Minh bạch hoá thông tin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo (Trang 119 - 125)

7. Bố cục của luận văn

3.1. Một số giải pháp

3.1.4. Minh bạch hoá thông tin

Thực tế trong hoạt động thu thập thông tin kinh tế của nhà báo đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí né tránh, cản trở từ các cơ quan chức năng nhà nước, doanh nghiệp. Do đó, trong giải pháp này, tác giả luận văn nhận thấy để việc thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo được thuận lợi hơn thì cần phải có sự minh bạch hoá thông tin và tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức dễ dàng hơn.

Chúng ta đã nhận được nhiều bài học đắt giá trong thực tiễn khi các thông tin kinh tế nhất là những thông tin nóng hổi, bức xúc mà dư luận quan tâm nhưng lại bị bưng bít. Thông tin không được minh bạch hoá sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng. Nhà báo khó có thể thu thập thông tin nếu các cơ quan nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp cứ giấu diếm thông tin. Có thể ví dụ cụ thể như thảm hoạ cá chết ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Trong khi người dân và dư luận đang có nhu cầu cấp thiết về nguyên nhân cá chết. Thế nhưng trong suốt nhiều tháng qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng không hề có thông tin này. Điều đó có thể dẫn đến sự nguy hiểm là tạo ra một luồng dư luận có tâm lý nghi ngờ về sự che đậy của các cơ quan chức năng về nguồn thông tin này. Cũng vì không biết được nguyên nhân cá chết nên dẫn đến tình trạng ngư dân đi đánh bắt về, tuy cá không chết, nhưng không có ai mua bởi họ sợ cá bị ô nhiễm. Thậm chí ở Quảng Bình người dân phản ứng dữ dội, đổ cá ra đường, dựng lều ngay tại đường quốc lộ đòi câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng. Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình để tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Tình trạng trên đã tạo ra sự bất ổn nhất định trong xã hội. Thế nhưng, phải sau 3 tháng, đến ngày 30/6/2016 Chính phủ mới công bố nguyên nhân hải sản chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung. Theo đó, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) chính là thủ phạm. Thời hạn 3 tháng cơ quan chức năng mới có thể xác định và công bố thông tin là quá chậm. Như vậy có thể

thấy tác hại của việc chưa cung cấp thông tin kịp thời là như thế nào. Rõ ràng không phải nhà báo yếu kém về kỹ năng thu thập thông tin mà vấn đề ở đây là các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã không chủ động cung cấp thông tin, không minh bạch hoá thông tin về nguyên nhân đó. Việc tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin kinh tế không được thuận lợi.

Đối với doanh nghiệp, cơ quan kinh tế nhà nước, với những thông tin kinh tế bất lợi thường tìm cách giấu diếm thông tin. Càng giấu diếm thì càng gây ra nhiều tác hại. Bài học điển hình nhất là Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai) và bị báo chí phanh phui. Nếu Vedan hay các nhà máy khác chủ động cung cấp thông tin để người dân hiểu hơn thì công chúng đã không phẫn nộ như vậy. Minh bạch hoá thông tin kể cả những thông tin bất lợi không phải giết chết doanh nghiệp đó mà để cho báo chí có thông tin. Khi đó công chúng sẽ có thông tin, sẽ hiểu hơn vấn đề, sẵn sàng thông cảm cho những sai trái đó.

Vì vậy, khi công chúng đang cần thông tin, nhất là thông tin kinh tế dư luận đang hết sức quan tâm mà thông tin đó không phải là bí mật quốc gia thì nên minh bạch hoá thông tin càng nhanh càng tốt. Tác giả luận văn cho rằng một giải pháp quan trọng để việc thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng của nhà nước phải cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, minh bạch cho các cơ quan báo chí và nhà báo.

Trả lời phỏng vấn sâu của tác giả luận văn, các phóng viên cũng đánh giá minh bạch hoá thông tin là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao kỹ năng thu thập và xử lý thông tin của nhà báo. Cũng theo kết quả điều tra xã hội học với 294 nhà báo kinh tế về giải pháp nâng cao kỹ năng thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo, tác giả nhận thấy có đến 76.2% ý kiến khẳng định cần phải minh bạch hoá thông tin; 71.4% ý kiến cho là rằng các cơ quan nhà nước nên tạo điều kiện để nhà báo dễ dàng tiếp cận thông tin hơn; 61.9%

ý kiến đồng ý với giải pháp thường xuyên mở các lớp nâng cao nghiệp vụ báo chí và kiến thức chuyên ngành kinh tế; chỉ có 38.1% ý kiến đề xuất tăng lương, thưởng cho nhà báo; và 9.5% ý kiến khác.

Biểu đồ 3.1: Các giải pháp để nâng cao kỹ năng thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo (người trả lời chọn nhiều đáp án)

Như vậy, tác giả có thể khẳng định là minh bạch hoá thông tin là một trong những giải pháp hàng đầu giúp nhà báo nâng cao kỹ năng thu thập thông tin kinh tế. Để nguồn tin cởi mở hơn giúp nhà báo thu thập thông tin tốt hơn thì chủ thể nguồn tin phải có ý thức trách nhiệm nhưng quan trọng nhất là các cơ quan nhà nước phải có luật hoá về minh bạch thông tin trong đó có thông tin về kinh tế.

Một giải pháp nữa có thể đưa ra trong luận văn, tác giả kiến nghị các cơ quan chức năng của nhà nước, các doanh nghiệp nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Theo nghiên cứu “Báo chí với quyền tiếp cận thông tin” do nhóm nghiên cứu Sài Gòn Truyền thông thực hiện theo đơn đặt hàng của Ngân hàng Thế giới công bố tại buổi Tọa đàm diễn ra ngày 22-4-2015 tại Hà

Nội thì có gần 50/330 Luật, Pháp lệnh có nội dung liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vào ngày 4-5-2013.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí đã quy định rõ trách nhiệm các cơ quan Chính phủ trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Theo quy chế này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng 1 lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình thông qua các hình thức như: Hằng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan mình; Ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí; Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo quy định hiện hành.

Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính Nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại cuộc giao ban hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Đồng thời, Quy chế cũng nêu rõ, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất bất thường [Quyết định]:

1- Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.

Trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.

2- Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên.

3- Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn.

Mặc dù đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Nhưng thực thế, báo chí vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước. Nhiều cơ quan nhà nước tìm cách né tránh, thậm chí từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Thực tế nhà báo vẫn khó tiếp cận được thông tin báo chí nói chung, trong đó có thông tin kinh tế.

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã từng nhấn mạng đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước. “Báo chí tiếp cận các nguồn thông tin vô cùng khó khăn, các cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí không thường xuyên, không đầy đủ” [8, tr. 264, 265].

Một vấn đề cần quan tâm và có biện pháp giải quyết là tình trạng nhiều cơ quan nhà nước đã dựa vào Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để trì hoãn, né tránh báo chí với lý do người phát ngôn đi vắng hoặc bận công việc. Thậm chí có tình trạng, có cơ quan nhà nước còn gây khó dễ khi nhà báo tác nghiệp. “Trong số 384 nhà báo được hỏi có tới 327 (tỷ lệ 85%) từng bị cản trở tác nghiệp trong thực tế. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy phóng viên, nhà báo bị cản trở tác nghiệp bởi cán bộ, nhân viên nhà nước. Cụ thể có 287 nhà báo được hỏi trong số 384 nhà báo trả lời từng bị cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước cản trở” [27, tr. 31].

Còn theo nhóm nghiên cứu Sài Gòn Truyền thông đưa ra vấn đề đáng lo ngại là gần đây nổi lên xu hướng cản trở quyền tiếp cận thông tin của báo chí từ cơ quan nhà nước. Theo đó, một là hiện tượng lạm dụng dấu mật đã trở nên phổ biến trong các văn bản hành chính. Pháp luật đã trao cho các cơ quan Nhà nước quá nhiều thẩm quyền để bưng bít thông tin.

Hai là sự phát triển các rào cản kỹ thuật. Sau khi có quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin, thì các nhà báo đều kêu là khó tiếp cận thông tin hơn trước. Hầu hết các cơ quan Nhà nước đều thành thục trong việc dựng nên rào cản kỹ thuật để ngăn chặn thông tin. “Có đến 47,06% ghi nhận tình trạng này là phổ biến; 23,53% cho rằng tình trạng này rất phổ biến” [15].

Mối lo ngại thường xuyên của nhà báo, phóng viên không chỉ là khó tiếp cận thông tin mà còn là sau khi lấy thông tin về lại không đăng được vì lý do nhạy cảm. Gần đây, có tình trạng các quan chức năng khá tùy tiện trong việc xác định thông tin nào là nhạy cảm.

Như vậy, việc tiếp cận thông tin của báo chí từ các cơ quan nhà nước không dễ dàng, thuận lợi. Ngay cả khi các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí thì chất lượng thông tin chưa hẳn đã tốt để các cơ quan báo chí có thể sử dụng được. Nhiều thông tin mà các cơ quan nhà nước cung cấp còn chung chung, chưa cụ thể, trúng trọng tâm vấn đề mà báo chí và công chúng

quan tâm. Trong số 48 nhà báo được hỏi về chất lượng thông tin từ các cơ quan nhà nước cung cấp cho báo chí thì có đến 54% cho rằng thông tin không tốt, không thể sử dụng và có tới 56,2% là thông tin chung chung. [27, tr. 37].

Đáng lo ngại hơn là có khi cơ quan nhà nước cung cấp thông tin còn sai, đánh lạc hướng dư luận. Đơn cử như vụ việc cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Lúc đầu, nhà báo được cung cấp thông tin ông Đoàn Văn Vươn là côn đồ, sau này, thực tế lại không phải như vậy.

Tác giả luận văn mạnh dạn đề xuất Chính phủ nên có chế tài để các cơ quan không lợi dụng vào quy chế phát ngôn kéo dài việc cung cấp thông tin, ngăn cản, gây khó khăn cho nhà báo trong việc tiếp cận thông tin trong đó có thông tin kinh tế của nhà báo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu thập và xử lý thông tin kinh tế của nhà báo (Trang 119 - 125)