1.3. Kinh nghiệm một số cơ quan truyền thông trên thế giới
1.3.1. Hãng thông tấn AP
Hãng thông tấn AP thành lập năm 1846, là một trong những hãng thông tấn lớn và lâu đời nhất trên thế giới. Trong hơn 160 năm lịch sử, hãng thông tấn đã phát triển từ dịch vụ điện tín truyền thống thành một công ty đa phương tiện chú trọng vào những tiêu chuẩn cao của báo chí là chính xác và khách quan. Hiện nay, AP thuê hơn 3700 nhân viên trên toàn thế giới, hai phần ba trong đó là nhà báo và biên tập viên. Với phóng viên báo và phóng viên ảnh làm việc trong hơn 200 văn phòng trên khắp hành tinh, AP là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho thế giới. AP cung cấp tin tức, ảnh chụp, ảnh đồ họa và những dịch vụ phát thanh cho hơn 1700 tờ báo và khoảng 6000 radio và đài truyền hình ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, khoảng 8500 kênh truyền thông đa phương tiện bên ngoài Hoa Kỳ cũng đăng ký những dịch vụ thông tin của AP. AP luôn đi trước việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong hoạt động báo chí, trong đó có việc sử dụng mạng xã hội.
Thứ nhất, AP sử dụng truyền thông xã hội trước tiên và chủ yếu như một công cụ để thu thập thông tin. “Chúng tôi cần sử dụng truyền thông xã hội để cạnh tranh, và đã thiết lập được những chỉ dẫn, tiêu chuẩn mạnh nhất trong ngành công nghiệp tin tức ở lĩnh vực thu thập thông tin số” [79], Eric Carvin biên tập viên truyền thông xã hội của AP cho biết. Những chỉ dẫn này được cả hãng AP và các cá nhân nhà báo của AP thực hiện, họ“liên tục tìm tòi trên mạng xã hội để tìm kiếm những đầu mối thông tin, các nhân chứng, các nguồn tin và nội dung được người sử dụng tạo ra” [79]. Những tài khoản
mạng xã hội của hãng này cũng được dùng để tìm kiếm các nguồn tin tức hay thu thập những thông tin công chúng đang quan tâm.
Thứ hai, AP lập các tài khoản mạng xã hội để quảng bá thông tin và tương tác với công chúng nhằm thiết lập uy tín, thương hiệu của họ. AP có khoảng 20 tài khoản Twitter, sáu tài khoản Facebook, một tài khoản Google+ và một kênh Youtube. Những tài khoản này không chỉ dùng để chia sẻ nội dung tin tức hay nhất trong tất cả các phiên bản, mà còn để bắt đầu các cuộc thảo luận xung quanh những vấn đề đó và thiết lập uy tín cho AP. Trên Facebook, AP có sáu tài khoản khác nhau. Tài khoản chính là APNews hiện có 93051 lượt like [79], điều này cho thấy sự tham gia mạnh mẽ từ phía công chúng, khi nhìn vào số lượt thích, bình luận và chia sẻ đối với mỗi nội dung được đăng tải. Tất cả các nội dung đăng tải đều có thông tin ngắn gọn về nội dung đó cùng với một đường liên kết (link) kèm theo kết nối tới một trong những cổng thông tin trực tuyến khác nhau thuộc AP, nơi người đọc có thể đọc được tin bài đầy đủ. Theo AP, trang này có nhiệm vụ cung cấp tin tức, các cuộc thảo luận và công việc hậu trường trong quá trình “góp nhặt” tin tức của AP. Tất cả mọi người đều được khuyến khích tham gia các cuộc trao đổi, thảo luận. Tuy nhiên, AP có quyền xóa bất kỳ ý kiến, đánh giá có nội dung xấu, phân biệt chủng tộc, khiêu dâm…Trang này được quản lý 24/7 bởi một đội ngũ biên tập viên có trụ sở tại New York: http://apne.ws/APStaff.
Những tài khoản Facebook khác có AP Images, là nguồn cung cấp quan trọng của biên tập hình ảnh, video, đồ họa và tương tác. Nhiệm vụ của AP Images là để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn cầu ngày nay bằng cách cung cấp một nguồn tài nguyên trực tuyến hàng đầu và chất lượng cao. Trên Fanpage cũng chỉ rõ thông tin liên hệ bằng số điện thoại và đường link dẫn đến website http://www.apimagesblog.com/. AP đã nhận được 50 giải Pulitzer, trong đó có 30 giải Pulitzer về ảnh trong 90 năm qua chứng tỏ sự
đồ sộ mà khó có cơ quan truyền thông nào vượt qua được. Ngoài ra còn có AP Mobile, AP Sports, AP Stylebook, AP Live. Các nhà báo của AP cũng được khuyến khích có các tài khoản trên các mạng xã hội cũng như thực hiện những chỉ dẫn truyền thông xã hội trong “Tuyên bố về các giá trị tin tức và nguyên tắc” của hãng đối với không gian mạng xã hội.
Eric Carvin biên tập viên truyền thông xã hội của AP cho biết nguyên nhân chính khi AP tham gia vào mạng xã hội là để tăng uy tín và nhận diện thương hiệu của hãng. Ngoài ra hãng còn sử dụng mạng xã hội để tăng số lượng công chúng và có thể tương tác nhiều hơn với họ. “Trong môi trường thông tin hiện đại, điều tối quan trọng là tạo được sự liên kết (mối quan hệ) với cá nhân từng công chúng và truyền thông xã hội cho phép chúng tôi làm được điều đó”, Carvin cho hay. Mạng xã hội cũng đưa nội dung của AP tới công chúng đa dạng hơn, điều đó rất tốt đối với hoạt động kinh doanh. Điều này cũng có nghĩa là AP chấp nhận hợp tác với báo chí công dân. “Chúng tôi không coi họ là một mối đe dọa – chúng tôi nhận thấy vai trò đối với các nhà báo chuyên nghiệp trong việc xác định nội dung nào là chính xác và thích đáng, đồng thời thêm vào những vấn đề liên quan mà độc giả quan tâm”, theo Carvin.
Fanpage của AP rất phổ biến và được nhiều người biết đến. Những tài khoản này rất hữu dụng khi một hãng tin muốn vượt qua cả tin tức thông thường, “khía cạnh tương tác chính là chìa khóa”, theo Carvin. Khi thông tin được đăng tải công khai, thông qua mạng xã hội, có thể có người đang ở ngay đó khi sự việc xảy ra và họ có thể chụp được một vài tấm ảnh hay quay được vài video. Điều này rất tốt cho việc đưa tin và nâng cao uy tín với công chúng, khiến cho cơ quan truyền thông được liên kết nhiều hơn với công chúng. Như hầu hết các tổ chức, các hãng tin tức cũng dựa trên các con số, đối với một quy mô nhất định để đo mức độ thành công. Theo Carvin, khi bài đăng nào đó
tạo ra nhiều lượt xem, thích hay chia sẻ, các phóng viên coi đó như là một đầu mối mà câu chuyện sẽ được tiếp tục phát triển trong loạt tin bài tiếp theo.
Tóm lại, hãng thông tấn AP đã sử dụng có hiệu quả mạng xã hội không chỉ trong việc tìm kiếm nguồn tin mà còn tạo ra được các cuộc thảo luận nhằm tương tác nhiều hơn với công chúng, quảng bá thông tin trên các tài khoản mạng xã hội để tăng uy tín và thương hiệu.