Luật sửa đổi năm 1954

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu luật bảo tồn di sản văn hóa nhật bản (Trang 44 - 48)

6. Kết cấu của luận văn

2.1. Luật sửa đổi năm 1954

Như đã trình bày, Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa ban hành năm 1950 là kết quả nỗ lực của chính phủ và quốc hội Nhật Bản nhằm kịp thời bảo tồn các di sản văn hóa đang rơi vào tình trạng bị xâm hại, thất thoát hoặc xuống cấp sau Thế chiến II. Mặc dù đã được xem xét và góp ý tới 10 lần dự thảo nhưng do thời gian gấp và do phạm vi đối tượng của Luật quá rộng, lại chưa có tiền lệ trong nước và ngoài nước, nên trong 3 năm áp dụng, Luật đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần tiếp tục sửa đổi bổ sung.

Năm 1954, chính phủ đã đệ trình dự thảo luật sửa đổi lên quốc hội và trên cơ sở bản dự thảo này, quốc hội Nhật Bản đã công bố ban hành Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa sửa đổi (luật 131 năm 1954). Dưới đây xin tóm tắt những điểm sửa đổi chính trong Luật sửa đổi năm 1954 so với Luật năm 1950.

1) Bổ sung quy định về quản lý di sản văn hóa trọng yếu

Về chế độ quản lý, Luật sửa đổi năm 1954 bổ sung quyền của Hội đồng Bảo tồn Di sản Văn hóa chỉ định đoàn thể địa phương hoặc pháp nhân thay mặt chủ sở hữu quản lý di sản văn hóa trọng yếu, bao gồm tư liệu dân gian, trong trường hợp cần thiết. Quy định này vốn trước đó từng được áp dụng đối với di tích lịch sử và danh thắng tự nhiên. Trong Luật sửa đổi, quy định này được áp dụng rộng hơn. Đó là trường hợp di tích lịch sử và danh thắng tự nhiên không xác định được chủ sở hữu, trường hợp phương pháp mà chủ sở hữu di sản thực hiện không phù hợp với giá trị của di sản văn hóa trọng yếu. Trên thực tế, không ít di sản văn hóa trọng yếu không rõ chủ sở hữu (như nhà cổ bị bỏ hoang) hay chủ sở hữu di sản không đủ khả năng về chuyên môn và tài chính để quản l‎ý, tu sửa… Đối với các công trình như thành quách, di tích hoặc tư liệu dân gian của địa phương thì tình trạng tổ chức hoặc cá nhân đứng ra quản lý không đủ năng lực quản lý, duy trì hay không thể tiến hành

khảo sát thêm còn khá phổ biến. Việc quản lý không phù hợp càng khiến di sản dễ bị mất đi hoặc xuống cấp nhanh chóng.

Chính vì l‎ý do trên, quy định mới của Luật sửa đổi cho phép lựa chọn cá nhân hoặc tổ chức có năng lực quản lý di sản văn hóa, tư liệu dân gian trọng yếu một cách phù hợp. Ngoài ra Luật cũng đề ra các yêu cầu đối với chủ sở hữu hoặc cá nhân, tổ chức được lựa chọn quản l‎ý di sản.

2) Hoàn thiện chế độ chỉ định di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là một nội dung mới của Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa năm 1950. Tuy nhiên chế độ bảo tồn, đặc biệt là đối với những di sản có giá trị văn hóa cao vẫn chưa được quy định đầy đủ như đối với di sản văn hóa vật thể và di tích, thắng cảnh. Trong khi đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể trọng yếu đương thời đang đứng trước nguy cơ có thể biến mất hoàn toàn nếu không được công nhận và có các biện pháp hỗ trợ, bảo tồn kịp thời.

Trong Luật sửa đổi năm 1954, các quy định về di sản văn hóa phi vật thể trọng yếu như tiêu chí lựa chọn di sản, xác định cá nhân hoặc tổ chức có năng lực bảo tồn, thiết lập chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng nghề cho hậu bối, yêu cầu công khai quảng bá di sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân… đã được bổ sung. Ngoài ra, Luật sửa đổi còn bổ sung quy định xây dựng hệ thống tư liệu, sổ sách ghi chép di sản văn hóa phi vật thể trọng yếu (Mục 3-9 điều 56 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.39]).

3) Tách quy định bảo tồn tư liệu dân gian ra khỏi quy định bảo tồn di sản văn hóa vật thể

Như đã trình bày trong chương I, trong Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa năm 1950, tư liệu dân gian được coi là một loại hình di sản văn hóa vật thể, cùng với công trình kiến trúc hay tác phẩm nghệ thuật thủ công... và cũng được lựa chọn để xếp hạng di sản trọng yếu. Trên thực tế tư liệu dân gian không mang tính lịch sử, tính nghệ thuật được xác định giống như các di sản văn hóa vật thể khác. Tư liệu dân gian gồm phong tục, lối sống hay kế sinh nhai của một nhóm người hoặc nghệ thuật biểu diễn, chế tác của một địa phương… Trong tư liệu địa phương bên cạnh yếu tố phi vật thể còn có những yếu tố vật thể như đồ dùng sinh hoạt, công cụ… Do đó,

bên cạnh việc tách tư liệu dân gian khỏi di sản văn hóa vật thể, Luật sửa đổi đã xây dựng những quy định bảo tồn thích hợp cho loại di sản này với tư cách là một loại hình độc lập (Mục 3 điều 3 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.39]).

Luật sửa đổi đưa ra quy định chính sách bảo tồn riêng đối với tư liệu dân gian vật thể và phi vật thể (Mục 10-18 điều 56 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.39]). Về tư liệu dân gian vật thể, Luật quy định tiêu chí chỉ định tư liệu dân gian trọng yếu, nghĩa vụ trình báo liên quan đến biến đổi hiện trạng, xin phép xuất khẩu, các phương pháp ghi chép lưu giữ thông tin quan trọng… Trong khi đó, đối với tư liệu dân gian phi vật thể, Luật sửa đổi thể hiện quan điểm là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (như ăn, mặc, ở), các nghề truyền thống, kế sinh nhai, tín ngưỡng, các lễ hội… không cố định mà luôn trong quá trình biến đổi cùng với sự phát triển của xã hội nên không phù hợp với quy định yêu cầu giữ nguyên trạng, mà thay vào đó thiết lập chế độ lựa chọn, hỗ trợ, ghi chép kịp thời và quảng bá đối với loại hình di sản đặc biệt này.

4) Thống nhất quy định về di sản văn hóa trong lòng đất

Luật sửa đổi năm 1954 đưa ra định nghĩa về di sản văn hóa được cất giấu trong lòng đất và tách loại hình di sản này thành một chương độc lập khỏi chương về di sản văn hóa vật thể (Điều 4 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.40]), Để tránh tình trạng đào bới bừa bãi, Luật sửa đổi quy định về quy trình điều tra, xác định vị trí, lựa chọn phương pháp phù hợp trước khi tiến hành khai quật, nghĩa vụ trình báo về điều tra khai quật… Một quy định bổ sung nữa là nghĩa vụ liên quan đến các công trình xây dựng tại vị trí có di sản văn hóa được cất giấu. Theo quy định này, khi tiến hành khảo sát thi công mà xuất lộ di sản thì cá nhân hoặc tổ chức thi công phải trình báo. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cách thức tiến hành điều tra trong những trường hợp này nên trên thực tế dù tình cờ phát hiện ra di tích nhưng việc thi công vẫn được ưu tiên và công tác bảo tồn vẫn chưa được tiến hành kịp thời. Bên cạnh đó, một điểm hạn chế liên quan đến quy định trình báo trước khi thi công, là chưa thiết lập chế độ xử phạt, cấm, hay mệnh lệnh tạm ngừng thi công nhằm tăng khả năng bảo tồn di sản văn hóa được cất giấu.

Về khoảng thời gian từ lúc trình báo đến lúc quyết định khai quật, Luật Bảo tồn năm 1950 quy định là 20 ngày, nhưng trong Luật sửa đổi thời gian từ lúc trình báo

đến khi quyết định về việc khai quật được sửa thành “trong khoảng 30 ngày” nhằm tránh tình trạng đào bới bừa bãi và có thể chuẩn bị chu đáo cho công tác khai quật (Mục 2 điều 57 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.40]).

5) Bổ sung quy định về công trình kỷ niệm thiên nhiên

Luật sửa đổi đã đưa ra những quy định cụ thể hơn về công trình kỷ niệm thiên nhiên là những địa điểm có giá trị nghiên cứu học thuật.

- Coi những công trình kỉ niệm thiên nhiên là một loại hình di sản văn hóa. Trước đó, Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa năm 1950, chưa quy định xếp công trình kỷ niệm thiên nhiên thuộc loại hình di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể mà ghép các địa điểm này trong phạm trù di tích lịch sử và danh thắng tự nhiên. Luật sửa đổi, bên cạnh việc quy định công trình kỷ niệm thiên nhiên là một loại hình của di sản văn hóa, đã chỉ ra cơ chế lựa chọn di sản trọng yếu (Khoản 2 mục 1 điều 69 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.41]).

- Quy định về điều chỉnh giữa lợi ích công cộng và tôn trọng quyền sở hữu. Phần lớn các công trình kỷ niệm thiên nhiên có quan hệ mật thiết với chủ sở hữu đất đai, nên Luật sửa đổi đưa ra những quy định điều chỉnh giữa quyền sở hữu tài sản với việc phát triển quỹ đất đai quốc gia và các lợi ích công cộng khác. Ngoài ra, Luật sửa đổi đưa ra tiêu chí đối với di sản văn hóa trọng yếu và quy định không cho phép biến đổi hiện trạng các di sản này (Mục 2 điều 70, mục 4 điều 80, mục 2-9 điều 85 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.41]).

- Bổ sung quy định phục hồi nguyên trạng đối với hành vi biến đổi hiện trạng mà không được sự cho phép. Quy định phục hồi nguyên trạng được áp dụng đối với công trình kỷ niệm thiên nhiên và di tích lịch sử, danh thắng tự nhiên trong trường hợp tự ý biến đổi hiện trạng mà không được phép hay tàn phá di tích, gây ảnh hưởng đến việc bảo tồn… Bên cạnh nghĩa vụ phục hồi nguyên trạng, người có hành vi tự ý biến đổi, tàn phá, gây tổn thất đối với công trình kỷ niệm thiên nhiên, di tích lịch sử, danh thắng tự nhiên bị áp hình thức xử phạt tùy theo mức độ vi phạm (Mục 7 điều 80, mục 2-11 điều 107, điều 111 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.41]).

6) Hợp nhất quy định liên quan đến các đoàn thể và cộng đồng địa phương

Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa sửa đổi năm 1954 đã đưa ra những quy định cụ thể đối với vai trò và hoạt động của đoàn thể và cộng động địa phương trong công tác bảo tồn di sản (Mục 3 điều 6. [14, tr.41]).

Ngoài việc tham gia hoạt động bảo tồn đối với các di sản được nhà nước chỉ định là di sản trọng yếu, đoàn thể và cộng đồng địa phương được khuyến khích cùng với Ban Giáo dục địa phương phát huy vai trò trong việc lựa chọn di sản địa phương hay đề xuất các biện pháp và cơ chế bảo tồn phù hợp trên cơ sở tham khảo quy định của Hội đồng Bảo tồn Di sản Văn hóa (Mục 2 điều 98 Luật sửa đổi năm 1954. [14, tr.41]).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu luật bảo tồn di sản văn hóa nhật bản (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)