Văn học – Bộ phận văn hoá ngôn từ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 57 - 58)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

2.1. Truyện kể dân gian vùng ven Hồ Tây

2.1.2.5. Văn học – Bộ phận văn hoá ngôn từ

Văn học dân gian là một bộ phận của văn hoá dân gian, truyện kể dân gian ngày nay còn lưu truyền về các nhân vật văn học, các giai thoại văn học một thời. (Bảng 2.5 – Phụ lục).

Truyện kể dân gian gắn liền với văn học vùng ven Hồ Tây ngày nay còn lại 10 truyện, chiếm 15.8% tổng số truyện kể dân gian vùng ven Hồ Tây. Vùng Hồ Tây từ xa xưa không chỉ là danh thắng, là thi hứng cho thi nhân mà còn là địa danh gắn liền với sự ra đời của nhiều thi phẩm, của các cuộc gặp gỡ văn chương. Phần lớn các truyện kể gắn văn học đều thuộc thể loại giai thoại, là các câu chuyện được dựng lên về các nhân vật nổi tiếng trong xã hội lúc bấy giờ như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Huy Lượng, Lý Văn Phức, Nguyễn Khản (anh trai Nguyễn Du), Nguyễn Quý Đức và Ngô Thì Sĩ. Vùng Hồ Tây xưa kia là nơi gặp gỡ thần kì của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với Liễu Hạnh, cùng nhau đàm đạo văn chương, ngâm thơ giữa hồ, gắn liền với việc xây dựng phủ Tây Hồ; nơi đây còn là địa điểm gặp gỡ giữa Nguyễn Trãi và cô gái bán chiếu Nguyễn Thị Lộ cùng sự ra đời của bài thơ “Thơ đùa ả bán chiếu”; ven Hồ Tây còn có ngôi nhà mang tên “Cổ Nguyệt Đường” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; là nơi Nguyễn Khản cùng chúa Trịnh đàm đạo văn thơ. Truyện kể dân gian vùng ven hồ còn gợi nhắc lại những thi phẩm nổi tiếng về khung cảnh Hồ Tây lúc bấy giờ như “Tụng Tây Hồ phú”, “Phong cảnh Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng. Đó còn là nơi ra đời của “Tây Hồ hoài cổ” của Lý Văn Phức, văn học đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần dân gian.

Truyện kể dân gian liên quan đến văn học có ba truyện liên quan trực tiếp đến các nhân vật văn học và còn 7 truyện thuộc thể giai thoại. Truyện kể vùng ven Hồ Tây còn lưu truyền cuộc tương ngộ của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với Tiên Quỳnh Hoa (Liễu Hạnh). Tương truyền trong một lần chơi thuyền ngắm trăng của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cùng với cử nhân họ Ngô và tú tài họ Lý, bỗng gặp một cô gái đi chiếc thuyền nhỏ đánh cá, ba người đã cùng nhau hỏi chuyện và ngâm thơ. Một lúc sau, ba người mời cô gái lên bờ để đàm đạo tiếp thì thuyền nhỏ lẫn vào

trong sương rồi biến mất. Ba người ngơ ngác nhìn lên bờ thì thấy một cụ già xách ba con cá đi qua và biến vào trong xóm, lúc này, họ mới nhận ra cô gái lúc nãy là một vị tiên và bỗng đâu tờ giấy màu hồng trên đó có một bài thơ bay đến, bài thơ có nhắc đến Tiên Quỳnh Hoa. Sau này, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có ghi lại cụ thể về quá trình Trạng Bùng gặp Liễu Hạnh: Khi cả ba người du ngoạn trên hồ Tây thì thấy thấp thoáng phía xa lâu đài mờ ảo với một mỹ nữ mặc áo màu hồng hiện ra mời chào khách thưởng thức đặc sản của Tây Hồ. Họ vào quán cùng nhau ngâm vịnh đến khuya. Sau đó vài tháng, Trạng Bùng quay lại thì không thấy lâu đài đâu nữa mới biết mình đã gặp tiên, bởi vậy đã cho xây Phủ Tây Hồ để tưởng nhớ. Bên cạnh đó, các địa danh ở Hồ Tây cũng đi vào thơ ca như “Thơ vịnh cảnh chùa Trấn Quốc”, “Thơ vịnh tượng thần Trấn Vũ”,… Truyện kể dân gian còn lưu lại đến ngày nay có liên quan đến văn học và nhân vật văn học là một hệ thống tư liệu lịch sử của ngành văn học, mà ở đó, cuộc sống văn chương của mỗi thi nhân được khắc hoạ rõ nét.

Truyện kể dân gian là một bộ phận của văn học dân gian, là bộ phận văn hoá ngôn từ của văn hoá dân gian và là sợi chỉ xuyên suốt quá khứ, lịch sử và tương lai. Là bộ phận đồ sộ nhất trong kho tàng văn học dân gian, truyện kể dân gian đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Văn học dân gian và văn hoá dân gian luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau, văn học dân gian là bộ phận quan trọng của văn hoá dân gian, không thể tách rời văn hoá dân gian. Văn học dân gian không chỉ tồn tại dưới hình thức một văn bản ngôn từ mà còn là sự tổng hoà của các hình thức diễn xướng, sinh hoạt cộng đồng và gắn liền với các hiện tượng văn hoá. Nghiên cứu văn học dân gian trong mối liên hệ với văn hoá dân gian mới cho thấy được vai trò và tầm quan trọng của truyện kể dân gian nói riêng và văn học dân gian nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 57 - 58)