Khái niệm du lịch và du lịch văn hoá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 90 - 91)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

3.2.1. Khái niệm du lịch và du lịch văn hoá

Du lịch được biết đến “là một tập hợp các hoạt động và dịch vụ đa dạng, liên quan đến việc chuyển tạm thời con người ra khỏi nơi ở thường xuyên của họ nhằm mục đích tiêu khiển, nghỉ ngơi, văn hoá, dưỡng sức,… và nhìn chung vì những lý do không phải để kiếm sống” (WTO, 1994). Hoạt động du lịch mang tính chất giải trí, thể hiện được nhu cầu của đời sống tinh thần con người.

Trong Du lịch bền vững, Nguyễn Đình Hoè và Vũ Văn Hiếu có khẳng định “du lịch xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người, buổi ban đầu thường đi kèm với hoạt động truyền giáo, buôn bán hoặc thám hiểm vùng đất mới [tr. 17]. Như vậy, ngay từ buổi đầu lịch sử, hoạt động du lịch đã diễn ra nhộn nhịp, từ các “cuộc hành hương của người Hy Lạp đến đỉnh Olympus” vào thế kỉ 8 TCN đến cuộc thám hiểm của Marco Polo đến Mông Cổ (1271) hay Columbus phát hiện ra châu Mỹ (1492),… Đồng thời, các tác giả cũng đưa ra bốn loại hình trong du lịch: du lịch thương mại “là loại hình du lịch sơ khai nhất”, là “sự cung ứng dịch vụ cho du khách để thu lợi”; du lịch thay thế “ là các loại hình du lịch có tính đến yếu tố môi trường, bao gồm du lịch xanh, du lịch mềm”; du lịch sinh thái “là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên” và sự ra đời mới nhất là du lịch bền vững “đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách mà vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ tương lai”.

Việc cắt nghĩa “du lịch” với “du” nghĩa là đi (tới một nơi nào đó xa) và “lịch” là trải nghiệm, có thể thấy, du lịch là hình thức giải trí mang tính khám phá, trải nghiệm, đi không đơn thuần chỉ để giải trí mà đi còn là để học hỏi, để hiểu biết về các nền văn hoá khác nhau với những nét phong tục riêng biệt, để “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Việc phát triển du lịch gắn với nghỉ dưỡng, giải trí đơn thuần không thể tạo nên điểm khác biệt giữa các khu vực du lịch. Ngày nay, du lịch được đánh giá là ngành công nghiệp không khói, là nền kinh tế trọng điểm cần được đầu tư phát triển để tìm được hướng đi đúng đắn.

Du lịch văn hoá là một loại hình du lịch đang được nhắc đến khá nhiều trong bối cảnh hiện nay, “là những chuyến đi mà mục đích chính hoặc mục đích bao gồm trong đó là thăm quan các địa điểm, sự kiện mà giá trị văn hoá, lịch sử của chúng

khiến chúng trở thành một phần trong di sản văn hoá của một cộng đồng” (WTO). Có thể nói, du lịch văn hoá là sự kết hợp của văn hoá và lịch sử, là hình thức du lịch trải nghiệm mới lạ với du khách nước ngoài, là quá trình tìm về nguồn cội của du khách trong nước, là cái nhìn xuyên thấu lịch sử, quá khứ như cách mà Thu Trang Công Thị Nghĩa đề cập trong Du lịch văn hóa ở Việt Nam, du lịch văn hoá là tìm về “lịch sử tổng quát của một nền văn minh” mà ở đó có “những bức tường ghi lại hồi kí tập thể qua những loại tranh dân gian đầy màu sắc”, “có khi là cắt nghĩa vài nét hoa văn trên một hòn đá, một mảnh tường”, chỉ tỉ mẩn như thế những cũng đủ làm nên sức hấp dẫn của du lịch.

Du lịch văn hoá cũng có thể đan xen với du lịch sinh thái, bởi các dấu vết văn hoá để lại phần nhiều là thuộc về tự nhiên, là sự gần gũi với thiên nhiên; du lịch văn hoá cũng gần gũi với du lịch bền vững, bởi những yếu tố văn hoá truyền thống là bất diệt, luôn cần được bảo tồn và phát huy cho cả những thế hệ tương lai. Phát triển du lịch trong bối cảnh hiện đại là rất cần thiết, tính lịch sử, truyền thống của các địa danh sẽ làm nên bản sắc dân tộc, những làng nghề truyền thống hay những món ăn dân dã đều không thể tìm thấy trọn vẹn ở bất kì nơi nào khác.

Du lịch nói chung và du lịch văn hoá nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, trong quá trình bảo tồn và lưu truyền văn hoá truyền thống, là bộ phận cần được chú trọng đầu tư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 90 - 91)