Ca trù vùng ven Hồ Tây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 74 - 78)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

2.2. Trữ tình dân gian

2.2.2.1. Ca trù vùng ven Hồ Tây

Ca trù được biết đến như một loại hình dân ca dân gian cổ truyền, ca trù còn được gọi là hát cô đầu hay ả đào theo chất liệu hát nói, phát triển đặc biệt trong thời kì Nho giáo ở khu vực đô thị, “khi nghe người nghe dùng thẻ tre để thưởng cho những chỗ hát hay, cuối cùng đếm thẻ để bình giá và thưởng tiền” [20, tr. 32]. “Là một lối ngâm thơ, hát thơ nên ca trù phát triển mạnh về giai điệu. Nhạc điệu và nhạc cụ giàu tính dân tộc” [20, Tr. 33] như đàn đáy, sáo, phách tre,… trình diễn trong không gian khá nhỏ như cửa đình. Ca trù thịnh hành trong giai đoạn nhà Trần, chủ yếu là được phổ nhạc từ các tác phẩm thành văn. Ca trù chủ yếu là bộ phận dân ca ưa chuộng của quan lại, các nhà nho, bởi vậy, mang âm hưởng “nhạc thính phòng”, dòng nhạc cao cấp.

Vùng ven Hồ Tây ngày nay còn lưu truyền bài ca trù “Tây Hồ hoài cổ” trong gần 100 bài viết dành cho ca trù của Nguyễn Công Trứ, cùng với “Chơi Hồ Tây” của Nguyễn Khuyến hay “Ngắm Tây Hồ nhớ bạn”. “Tây hồ hoài cổ” là sáng tác để phục vụ ca trù, là sự kết hợp giữa thi ca và âm nhạc, thể hiện vẻ đẹp và niềm tự hào về khung cảnh của Hồ Tây, vẻ đẹp cổ kính của sóng nước, của tiếng chuông chùa, của những toà lâu đài qua biết bao thế hệ:

Cảnh Tây Hồ khen ai khéo vẽ Chốn thị thành riêng một vẻ lâm tuyền

“Tây Hồ hoài cổ” gồm có hai phần là mưỡu và nói. Hát mưỡu thường được sử dụng làm câu mở đầu hoặc kết thúc cho bài ca trù, được hát riêng rẽ, tách biệt với nội dung hát nói. Ở đây, Nguyễn Công Trứ chỉ sử dụng hát mưỡu tiền mà không sử dụng mưỡu hậu:

Dập dìu trăng mạn gió lèo Lỏng ngâm vân thuỷ lơi chèo yên ba

Câu mưỡu được sử dụng như một cách dẫn dắt, cách vào đề, gợi lên khung cảnh bát ngát của nước non, mây trời trong không gian của màn đêm, dưới ánh trăng vằng vặc và làn gió mát lành, thể hiện không gian diễn xướng của ca trù. Từ

câu mưỡu lục bát đó, cảnh vật Tây Hồ mở ra dưới con mắt hoài cổ, với vẻ “man mác”, tĩnh mịch, tao nhã mà thanh thoát rất riêng giữa chốn thị thành đô hội và nhộn nhịp. Đâu đó trong khoảng không gian ồn ào, náo nhiệt ấy vẫn còn một chốn bình yên để “lơi chèo”, để ngâm vịnh thơ văn, để thả hồn mình vào những điều xưa cũ. Khung cảnh Hồ Tây hiện ra như một bức tranh thiên nhiên có tình có cảnh:

Bóng kỳ đài trăng mặt nước như in Làn thảo thụ che bên toà cổ sát Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát Hỏi nam nào vũ quán điếu đài Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài Để khách rượu làng chơi ngơ ngẩn

Bức tranh Hồ Tây có bóng trăng in dưới mặt nước, có những bóng cây cổ thụ, thấp thoáng bóng dáng những tòa lâu đài đã dần mất dấu giữa cuộc sống hiện đại khiến con người ngơ ngẩn.

Hương tiêu Nam quốc mỹ nhân tận Oán nhập đông phong phương thảo đa Tranh thiên nhiên một thoáng yên ba Dễ khiển hững câu ca chén rượu Buồm nửa lá trăng thanh gió dịu Chùa nơi đâu một tiếng chuông rơi Tây Hồ cảnh biết mấy mươi.

Trong đêm trăng sáng, trước cửa đình, bên làn gió thoang thoảng đem theo hơi nước se lạnh, một chiếu trù “Tây Hồ hoài cổ” với giọng ca nức nở, da diết cùng những nhịp phách tiền như gõ vào giữa khoảng không bao la, tựa như hàng ngàn, hàng vạn lớp sóng nước lô xô dội lên đã làm sống dậy khung cảnh Tây Hồ của quá vãng hào hùng nhưng cũng vô định, đầy trăn trở mà rất thiêng liêng. Đó chính là Hồ Tây của quá khứ, là Hồ Tây mơ màng nhưng cổ kính đến kì lạ trong tiềm thức của Nguyễn Công Trứ và ở đâu đó, Hồ Tây vẫn hiện hữu như một điểm đến của biết bao tao nhân mặc khách, của những cuộc dạo chơi tức cảnh sinh tình thấm nhuần qua ca trù.

“Chơi Tây Hồ” là một cuộc dạo chơi, thưởng ngoạn một cảnh sắc trời ban của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, mỗi lời ca cất lên, mỗi nhịp phách thả xuống tựa như hành trình của thi nhân, mỗi người nghe dường như đang được đưa vào cuộc dạo chơi triền miên ấy:

Thuyền lan nhè nhẹ

Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ Tây.

Chọn riêng cho mình một góc ngắm lý tưởng, thi nhân theo con thuyền đủng đỉnh trên mặt hồ lãng đãng khói sương.

Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây, Bát ngát nhẽ dễ trêu người du lãm. Yên thủy mang mang vô hạn cảm, Ngư long tịch tịch thục đồng tâm.

Vẽ ra trước mắt khung cảnh Hồ Tây là sóng nước rập rờn, hòa lẫn trong trời mây chiều tà; khói sương, làn nước, bầu trời như quyện hòa làm một, bát ngát đến mang mang, tưởng chừng vô hạn và lòng người bất giác vô định giữa thiên nhiên. Giữa khung cảnh ấy, con người chợt cảm thấy cô đơn, mong mỏi tìm một người bầu bạn.

Rượu lưng bầu, mong mỏi bạn tri âm. Xuân vắng vẻ, biết cùng ai ngâm họa?

Con người bé nhỏ giữa thiên nhiên, lạc lõng giữa khung cảnh tựa chốn bồng lai, nhưng có lẽ con người thi nhân ấy đang muốn đi tìm một người tri âm để cùng thưởng ngoạn văn chương, đàm đạo thơ ca, nhạc họa cùng một câu hỏi không có lời giải đáp. Câu hỏi ấy chợt vang lên trong đầu rồi tắt lịm giữa khoảng không bao la, hòa tan trong làn gió nhè nhè:

Gió hây hẩy bõng nức mùi hương xạ, Nhác trông lên, vách phấn đã đôi bài.

Nguyễn Khuyến dạo chơi Hồ Tây, tức cảnh sinh tình và đề họa một bài thơ, dù là tả cảnh Tây Hồ nhưng cũng chứa đựng biết bao tâm sự, day dứt của thi nhân. “Chơi Tây Hồ” đã được dân gian hóa và đưa vào ca trù, trở thành một khúc tuyệt phẩm về

vùng Hồ Tây. Khi được ca trù hóa, bài thơ có xuất hiện thêm một số câu để phù hợp hơn với cấu trúc của một bài ca trù, với sự xuất hiện của câu mưỡu dẫn dắt:

Hồ Tây sóng nước bây giờ là đây Thuyền đầy gió trăng, chở một thuyền đầy

Như kho vô tận biết ngày nào vơi

Câu mưỡu mở ra cùng nhịp phách mênh mang, bát ngát như một lời khẳng định vẻ đẹp vô tận của trăng nước Hồ Tây, đưa dẫn người nghe chơi vơi trên một bóng thuyền du cảnh. Chơi Tây Hồ mới biết hết được cảnh sắc Hồ Tây đẹp đến nhường nào, rung động lòng người đến nhường nào.

Bên cạnh các bài ca trù có tác giả, trong kho tàng dân ca dân gian, “Ngắm Tây Hồ nhớ bạn” là một bài ca trù với làn điệu truyền thống, được viết lời bởi Kim Yến, thuộc nhóm ca trù về thiên nhiên, để ngợi ca cảnh đẹp và mang tính giải trí, đa phần thể hiện tình cảm yêu mến, sự tự hào và phác hoạ lên cảnh đẹp mê đắm của vùng sóng nước Hồ Tây:

Tây Hồ, Hồ Tây nhớ bạn

Chiều thu ngắm Tây Hồ nhớ bạn,

Cá trông sao, lòng mong nhạn ngẩn ngơ. Phủ Tây Hồ sương khói như mơ.

Khung cảnh Hồ Tây gần như được tái hiện trọn vẹn:

Phủ Tây Hồ sương khói như mơ.

Chùa Trấn Quốc chuông hoà âm sóng nước Nghe Quán Gió véo von tình khúc,

Nhìn động câu chen chúc giăng giăng. Sâm cầm ơi tìm bóng xa trông

Nào đâu thấy mà mong với nhớ Kia Quảng Bá dãy ngang toà dọc Nọ Nghi Tàm chật nóc lầu cao

Khung cảnh Hồ Tây là khói sương bảng lảng, là tiếng chuông chùa vẳng xa quyện hòa trong tiếng sóng nước lao xao, là những mồi câu chật ních, nhưng có lẽ, tất cả những điều ấy đã trở thành quá vãng, khi mà từng đàn sâm cầm đã vắng bóng,

khi những làng cổ dần mọc lên từng nóc nhà cao tầng xa hoa, khi những bóng hình thân thuộc đã không còn nữa. Bài ca trù không chỉ gợi nhắc vẻ đẹp của Hồ Tây mà còn thể hiện sự luyến tiếc, nhớ nhung những khung cảnh đã qua, những dấu ấn mang tên gọi của một vùng sóng nước bình yên giữa thành thị và đó còn là sự tìm lại những gì của quá khứ, làm sống dậy những tiềm thức tưởng chừng đã quên lãng. Lời ca trù da diết, âm nhạc ca trù não nùng trong khung cảnh mây mù sương giăng bên bờ Hồ Tây càng làm cho không gian nơi đây trở nên trầm lắng, phủ lên cảnh vật màu sắc nhớ nhung, sự quyến luyến, day dứt:

Thu rồi đông đông lại kề xuân Tháng lại tháng năm năm trôi chảy nữa

Nước Tây Hồ mặt gương soi kim cổ Trăng soi mình trăng có động tâm

Bâng khuâng đợi bóng cố nhân Niềm tâm sự nhắn cho người thương vắng

Mặt nước Hồ Tây như tấm gương phản chiếu quá khứ, soi tỏ thực tại, qua bao mùa mưa nắng, qua bao tháng năm trôi chảy, Hồ Tây vẫn ở đó thân thuộc nhưng có những điều đã không còn nữa và người ta bất giác nhớ người, nhớ cảnh, thèm được gặp lại cố nhân, gặp lại những khung cảnh tưởng chừng như quá đỗi quen thuộc.

Ngày nay, các bài ca trù ấy vẫn còn được lưu truyền như một loại hình cơ bản của nghệ thuật dân gian vùng ven Hồ Tây nói riêng và của văn hoá truyền thống Hà Thành nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 74 - 78)