Chương 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1 Mộtsố nội dung liên quan đến khảo sát
2.1.1. Đối tượng học viên khảo sát và phạm vi khảo sát
Do khuôn khổ có giới hạn của luận văn, chúng tôi chỉ chọn đối tượng nghiên cứu là là 50 HVQS Lào đang học tập và huấn luyện quân sự tại Đoàn 871 – TCCT. 50 học viên này đều là những cán bộ, sĩ quan QĐNDL nhưng có sự chênh lệch rất lớn về chức vụ, quân hàm, tuổi đời, tuổi quân do không có sự sàng lọc (tuổi đời từ 16 đến 41, tuổi quân từ 1 đến 22 năm,...). Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình học tiếng Việt đối với họ. Mặc dù được học tiếng Việt trong môi trường bản ngữ nhưng các HVQSL phải học trong môi trường quân đội, rất ít khi được ra ngoài để tăng cơ hội giao tiếp với người bản địa, phần lớn họ chỉ được học trên lớp với các giáo viên Việt Nam và nói chuyện với các cán bộ trong đoàn. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với việc học tiếng Việt của họ.
Luận văn mà của chúng tôi tiến hành khảo sát trong phạm vi nội dung chương trình đào đạo tiếng Việt cho HVQS Lào và Campuchia tại Đoàn 871 – TCCT, với tổng số tiết học là 1070 tiết được phân bổ trong vòng 10 tháng. Trong đó có 980 tiết học trên lớp, 60 tiết học ngoại khóa, và 30 tiết kiểm tra chất lượng. Nội dung chương trình đào tạo là đào tạo tiếng Việt cho học viên quân sự quốc tế. Giáo trình được lựa chọn giảng dạy đó là:
-Tập bài giảng phát âm (Tài liệu lưu hành nội bộ tại Đoàn 871). Tập bài giảng được phân bổ giảng dạy trong vòng 1 tháng đầu với tổng số 100 tiết học.
-Giáo trình Tiếng Việt trình độ A (tập 1 và tập 2), Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triền, Nxb Thế giới. 2 tập giáo trình này được phân bố với tổng số tiết là 380 tiết học.
-Giáo trình Tiếng Việt trình độ B (quyển 1 và quyển 2), Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triền, Nxb Thế giới. 2 tập giáo trình trên phân bố với tổng số tiết là 500 tiết.
Yêu cầu đầu ra của chương trình đào tạo tiếng Việt cho HVQSL tại Đoàn 871 là : 100% học viên đạt trình độ tiếng Việt B2 sau khi kết thúc giáo trình Tiếng Việt trình độ B.
Cụ thể việc khảo sát sẽ được tiến hành trên trên lớp của học viên, các bài kiểm tra đọc/phát âm, các bài nghe – phát âm, phiếu điều tra và câu hỏi phỏng vấn.
2.1.2. Nội dung khảo sát
Luận văn khảo sát lỗi phát âm của HVQSL trên một số nội dung như sau: -Những lỗi phát âm tiếng Việt mà HVQSL mắc phải trong những trường hợp phát âm cụ thể (ở mức độ âm tiết), được ghi lại: số lượng lỗi, những phương diện mắc lỗi phát âm thực tế.
-Nguyên nhân tạo lỗi, thái độ của học viên trước những lỗi phát âm mắc phải, việc khảo sát thái độ sẽ được thực hiện bằng những câu hỏi phỏng vấn sâu.
-Từ việc miêu tả và tìm ra nguyên nhân lỗi, luận văn sẽ cố gắng đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp, xây dựng những bài tập phát âm để khắc phục những lỗi phát âm mắc phải và kết quả đạt được sau khi vận dụng những bài tập luyện phát âm.
Đây là ba nội dung cơ bản mà luận văn của chúng tôi muốn làm rõ trong việc thực hiện những khảo sát của mình. Trong đó, hai nội dung đầu liên quan trực tiếp tới thực trạng lỗi phát âm của HVQSL mà chúng tôi sẽ làm rõ trong chương hai. Nội dung thứ ba chúng tôi sẽ nói đến một cách cụ thể hơn trong chương ba.
2.1.3. Phương thức khảo sát
Luận văn mang tính chất một công trình nghiên cứu nhỏ về lỗi ngôn ngữ của người nước ngoài học tiếng Việt với tư liệu từ các cuộc khảo sát trên thực địa. Do đó luận văn sẽ thực hiện thông qua các phương thức khảo sát sau:
-Khảo sát qua việc giảng dạy trên lớp: Đó là những tổng kết từ quá trình giảng dạy tiếng Việt cho HVQSL, nhận diện lỗi qua những lần thực hiện bài đọc, bài phát âm, những giao tiếp hàng ngày giữa học viên và giáo viên để có thể nhận diện xác thực nhất về lỗi phát âm mà HVQSL mắc phải.
-Khảo sát qua phiếu điều tra: Chúng tôi xây dựng phiếu điều tra và tiến hành điều tra trên 50 HVQSL học tiếng Việt tại Đoàn 871 – TCCT thuộc các lứa tuổi, chức vụ, trình độ văn hóa và quê hương khác nhau. Mục đích của phương pháp này là để tìm hiểu sâu những lỗi phát âm đặc trưng của HVQSL khi học tiếng Việt. Từ đó tập chung vào các lỗi phát âm đó để phân tích, miêu tả, tìm ra phương pháp khắc phục. Phiếu điều tra bao gồm 2 phần:
Phần 1:
Cho học viên đọc và ghi âm bảng từ và đoạn văn. Trong bảng từ và đoạn văn có các từ/ cụm từ 2 âm tiết, từ/cụm từ 3 âm tiết. Các từ và cụm từ được chọn từ các từ/ cụm từ mà HVQSL đã được học. Những từ/ cụm từ này là những từ mà theo kinh nghiệm giảng dạy cho HVQSL tôi nhận thấy HVQSL hay phát âm sai trong quá trình học.
Sở dĩ có sự lựa chọn các từ/cụm từ như vậy để có thể tập chung vào các lỗi sai cơ bản của các bạn. Trên thực tế cộng tác viên (CTV) có thể đọc văn bản một cách tự nhiên theo thói quen hàng ngày của mình và ghi âm lại, sau đó chúng tôi sẽ nghe và đánh dấu những lỗi sai vào phiếu điều tra.
Phần 2
CTV sẽ trả lời 6 câu hỏi phỏng vấn sâu về sự đánh giá của họ về lỗi phát âm tiếng Việt của HVQSL khi học tiếng Việt tại Đoàn 871 – TCCT. Những câu trả lời sẽ đánh giá họ về những lỗi phát âm mà họ hay mắc phải. Từ đó tiến hành phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến lỗi phát âm sai cũng như ảnh hưởng của những lỗi phát âm sai đến việc học tập và cuộc sống của CTV tại Việt Nam.
Từ hai phương thức khảo sát trên, luận văn của chúng tôi đã thu được những kết quả thực tế về thực trạng lỗi phát âm của HVQSL một cách cụ thể với nhiều biểu hiện khác nhau. Kết quả ấy được chúng tôi tổng hợp và mô tả trong phần tiếp sau đây.