Thực trạng du lịch Hồ Tây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 96 - 98)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

3.3. Vùng ven Hồ Tây và du lịch ngày nay

3.3.2. Thực trạng du lịch Hồ Tây

Vùng ven Hồ Tây ngày nay được đánh giá là vùng trọng điểm không chỉ của văn hoá mà còn là tiềm năng cho phát triển kinh tế du lịch, quảng bá văn hoá truyền

thống bởi Hồ Tây không chỉ cổ kính bởi huyền thoại, hào hùng bởi lịch sử mà còn mang vẻ tráng lệ, kiêu sa của miền đất có bề dày văn hoá và cũng rất hiện đại, trẻ trung.

Ngày nay, du lịch Hồ Tây đang được nhà nước chú trọng phát triển bằng các hoạt động tôn tạo di tích, khôi phục làng nghề truyền thống. Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra đề án xây dựng Hồ Tây thành “điểm du lịch, vui chơi hấp dẫn của thủ đô”. Cùng với đó, các công ty lữ hành du lịch cũng đã quan tâm hơn đến việc xây dựng tour xung quanh hồ, vừa tiết kiệm được thời gian mà vẫn bảo đảm tính hệ thống của du lịch văn hoá. Các công ty du lịch lữ hành cũng bắt đầu mở cửa bán các tour du lịch quanh Hồ Tây như “Tour vãn cảnh quanh Tây Hồ” bằng xe điện của Công ty Cổ phần TLC năm 2012: từ chùa Trấn Quốc qua chùa Vạn Niên, đi qua con đường Nhật Bản thưởng hương sen ngan ngát, đến đền Sóc của làng Xuân Tảo, qua chùa Thiên Niên đến phủ Tây Hồ, qua đền Voi Phục, chùa Sải, chùa Võng Thị, vườn hoa Lý Tự Trọng với đình Nghi Tàm và chùa Kim Liên rồi về đường Thanh Niên (Theo vietnamtourism.com); “Bình minh Tây Hồ”, “Tham quan làng đúc đồng Ngũ Xã”, “Du ngoạn Tây Hồ”, “Làng hoa Nhật Tân”, “Du sen - ẩm thực sen”, “Du lịch tâm linh”, “Du thuyền 1 ngày”,… Hồ Tây sở hữu hệ thống tiềm năng du lịch hiếm có, nhưng vẫn chưa được quy hoạch một cách hoàn chỉnh, các hoạt động du lịch, giải trí vẫn diễn ra nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác được hết các giá trị văn hoá truyền thống của khu vực Hồ Tây, đặc biệt đối với các công trình mang tầm vóc dân tộc đậm nét.

Mặc dù, Hồ Tây được định hướng là trung tâm du lịch của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung mang tầm cỡ quốc tế, nhưng vấn đề môi trường khu vực Hồ Tây hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo báo cáo “Sơ bộ phân tích biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái Hồ Tây” (Đại học Quốc gia Hà Nội, “Hồ Tây là điển hình cho đa dạng sinh học nước ngọt”, với tổng lượng thống kê được có 115 loài thực vật (1996), đến nay chỉ còn khoảng 70 loài và số lượng động vật cũng giảm sút nghiêm trọng. “Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là do môi trường nước ngày càng ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô” (Baotainguyenmoitruong.vn, 2016). Theo Ban quản lý Hồ Tây “có hơn 200 đơn vị, cá nhân và tổ chức đang hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây (cả trên bờ và mặt nước)”. Sự biến đổi khí hậu, sự phát

triển nhanh chóng của các hình thức kinh doanh đã tác động không nhỏ đến địa bàn cư trú của các loài động – thực vật khu vực Hồ Tây. Hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây vào cuối năm 2016 là hồi chuông báo động đối với nguồn nước, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã trở nên nghiêm trọng và sự can thiệp của chính quyền với các biện pháp như nạo vét bùn, xây đài phun nước, cải tạo cảnh quan. Trước tình hình này, đầu năm 2017, chính quyền đã tiến hành ra quyết định tháo dỡ các nhà nổi, du thuyền không được cấp phép hoạt động, tiến hành rà soát các đơn vị kinh doanh, nhằm giảm tải áp lực lên môi trường nước ở Hồ Tây.

Bên cạnh sự ô nhiễm môi trường nước, quá trình đô thị hoá, các nhà cao tầng, các trung tâm thương mại cùng mật độ dân số và phương tiện giao thông cũng khiến cảnh quan Hồ Tây bị ảnh hưởng, khói bụi và tiếng ồn ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái trong lành vốn có; giao thông ách tắc cũng khiến hoạt động du lịch ít nhiều gặp trở ngại.

Cùng với đó, các hoạt động trá hình mọc lên, sự lấn chiếm, các công trình văn hoá vô tình bị lạm dụng cho các hoạt động khác, cũng cần được quản lý chặt chẽ để trả lại môi trường văn hoá trong lành cho một trung tâm du lịch nền tảng của thủ đô.

Cải thiện môi trường để phục vụ du lịch là điều cần thiết, tuy nhiên, du lịch cũng có một phần ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Việc gia tăng du lịch, kéo theo sự phát sinh các dịch vụ cung ứng kịp thời nhu cầu của du khách khiến cho cảnh quan có thể bị xuống cấp, xây dựng tràn lan, lấn chiếm di tích có thể xảy ra hay những hình ảnh không mấy văn hoá dễ dàng xuất hiện. Cùng với đó, rác thải du lịch ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường không khí, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội ẩn nấp sau các hoạt động vui chơi giải trí.

Sự phát triển du lịch và môi trường cần phải hài hoà, thống nhất để tạo nên sự bền vững cho những giá trị văn hoá truyền thống, các công trình kiến trúc, các làng nghề truyền thống hay danh lam thắng cảnh cần phải được khai thác giá trị lâu dài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 96 - 98)