Hội hoạ dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 55 - 56)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

2.1. Truyện kể dân gian vùng ven Hồ Tây

2.1.2.3. Hội hoạ dân gian

Hội hoạ dân gian là “một loại hình mỹ thuật đã hiện diện từ lâu đời và được sáng tác bởi tác giả khuyết danh”, từng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, đến ngày nay, số lượng còn lại không nhiều. Thuở sơ khai của hội hoạ dân gian, dòng tranh Tết và tranh thờ chiếm đa số, tồn tại cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các vị thần được thần thánh hoá. Sau này, tranh dân gian được mở rộng chủ đề với cảnh sinh hoạt, các danh thắng hay các bức tranh gửi gắm quan điểm, kinh nghiệm của người xưa. Hội hoạ dân gian là một bộ phận của nghệ thuật dân gian, không chỉ có mối quan hệ mật thiết với văn hoá dân gian mà còn được biểu hiện qua văn học dân gian. Truyện kể dân gian gắn với hội hoạ vùng ven Hồ Tây chỉ còn lại một truyện, chiếm 1.6% tổng số truyện kể dân gian vùng ven Hồ Tây.

Truyện kể dân gian gắn liền với hội hoạ dân gian ngày nay còn được lưu truyền là “Tám cảnh Hồ Tây”, được ghi chép lại từ tập tranh “Tây hồ bát cảnh” của một danh sĩ đời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 – 1739) với tám danh thắng nổi bật của Hồ Tây lúc bấy giờ: bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ, sâm cầm rợp bóng, Phật say làng Thuỵ, đồng bông Nghi Tàm và chợ đêm Khán Xuân. Hồ Tây là nguồn cảm hứng bất tận của văn học, nghệ thuật, nhiều danh sĩ đã từng hoạ lại khung cảnh Hồ Tây, mặc dù vậy, ngày nay, trong dân gian chỉ còn lưu truyền về tập tranh “Tây hồ bát cảnh” của một hoạ sĩ khuyết danh, tập tranh đã phác hoạ nên những khung cảnh độc đáo nhất của Hồ Tây lúc bấy giờ. Làng Nghi Tàm xưa kia có trồng một loại trúc gọi là trúc ngà xung quanh làng, nơi đây là khu vực chúa Trịnh Giang mở một bến tắm bởi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong ánh nắng chiều tà trúc ngà ánh lên sắc vàng quyến rũ; làng Nghi Tàm xưa, nhân dân có nghề trồng hoa mà đẹp nhất là đồng bông ở trước chùa Kim Liên, bởi vậy đồng bông này đã đi vào hội hoạ dân gian. Khu vực làng Yên Thái với rừng bàng là nơi nghỉ ngơi của chúa Trịnh; đàn thề trước cửa đền Đồng Cổ thời vua Lý Thái Tông –

nơi nhà vua và bá quan văn võ tổ chức Hội thề Trung Hiếu; bức tượng Phật say tại làng nghề nấu rượu Thuỵ Chương (Thuỵ Khuê); những cánh sâm cầm trong bóng chiều Hồ Tây hay tiếng đàn ai oán từ trong hành cung chúa Trịnh (trước đây đặt trong chùa Trấn Quốc) cũng được hoạ lại với vô vàn sắc màu. Trong tám danh thắng nổi bật của khu vực Hồ Tây, chợ đêm làng Khán Xuân là một bức hoạ về cuộc sống sinh hoạt, mô hình chợ phiên với người mua kẻ bán, với hát xướng nhộn nhịp, thể hiện một khía cạnh khác biệt trong đời sống dân gian.

Hội hoạ dân gian vùng ven Hồ Tây ngày nay không còn nhiều, chỉ để lại qua truyện kể dân gian nhưng phần nào đó cũng đã thể hiện được đời sống nghệ thuật phong phú trong xã hội dân gian.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 55 - 56)