Khai thác nguồn thông tin từ mạng xã hội Facebook

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) việc sử dụng mạng xã hội facebook của cơ quan báo chí việt nam hiện nay (Trang 60 - 90)

2.2. Thực trạng việc sử dụng mạng xã hội Facebook của các cơ quan

2.2.1. Khai thác nguồn thông tin từ mạng xã hội Facebook

Nguồn tin có vai trò rất lớn đối với báo chí. Nguồn tin là nguồn gốc của mọi thông tin và là cơ sở quyết định thông tin ấy có trung thực khách quan. Tính nhanh nhạy, thời sự của báo chí đặt ra yêu cầu là phải có nhiều nguồn tin ở các lĩnh vực khác nhau.Nguồn tin được coi là mối quan hệ “máu thịt” vì nếu không có nguồn tin thì nhà báo sẽ không có gì để cung cấp cho công chúng.

Khảo sát trực tiếp các bài viết, chương trình của ba cơ quan báo chí có thể thấy mạng xã hội Facebook đã trở thành một kênh cung cấp thông tin hữu hiệu cho các cơ quan báo chí này. Thông tin đến từ nguồn mạng xã hội Facebook vô cùng đa dạng, phong phú ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Tùy vào tôn chỉ hoạt động và mục đích sử dụng mà mỗi cơ quan báo chí có cách sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, có thể tạm chia cách sử dụng thông tin từ Facebook của ba cơ quan báo chí thành ba dạng: thông tin từ Facebook chính là nội dung tác phẩm; thông tin từ Facebook trở thành một phần nội dung tác phẩm; trên các chương trình, chuyên mục xuất hiện tiểu mục ổn định sử dụng thông tin từ Facebook.

Khảo sát trên báo Tuổi trẻ từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2016 có 744 tin bài sử dụng thông tin từ Facebook khi tìm kiếm với từ khóa “Facebook”. Phân tích nội dung một số tin bài để hiểu rõ hơn cách sử dụng thông tin từ Facebook của báo Tuổi trẻ.

Ví dụ: Bài báo “Không lẽ nghệ sĩ cứ phải chịu cảnh nghèo vào cuối đời sao?” đăng trên chuyên mục Văn hóa – Giải trí ngày 2/3/2016. Bài báo đã đăng nguyên văn những lời chia sẻ trên Facebook cá nhân của nghệ sĩ Chí Trung, phóng viên chỉ viết phần sapo để dẫn dắt độc giả vào bài viết: “Ngày 2-3, sau khi đến thăm nghệ sĩ Trần Hạnh, nghệ sĩ Chí Trung có những dòng chia sẻ xúc động trên facebook cá nhân, với một câu hỏi đau đáu: “Không lẽ là nghệ sĩ cứ phải chịu cảnh nghèo vào cuối đời sao?”. Hình ảnh trong bài báo cũng được sử dụng từ Facebook của nhân vật. Đây là một ví dụ rất tiêu biểu cho việc sử dụng thông tin từ Facebook làm thành nội dung chính của bài.

Nhiều bài báo sử dụng nguồn thông tin từ Facebook thành một phần nội dung bài viết như hình ảnh, video, text (văn bản).

Các bài viết sử dụng hình ảnh từ Facebook như bài “Thủ tướng Singapore “selfie” cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” đăng trên chuyên mục Thế giới ngày 17/2/2016, hình ảnh được lấy trực tiếp từ Facebook cá nhân của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, do đích thân ông chụp. Bài

“Thầy giáo cùng học trò tưởng niệm liệt sĩ chiến tranh biên giới” đăng trên chuyên mục Giáo dục ngày 17/2/2016, hình ảnh trong bài báo được lấy từ Facebook thầy giáo Nguyễn Duy Khánh cùng các em học sinh trong tiết học văn đang đứng tưởng niệm nhân sự kiện 17/2. Bài viết: “Dân facebook tung nhiều ảnh độc về mưa ngập Sài Gòn” đăng trên chuyên mục Nhịp sống số ngày 26/9/2016, tất cả ảnh trong bài viết đều được phóng viên tổng hợp từ các Facebook cá nhân khác nhau ở nhiều khu vực, nhiều góc độ mang đến bức tranh

toàn cảnh về cảnh mưa ngập ở Sài Gòn; những bức ảnh này sẽ khó có phóng viên nào thực hiện được cùng lúc nếu không nhờ nguồn ảnh tập hợp từ Facebook.

Bên cạnh việc sử dụng hình ảnh, những bài viết trên báo Tuổi trẻ còn sử dụng khá nhiều video trên Facebook. Ví dụ, bài viết “Cầu thủ Việt thể hiện tình yêu nước” đăng trên chuyên mục Thể thao ngày 14/7/2016, clip ngắn được tiền vệ Mai Tiến Thành (FLC Thanh Hoá) quay các đồng đội ngoại của mình nói về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa, clip được lấy từ Facebook cá nhân của cầu thủ này. Bài viết “Ấn tượng 3 phút tóm tắt chuyến thăm Việt Nam của ông Obama” đăng trên chuyên mục Thế giới ngày 31/5/2016, clip trong bài viết được lấy từ tài khoản Facebook của Nhà trắng (Mỹ). Bài viết “Lan truyền clip tố nhân viên y tế nhận cả xấp phong bì” đăng trên chuyên mục Bạn đọc ngày 2/6/2016, sử dụng clip từ địa chỉ Facebook có tên người dùng là Hoàng Diệu, người trực tiếp quay clip này.

Những bài báo còn sử dụng phần thông tin là phần text (văn bản) từ Facebook để bổ sung, hoàn thiện nội dung. Bài “GS Ngô Bảo Châu hoan nghênh nỗ lực làm “đường kiểu mẫu” đăng trên chuyên mục Văn hóa – Giải trí ngày 14/5/2016, bài báo trích lại quan điểm của Giáo sư Ngô Bảo Châu về đường kiểu mẫu. Bài “Đưa cải lương vào game show: cứu hay giết cải lương?” đăng trên chuyên mục Văn hóa – Giải trí ngày 10/10/2016, trích ý kiến của soạn giả Hoàng Song Việt đăng trên Facebook cá nhân như một cách gợi mở, khai thác vấn đề về việc đưa cải lương vào game show. Bài “Đại sứ Mỹ tại Việt Nam mời gọi mọi người tới Việt Nam” đăng trên chuyên mục Du lịch ngày 5/11/2016, bài viết trích lại quan điểm của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Ted Osius trên Facebook của ông thành một phần nội dung bài báo.

Nhiều bài báo không chỉ trích thông tin từ một tài khoản Facebook mà tập hợp thông tin từ nhiều tài khoản Facebook khác nhau tạo thành những

luồng ý kiến, quan điểm trước vấn đề, sự kiện được phản ánh trong bài báo. Bài viết “Biên giới phía Bắc - người Việt hãy đến một lần trước khi chết!”

đăng trên chuyên mục Chính trị - Xã hội ngày 17/2/2016. Bài báo ghi nhận phản ứng của cộng động mạng trước sự kiện ngày 17/2, kỷ niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc. Phóng viên khai thác thông tin từ nhiều tài khoản Facebook, trong đó có những nhà báo kì cựu như nhà báo Lê Đức Dục, một phóng viên năm nào cũng có bài viết về biên giới đúng ngày 17/2, phóng viên ảnh Nguyễn Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Đỗ Quý Doãn cùng nhiều bạn trẻ Việt khác.

Theo khảo sát của tác giả, báo Tuổi trẻ không có tiểu mục ổn định sử dụng thông tin từ Facebook.

Báo Tuổi trẻ đã khai thác khá hiệu quả nguồn thông tin từ Facebook cho các bài viết của mình. Những thông tin, hình ảnh, video, được sử dụng như một nguồn gợi mở, từ đó phóng viên có thể phản ánh thực trạng, phát triển bài viết dựa vào một phần nội dung lấy từ Facebook. Điều này làm đa dạng hơn đề tài cho các phóng viên và cũng là một cách nắm bắt “điểm nóng” xã hội nhanh hơn ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

2.2.1.2. Khảo sát báo VietNamNet

Khảo sát trên báo VietNamNet từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2016 có 730 tin bài sử dụng thông tin từ Facebook khi tìm kiếm với từ khóa “Facebook”. Phân tích nội dung một số tin bài để hiểu rõ hơn cách sử dụng thông tin từ Facebook của báo VietNamNet.

Ví dụ: Bài báo “MC Phan Anh đăng đàn sau show chấn động của VTV” đăng trên chuyên mục Giải trí ngày 31/5/2016. Bài báo đã đăng nguyên văn những lời chia sẻ trên Facebook cá nhân của MC Phan Anh, phóng viên chỉ viết một đoạn ngắn nêu bối cảnh câu chuyện cũng như dẫn dắt độc giả vào bài viết: “Cả ngày hôm qua, MC Phan Anh chọn cách im lặng sau khi chương

trình "60 phút mở" của VTV gây bão dư luận với màn tranh luận "Chia sẻ trên facebook để làm gì?". MC Phan Anh chỉ trả lời một cách ngắn ngọn và đầy thiện chí với báo chí rằng mọi việc đã qua và anh cảm thấy rất vui vẻ bên gia đình. Tuy nhiên, đêm 30/5, trên trang cá nhân, MC Phan Anh đã viết một status khá dài để giãi bày về “60 phút mở” - chương trình mà những người yêu mến anh cho rằng anh bị “bắt nạt'”, bị “đấu tố”. Đây là một ví dụ rất tiêu biểu cho việc sử dụng thông tin từ Facebook làm thành nội dung chính của bài.

Cũng như Tuổi trẻ, VietNamNet sử dụng nhiều hình ảnh, video, text từ Facebook góp phần hình thành nội dung bài báo.

Nhiều bài viết của VietNamNet sử dụng hình ảnh từ Facebook. Ví dụ như bài “Bộ ảnh “Một ngày của bác sĩ” gây sốt trên Facebook” đăng trên chuyên mục Giáo dục ngày 16/6/2016, tất cả ảnh trong bài báo đều được lấy từ Facebook cá nhân của bác sĩ Ngô Đức Hùng, những hình ảnh về công việc tại bệnh viện của các bác sĩ hiện lên đầy chân thực và rõ nét. Bài “Thủ tướng Singapore đăng Facebook ảnh gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang” đăng trên chuyên mục Thời sự ngày 29/8/2016, hình ảnh trong bài báo chính là hình ảnh được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đăng lên Facebook cá nhân cách đó vài giờ, ảnh do phóng viên ảnh chuyên trách của ông chụp. Bài

“Hình ảnh đầu tiên của BTV Vân Anh sau khi nghỉ việc ở VTV” đăng trên chuyên mục Giải trí ngày 21/12/2016, hình ảnh trên Facebook cá nhân của biên tập viên Hoài Anh đã được phóng viên đưa vào bài làm dẫn chứng, tăng phần thuyết phục cho bài viết.

VietNamNet cũng sử dụng khá nhiều video lấy từ nguồn Facebook. Ví dụ như bài “BTV Thời sự Quang Minh lần đầu xuất hiện trên Facebook”

đăng trên chuyên mục Giải trí ngày 2/9/2016, video trong bài báo được lấy từ một tài khoản Facebook của VTV nhằm giới thiệu với khán giả về điểm mới trong phương thức phát sóng của Bản tin thời sự 19h, video đã nhận được rất

nhiều chú ý của công chúng. Bài “Xôn xao clip Công an kéo lê người phụ nữ bán hàng rong” đăng trên chuyên mục Thời sự ngày 30/9/2016, video này nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng và đã được đưa vào bài viết, cũng từ nguồn tin này, phóng viên đã đến tận nơi xảy ra vụ việc nhằm xác nhận độ chính xác, cung cấp điểm nhìn khách quan cho công chúng. Bài “Bức xúc clip giáo viên mầm non tát vào mặt trẻ” đăng trên chuyên mục Giáo dục ngày 25/10/2016, video trong bài báo được lấy từ một tài khoản Facebook cá nhân, từ nguồn thông tin đó tác giả đã về tận nơi diễn ra vụ việc nhằm xác nhận và tìm hiểu thêm thông tin để viết bài.

Nhiều bài báo còn sử dụng phần text từ Facebook để bổ sung, hoàn thiện nội dung bài. Ví dụ như bài “Facebook Bộ trưởng Kim Tiến cập nhật liên tục ngày Tết” đăng trên chuyên mục Thời sự ngày 11/2/2016, bài báo trích dẫn lại nhiều bài viết về tình hình khám chữa bệnh những ngày gần Tết cũng như lời chúc Tết từ Bộ trưởng Y tế. Bài “Hoàng tử Anh chờ đợi giây phút dạo bước ở Hà Nội” đăng trên chuyên mục Thời sự ngày 15/11/2016, bài báo trích dẫn lại tuyên bố trên Facebook Đại sứ quán Anh tại Hà Nội của Cung điện Kensington trước chuyến công du đến Hà Nội của hoàng tử nước Anh, William.

Nhiều bài báo của VietNamNet còn tập hợp thông tin từ nhiều tài khoản Facebook khác nhau tạo thành những luồng ý kiến, quan điểm trước vấn đề, sự kiện được phản ánh trong bài báo. Bài “GS Ngô Bảo Châu: Học sinh được chọn ngoại ngữ để học là tiến bộ” đăng trên chuyên mục Giáo dục ngày 25/9/2016. Bài báo ghi nhận nhiều phản ứng trái chiều của dư luận và cộng động mạng trước việc Bộ Giáo dục dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông, sự việc được đông đảo người dân quan tâm, trong đó có nhiều người đã nêu quan điểm lên Facebook cá nhân và được phóng viên ghi nhận lại như Giáo sư Ngô

Bảo Châu, Giáo sư Hà Huy Khoái và rất nhiều ý kiến khác của các bậc phụ huynh học sinh.

Báo VietNamNet đã xây dựng tiểu mục “Facebook” trong chuyên mục Giải trí, tiểu mục tập hợp những bài viết về đời sống, sự kiên “hot” của các nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng được chia sẻ trên Facebook cá nhân của họ. Tuy nhiên, các bài viết không được cập nhật thường xuyên, số lượng không nhiều.

VietNamNet đã khai thác khá tốt nguồn tin từ Facebook và đa dạng hóa các hình thức sử dụng. Từ những hình ảnh, video lấy từ Facebook, các phóng viên đã đi sâu tìm hiểu, đến tận nơi diễn ra sự việc để xác nhận và lấy thêm thông tin phục vụ cho bài viết. Tuy nhiên, những tin bài sử dụng thông tin từ Facebook có một phần không nhỏ dẫn theo các báo như Zing, Gia đình xã hội, Dân trí, VOV, Dân việt, Tri thức trẻ,…Đây là một hạn chế khi cho thấy VietNamNet còn chưa thật sự nhanh nhạy so với các trang báo khác. So với Tuổi trẻ, VietNamNet khi khai thác thông tin từ Facebook thường đăng những thông tin có tính giải trí, tính “thị trường” nhiều hơn, mà ít có chọn lọc.

2.2.1.3. Khảo sát VTV

Trong khuôn khổ của luận văn, do số lượng chương trình quá lớn và không lưu trữ được, tác giả chưa có được số lượng chương trình của VTV sử dụng thông tin từ Facebook trong thời gian khảo sát.

Đài truyền hình Việt Nam là đài truyền hình quốc gia của Việt Nam, được độc quyền phát sóng trong nước và có kênh phát qua vệ tinh đi quốc tế, với nội dung bị kiểm duyệt chặt chẽ. Bởi vậy, thông tin VTV sử dụng được chọn lọc và kiểm chứng kĩ càng. Điều này làm hạn chế việc sử dụng thông tin từ những nguồn tin như mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng. Tuy nhiên, không nằm ngoài xu thế chung của các cơ quan báo chí khác, VTV đã khai thác khéo léo và có chọn lọc nội dung thông tin từ đây.

VTV đã sử dụng thông tin từ Facebook thành một phần nội dung chương trình. Ví dụ “Clip Bác Sỹ Bệnh Viện K Cầm Phong Bì” được phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h ngày 3/6/2016 trên kênh VTV1. Clip ghi lại cảnh nhân viên y tế, được cho là của Bệnh viện K, nhận phong bì của người bệnh đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân Hoàng Diệu khiến nhiều người bức xúc. Hằng ngày, có rất nhiều tin tức, sự kiện diễn ra ở khắp nơi, VTV khó có thể bao quát được hết thông tin, do đó Facebook trở thành nguồn cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đài.

Trên kênh VTV9 của Đài đã xây dựng tiểu mục “Chuyện Facebook” trong chương trình Sáng Phương nam được phát sóng hằng ngày từ 6h - 7h sáng. Tiểu mục tập hợp, điểm lại những thông tin về đời sống, sự kiện “hot” diễn ra trong cuộc sống hằng ngày được chia sẻ trên Facebook.

Trong xu thế truyền thông hiện đại, VTV đã ứng dụng nhanh nhạy mạng xã hội, đặc biệt là Facebook trong việc thu thập và truyền tải thông tin. Với vai trò là đài truyền hình trung ương, VTV luôn đi đầu trong việc đưa những thông tin, sự kiện thời sự, “nóng”. Tuy nhiên, VTV là đài truyền hình quốc gia trực thuộc Chính phủ, là cơ quan truyền thông có quy mô rất lớn nên việc sử dụng thông tin từ Facebook có phần hạn chế, khắt khe và chọn lọc hơn so với các cơ quan báo chí khác.

Như vậy, mạng xã hội Facebook thực sự đã trở thành một trong những nguồn cung cấp thông tin đa dạng phong phú cho các cơ quan báo chí. Nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội được bàn luận rộng rãi trên Facebook và trở thành tâm điểm của báo chí. Trong ba cơ quan báo chí được khảo sát, báo Tuổi trẻ có số bài khai thác thông tin từ mạng xã hội lớn nhất, tiếp theo là VietNamNet và VTV. Điều này có thể lý giải là do chiến lược, định hướng và cơ chế của mỗi cơ quan báo chí trong việc sử dụng thông tin từ mạng xã hội.

Vấn đề đặt ra là làm sao xác minh được độ tin cậy của những thông tin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) việc sử dụng mạng xã hội facebook của cơ quan báo chí việt nam hiện nay (Trang 60 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)