Điều đáng chú ý là các tộc người bản địa Tây Nguyên (Ê đê, Gia rai, Chu ru…) di cư đến Lâm Hà không nhiều (chỉ vài người đến vài chục người) nhưng các tộc người thiểu số từ miền Bắc lại di chuyển đến Lâm Hà với số lượng đáng kể. Đó là các tộc người như Thái (1.233 người), Nùng (746 người), Tày (292 người), tộc người Hmông giai đoạn này chỉ góp mặt 9 người [59, 16]. Sự xuất hiện của các tộc người có nguồn gốc phía Bắc tại Lâm Hà nằm trong bức tranh chung của sự di chuyển các tộc người này trên phạm vi cả nước. Ví dụ, đối với người Nùng, hai tỉnh có thể xem là trung tâm của tộc người này là Lạng Sơn và Cao Bằng: năm 1979 Lạng Sơn có 210.685 người Nùng, 10 năm sau tăng lên 268.010 người (tăng 1,3 lần trong 10 năm). Còn tại Cao Bằng, số lượng người Nùng năm 1979 là 169.367, năm 1989 là 185.614 người (tăng 1,1 lần) [1, 123-124]. Sự tăng chậm của dân số người Nùng tại Cao Bằng và Lạng Sơn trong 10 năm 1979-1989 chính là bởi tình trạng di cư mạnh mẽ của tộc người này ra khỏi bản quán đến Tây Nguyên dưới sự thúc ép của các yếu tố điều kiện sống, chiến tranh biên giới… Tình trạng di dân ở các tộc người như Thái, Tày, Hmông… cũng diễn ra tương tự.
72% 23%
3% 2%
Di dân tự phát đến Lâm Hà trong giai đoạn này chưa cao bởi vì động lực chính thu hút người di dân, tức giá cả thị trường cà phê, vào thời điểm này chưa có nhiều bứt phá. Thực tế, giá cà phê đã có nhích lên đôi chút từ cuối những năm 1980 và tạo nên một cú hích đối với người di cư nhưng Đăk Lăk lại là điểm đến được ưa thích hơn vì những điều kiện tự nhiên thuận lợi của nó dành cho loại cây này. Mặt khác, vì là một huyện mới thành lập, đánh giá của người di cư về khả năng phù hợp giữa điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện Lâm Hà với cây cà phê vẫn chưa cao như Đăk Lăk, vốn là trung tâm cà phê nổi tiếng từ lâu của cả nước. Bảng dưới đây cho thấy, năm 1991 giá thu mua cà phê trong nước đạt 12.450đ/kg nhân, tăng khoảng 3.000đ/kg so với mức giá năm 1988. Mặc dù vậy, sự tăng giá của cà phê có tác dụng quan trọng đối với người dân Lâm Hà, giải tỏa cho họ khỏi nhiều mối băn khoăn trong những ngày đầu lập huyện, khi từ bỏ cơ chế cũ để bắt đầu bước vào cơ chế quản lý kinh tế mới.