6. Kết cấu của luận văn
2.4. Luật sửa đổi năm 1996
Công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Nhật Bản từ sau thời Minh Trị chủ yếu tập trung vào những đối tượng di sản văn hóa trước thời cận đại. Vì vậy, đối với di sản văn hóa được hình thành trong thời cận hiện đại, công tác thẩm định, đánh giá và công nhận di sản văn hóa trọng yếu không được thực hiện dẫn tới tình trạng thiếu biện pháp bảo tồn tích cực. Trong khi đó, một số lượng lớn di sản văn hóa đa dạng thời cận hiện đại đang được hình thành và khẳng định với giá trị lịch sử, mỹ thuật, xã hội quan trọng. Việc đưa ra quy định đối với di sản loại này đã trở nên cấp thiết nhằm giảm bớt nguy cơ xâm hại thất thoát và đảm bảo sự kế thừa cho hậu thế các di sản văn hóa quý giá của dân gian.
Ngoài ra, từ giữa thập niên 1970, sự phân quyền địa phương được tiến hành trên cả nước và nhằm kích hoạt kinh tế, kết hợp với việc nới lỏng chế độ, thúc đẩy chuyển nhượng quyền hạn đến các cấp địa phương trong chế độ bảo tồn di sản văn hóa, đã làm sáng tỏ hóa vai trò của thành thị làng xã trong công tác bảo tồn.
Trước yêu cầu cập nhật những quy định về bảo tồn, năm 1996 theo đề án của chính phủ, quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa sửa đổi bổ sung. Nội dung sửa đổi cơ bản giai đoạn này có thể tóm tắt theo các vấn đề chính dưới đây:
1) Thiết lập chế độ đăng ký di sản văn hóa
Trong việc bổ sung chính sách về bảo tồn di sản văn hóa cận hiện đại, có thể thấy vai trò chủ động của các đoàn thể, cộng đồng cũng như các cơ quan địa phương như Ban Giáo dục, các hội chuyên môn như Hội kiến trúc Nhật Bản… Tiêu biểu là cuộc họp về di sản văn hóa của Hội Nghiên cứu kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa đã đưa ra đề xuất “về sửa đổi hoàn thiện chính sách bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng với sự biến đổi của thời đại” (ngày 15 tháng 7 năm 1994). Ngoài ra, trong báo cáo “về những điểm chính sách trọng yếu nhằm khuyến khích văn hóa thành văn hóa tư lập mới” tại cuộc họp của Tổng cục Văn hóa ngày 26 tháng 7 năm 1995 đã đề xuất những nội dung quan trọng nhằm đa dạng hóa các biện pháp bảo tồn di sản văn hóa, lấy đối tượng chính là các di sản văn hóa cận hiện đại.
Bên cạnh đó, năm 1994, Tổng cục Văn hóa đã tiến hành nghiên cứu khảo sát về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thời cận hiện đại. Dựa trên kết quả điều tra, năm 1995, Tổng cục Văn hóa đã sửa đổi một số tiêu chí công nhận di sản, hoàn thiện hơn chế độ công nhận hiện hành. Mặc dù đã nỗ lực điều chỉnh chính sách nhằm bảo tồn di sản văn hóa cận hiện đại, nhưng do di sản văn hóa cận hiện đại có số lượng lớn và đa dạng nên để có thể bảo tồn hiệu quả, cần quy trình tuyển chọn cẩn thận và nghiêm ngặt để tìm ra những di sản có giá trị cao, từ đó có biện pháp bảo tồn mạnh tay. Tuy nhiên, theo luật định đương thời di sản văn hóa thời cận đại không nằm trong danh mục di sản văn hóa trọng yếu nên chưa thể đưa ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả.
Luật sửa đổi năm 1996 đã đưa ra quy định về việc đăng ký di sản, bao gồm cả di sản văn hóa thời cận hiện đại. Trong di sản văn hóa vật thể, đối tượng bổ sung chủ yếu là các công trình kiến trúc được xây dựng thời cận đại. Biện pháp bảo tồn bổ sung tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa trọng yếu. Thủ tục đăng ký đối tượng di sản văn hóa, xin biến đổi hiện trạng, các quy định về hướng dẫn, khuyến cáo… được chỉnh lý trong chế độ “đăng ký di sản văn hóa vật thể” (Khoản 11 mục 2 điều 56 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr.53]). Quy trình đăng ký di sản văn hóa vật thể gồm các bước cơ bản sau:
- Đăng ký. Di sản văn hóa như các công trình kiến trúc thời cận đại có giá trị sẽ được đăng ký trong Danh mục di sản văn hóa có giá trị cao. Quá trình đăng ký sẽ thực hiện theo quy định từ cấp địa phương lên trung ương và không thực hiện đối với di sản văn hóa đã được công nhận là di sản văn hóa trọng yếu (Khoản 3 mục 2 điều 56 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr.53]).
- Bảo tồn. Đối với di sản văn hóa vật thể đã đăng ký, việc thay đổi hiện trạng phải được báo cáo lên Tổng cục Văn hóa. Trường hợp thay đổi làm phần ngoại cảnh tổn hại dưới ¼ thì không yêu cầu báo cáo (Khoản 7 mục 2 điều 56 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr. 53]). Ngoài ra, các trường hợp tìm người sở hữu, báo cáo mất mát, tổn hại… cũng phải thực hiện theo quy định. Các di sản đăng ký phải tuân theo quy định và chỉ đạo về mặt chuyên môn liên quan đến quản lý, tu sửa.
So với di sản văn hóa trọng yếu, quy định đối với di sản đăng ký mềm mỏng và linh hoạt hơn. Ví dụ trường hợp công trình kiến trúc đã đăng ký, chủ sở hữu có quyền tự chủ trong việc phát huy và quảng bá cho di sản, không cần báo cáo việc thay đổi sửa chữa nội thất, có thể sử dụng thành khách sạn, nhà hàng, thư viện…
2) Ủy nhiệm quyền hạn đến cấp địa phương
Theo thống kê ngày 1 tháng 1 năm 1996, trong các tổ chức địa phương, số lượng nhân viên phụ trách công tác bảo tồn di sản văn hóa cấp thành phố là 38 người, cấp thành phố trực thuộc trung ương là 11 người, cấp thị trấn làng xã khoảng 58 người. Để thúc đẩy tính tự chủ và xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương, Luật sửa đổi đã đưa ra quy định theo phương châm thúc đẩy phân quyền khu vực.
- Trước đó, Tổng cục Văn hóa trực tiếp chỉ đạo đối với Ban Giáo dục địa phương, nhưng theo Luật sửa đổi, chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh thành cũng được chuyển giao quyền chỉ đạo hoạt động bảo tồn. Người phụ trách vấn đề bảo tồn cấp chính quyền địa phương yêu cầu phải có năng lực chuyên môn cao và tầm nhìn tương lai. Chính quyền địa phương và Ban Giáo dục địa phương được ủy quyền quản lý bảo tồn di sản trong phạm vi địa phương như xem xét cấp phép các hoạt động biến đổi hiện trạng của di sản văn hóa trọng yếu (loại trừ các biến đổi hiện trạng quy mô lớn), cho phép công khai di sản
văn hóa trọng yếu với người không phải người sở hữu, đình chỉ khảo sát khai quật, khảo sát, chỉ đạo quản lý, tu sửa với di sản văn hóa trọng yếu nhận được hỗ trợ cấp từ ngân sách nhà nước, điều tra khảo sát các di sản trong lòng đất…(Điều 99, mục 2 điều 100 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr.54]).
- Trước kia Ban Giáo dục cấp địa phương đệ trình ý kiến lên Tổng cục Văn hóa nhưng theo Luật sửa đổi, ý kiến của Ban Giáo dục sẽ được xem xét tại cuộc họp về bảo tồn di sản văn hóa do chính quyền địa phương tổ chức và được giải quyết nếu trong thẩm quyền của chính quyền địa phương (Mục 2 điều 104, điều 105 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr. 54]).
- Xúc tiến phát huy di sản văn hóa trọng yếu. Liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa trọng yếu, cùng với việc duy trì, bảo tồn thì việc quảng bá, công khai, phát huy di sản nhằm đóng góp vào việc phát triển địa phương và xây dựng nền văn hóa mới cũng quan trọng, nhất là trong bối cảnh mối quan tâm đối với văn hóa dân gian càng ngày càng tăng cao. Luật sửa đổi đã nới lỏng chế độ quản lý và quảng bá di sản văn hóa trọng yếu. Trước hết là quy định về việc công khai di sản văn hóa trọng yếu hay di sản văn hóa dân gian trọng yếu. Trường hợp chủ thể lưu giữ thực hiện việc công khai di sản văn hóa phi vật thể hay vật thể trọng yếu, Luật sửa đổi quy định phải xin phép Tổng cục Văn hóa (Điều 51, mục 7 điều 56, mục 16 điều 56, mục 19 điều 56, mục 11 điều 83 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr.54]).
- Trường hợp việc công khai do viện bảo tàng, cơ quan nhà nước, đoàn thể cộng đồng địa phương chủ trì dưới hình thức triển lãm, quy định về chế độ xin cấp phép sau (Điều 53, mục 15 điều 56 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr.53]).
- Trường hợp đưa di sản văn hóa trọng yếu đi triển lãm ở nước ngoài, Luật sửa đổi đưa ra quy định cấp phép vận chuyển, xóa bỏ yêu cầu về họp lấy ý kiến tư vấn, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép (Điều 84 Luật sửa đổi năm 1996. [14, tr.54]).
Tiểu kết:
Như vậy, đến năm 1996, sau 4 lần chỉnh sửa thì Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa Nhật Bản đã xây dựng khung pháp lý tương đối cho các loại hình di sản văn hóa của Nhật Bản.
Xuất phát từ nhu cầu bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản sau chiến tranh, Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa đã mở rộng đối tượng sang các loại hình di sản mới được định hình hoặc được quan tâm. Quá trình chỉnh sửa và bổ sung luật phản ánh nhu cầu bảo tồn di sản, sự quan tâm của người dân và trình độ năng lực quản lý bảo tồn của các cơ quan liên quan cấp trung ương và địa phương.
Chương III của luận văn sẽ tập trung phân tích nội dung của Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa hiện hành được sửa đổi từ năm 2004 của Nhật Bản và trên cơ sở so sánh với Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, tác giả muốn bước đầu đề xuất một số gợi ý cho Việt Nam.
CHƢƠNG 3
LUẬT BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA NHẬT BẢN HIỆN HÀNH VÀ SO SÁNH VỚI VIỆT NAM