8. Kết cấu của luận văn
2.4 Các cam kết pháp lý của Quốc tế và của Việt Nam về giảm thiểu
loại trừ dần Halon
2.4.1 Văn bản pháp lý của Quốc tế
Ngày 16 tháng 9 năm 1987 Nghị định thư Montreal (Canada) về các chất làm suy giảm tầng ôzôn nhằm thi hành Công ước Viên (1985) được thông qua.
“Nghị định thư Montreal được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay với sự đồng thuận và tham gia của 100% các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Nghị định thư cũng được tất cả các
ngành, tập đoàn công nghiệp và người dân toàn cầu ủng hộ”12
Để đẩy nhanh tiến độ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội và nhận thức về môi trường của cộng đồng quốc tế, đến nay Nghị định thư Montreal đã được sửa đổi bổ sung 3 lần. Đó là các văn bản sửa đổi bổ sung cho Nghị định thư (London 1990 và Copenhagen 1992 và lần gần đây tại Viên 1995) đã đưa ra yêu cầu giảm mạnh việc sử dụng CFC, Halon và các chất phá huỷ ôzôn khác, coi chúng là nguyên nhân chính của sự phá huỷ tầng ôzôn.
2.4.2 Văn bản pháp lý của Việt Nam
Năm 1991, văn kiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đã được dịch ra tiếng Việt. Tháng 6 năm 1994, Nghị định thư Montreal được in và phổ biến dưới dạng song ngữ Việt - Anh.
Từ năm 1992, Việt Nam đã tích cực tham gia vào những hoạt động có liên quan tới Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.
Chính phủ đã cử đại biểu tham dự các cuộc họp các bên Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal với tư cách là quan sát viên.
Chính phủ Việt Nam đã đáp ứng đề nghị của UNEP về việc chuẩn bị xây dựng Chương trình Quốc Gia vào năm 1992. Năm 1993, Việt Nam đã thông báo cho UNEP về lượng tiêu thụ ODS ở Việt Nam năm 1991. Năm
1993, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu UNEP giúp đỡ cử các cố vấn chuẩn bị cho những dự án đầu tư nhằm loại trừ dần ODS ở Việt Nam, đã tạo điều kiện và hỗ trợ các cố vấn thực hiện nhiệm vụ này
Tháng 1 năm 1994, nước ta phê chuẩn Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn và trở thành thành viên chính thức của Công ước và Nghị định thư. Theo Nghị định thư Montreal, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước thuộc Điều 5 - các nước có lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ôzôn thấp và được hưởng ưu tiên về hỗ trợ tài chính và công nghệ để tiến hành các hoạt động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn.
Nhiều bài báo về bảo vệ tầng ôzôn đã được đăng trên các báo chí và tập san, được phổ biến trên các phương tiện thông tin, phát thanh, truyền hình.
Tháng 10 năm 1994, Việt Nam đã thành lập Văn phòng hành động Ôzôn tại Hà Nội để thực hiện điều tra khảo sát và phân tích số liệu về ODS, soạn thảo Chương trình Quốc Gia và triển khai các hoạt động có liên quan.
Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam và Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 về việc "Hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ Môi trường", khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường đã được Việt Nam ký kết.
Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1994, Việt Nam tiến hành soạn thảo Chương Trình Quốc Gia, trong đó có kế hoạch hành động nhằm loại trừ ODS và kiểm soát việc sử dụng ODS với sự hỗ trợ từ Quỹ Đa phương về Ôzôn để báo cáo Ban chấp hành Nghị định thư Montreal vào tháng 3 năm 1995.
Dự thảo Chương Trình Quốc Gia về ODS đã được các Bộ, Ngành, địa phương đóng góp ý kiến và được thảo luận tại Hội nghị trù bị và Hội thảo quốc gia đầu tháng 12 năm 1994 tại Hà Nội.
Trong lĩnh vực chữa cháy, tuy lượng tiêu thụ Halon ở nước ta không lớn, nhưng các Halon lại có tiềm năng phá huỷ ôzôn cao và mặt khác cũng là
chất có độc tính đối với con người và môi trường. Nước ta được hưởng ưu đãi theo Điều 5 của Nghị định thư Montreal nhưng "Chương Trình Quốc Gia" của Việt Nam về các chất làm suy giảm tầng ôzôn đã đặt kế hoạch cắt giảm và loại trừ sớm việc nhập khẩu và sử dụng các chất Halon nếu có điều kiện về kỹ thuật và tài chính.
Để thực hiện việc loại trừ sử dụng và tiêu thụ Halon trong chữa cháy, Chương trình quốc gia đã phân công trách nhiệm cho các Bộ, Ngành, trong đó có nêu nhiệm vụ của Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an như sau:
"Bộ Nội vụ có trách nhiệm quản lý việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng và thu hồi Halon có trong các bình chữa cháy và trong các hệ thống dập cháy cố định cũng như các chất thay thế và công nghệ thay thế Halon, bảo đảm các công trình mới về PCCC không sử dụng Halon".