nhà khoa học phân chia hoạt động quản lý thành ba dạng chính: quản lý quan hệ con người với môi trường tự nhiên; quản lý quan hệ con người với văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghệ; quản lý quan hệ con người với con người trong các nhóm, các tổ chức hay trong xã hội nói chung. [63; tr 19]. Các hoạt động quản lý có quy mô, tính chất khác nhau đều hướng tới mục tiêu điều hòa các mối quan hệ xã hội; hoàn thành các chương trình, dự án với kết quả cao nhất… vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Mọi hoạt động quản lý đều được cấu thành bởi năm yếu tố cơ bản: chủ thể quản lý; khách thể quản lý; mục đích quản lý; môi trường và điều kiện tổ chức; biện pháp quản lý. Quản lý là sự kết hợp của ba phương diện: thông qua tập thể để thúc đẩy tính tích cực của cá nhân; điều hòa quan hệ giữa người với người, giảm mâu thuẫn giữa hai bên; và tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, thông qua hỗ trợ để làm được những việc mà một cá nhân không thể làm được, thông qua hợp tác tạo ra giá trị lớn hơn giá trị cá nhân – giá trị tập thể. [19; tr 24].
Khái niệm quản lý văn hóa
Từ định nghĩa về quản lý nêu trên, ta có thể hiểu quản lý văn hóa là một dạng thức hoạt động, sự tương tác của chủ thể quản lý đối với lĩnh vực văn hóa nói chung nhằm kế thừa, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố văn hóa mới, hiện đại, phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của toàn xã hội.
Quản lý văn hóa là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức, phương pháp của chủ thể quản lý (các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự, các cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (là mọi thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu mong muốn (bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, cải thiện chất lượng sống của người dân…) [19; tr 26].
Quản lý văn hóa bao gồm những nội dung sau:
Xác lập quan hệ chủ đạo (hệ tư tưởng chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức…) những nguyên tắc cơ bản xây dựng và phát triển văn hóa – là cơ sở của việc xác lập nội dung và phương thức quản lý văn hóa…; Bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện chức năng quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương và theo các lĩnh vực; cơ chế phối hợp liên ngành (bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ cấu dân sự…); hệ thống pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, chỉ thị…); Hệ thống chính sách trên từng lĩnh vực (lối sống, nếp sống, văn học, di sản văn hóa,…) và theo địa bàn lãnh thổ; Công tác giám sát, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm [19]. Quản lý văn hóa là quá trình xây dựng đường lối, chính sách và tổ chức hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của văn hóa Việt Nam đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu cho văn hóa dân tộc.
Quản lý di sản văn hóa là quá trình theo dõi định hướng và điều tiết quá trình tồn tại và phát triển các di sản văn hóa trên một địa bàn cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị của chúng. Đây là lợi ích to lớn nhiều mặt, lâu dài trong cộng đồng dân cư, chủ nhân của các di sản văn hóa đó.
Hiện nay, những vấn đề về văn hóa nhận được sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và toàn xã hội, văn hóa ngày càng khẳng định được vai trò đối với sự phát triển bền vững xã hội, trong thế đối xứng cân bằng với kinh tế, chính trị. Từ đó, vai trò của quản lý văn hóa cần được chú trọng hơn bao giờ hết, trên cơ sở xây dựng và thực hiện các chính sách quản lý văn hóa của Nhà nước cũng như tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan và tiếng nói của cộng đồng.
Sự tham gia của cộng đồng với quản lý di tích lịch sử văn hóa
Nhiều thập kỷ trở lại đây, việc đề cao vai trò, tiếng nói của cộng đồng trực tiếp tham gia vào xây dựng, hoạch định và thực hiện các chương trình, dự án trên nhiều lĩnh vực: môi trường, du lịch cộng đồng, quy hoạch đô thị, luật pháp, phát triển xã hội... là một hướng tiếp cận được thực hiện cũng như đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận của nhiều quốc gia, tổ chức xã hội. Đây là một phương pháp mới nhằm phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực của cộng đồng đối với mục tiêu phát triển xã hội.
Lĩnh vực di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử, văn hóa nói riêng, cũng như việc khai thác những giá trị của di sản văn hóa, di tích lịch sử vào sự nghiệp phát triển cộng đồng đang là chủ đề được xã hội (cơ quan quản lý, nhà khoa học, cộng đồng) quan tâm hơn bao giờ hết.
Nét đặc thù trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam, nhất là đối với khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng, mang dấu ấn sâu sắc, đậm nét của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các nhà khoa học thường nhắc đến yếu tố khép kín hay “nửa kín nửa hở”, tính tự trị trong các làng xã nông thôn cổ truyền, cũng như sự ảnh hưởng của yếu tố truyền thống đối với sự phát triển xã hội đương đại. Hầu hết các thành tố trong văn hóa Việt Nam đều được sinh sôi, phát triển trên cơ tầng đó. Những giá trị văn hóa được hun đúc, định hình, tồn tại, phát triển qua thời gian. Ngày nay, nhiều yếu tố văn hóa trong số đó được công nhận và trở thành di sản văn hóa.
Xét về tính chủ thể, những thành tố văn hóa vật thể (đình, đền, chùa…), phi vật thể (lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, hệ giá trị…) đều thuộc sở hữu khách quan của cộng đồng làng xã cụ thể. Nó có ý nghĩa văn hóa, tinh thần trước hết đối với chính những thành viên của cộng đồng, đối tượng thụ hưởng chủ yếu, cũng như, những giá trị vốn có của mỗi thành tố chỉ được thể hiện đậm nét trong đúng không gian của làng xã, nơi thành tố văn hóa phát sinh, phát triển. Ví dụ, nghệ thuật hát quan họ được biểu diễn trên nhiều sân khấu, không gian khác nhau. Nhưng hát quan họ, trên khía cạnh giá trị nghệ thuật, chỉ được thể hiện một cách sâu sắc khi được các liền anh, liền chị trình diễn trong không gian văn hóa xứ Kinh Bắc, hội Lim cũng như những cuộc vui chơi, hát đối đáp, giao duyên của các liền anh, liền chị…
Hiện nay, các di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam, đều nằm trong không gian của các làng xã. Trong quá khứ, phần lớn các công trình do cộng đồng làng xã đóng góp (tiền bạc, sức lực) xây dựng. Ngoài ra, một bộ phận được xây dựng bởi vua, quan chính quyền Phong kiến (thành trì, chùa, tháp…) và một bộ phận di tích cách mạng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, qua thời gian, những biến cố lịch sử, ngoài những di tích cách mạng thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của Nhà nước, phần lớn những di tích lịch sử, văn hóa được xây dựng dưới thời kỳ Phong kiến đều trở thành một bộ phận gắn bó với
đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng làng xã (làng xã sở hữu). Trước khi có Luật di sản văn hóa, ở một khía cạnh nào đó, các điểm: đình, đền, chùa, miếu…, hiện nay được gọi là di tích lịch sử văn hóa, đều thuộc tính sở hữu của cộng đồng làng xã. Người dân tự kiểm soát, bảo vệ thông qua các ông từ, người được cộng đồng làng xã tin tưởng giao phó, cũng như, làng xã tự sửa chữa, nâng cấp khi các cơ sở xuống cấp.
Sau khi các Nghị định về quản lý văn hóa được Nhà nước ban hành, đặc biệt, sự ra đời của Luật di sản văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa làng xã được kiểm kê và được Nhà nước phong tặng các danh hiệu (di tích cấp Huyện, Tỉnh/Thành phố, Quốc gia, Quốc gia đặc biệt), tùy thuộc vào tính chất, giá trị lịch sử, văn hóa của từng di tích. Về mặt hành chính, các di tích lịch sử văn hóa thuộc quyền quản lý của các cấp quản lý, như: xã/phường, huyện/ quận, tỉnh/ thành phố hoặc các tổ chức văn hóa chuyên ngành (tùy vào cấp độ được phong tặng của di tích). Về tính sở hữu, sự thâu thuộc cũng như giá trị thụ hưởng văn hóa di tích gắn bó chặt chẽ với người dân địa phương. Trong vô thức/tâm thức/nhận thức của người dân, di tích lịch sử tồn tại trong làng là thuộc quyền sở hữu của làng xã. Người dân địa phương, thông qua chính quyền thôn xóm, các tổ chức chính trị xã hội (nhấn mạnh vai trò của hội người cao tuổi) có tiếng nói quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích cũng như tổ chức các hoạt động (lễ hội, nghi thức tâm linh) liên quan đến di tích. Điều này cho thấy tính liên quan giữa các bên trong việc quản lý, sở hữu và sử dụng di tích lịch sử vào những mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý di tích lịch sử, văn hóa các cấp còn nhiều khó khăn, bất cập. Một mặt đến từ chính sách văn hóa của Nhà nước, cũng như mong muốn của cư dân bản địa, thông qua các hoạt động quản lý di tích lịch sử, văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị vốn có của di tích, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước. Mặt khác, các di tích lịch sử, văn hóa ngày nay đang chịu nhiều sự tác động từ chính sách văn hóa và hoạt động thực tiễn của cộng đồng (đời sống, sinh hoạt cộng đồng, tu sửa…). Ví dụ về trường hợp phá vỡ kiến trúc hàng trăm năm tuổi của chùa Trăm Gian và việc khai thác các giá trị văn hóa tại làng cổ Đường Lâm. Chùa Trăm Gian (huyện Quốc Oai) bị trực tiếp người dân địa phương
sửa chữa, tháo dỡ, thay thế những cấu kiện kiến trúc gốc hàng trăm năm tuổi bằng những cấu kiện mới, làm ảnh hưởng đến giá trị gốc của di tích. Nguyên nhân bởi thiếu chuyên môn về bảo tồn di tích và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, các cấp; Làng cổ Đường Lâm (xét về bối cảnh, tính chất có những nét với khu di tích Cổ Loa) được Nhà nước phong tặng di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và khai thác tiềm năng của làng cổ, lợi ích của người dân bị đặt ra ngoài, bên cạnh đó, không gian sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương bị “đóng băng” bởi luật di sản. Những mâu thuẫn giữa cộng đồng và ban quản lý làng cổ xảy ra, dẫn đến câu chuyện người dân ký tên “xin” trả lại di tích cho Nhà nước… Hai ví dụ điển hình, thời sự nêu trên cho thấy được sự cần thiết trong việc hài hòa mối quan hệ cũng như sự phân chia lợi ích trong việc quản lý và khai thác giá trị di sản văn hóa. Người dân không thể thực hiện tốt hoàn toàn công tác quản lý di tích (thiếu kiến thức chuyên môn) và chính quyền (đại diện cơ quan quản lý) không thể quản lý tốt nếu không phối hợp hài hòa và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương.
Như các hệ thống lý thuyết về xã hội, nhân văn khác, lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng nhằm kêu gọi và đánh giá đúng vai trò, năng lực của cộng đồng xuất phát từ xã hội Tây Âu, Bắc Mỹ. Khi áp dụng vào Việt Nam, ta cần phân tích, lựa chọn những khía cạnh phù hợp với đặc điểm của tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt nam cũng như đánh giá đúng năng lực của cộng đồng trong quá trình quản lý, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án. Tương tự, lý thuyết sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động quản lý di sản văn hóa, di tích lịch sử là một hướng tiếp cận mới với mục tiêu bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn di sản văn hóa dựa vào cộng đồng, ta cần tránh tình trạng áp dụng “dập khuôn” mô hình của các quốc gia phương Tây, cũng như, đề cao “quá mức” năng lực thực của cộng đồng. Thực tiễn đã chỉ ra, sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử, văn hóa nói riêng là một động lực cần thiết, nhưng sẽ thành công và có kết quả tốt hơn khi có sự định hướng, kết hợp với các cơ quan nhà nước (luật pháp, chính sách, dự án) cũng như các tổ chức chuyên môn, các nhà khoa học.
Tiểu kết
Trong tiến trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa, ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia, văn hóa nói chung và di sản văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa nói riêng đã và đang là vấn đề được cả Nhà nước, xã hội và các nhà khoa học quan tâm, tìm cách quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị của nó.