Ca dao ngợi ca truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 65 - 69)

CHƢƠNG 2 : VĂN HỌC DÂN GIAN VÙNG VEN HỒ TÂY

2.2. Trữ tình dân gian

2.2.1.2. Ca dao ngợi ca truyền thống

Ca dao ca ngợi truyền thống là những lời ca thể hiện niềm tự hào đối với những làng nghề truyền thống, những nét đặc trưng riêng biệt của mỗi một làng, một cụm dân cư vùng ven Hồ Tây. Có 22 bài ca dao thuộc nhóm ngợi ca truyền thống, chiếm 32.8% tổng số bài ca dao còn được lưu truyền ở vùng ven Hồ Tây. Qua các lời ca về ca ngợi truyền thống, các dấu ấn của làng nghề, của văn hoá ẩm thực đều được tái hiện.

Anh đi chợ Bưởi hôm qua Anh mua tấm lĩnh làm quà tặng em

(27. 209)

Phiên chợ Bưởi là một nét độc đáo, đặc sắc của vùng ven Hồ Tây từ xa xưa, chợ trước kia buôn bán chủ yếu là lĩnh và giấy, bởi đây là hai nghề truyền thống chính của cư dân vùng kẻ Bưởi. Sau này, chợ buôn bán thêm nhiều mặt hàng khác và đến nay, chủ yếu là họp theo phiên bán cây cảnh, chim chóc còn đa phần diện tích chợ đã thành trung tâm thương mại. Hình bóng chợ Bưởi đi suốt chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và thấm nhuần trong thơ ca dân gian.

Bóng đèn là bóng đèn hoa Ai về vùng Bưởi với ta thì về

Vùng Bưởi có lịch có lề Có sông tắm mát có nghề xeo can

(77. 228)

Câu ca dao như một lời mời gọi, dẫn dắt về thăm vùng Bưởi nơi có bề dày truyền thống văn hóa, nơi có nghề xeo can, làm giấy, dệt lĩnh, dệt lụa, nơi có mặt hồ lấp lánh soi tỏ cảnh vật, có bến trúc nghỉ ngơi tắm mát. Và ở vùng đất Kẻ Bưởi ấy, những con người vẫn đang miệt mài trong cuộc sống hàng ngày.

Anh về chăm chỉ học hành Em về dệt lụa hoa chanh bóng mềm

Đem về chợ Bưởi ngày phiên Bán vài ba thước lấy tiền mua niên.

(43.215)

Câu ca dao phản ánh cuộc sống dân gian một cách chân thực. Trong xã hội xưa, việc học hành chủ yếu là của nam giới còn người phụ nữ tham gia các hoạt động thủ công, buôn bán chính trong gia đình. Có lẽ bởi vậy, ta luôn bắt gặp trong ca dao dân ca bóng hình người phụ nữ tảo tần khuya sớm, buôn bán ngược xuôi, chịu thương chịu khó. Phiên chợ Bưởi không chỉ là nơi mua bán tấp nập mà còn là ngày hội giao lưu giữa các làng nghề, họ mang sản phẩm truyền thống đến chợ như một cách thể hiện niềm tự hào đối với nghề truyền thống của làng mình, và cô gái ấy mong chờ một phiên chợ để được mang đến những tấm lụa bóng mềm do chính tay mình dệt nên.

Chợ Bưởi ngày chín ngày tư Đủ hàng lĩnh lụa về từ khắp nơi

Hàng thì đủ loại ngập trời Người mua kẻ bán chào mời đông vui

(127.245)

Phiên chợ Bưởi truyền thống gồm có 6 phiên một tháng, thường rơi vào “ngày chín ngày tư” (4, 9, 14, 19, 24, 29), vào những ngày này, người mua người bán đổ về rất đông, thể hiện mô hình tự cung tự cấp trong xã hội xưa. Chợ Bưởi là trung

sản phẩm truyền thống như một hình thức trao đổi, làng cung bán cho làng cầu, tạo nên vòng tròn khép kín trong mối quan hệ, sự giao lưu làng xã xưa kia. Bởi vậy, những ngày chợ phiên không đơn thuần chỉ là nơi buôn bán mà còn là một ngày hội thự sự để người dân trong vùng giao lưu, gặp gỡ.

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên Ngày tư ngày chín như duyên đèo bòng

(126. 245)

Chợ Bưởi là nơi tập trung giới thiệu các sản phẩm của các làng nghề truyền thống vùng ven Hồ Tây. Chỉ với một câu ca dao có vần điệu, ngắn gọn, tác giả dân gian đã khắc họa nên một bức tranh đời sống sinh hoạt truyền thống một cách trọn vẹn, đa màu sắc:

Nhật Tân đào nở tưng bừng

Làng Quảng bánh mật, bánh chưng dãi đầy Tây Hồ xách bị cả ngày

Nghi Tàm chặt rễ được ngay quan tiền Yên Phụ buôn trám dưới thuyền Xuống đò phố Mới bán than quạt trà

Làng Võng bán lợn bán gà Làng Thuỵ nấu rượu la cà cả đêm

Làng Hồ làm giấy thực nền Chợ Bưởi lại có cô Tiên bán hàng

Làng Sài dệt lĩnh quay tơ Làng Sở chỉ có xuống hồ quanh năm

(518.370)

Trong bức tranh đa màu sắc, đa thanh âm ấy, có sắc hồng phấn của đào Nhật Tân, sắc vàng xen lẫn sắc xanh của bánh chưng bánh mật làng Quảng, sắc nâu bóng của trám, đen tuyền của than, ánh vàng ánh bạc lấp lánh cá tôm làng Sở; có tiếng xao xác của lợn gà làng Võng, tiếng chày nhịp nhàng làng Hồ Khẩu; hương rượu ngây ngất làng Thụy hay bóng dáng thiếu nữ bên guồng quay tơ dệt lụa, dệt vải làng Trích Sài. Chỉ cần chừng ấy sản phẩm, sản vật cũng đủ để chợ Bưởi đông vui hơn,

tấp nập hơn và ý nghĩa hơn với mỗi con người nơi đây. Hồ Tây với diện tích rộng lớn là nơi cư trú của nhiều loại thủy sản, bởi vậy mà nhân dân ven hồ đa phần đều sống bằng nghề chài lưới và tôm cá trở thành một sản vật không thể không nhắc đến.

Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người

(549. 381)

Làng Quảng Bá từ xa xưa đến nay đều nổi bật với nghề trồng hoa, trồng cây cảnh và cây ăn quả mà tiêu biểu là ổi, tuy nhiên, đặc biệt nhất khi nhắc đến làng Quảng Bá phải nói đến nghề ướp chè sen. Nghề ướp chè sen làng Quảng ngày nay thuộc danh mục di sản ưu tiên bảo vệ của thành phố Hà Nội.

Đấy vàng đây cũng đồng đen Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ

Sen Tây Hồ không chỉ là sản vật của vùng Hồ Tây, không chỉ là tượng trưng cho cốt cách con người nơi đây mà còn là loài hoa tượng trưng cho vẻ thanh lịch, cao quý của người Tràng An nói chung. Sắc sen hồng phơn phớt đan xen trong màu xanh ngắt của lá, hương sen thoang thoảng đưa trong làn gió nhẹ cùng tiếng lao xao của hoa lá trong đầm rực rỡ giữa một ngày nắng hè cũng đủ để làm dịu đi không khí oi bức. Hồ Tây và sen như một cặp biểu tượng sóng đôi mỗi khi nhắc đến Hà Nội nghìn năm văn hiến. Trong không gian văn hóa đa màu ấy, bóng trúc xanh rì đu đưa trong gió cũng làm nên những nét đặc trưng của Hồ Tây:

Làng La con gái tươi giòn Giỏi nghề canh cửi lại còn khéo tay

Làng trúc lụa bóng như mây Làng La Làng Trúc cũng đây kinh thành

(399. 335)

Bến trúc Nghi Tàm xưa kia là bến nghỉ ngơi, tắm mát của vua chúa, trở thành một trong tám cảnh sắc đặc biệt của vùng Hồ Tây. Nếu như làng La nổi tiếng với nghề canh cửi thì làng Trúc (vùng ven hồ Trúc Bạch ngày nay) chính là “thủ phủ”

của nghề dệt lụa, lụa làng Trúc nức tiếng xa gần. Cũng như lụa làng Trúc, hoa đào Nhật Tân trở thành một nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về:

Đào Nhật Tân, hoa Ngọc Hà Hồng xiêm Xuân Đỉnh, lụa là Hà Đông

(203. 270)

Đào Nhật Tân được chuyên chở đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam, không chỉ là sản phẩm riêng của Hồ Tây mà còn là biểu trưng của mùa xuân đất Bắc.

Chỉ bằng một vài lời ca dao, không gian truyền thống của vùng ven Hồ Tây đã được tái hiện gần như trọn vẹn, đồng thời, tác giả dân gian cũng gửi gắm vào đó niềm tự hào sâu sắc, sự trân trọng với những giá trị truyền thống bao đời nay. Ca dao ngợi ca truyền thống vùng ven Hồ Tây thể hiện rõ nét nhất những dấu vết của văn hoá qua biết bao giai đoạn, phác hoạ tương đối đầy đủ về những giá trị truyền thống của một vùng văn hoá trọng điểm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian vùng ven hồ tây trong không gian du lịch văn hoá (Trang 65 - 69)