Điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhận thức của người chăm sóc về bệnh tâm thần phân liệt (Trang 38 - 42)

CHƢƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Một số vấn đề lý luận nhận thức về tâm thần phân liệt

1.2.2.5. Điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt

Điều trị hóa dược:

Hóa dược là liệu pháp thông dụng và có hiệu quả nhất trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Bởi vì các nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt nặng về phần di truyền và sinh lý nên việc chữa trị chủ yếu dựa vào thuốc. Tâm thần phân liệt không thể được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh bắt buộc phải dùng thuốc đúng liều và đều đặn, nếu không bệnh có thể sẽ tái phát nặng hơn, sẽ tổn hại đến não bộ nhiều hơn.

Một số thuốc đời đầu như Thorazine và Hadol có để lại tác dụng phụ như cứng cơ miệng và cơ mặt; lưỡi thè ra ngoài, môi nhăn lại, tứ chi và chân tay co thắt. Ngoài ra còn có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh khiến cơ thể run rẩy, cứng cơ, kích động, hoặc có những dáng điệu kỳ dị mà người bệnh không thể khống chế được [3].

Những loại thuốc đời hai như Clorazil, Risperdal , Zyprexa, Seroqul và Solian thì có ít tác dụng phụ hơn nhưng vẫn giữ được hiệu quả như thuốc đời đầu và có tác dụng trong việc ngăn ngừa bệnh tái phát. Một nghiên cứu cho thấy chỉ có 13% những người bệnh dùng thuốc đời hai là bị tác dụng phụ cứng cơ và co thắt, trong khi tỷ lệ đó là 32% đối với những người dùng thuốc đời đầu. Tuy nhiên, những loại thuốc đời hai này không có hiệu quả nhiều trong việc chữa trị những triệu chứng âm tính, ngoài ra tác dụng phụ của nó còn khá nguy hiểm như có thể

khiến cho bệnh nhân tăng cân và béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như huyết áp cao, tiểu đường, và các bệnh về tim mạch. Những tác dụng phụ này có thể khiến cho bệnh nhân ngưng thuốc và dẫn đến tình trạng bệnh tái phát nặng hơn [3].

Liệu pháp sốc điện:

Sốc điện cũng là một liệu pháp được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt song ngày nay các chỉ định của liệu pháp sốc điện đã thu hẹp một cách đáng kể, một số bệnh tâm thần phân liệt vẫn được chỉ định trong các trường hợp như: tâm thần phân liệt thể căng trương lực; Trạng thái kích động mạnh của tâm thần phân liệt; Các bệnh nhân có hành vi tự sát; Các trường hợp kháng điều trị nói chung.

Nếu như sốc điện cổ điển có những hạn chế của nó như tỉ lệ tử vong là 2/100.000 người, có biến chứng ngừng thở; sai khớp; gãy xương; sau cơn mất ý thức; bệnh nhân đau mỏi cơ khớp; lú lẫn; lo sợ v.v. thì hiện nay phương pháp sốc điện tiền gây mê đã giúp tránh được các hạn chế này. Đây là phương pháp có tiền mê với thuốc tiêm tĩnh mạnh, phóng điện từ trong khoảng từ 0,8-1,2 giây tùy từng bệnh nhân. Với phương pháp này, bệnh nhân chỉ có cơn nhai nhẹ ở vùng mặt chứ không có những cơn co giật kiểu động kinh. Khi tiền mê, bệnh nhân không mất ý thức hoàn toàn; sau tiêm thuốc 2 phút là có thể sốc điện.

Liệu pháp tâm lý-xã hội:

Trước 1960, do tác dụng hạn chế của các liệu pháp tâm lý cá nhân nên việc sử dụng liệu pháp tâm lý xã hội đối với tâm thần phân liệt không được chú ý nhiều.Vào những năm 1980, cùng với hiệu quả của việc sử dụng thuốc chống tâm thần, nhiều nhà lâm sàng xem liệu pháp tâm lý-xã hội như là phương tiện hỗ trợ dễ chịu. Điều trị, tư vấn tâm lý giúp cải thiện đời sống của bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt. Các chuyên viên tư vấn giúp đỡ bệnh nhân cải thiện những vấn đề cuộc sống mà họ gặp phải khi mắc bệnh. Đồng thời huấn luyện những kỹ năng sống cần thiết để quản lý bệnh hiệu quả [3].

Về cơ bản, liệu pháp tâm lý – xã hội đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt được chia thành 3 dạng: Can thiệp gia đình; Luyện tập kỹ năng; Phục hồi nhận thức.

Can thiệp gia đình đã được nghiên cứu và sử dụng có hiệu quả cả ở thời kỳ đầu và thời kỳ sau. Luyện tập kỹ năng xã hội cũng có nhiều hứa hẹn. Riêng lợi ích của phục hồi nhận thức thì chưa rõ ràng.

Nghiên cứu của May P.A (1968) cho thấy: thuốc chống tâm thần kết hợp với liệu pháp tâm lý đạt kết quả cao hơn so với liệu pháp hóa dược, còn liệu pháp hóa dược có tác dụng cao hơn so với liệu pháp môi trường và liệu pháp tâm lý riêng biệt [3].

Cho đến nay, nhiều tác giả đã khẳng định: Các liệu pháp tâm lý xã hội giúp kéo dài thời gian ổn định, hạn chế số lần tái phát cũng như mức độ cấp tính và giảm liều củng cố ngoại trú đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt

Liệu pháp phục hồi chức năng và tái thích ứng xã hội

Bệnh tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của người bệnh và làm cho họ mất đi khả năng sinh hoạt bình thường. Mặt khác, phần lớn người bệnh bắt đầu bị bệnh khi còn trẻ và bệnh tâm thần phân liệt được coi như một bệnh mãn tính làm cho họ mất đi hoặc suy yếu những khả năng sinh hoạt như: Suy nghĩ, học hỏi, giao tiếp xã hội, làm việc, tình cảm, các mối quan hệ cá nhân cũng như quan hệ xã hội. Phần khó khăn nhất trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt là làm sao giúp người bệnh giảm bớt mức độ suy giảm chức năng về mặt tâm thần và có thể sống một cuộc sống tương đối bình thường trong thời gian sau cơn bệnh.

Trái với những thay đổi mau chóng và rõ rệt trong việc dùng thuốc điều trị và kiềm chế những triệu chứng nổi, việc chăm sóc, phục hồi sinh hoạt cho người bệnh chỉ mang lại những thay đổi chậm và nhỏ. Tuy nhiên để giảm bớt những tàn phế và cải thiện cuộc sống của người bệnh là hai vấn đề quan trọng trong chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt. Chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt khi họ đã tương đối ổn định, không còn các rối loạn tinh thần nữa cũng là vấn đề quan trọng trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, bao gồm các vấn đề sau:

- Khả năng sống còn, tức là giúp đỡ người bệnh biết cách tự chăm sóc bản thân, biết cách ăn uống lành mạnh hợp với tình trạng sức khỏe, biết cách nấu ăn, mua sắm, giữ gìn vệ sinh thân thể, thu xếp chỗ ăn chỗ ở, biết sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại.

- Khả năng giao tiếp xã hội, người bệnh sẽ được hướng dẫn để dần dần lấy lại và tăng cường lòng tự tin, sự tự trọng, biết cách giao tiếp và đối thoại với người khác, biết cách giải quyết những khúc mắc, bất đồng ý kiến với người khác một cách thỏa đáng.

- Khả năng thích nghi, đối phó với những khó khăn hằng ngày, người bệnh được hướng dẫn trong việc sắp xếp tổ chức cuộc sống hằng ngày sao cho có nề nếp, thành một thông lệ, có giờ giấc, biết sử dụng thời gian rảnh một cách hữu ích, thoải mái.

- Khả năng làm việc, làm việc cũng giúp bệnh nhân cảm thấy mình là người có ích, thỏa mãn vì mình làm được một điều gì đó, tự tin vào khả năng của mình, đồng thời đóng góp phần của mình vào cuộc sống xã hội. Làm việc còn tạo cho con người cơ hội để giao tiếp với người khác, có bạn bè quan hệ tình cảm lành mạnh.

Việc điều trị bằng thuốc không thể phục hồi được những khả năng này một cách toàn vẹn mặc dù hiện nay đã có một số thuốc có khả năng cải thiện tư duy và nhận thức. Một số người bệnh đã từng nằm điều trị trong các bệnh viện tâm thần nhiều năm và đã quen với sự giúp đỡ, chỉ dẫn của các bác sĩ, nhân viên y tế trong mọi chuyện; họ thường không phải lo lắng đến việc ăn ở cho bản thân cũng như không phải lo cho gia đình. Sau nhiều năm sống như vậy, nghị lực, tinh thần, óc sáng tạo, khả năng tháo vát, ứng biến với cuộc sống ngoài xã hội của họ bị ảnh hưởng nặng nề, cho đến khi họ trở về với cuộc sống với gia đình, họ trở thành gánh nặng của gia đình. Nếu họ không được có cơ hội để làm lại cuộc đời họ sẽ tiếp tục là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt chính là cơ hội để họ có thể làm lại cuộc đời, sống một cuộc sống ổn định hơn.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi liệt kệ ra một số liệu pháp phục hồi chức năng như: liệu pháp lao động, liệu pháp thể dục thể thao, liệu pháp âm nhạc, liệu pháp hội họa…để đánh giá xem người chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt biết đến các liệu pháp này ở mức độ nào, thực trạng sử dụng các liệu pháp và đánh giá tính hiệu quả của các liệu pháp đó như thế nào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhận thức của người chăm sóc về bệnh tâm thần phân liệt (Trang 38 - 42)