Thống kê số liệu, tính tỷ lệ, tính xác suất, sử dụng ngôn ngữ thông tin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo (Trang 43 - 47)

7. Bố cục của luận văn

1.4. Kỹ năng xử lý thông tin kinh tế của nhà báo

1.4.3. Thống kê số liệu, tính tỷ lệ, tính xác suất, sử dụng ngôn ngữ thông tin

tin phi văn tự

Thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, cung cấp các thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời. Số liệu thu thập được sẽ không có ý nghĩa nếu không được xử lý. Số liệu trong nhiều trường hợp chỉ là sự mô tả giản đơn, tập hợp lại, chưa phản ánh được xu hướng, bản chất của vấn đề. Số liệu thu thập được có thể xử lý ở mức độ, cấp độ khác nhau. Thống kê, tính tỷ lệ, tính xác suất là các công cụ cơ bản để tìm hiểu ý nghĩa của các số liệu. Thống kê số liệu có thể thực hiện bằng việc xác định tần suất, tỷ lệ, tìm ra mối tương quan giữa các số liệu, ý nghĩa của các số liệu...

Thông tin kinh tế có nhiều số liệu, bởi vậy, khi xử lý thông tin kinh tế đòi hỏi nhà báo cần kỹ năng xử lý số liệu cho phù hợp với mục đích của bài viết. Không phải tất cả các số liệu mà các nguồn tin cung cấp đều có thể sử dụng được ngay. Nhà báo cần chọn lựa các số liệu cần thiết và đôi khi phải chuyển sang tỷ lệ, xác suất để nêu bật được ý nghĩa của các số liệu đó. “Một trong những điều quan trọng nhất mà các nhà báo đem đến cho độc giả là mối tương quan của những số liệu trong các tin tức – giải thích những điều có liên quan đến độ lớn hoặc tầm quan trọng của toàn bộ sự việc” [59, tr. 134].

Có nhiều lúc nhà báo phải chuyển các số liệu có được từ các nguồn tin sang tỉ lệ phần trăm để nêu bật ý nghĩa của tỉ lệ đó. Chẳng hạn, một công ty cung cấp cho nhà báo số tiền đóng góp vốn của các cổ đông, nhà báo cần chuyển sang tỷ lệ phần trăm để biết được các cổ đông chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số vốn của công ty đó. Với mỗi tỷ lệ phần trăm vốn khác, các cổ đông lại có quyền hạn khác nhau. Nếu một cổ đông sở hữu chiếm 51% số vốn của công ty sẽ có quyền hạn đưa ra các quyết định đến công ty khác với cổ đông chiếm 49% số vốn.

Thông thường để tính tỷ lệ %, lấy phần muốn tính chia cho tổng số, sau đó rời dấu thập phân về bên phải hai đơn vị. Ví dụ, bạn muốn biết ngân sách của thành phố Hà Nội trả cho ngành cảnh sát là bao nhiêu. Lấy ngân sách dành cho cảnh sát chia cho ngân sách thành phố Hà Nội, rồi rời dấu thập về bên phải hai số. Kết quả là tỉ lệ % ngân sách chi trả cho ngành cảnh sát. Một khía cạnh quan trọng khác của tỷ lệ phân trăm là khái niệm biến đổi tỷ lệ phần trăm. Con số này lý giải việc tăng hay giảm. “Nếu sự thay đổi lớn thì tốt hơn nên diễn dịch những con số thành những lời lẽ đơn giản chứ đừng sử dụng số chỉ tỷ lệ phần trăm” [59, tr. 137].

Để tính toán tỷ lệ phần trăm: phần muốn tính / Tổng = xxx. Di chuyển dấu thập phân hai đơn vị: ,xxx=xx,x%. Để tính toán sự biến đổi tỷ lệ: (số mới) – (Số cũ) = Số biến đổi. (Số biến đổi) / Số cũ = ,xxx. Di chuyển dấu thập phân hai đơn vị: ,xxx = xx,x. Biến đổi tỉ lệ phần trăm có thể cho ra một số dương hoặc một số âm.

Tuy nhiên, nhà báo khi xử lý thông tin kinh tế với việc tính toán xác suất và tỷ lệ cần tránh nhầm lẫn giữa “xác suất” và “tỉ lệ”. “Xác suất nghĩa là khả năng một điều gì đó có thể xảy ra. Ví dụ khả năng đồng xu lật mặt hình người là ½ (một trong hai kết quả có thể) hay 0,5. Tỉ lệ có nghĩa là khả năng một điều gì đó có thể xảy ra hơn là một điều khác. Như với ví dụ trên thì khả năng đồng xu lật mặt hình người và lật mặt có chữ là 0,5 : 0,5 hay là 1” [59, tr. 134].

Cùng với việc xử lý thông tin bằng việc thống kê, tính xác suất, tính tỷ lệ thì một trong các kỹ năng xử lý thông tin kinh tế rất quan trọng nữa của nhà báo là sử dụng ngôn ngữ thông tin phi văn tự (biểu đồ, đồ thị, bảng số liệu…). Theo cuốn “Ngôn ngữ báo chí” của tác giả Vũ Quang Hào, do Nxb Thông tấn ấn hành năm 2012 thì biểu đồ là hình vẽ biểu diễn một khái niệm, quy luật hay quan hệ nào đó, nó mô tả một cách trực quan sự phụ thuộc giữa các đại lượng.

Các thông tin kinh tế thường có nhiều số liệu. Nếu nhà báo không biết xử lý một cách khôn ngoan mà đưa toàn bộ các số liệu vào trong bài báo thì dễ dẫn đến tình trạng công chúng nhiễu hoặc rối thông tin. Hơn nữa, việc có quá nhiều số liệu trong một bài báo làm công chúng khó nhớ được thông tin. Bởi vậy, xử lý thông tin kinh tế thường có nhiều số liệu đòi hỏi nhà báo cần chuyển các số liệu thành các biểu đồ, đồ thị, bảng số liệu khi cần thiết. Cách xử lý thông tin này vừa làm thể hiện được đầy đủ nhiều số liệu, nêu bật lên ý nghĩa của các con số và quan trọng hơn cả là công chúng có thể tiếp nhận được nhiều thông tin. Việc xử lý thông tin kinh tế bằng việc vẽ biểu đồ, đồ thị cũng tạo ra một cách thể hiện mới lạ, có sức hấp dẫn với công chúng. “Biểu đồ là hình thức thông tin hữu ích đối với những nội dung có liên quan đến số liệu, đặc biệt là trong các lĩnh vực thông tin kinh tế, ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán. Trong một số trường hợp, biểu đồ tỏ rõ tính yêu việt so với bài viết dài bằng thông tin phi văn tự” [18, tr. 243].

Trên báo chí, cho đến nay đã sử dụng phổ biến một số loại biểu đồ sau: Thứ nhất, biểu đồ hình cột, bao gồm biểu đồ cột đứng và biểu đồ cột nằm. Trên báo chí, biểu đồ được trình bày dưới khá nhiều dạng. Chẳng hạn biểu đồ cột đứng có thể được in trên nền hình vẽ minh họa hoặc ảnh chụp. Trong một số trường hợp, người ta có thể dùng hình vẽ thay cho các cột hoặc bỏ đi các trục mà chỉ còn dùng con số trên một trục tưởng tượng…

Thứ hai, biểu đồ hình quạt (hay còn gọi là biểu đồ hình tròn). Dạng biểu đồ này giúp nhận diện, so sánh tỷ lệ đại lượng qua độ to – nhỏ của các múi. Nó có thể nằm thẳng, nằm nghiêm, có thể đặc hoặc có lỗ ở giữa. Các múi có thể phân biệt nhau bằng màu sắc, có thể tách rời khỏi tâm vòng tròn, lùi xa khỏi vòng tròn và có khi chỉ còn là một múi độc lập của đại lượng. Hình dáng biểu đồ loại này có tác dụng gây sự chú ý mạnh từ người đọc. Nếu chúng được dùng gam màu nóng, đậm thì khả năng “níu mắt” càng cao.

Thứ ba, biểu đồ minh họa: Đây thực chất là một tranh minh họa nhưng lại vẽ theo dạng biểu đồ hoặc vừa kết hợp biểu đồ cột đứng với tranh minh họa hay với ảnh.

Thứ tư, biểu đồ hình hộp: Đây là dạng biểu đồ rất hiếm khi xuất hiện trên báo chí. Đây là dạng biểu đồ dùng một mặt phẳng của hình hộp rồi chia cắt diện tích mặt phẳng đó theo các tỷ lệ tương ứng với các đại lượng cần diễn đạt.

Cùng với vẽ biểu đồ thì đồ thị cũng được nhà báo sử dụng làm kỹ năng xử lý thông tin kinh tế. Đối với báo chí, đồ thị là hình vẽ biểu diễn sự biến thiên của một hay nhiều đại lượng bằng một hay nhiều đường nối các điểm đặt trên một trục tọa độ. So với biểu đồ thì đồ thị sử dụng ít hơn, nhưng nó lại có ưu điểm nổi bật mà đồ thị không có khi thể hiện thông tin kinh tế. “So với biểu đồ, sơ đồ, thì trên báo chí đồ thị được sử dụng ít hơn, nhưng nó lại có vai trò đáng kể đối với một số loại thông tin báo chí nhất định, chẳng hạn thông tin về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ. Do chỗ đồ thị có đặc điểm riêng nguyên thủy là hàm số biến thiên theo từng giá trị như đã nói trên, cho nên nếu so sánh về mặt biến thiên của một đại lượng trong một quãng thời gian nào đó thì rõ ràng đồ thị có ưu thế hơn so với biểu đồ. Và đây cũng chính là lý do giải thích vì sao đối với báo chí nước ngoài, ở các trang tiền tệ, chứng khoán… đồ thị xuất hiện nhiều đến thế” [18, tr.249].

Trong kỹ năng xử lý thông tin kinh tế bằng biểu đồ, đồ thị, các nhà báo thường phối hợp với bộ phận đồ họa của tòa soạn.

Tóm lại, trong các kỹ năng xử lý thông tin kinh tế của nhà báo, tác giả luận văn tập trung vào 3 kỹ năng, đó là kỹ năng tập hợp, hệ thống hoá thông tin theo từng vấn đề, lĩnh vực; kỹ năng phân tích và kiểm tra độ chính xác của các thông tin, tính hợp lý của các tài liệu, số liệu; kỹ năng thống kê số liệu, tính tỷ lệ, tính xác suất, sử dụng biểu đồ, đồ thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo (Trang 43 - 47)