Tên gọi và địa danh qua truyện kể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 41 - 44)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

2.1. Truyện kể dân gian vùng ven Hồ Tây

2.1.1.1. Tên gọi và địa danh qua truyện kể

Như một lời giải thích cho sự ra đời các tên gọi của hồ qua từng giai đoạn cũng như sự xuất hiện của những địa danh, những hiện tượng còn lưu dấu đến ngày nay, nhóm truyện kể này ra đời không đơn thuần chỉ mang dấu ấn của văn học nghệ thuật mà còn tái hiện lại lịch sử của một thời kì sơ khai; gửi gắm trí tuệ dân gian, tư duy dân gian vào trong từng tên gọi, từng địa danh. Nhóm truyện kể về tên gọi và địa danh gồm có 13 tác phẩm với 3 truyện kể lí giải tên gọi của hồ và 10 địa danh gắn liền với Hồ Tây qua các giai đoạn. Như vậy, nhóm truyện kể về tên gọi và địa danh chiếm 20.6% tổng số truyện kể dân gian vùng ven Hồ Tây còn được lưu hành hiện nay.

Hồ Tây trải qua nhiều thời kì với nhiều đổi thay trong tên gọi mà gắn liền với các truyện kể dân gian, xuất phát từ tư duy dân gian phải kể đến tên gọi xa xưa nhất là đầm Xác Cáo bắt nguồn từ sự tích cáo chín đuôi. Phía Tây thành Thăng Long có một con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm tuổi, có thể biến hoá vạn trạng, quấy nhiễu dân lành. Long Quân bèn lệnh cho sáu đạo quân thuỷ phủ dâng nước bắt cáo, nơi này sau đó trở thành một cái vũng nước sâu, vì vậy có tên là Đầm Xác Cáo. Từ thuở sơ khai của loài người, nơi đây vẫn còn là một vùng đất bằng phẳng, sự xuất hiện của sự tích cáo chín đuôi và tên gọi đầm Xác Cáo đã đặt dấu mốc cho việc hình thành nên Hồ Tây, là sự khai sinh cho một địa danh mới trong trí tưởng tượng của dân gian. Sau tên gọi đầm Xác Cáo, Hồ Tây còn có tên gọi là Lãng Bạc vào khoảng giai đoạn kỷ Trưng Nữ Vương, tương truyền Hồ Tây khi xưa là địa bàn giao tranh giữa tướng Mã Viện với đội quân của Trưng Nữ Vương; tên gọi Lãng Bạc do tướng Mã Viện đặt khi chứng kiến cảnh tượng nên thơ của hồ.

Tên gọi vực (hồ) Kim Ngưu gắn với sự tích về Trâu Vàng Hồ Tây hay truyền

thuyết Khổng Lồ đúc chuông. Vào thời nhà Lý, có một người tên là Khổng Lồ, từ

lúc trẻ tuổi đã đi tu, vật tuỳ thân chỉ có cây gậy sắt trăm người khiêng không nổi và một cái đãy không đáy. Lúc bấy giờ, vua cần nhiều đồng đen để đúc khí vật thờ Phật, sư Khổng Lồ xin đi sang Trung Quốc. Sang đến nơi, sư xin một đãy đồng đen, ông trút hết đồng đen trong kho vua Trung Quốc vào đãy rồi về nước, quân Trung Quốc đuổi theo không kịp. Trên đường về, ông còn giúp diệt trừ ngô công. Về đến

nơi, vua sai đúc bốn bảo vật: tháp chín tầng Báo Thiên, tượng Phật cao sáu trượng, dinh mười người ôm và một quả hồng chung. Tiếng chuông vang lên tận đến Trung Quốc, trâu vàng trong kho vua liền thức giấc lao đến nơi có tiếng chuông để tìm mẹ. Lo lắng vì điều đó, sư đã xin vua ném quả chuông đi để tránh hiềm khích, ông vứt xuống hồ Tây, con trâu vàng cũng nhảy ngay xuống. Vì thế hồ Tây còn có tên là vực Kim Ngưu. Khổng Lồ được tôn là thần nghề đúc đồng. Các tên gọi sau này lần lượt là Dâm Đàm, Tây Hồ, Đoài Hồ; khác với hai tên gọi ban đầu, các tên gọi sau được ghi lại cụ thể trong sử sách và do vua chúa đặt mà không hoàn toàn dựa theo trí tưởng tượng dân gian như trước. Các truyện kể dân gian về tên gọi của hồ mặc dù chỉ là những mảnh ghép mơ hồ nhưng phần nào cũng đã tái hiện được quá trình hình thành và phát triển của Hồ Tây cũng như thể hiện được trí tuệ phong phú và niềm tin tín ngưỡng trong dân gian.

Như vậy, trong dân gian còn lưu truyền ba câu chuyện chính thức về tên gọi của Hồ Tây, bên cạnh đó còn xuất hiện câu chuyện có mối liên hệ đến sự ra đời của tên gọi Dâm Đàm. Tương truyền, tên gọi Dâm Đàm ra đời từ vụ án trên hồ thời kì vua Lý Nhân Tông, trong một lần vua ngự thuyền rồng thưởng ngoạn cảnh đẹp trên hồ, trời bỗng nổi giông gió, giữa hồ liền xuất hiện một con hổ, người dân chài Mục Thận ở gần đó bèn quăng lưới vào con hổ và nó hiện thân thành Thái sư Lê Văn Thịnh. Từ câu chuyện đó, hồ có tên gọi là Dâm Đàm (hồ mù sương). Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ là sự liên hệ của dân gian, bởi tên gọi Dâm Đàm xuất hiện vào thời kì vua Lý Thánh Tông, trong khi đến đời vua Lý Nhân Tông, vụ án mới được ghi chép lại.

Trong quá trình hình thành và tồn tại của Hồ Tây, các dấu tích không chỉ thể hiện ở tên hồ mà còn được lưu lại xung quanh đó, từ trong trí tưởng tượng của dân gian đã tạo nên một trục văn hoá liên kết đa dạng. Mỗi một địa danh, một sự vật đã tồn tại ở đó đều được dân gian lí giải, được gán cho một sự ra đời bất kì mà vẫn hợp lí. Có những địa danh ra đời hoàn toàn từ trí tưởng tượng dân gian, như Bảy cây gạo

thời Hồng Bàng, bảy cây gạo này hiện còn dấu tích ở phường Nhật Tân, tương

truyền bản cây gạo lớn này là do bà Lạc Phi (vợ Lạc Long Quân) trồng để ghi lại sự việc bà đã sinh ra một cái bọc có 7 trứng hoá thành 7 con rồng bay lên trời. Bên

cạnh đó, có các truyện kể mang dấu vết lịch sử thời đại như sự ra đời của miếu Đồng Cổ gắn liền với giấc mộng của Thái tử Phật Mã, ngài hai lần thấy vị thần tự xưng là thần Đồng Cổ (Thần Trống Đồng). Lần đầu là giúp việc dẹp quân Chiêm Thành và lần hai là để báo trước mưu phản của ba anh em ruột thịt định cướp ngôi của vua Lý Thái Tổ vừa mất. Để đền ơn, Lý Thái Tông đã cho xây dựng miếu và lệ hàng năm vào 4/4 âm lịch các quan phải đến trước đền để thề. Ngày nay, nhiều địa danh đã không còn nữa như đền Cẩu Nhi, nhưng dấu tích của địa điểm này vẫn được lưu truyền trong dân gian, gắn liền với hành trình vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long; năm đó, khi mới dời đô, vua đã tế thần bằng hai mẹ con chó để trấn yểm kinh thành, sau đó, vua cho xây dựng hai ngôi đền thờ và coi đó là hai thần bảo hộ cho kinh thành.

Cùng với đó, các địa danh còn tồn tại đến ngày nay cũng khá phong phú, Chùa

Trấn Quốc trước đây có tên là An Quốc, thuộc địa phận làng Yên Phụ; sau này mới

dời vào địa phận hiện nay. Tên cổ của chùa là chùa Khai Quốc, là ngôi chùa cổ nhất hiện nay. Lý Thường Kiệt trước khi tiến đánh châu Khâm, châu Liêm của nhà Tống đã đến nghỉ chân tại đây và mộng thấy thần nhân mách bảo. Sau khi phạt Tống chiến thắng, Lý Thường Kiệt bèn tâu lên vua và vua cho bỏ hành cung để dựng lên chùa Trấn Quốc. Giữa cảnh sắc bạt ngàn của sóng nước Hồ Tây, Tám cảnh Tây Hồ

là sự thống kê các địa danh nổi bật ở Hồ Tây từ trong dân gian với bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ (đền Đồng Cổ), bức tượng Phật say làng Thụy, sâm cầm rợp bóng (vào khoảng tháng giêng, tháng chạp, sâm cầm kéo về bơi lội ở hồ Tây rất đông), đồng bông Nghi Tàm (ruộng hoa từ chùa Kim Liên đến làng Nghi Tàm), chợ đêm Khán Xuân (làng Khán Xuân là nơi nội thần và cung nữ mở chợ vào đời Trịnh Giang) và tiếng đàn hành cung (chùa Trấn Quốc trước đây từng là hành cung của chúa Trịnh, về sau, chúa không còn ra nghỉ ở đây nhưng để lại một số cung nữ già trông coi nổi tiếng là cung nữ họ Hà rất giỏi gảy đàn. Mà có lẽ, nổi bật nhất chính là bức họa sâm cầm khi chiều tà, “ở Hồ Tây cứ vào tháng một, chạp và tháng giêng, lại có từng đàn, hàng trăm hàng nghìn sâm cầm từ đâu bay đến, bơi lội khắp mặt hồ” [79, tr. 431], “nghề đánh chim đã trở thành một nghề của mấy làng chung quanh hồ” [79, tr. 431] mà nổi bật nhất là làng Nghi Tàm bởi làng

nằm trên mảnh đất nhô ra giữa hồ. “Tám cảnh Tây Hồ” là truyện kể dân gian ghi lại tám địa danh nổi bật, tám thắng cảnh đã đi vào trong hội hoạ dân gian của một thi sĩ thời nhà Lê trong tập “Tây Hồ bát cảnh”. Khung cảnh hồ mỗi buổi chiều tà, từng đàn chim sâm cầm rợp trời đã trở thành một phần không thể thiếu đối với vùng Hồ Tây, là một dấu ấn độc đáo và nên thơ.

Nhóm truyện kể dân gian về tên gọi và các địa danh vùng ven Hồ Tây tập trung lí giải về sự ra đời của các địa điểm đã từng và vẫn còn đang tồn tại ở khu vực Hồ Tây ngày nay, các địa điểm này đều được dân gian khoác lên tấm áo thần kì, bí ẩn; phản ánh tư duy dân gian mà ở đó thế giới luôn thần bí.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 41 - 44)