Giới thiệu chung về báo Tuổi trẻ, VietNamNet, VTV

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) việc sử dụng mạng xã hội facebook của cơ quan báo chí việt nam hiện nay (Trang 56 - 60)

2.1.1. Báo Tuổi trẻ

Tuổi trẻ là cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đã phát triển thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, gồm các ấn bản: Nhật báo Tuổi trẻ, tuần báo Tuổi trẻ Cuối tuần, bán nguyệt san Tuổi trẻ Cười và báo điện tử Tuổi trẻ Online.

Báo Tuổi Trẻ ra đời chính thức ngày 2 tháng 9 năm 1975. Số báo Tuổi Trẻ đầu tiên phát hành với số lượng khoảng 5000 bản/tuần. Trụ sở đầu tiên của báo Tuổi Trẻ tại 55 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Tiền thân của báo bắt đầu từ những tờ truyền đơn và bản tin in roneo của sinh viên, học sinh Sài Gòn trong phong trào chống Mỹ những ngày Chiến tranh Việt Nam. Đến tháng 7 năm 1981, Tuổi Trẻ được phát hành hai kỳ/tuần (thứ tư và thứ bảy) với số lượng 30.000 bản/kỳ. Ngày 10 tháng 8 năm 1982, Tuổi Trẻ tăng lên ba kỳ phát hành mỗi tuần (thứ ba, thứ năm, thứ bảy).

Báo Tuổi trẻ ngày càng phát triển và cho ra đời nhiều ấn phẩm có chất lượng. Ngày 3/8/2008, truyền hình Tuổi trẻ được thành lập, sản xuất những chương trình truyền hình phát trên Tuổi trẻ Online và hợp tác phát sóng với các kênh truyền hình trong nước. Tuoitrenews: Ấn phẩm tiếng Anh của báo Tuổi Trẻ ra đời ngày 18/6/2010 và nhanh chóng trở thành một cổng thông tin tiếng Anh hàng đầu về Việt Nam. Ngay sau đó là Tuổi trẻ Mobile, phiên bản của Tuổi Trẻ Online cho các thiết bị di động, thành lập tháng 9/2010.

Năm 2009, trước sự phát triển của mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng tại Việt Nam, Tuổi trẻ đã thành lập trang Fanpage trên Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baotuoitre. Fanpage này được thành lập vào tháng 7/2009 với số lượt thích Fanpage hiện nay là 1.969.795 (tính đến ngày 31/12/2016 [82]). Nói về Fanpage của Tuổi trẻ, nhà báo Võ Hùng Thuật – Phó tổng thư kí tòa soạn báo cho biết: “Tuổi Trẻ có nhiều Fanpage. Fanpage chính của Tuổi Trẻ ra đời ban đầu là từ sự tự nguyện, yêu thích của nhóm các bạn phóng viên trẻ tự lập để tương tác với bạn đọc”.

Về giao diện, Fanpage Tuổi trẻ với cách xây dựng giao diện bắt mắt, thuận tiện trong theo dõi thông tin, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho công chúng, từ cách xây dựng thông tin giới thiệu, thông tin liên lạc đến cài đặt hiển thị, các bộ lọc tìm kiếm thông tin…Về tần suất đăng tải thì trung bình mỗi ngày Fanpage Tuổi trẻ đăng khoảng 20 – 25 tin bài (xem thêm phỏng vấn sâu).

2.1.2. Báo VietNamNet

VietNamNet (viết tắt là VNN) là một báo điện tử tại Việt Nam trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Trụ sở báo VietNamNet: Tòa nhà C‟Land - 156 Xã Đàn 2, Phường Nam Đồng, Quận Đống Đa, Hà Nội. VietNamNet chính thức lên mạng Internet vào ngày 19/12/1997, gần như đồng thời với sự kiện Internet vào Việt Nam với tên gọi mạng thông tin trực tuyến VASC Orient. Báo chính thức được Bộ Văn hóa thông tin phê duyệt trở thành báo điện tử vào ngày 23 tháng 1 năm 2003. Báo điện tử ra hằng ngày bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Ngày 23/1/2004, độc giả VietNamNet có thể xem các video clip truyền hình trực tuyến. Đây là tính năng multimedia mới lần đầu tiên được một tờ báo điện tử ở Việt Nam tích hợp tại www.vietnamnet.tv. VietNamNet cũng là tờ báo điện tử đầu tiên mở ra chuyên mục Bàn tròn trực tuyến, một diễn đàn trao đổi trực tuyến giữa các chuyên gia, những người nổi tiếng trên các lĩnh

vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…với độc giả về các vấn đề nóng đang được quan tâm.

Báo VietNamNet có những chuyên mục chính là xã hội, công nghệ, kinh doanh, chính trị, sức khỏe, giải trí, thể thao, đời sống, giáo dục, quốc tế…Ngoài ra còn có các chuyên sâu hoạt động như những trang báo trực thuộc như Tuanvietnam, Tintuconline, Vland – bất động sản, trang giải trí 2sao.vietnamnet.vn và 49 chuyên mục nhỏ. Trong đó gần 20 chuyên mục cập nhật thông tin 24/24, hơn 10 chuyên trang đa dạng, đa diện phục vụ công chúng.

Không nằm ngoài xu thế sử dụng mạng xã hội của các cơ quan báo chí, báo VietNamNet thành lập trang Fanpage trên Facebook. Nhà báo Vũ Huyền Linh, người phụ trách hoạt động truyền thông của báo cho biết về sự ra đời của Fanpage VietNamNet: “Fanpage ra đời trong bối cảnh báo cần đẩy mạnh việc truyền thông đến đông đảo độc giả hơn, tăng tính tương tác với độc giả. Facebook là mạng xã hội đông người sử dụng nhất Việt Nam nên việc triển khai Fanpage sẽ đáp ứng được một phần mục tiêu này”.

Báo VietNamNet có tài khoản VietNamNet tại địa chỉ https://www.facebook.com/vietnamnet.vn/ với số lượt thích trang hiện tại là 1.131.518 (tính đến ngày 31/12/2016 [82]). Về giao diện, VietNamNet xây dựng Fanpage với đầy đủ tính năng đặc trưng của một Fanpage Facebook. Về tần suất đăng tải tin bài thì trung bình một ngày Fanpage của báo đăng tải khoảng 30 – 35 tin bài.

2.1.3. Đài truyền hình Việt Nam (VTV)

Đài truyền hình Việt Nam là đài truyền hình quốc gia của Việt Nam, được độc quyền phát sóng trong nước và có kênh phát qua vệ tinh đi quốc tế. Tên viết tắt thông dụng của đài là VTV (viết tắt của Vô tuyến Truyền hình Việt Nam. Ba ký tự VTV (ở dạng in) này xuất hiện trong biểu tượng của đài,

lần lượt được thể hiện trong ba màu đỏ, lục, lam. Ngay từ trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, một ban biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam được tách ra và thành lập đài truyền hình ngày 7 tháng 9 năm 1970. Năm 1987 đài lấy tên chính thức là Đài truyền hình Việt Nam.

Ngoài trụ sở chính tại số 43 đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, VTV còn có các trung tâm truyền hình khu vực. Đài gồm nhiều kênh phát sóng với từng lĩnh vực chuyên sâu. Không chỉ có những kênh trên, VTV còn có một số kênh theo từng khu vực do các Trung tâm THVN tại Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Cần Thơ phát sóng phục vụ riêng cho nhân dân khu vực này và các vùng lân cận. Ngoài ra, VTV còn mua bản quyền của một số hãng hay kênh truyền phát trên hai kênh thu tiền của VTV là truyền hình kỹ thuật số DTH và truyền hình cáp VCTV.

Năm 2013, khi Facebook đã trở nên khá phổ biến, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân đã sử dụng Facebook như một kênh thông tin hiệu quả để quảng bá, tiếp thị. Nhiều cơ quan báo chí cũng đã sử dụng Fanpage như một kênh thông tin song hành với sóng phát thanh, truyền hình, website của báo. Truyền hình Việt Nam cũng không thể bỏ qua một công cụ tiếp cận khán giả tốt mà lại miễn phí như thế, nhất là trong thời đại truyền thông đa phương tiện đang bùng nổ”,nhà báo Trường Thanh, phụ trách Fanpage VTV cho biết. Trong hoàn cảnh đó, Fanpage VTV đã ra đời với tài khoản chính là VTV – Đài truyền hình Việt Nam tại địa chỉ truy cập: https://www.facebook.com/VTVtoiyeu. Thời gian thành lập là tháng 4/2013 với số lượt thích (like) Fanpage hiện nay là 325.293 (tính đến ngày 31/12/2016 [82]).

Về giao diện, Fanpage VTV với cách xây dựng giao diện bắt mắt, thuận tiện trong theo dõi thông tin. Fanpage là kênh “đầu mối” dẫn dắt công chúng đến các Fanpage khác của VTV có chứa thông tin cần tìm kiếm. Nhằm tạo

điều kiện cho công chúng, VTV cho hiển thị trang khá đầy đủ, chi tiết. Về tần suất, phụ trách Fanpage của đài cho hay, “trung bình mỗi ngày Fanpage VTV đăng khoảng 6 – 8 post. Với tính chất trang chung của Đài, không tập trung vào một đối tượng chuyên biệt thì số lượng thích, chia sẻ, bình luận thông thường không cao. Cá biệt, khi tập trung vào một chiến dịch hoặc những chương trình đáng chú ý thì cao hơn nhiều. Kỷ lục đã có với 1 post là khoảng 3,5 triệu tiếp cận, 1,8 triệu lượt xem, hơn 30.000 lượt chia sẻ, 15.000 bình luận” (xem thêm phỏng vấn sâu).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) việc sử dụng mạng xã hội facebook của cơ quan báo chí việt nam hiện nay (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)