Lý do nhiễm bệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp cận chăm sóc sức khỏe của phụ nữ nhiễm HIV tại hà nội nghiên cứu trường hợp nhóm bệnh nhân điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) (Trang 55 - 58)

CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.1 Đặc điểm xã hội nhóm phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV

2.1.2 Lý do nhiễm bệnh

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) HIV lây qua 3 con đường chính: Qua máu: tiêm chích chung, dùng các dụng cụ xuyên chích qua da chung với người nhiễm HIV, hoặc để máu của người nhiễm tiếp xúc với niêm mạc/ vết thương hở; qua đường tình dục: lây qua quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV; và từ mẹ sang con: mẹ lây sang con trong quá trình mang thai, sinh con.

Với nhóm đối tượng đặc thù này, khi hỏi nguyên nhân lây nhiễm, có đến 82 người, chiếm tỷ lệ 90,1% là lây qua đường tình dục, 7,7% do tiêm chích chung, 1,1% không biết/ không rõ. Như vậy, chủ yếu nhóm phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV trong nghiên cứu bị nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình của mình qua con đường tình dục.

Bảng 2.7: Tỷ lệ đường lây nhiễm HIV của nhóm bệnh nhân điều trị ARV Nguyên nhân lây nhiễm Số lượng Tỷ lệ (%)

Qua đường tình dục (từ chồng/bạn tình) 82 90,1

Do tiêm chích chung 7 7,7

Phơi nhiễm 1 1,1

Không biết/không rõ 1 1,1

Tổng 91 100

(Nguồn: Kết quả điều tra bảng hỏi )

Theo báo cáo tình hình dịch HIV/AIDS của Cục phòng chống HIV/AIDS năm 2014, tính đến 1/12/2014, dịch HIV ở Việt Nam bao gồm nhiều hình thái dịch khác nhau trên toàn quốc và vẫn đang tập trung chủ yếu ở ba nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao: người nghiện chích

ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. Trong thời gian gần đây, bạn tình của người nghiện chích ma túy được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, được bổ sung vào các can thiệp dự phòng. Việc gia tăng các trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mới được báo cáo, chiếm đến 32,5% các ca nhiễm mới trong năm 2013, phản ánh sự lây truyền HIV từ nam giới có hành vi nguy cơ cao sang bạn tình. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng nhóm phụ nữ là đối tượng lây nhiễm “thụ động”. Họ không có nhiều lựa chọn trong việc bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác từ chồng/bạn tình. Đặc biệt, qua tiếp xúc, trao đổi, chúng tôi cũng được họ chia sẻ việc lây nhiễm từ chồng nghiện chích ma túy, chồng/bạn tình không chia sẻ kết quả xét nghiệm HIV dương tính khi mới biết có bệnh, đến khi có bất thường về sức khỏe mới nói với vợ/bạn tình của mình biết để đi làm xét nghiệm. Chính vì vậy, khi phát hiện HIV dương tính, nhiều phụ nữ tình trạng sức khỏe không tốt, chỉ số CD4 thấp, điều trị trở nên khó khăn hơn.

“Chồng chị sợ vợ bỏ, nên giấu tiệt chuyện bị HIV. Chị biết ông ấy nghiện thì dễ dính lắm, nhưng vợ chồng, chị thì đặt vòng rồi, chẳng lẽ lại bảo dùng bao. Thế nên đến khi bị nấm mãi không khỏi, bên trạm y tế họ khuyên mình đi xét nghiệm. Lúc ấy mới biết bị bệnh. Chả làm được gì nữa em ạ”.

(PVS, bệnh nhân 36 tuổi) Có bệnh nhân chia sẻ trước kia là phụ nữ mại dâm, lây qua bạn tình mua bán từ lúc nào cũng không rõ.

“Tôi trước kia làm nghề ngay khu Phạm Văn Đồng. Mình có được tuyên truyền, phát bao cao su đấy. Nhưng khách họ không muốn dùng thì mình biết làm thế nào. Đến khi có đợt trạm Cổ Nhuế họ làm xét nghiệm miễn phí, thì biết. Lúc ấy phải điều trị luôn vì tôi bị viêm âm đạo nặng”.

Chỉ có 1 bệnh nhân cho biết mình không rõ đường lây nhiễm HIV là từ tiêm chích ma túy, hay từ quan hệ tình dục

“Chị nghiện, lão chồng chị cũng nghiện. Chả biết lúc chích chung thì lây hay lây khi quan hệ. Ông ấy chết thì mới biết là dính Si đa. Lúc ấy mình đi xét nghiệm thì mới biết”.

(PVS, bệnh nhân 37 tuổi) Phần lớn các ca nhiễm HIV tại Việt Nam xảy ra trong nhóm nam giới có các hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, có sự gia tăng chậm và liên tục về tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV ở các ca nhiễm được báo cáo, hiện tại chiếm 31%, đang làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ lây nhiễm HIV trong quan hệ bạn tình lâu dài tại Việt Nam. Theo đó, những phụ nữ thường được coi là không có yếu tố nguy cơ, nay lại bị lây nhiễm do có quan hệ tình dục với chồng, hoặc với bạn tình lâu dài đã nhiễm HIV do tiêm chích ma túy, hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người mại dâm hoặc với bạn tình nam giới khác. Trong báo cáo của LIFE-GAP project [9] điều tra lại các tỉnh dự án, đã chỉ ra có sự trái ngược giữa số lượng phụ nữ bị phơi nhiễm HIV từ bạn tình nam lâu dài có hành vi nguy cơ cao, so với số phụ nữ được xét nghiệm tại các điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT). Báo cáo chỉ ra có 15.145 phụ nữ được xét nghiệm tại các điểm VCT cho biết nguy cơ phơi nhiễm duy nhất của họ là có bạn tình tiêm chích ma túy và trong số đó có 1.739 người xét nghiệm dương tính so với 25.657 người có nguy cơ tiềm ẩn phơi nhiễm từ nam giới tiêm chích ma túy. Nhóm nghiên cứu đã phân tích số liệu từ các ca nhiễm ở những phụ nữ, có cho biết thông tin về hành vi nguy cơ của bạn tình. Theo số liệu của các cơ sở tư vấn, xét nghiệm tự nguyện (VCT) khoảng thời gian 2006 - 2010, có 54% phụ nữ dương tính HIV cho biết nguy cơ phơi nhiễm duy nhất đối với họ là từ chồng hoặc bạn tình lâu dài có hành vi nguy cơ cao. Kết hợp các hành vi nguy cơ ở cả bạn tình nam và nữ

thì nhiễm HIV chiếm 22%, và 5,1% số nhiễm mới ở những phụ nữ do hành vi nguy cơ của cá nhân.

Với đặc điểm lây nhiễm như trên, có thể nhận định ban đầu rằng tỷ lệ người đồng nhiễm trong gia đình có thể khá cao. Người đồng nhiễm trong gia đình cũng là một trong những yếu tố có thể tác động đến hành vi chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Khi trong gia đình có một người khác bị nhiễm, sự đồng cảm khi sống chung với căn bệnh này sẽ nhiều hơn, có thể hỗ trợ cho nhau trong quá trình điều trị. Bệnh nhân tự hỗ trợ nhau nhắc nhở tuân thủ điều trị, lĩnh thuốc thay khi người nhà gặp sự cố về sức khỏe hoặc có việc bận. Ngoài ra, cán bộ Y tế tại PKNT cũng thuận lợi hơn khi theo dõi giám sát quá trình điều trị, giảm thiểu tình trạng mất dấu bệnh nhân.

Có thể nói, nhóm phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV có những đặc điểm xã hội khá đặc trưng so với các nhóm khác. Họ thuộc nhóm dễ bị tổn thương, tình trạng việc làm chủ yếu bấp bênh, nguồn lây từ chồng và bạn tình nên gánh nặng điều trị trong gia đình có thể tăng lên gấp đôi. Do đặc điểm lây thụ động, lại không nhận thức được nguy cơ, có thể họ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn trong quá trình tiếp cận điều trị chăm sóc sức khỏe.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp cận chăm sóc sức khỏe của phụ nữ nhiễm HIV tại hà nội nghiên cứu trường hợp nhóm bệnh nhân điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) (Trang 55 - 58)