Ca dao về tình yêu đôi lứa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 69 - 73)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

2.2. Trữ tình dân gian

2.2.1.3. Ca dao về tình yêu đôi lứa

Ca dao về tình yêu đôi lứa là bộ phận ca dao chiếm số lượng lớn trong kho tàng ca dao người Việt, riêng vùng ven Hồ Tây còn lưu lại 15 bài, chiếm 22.4% tổng số bài ca dao liên quan mật thiết đến Hồ Tây. Các bài ca dao về tình yêu đôi lứa gắn liền với không gian vùng ven Hồ Tây, tình yêu được nảy sinh từ những miền đất quen thuộc, đó là không gian tâm lý, không gian tưởng tượng làm nổi bật tâm trạng của tác giả dân gian; đó còn là không gian địa lý với những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với cuộc sống hàng ngày:

Nhất lụa làng Trúc bóng mềm May áo biếu mẹ tặng em gái hiền

Sau này nếu có nên duyên Xin đừng thay áo mà quên chữ tình

(514. 369)

Tấm vải lụa bóng mềm của làng Trúc được dùng như một tín vật hẹn ước của chàng trai và cô gái, gợi nhắc không gian làng Trúc êm đềm với bóng trúc ngà reo vui trong ráng chiều bên Hồ Tây. Lụa làng Trúc bóng mềm, đẹp đẽ nhất cõ lẽ cũng giống như những gì tốt đẹp nhất mà chàng trai muốn dành cho cô gái, mượn tấm lụa

may áo để tỏ tình, để làm tin. Lời ca dao phảng phất chút ngượng ngùng, e thẹn của những nam thanh, nữ tú, của những con người mới chập chững biết rung động nhưng luôn mong mỏi một bến bờ bình yên. Không gian xóm làng thân thuộc, khung cảnh cây đa bến nước đã chứng kiến biết bao nhiêu thứ tình yêu nảy nở, đơm hoa và kết trái, nhưng có lẽ, tình yêu có vô vàn cung bậc cảm xúc của nó, có hy vọng, đợi chờ, có vui mừng, hạnh phúc nhưng cũng có lúc da diết, bi thương:

Ao làng Yên Thái xanh trong Em về bên ấy theo chồng hôm qua

Em ơi trầu héo cau già

Hình anh lẻ bóng nếp nhà rêu phong Người xưa giờ đã sang sông

Trăng xưa đã khuyết, vườn không bóng người (47.216)

Câu ca dao là lời tự bạch của chàng trai khi chứng kiến cô gái theo chồng, để lại lời hứa lỡ dở như vầng trăng khuyết bóng, như mảnh vườn trống không và ngay cả căn nhà cũng trở nên xơ xác, tiêu điều, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” có lẽ là vậy. Những hình ảnh quen thuộc của làng quê như trầu cau, ao làng Yên Thái, mảnh vườn, dòng sông,… đều được tác giả nhắc đến, gợi lên khung cảnh quen thuộc, thân thiết nhưng thiếu vắng.

Tình yêu đôi lứa nảy nở một cách bất ngờ dù chỉ là một lần vô tình chạm mặt giữa phiên chợ đông đúc cũng để lại bao vấn vương. Không gian của phiên chợ Bưởi như sợi dây vô hình gắn kết lứa đôi:

Phiên chợ Bưởi gặp cô mình Yếm điều khăn nhiễu vừa xinh vừa giòn

Ước gì cô hãy còn son Để mẹ mua sắm cau tròn trầu thơm

(565. 385)

Không gian của phiên chợ Bưởi không chỉ là nơi buôn bán tấp nập, nhộn nhịp mà còn là nơi gặp gỡ lứa đôi, là không gian của tình yêu chớm nở. Giữa nhịp sống hối hả kẻ buôn người bán, giữa không gian náo nhiệt của tiếng người cười nói, tiếng lợn gà xao xác, tiếng tôm cá nhảy tanh tách hay tiếng chim chóc líu lo, bất chợt có

một thanh âm tĩnh lặng đan cài vào đó, là giây phút chàng trai bắt gặp ánh mắt tươi tắn của cô gái với yếm thắm, khăn nhiễu và miệng cười giòn tan giữa khung cảnh xáo động. Chỉ một giây phút chạm mặt ngắn ngủi cũng khiến chàng trai rung động và mơ về một hạnh phúc vững bền. Trong tình yêu lứa đôi, có người còn e thẹn, ngượng ngùng “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nhưng cũng có những người bạo dạn thể hiện tình cảm mãnh liệt của mình:

Em ơi! Trước lạ sau quen Tây Hồ cảnh đẹp lên thuyền cùng anh

Mặt gương hồ nước trong xanh In soi mây nước có anh có nàng

(699.424)

Và cả không gian của mặt nước, bóng thuyền cũng chứa chan tình với sự e thẹn, rụt rè của cô gái, chút rung động của chàng trai trong sắc nước hương trời, trong khung cảnh hữu tình. Không gian Hồ Tây bảng lảng sương khói, xao xuyến trong nắng chiều, thoang thoảng đưa hương hoa, hương cỏ mới thực sự khiến con người ta dễ sinh tình. Nhưng cũng có đôi lúc, khung cảnh ấy, vầng trăng ấy hay hương sen ấy lại trở nên day dứt khôn nguôi:

Thề kia nỡ để lỡ duyên

Trăng còn soi mãi vũng sen Tây Hồ (322. 311)

Vui mừng, hạnh phúc hay đau khổ, vương vấn cứ thế đan xen như một quy luật vốn có của tình yêu đôi lứa. Có những lúc, tình yêu được bộc lộ một cách đơn giản mà gần gũi đến lạ:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh Có về Quảng Bá với anh thì về

Quảng Bá nằm ở ven đê Bốn mùa xanh tốt với nghề trồng rau

Anh đi trước em đi sau Để bác mẹ biết trầu cau sau này

Chàng trai thể hiện tình cảm bằng cách giới thiệu về quê mình với những đặc trưng như “nằm ở ven đê”, “nghề trồng rau”,… khá chân thực, mộc mạc và tình yêu có lẽ cũng chỉ cần bình dị, giản đơn nhưng chân thật như thế.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ tình yêu đôi khi cũng hoa văn, bay bổng như những lời có cánh:

Mùa xuân dạo bước Tây Hồ Thiên duyên sao khéo tình cờ gặp em

Gánh hoa hoa lại tươi thêm

Hương xuân đậu xuống vai mềm thêm xuân Nói xa chẳng ngại nói gần

Ước gì tôi được làm thân với người (452. 352)

Với chàng trai, gặp gỡ cô gái như là cơ duyên trời ban trong khung cảnh mùa xuân mơn mởn bên Hồ Tây dạt dào sóng nước khiến tình lại càng thêm tình; hay cũng chính bởi gặp “em” mà hoa thêm tươi, xuân thêm đẹp và lòng người thêm yên vui. Các địa danh nổi bật vùng Hồ Tây cứ trở đi trở lại trong các bài ca dao như một cái cớ để làm quen, như một điểm tựa để bộc lộ xúc cảm.

Tình yêu là chủ đề muôn thuở của văn chương, tình yêu trong ca dao là những gì bình dị, trong sáng nhất được thể hiện, nó trở thành bản chất của tình yêu, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không cần sử dụng nhiều mỹ từ để nói lên tình cảm thiêng liêng mà chỉ cần những từ ngữ mộc mạc, giản dị, những hình ảnh gần gũi với cuộc sống con người là đã đủ vẽ nên hết thảy cung bậc cảm xúc, những mong ước, khát vọng mà con người muốn đạt tới trong tình yêu, đó chính là bến bờ hạnh phúc của tình yêu chân chính.

Ca dao là một bộ phận không nhỏ trong sự hình thành và phát triển của văn học dân gian, ca dao chính là cái nôi của tâm hồn con người, là nơi con người gửi gắm những tâm tư, tình cảm, có thể mạnh dạn nói lên những gì thầm kín nhất cũng như là tấm gương phản ánh đầy đủ cuộc sống sinh hoạt của con người – nền tảng văn hóa của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 69 - 73)