Chương 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.2 Mộtsố cơ sở lí thuyết
1.2.2 Quan niệm về lỗi ngôn ngữ
1.2.2.1 Quan niệm về lỗi ngôn ngữ
Nghiên cứu lỗi ngôn ngữ xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhưng phải đến khi lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ của Chomsky ra đời thì việc nghiên cứu lỗi ngôn ngữ mới có một bước phát triển mới. Khái niệm lỗi ngôn ngữ cũng được các nhà ngôn ngữ học đưa ra trong nghiên cứu về dạy ngoại ngữ. S.P.Corder định nghĩa lỗi“là kết quả của sự thể hiện không thành công…Lỗi không phải là một vấn đề phải vượt qua hay là những cái gì sai trái, hay là điều đáng xấu hổ phải xóa bỏ. Thực ra, lỗi là một phần của việc học và qua lỗi có thể phát hiện ra những chiến lược mà người học đã sử dụng để học một ngoại ngữ. Lỗi cung cấp cho chúng ta những sự hiểu biết, những cái nhìn giá trị, những kinh nghiệm quý báu về quá rình học một ngoại ngữ” [24, 20].
Còn Hendrickson cho rằng: Lỗi là một phát ngôn, một hình thức biểu đạt hoặc là một kết cấu mà một giáo viên ngôn ngữ đặc biệt thấy rằng không thể chấp nhận được bởi vì cách sử dụng không hợp lý của chúng hoặc là sự vắng mặt của chúng trong các diễn ngôn đời thường [Dẫn theo57].
Trong từ điển Ngôn ngữ học ứng dụng và dạy tiếng của Nhà xuất bản Longman năm 1985 định nghĩa: “Lỗi của người học (trong khi nói hoặc viết một ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ) là hiện tượng sử dụng một đơn vị ngôn ngữ ( ví dụ: một từ, một đơn vị ngữ pháp, một hoạt động nói năng...) bằng cách mà người bản ngữ hoặc người nói thạo thứ tiếng đó cho là sai hoặc cho là chưa đủ” [34, 7]. Còn ở Việt Nam, Lê Quang Thiêm nhận định về lỗi như sau: Lỗi học và dùng ngoại ngữ là tài liệu thô rất quý về nhiều mặt mà ta cần thu thập, hệ thống hóa và phân tích, nghiên cứu. Thiếu nó, chúng ta không thể có một cách hiểu đầy đủ về những tiến bộ xảy ra trong cảm thức ngôn ngữ của người học tiếng [Dẫn theo 45]. Tiếp thu quan điểm của những nhà ngôn ngữ học đi trước, tác giả Phạm Đăng Bình đã đưa ra một định nghĩa tương đối
đầy đủ về lỗi như sau: Lỗi thể hiện sự khiếm khuyết về năng lực giao tiếp của người học trong cách nhìn nhận, đánh giá của người bản ngữ và những người song ngữ. Lỗi là nguyên nhân gây ra các hiện tượng trống nghĩa, mơ hồ về nghĩa và là nguyên nhân trực tiếp gây ra những sự hiểu nhầm hoặc ngưng trệ giao tiếp. Sự có mặt của lỗi trong giao tiếp liên ngôn nhiều khi trở thành một những nguyên nhân dẫn đến các xung đột hoặc sốc văn hóa[6].
1.2.2.2 Phân tích lỗi:
Mục đích chính của việc phân tích lỗi là giải thích cơ chế sự thể hiện ngôn ngữ của người học, nghĩa là nghiên cứu những chiến lược học và những giả thuyết mà người học đã sử dụng để tạo ra ngôn ngữ riêng của mình. Và người dạy, từ việc phân tích những lỗi sai của người học sẽ tìm ra phương pháp phù hợp để sửa lỗi, giúp người học hoàn thiện hơn về khả năng sử dụng ngôn ngữ đích của mình.
Theo tác giả Pit Corder, quá trình phân tích lỗi phải trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Nhận diện lỗi
Để nhận diện lỗi, ta phải xem xét hình thức và nội dung của câu hay phát ngôn.
-Về hình thức: Câu hay phát ngôn có cấu tạo ngữ pháp đúng với ngôn ngữ đích hay không? Nếu đúng thì xét tiếp về mặt nội dung còn nếu sai sẽ chuyển sang xem xét ở giai đoạn 2.
- Về nội dung: Câu hay phát ngôn có nghĩa trong ngữ cảnh hay không khi câu hay phát ngôn đó đúng với ngữ pháp của ngữ đích. Nếu có nghĩa thì câu đó là câu đúng và không cần phải xem xét nữa và nó sẽ được chuyển sang xem xét ở giai đoạn 2 nếu nó không có nghĩa khi đặt vào ngữ cảnh.
Giai đoạn 2: Miêu tả lỗi
Các câu hay phát ngôn không đúng về mặt hình thức và nội dung ở giai đoạn một sẽ được xử lý ở giai đoạn hai. Giai đoạn này ta sẽ có một cặp câu: một câu sai và một câu được sửa đúng với ngữ đích. Sau đó nó sẽ được đem ra so sánh với câu/phát ngôn mắc lỗi ban đầu để thấy được câu/phát ngôn đã
được sửa lại và câu/phát ngôn mắc lỗi khác nhau ở điểm nào.Đây chính là ngữ liệu để miêu tả.
Giai đoạn 3: Giải thích lỗi
Nếu như hai giai đoạn trước việc phân tích lỗi chỉ thuần túy ngôn ngữ học thì giai đoạn thứ ba này mang tính chất tâm lý ngôn ngữ học. Việc phân tích lỗi lúc này phải dựa vào tiếng mẹ đẻ của người học tiếng thứ 2. Có hai cách giải thích về nguyên nhân của các câu sai (câu trong ngôn ngữ trung gian): Cách thứ nhất cho rằng, người học mang sang ngôn ngữ thứ hai những thói quen trong tiếng mẹ đẻ của họ. Cách thứ hai cho rằng, việc học ngoại ngữ là một hoạt động tri nhận, hình thành các giả thuyết và xử lý ngữ liệu; và lỗi là bộ phận đương nhiên, không thể thiếu trong quá trình học ngoại ngữ. S.P.Corder chỉ ra rằng: “Chúng ta không thể sử dụng bất cứ nguyên tắc nào trong các câu của ngôn ngữ người học để cải tiến việc giảng dạy trừ phi chúng ta hiểu được vì sao chúng xuất hiện và xuất hiện như thế nào”[54].
Phương pháp xác định lỗi của Pit Corder khá hợp lý và rõ ràng. Câu và phát ngôn được xem xét một cách toàn diện về cả hình thức và nội dung và nó được đặt vào ngữ cảnh cụ thể.
1.2.2.3 Phân loại lỗi.
Các nhà nghiên cứu có những cách đánh giá và nhìn nhận về lỗi rất khác nhau, nên việc phân loại lỗi cũng rất phong phú và đa dạng. Richard và đồng tác giả (1971) phân biệt 3 loại lỗi chính: Lỗi giao thoa, lỗi tự ngữ đích và lỗi phát triển. Hendrickson (1980) chia lỗi thành 2 loại: Lỗi cục bộ và lỗi tổng thể. Còn Dulay, Burt và Krashen (1982) chia lỗi theo 4 loại lỗi: Lỗi lược bỏ, lỗi thêm vào, lỗi cấu tạo sai và lỗi dùng sai vị trí. Abobot (1980) chia lỗi thành: lỗi ngữ năng và lỗi hành năng (lỗi ngữ dụng). Lỗi ngữ năng gồm các lỗi: chuyển di, tự ngữ đích và lỗi do điều kiện dạy học tạo ra. Lỗi ngữ dụng là các lỗi trong khi xử lý và lỗi trong chiến lược giao tiếp [Dẫn theo18]. Các
cách phân loại lỗi trên nêu ra được một số lỗi người học thường mắc nhìn từ góc độ ngôn ngữ và tâm lý nhưng chưa thể hiện được một cách rõ ràng diễn tiến của quá trình mắc lỗi và các nguyên nhân gây lỗi ở người học.
Dựa vào năng lực ngôn ngữ, quan tâm đến việc hình thành và xuất hiện của lỗi ở các giai đoạn khác nhau của quá trình học, Pit Corder chia lỗi thành ba loại chính: lỗi trước hệ thống (xảy ra khi người học chưa ý thức được sự tồn tại của một quy tắc nào đó trong ngữ đích), lỗi hệ thống (xảy ra khi người học đã nhận ra quy tắc nhưng đó là quy tắc sai), và lỗi sau hệ thống (xảy ra khi người học đã biết chính xác quy tắc của ngữ đích nhưng lại sử dụng chúng không nhất quán) [Dẫn theo 18]. Trong nghiên cứu của mình, Phạm Đăng Bình chọn lí thuyết phân tích lỗi mà Corder đề xướng làm cơ sở cho luận án tiến sĩ của mình. Nhưng ông không chỉ nêu lên quan điểm cần xem xét lỗi một cách tổng thể từ góc độ dụng học giao thoa văn hóa mà ông còn chỉ ra rằng không phải chỉ có người học mắc lỗi mà còn có cả người dạy (nếu họ không phải là người bản ngữ). Khi phân loại lỗi cần tìm ra được những cái chung của lỗi và đặc điểm riêng của chúng. Xuất phát từ những cơ sở đó, ông chia lỗi ra làm hai loại lớn là: lỗi phổ biến và lỗi đặc trưng. Lỗi phổ biến là lỗi mà người học ngôn ngữ thứ hai nào cũng mắc phải và thậm chí mắc lỗi giống nhau một cách ngẫu nhiên, bao gồm lỗi ngữ năng và lỗi hành năng. Lỗi đặc trưng là lỗi mang những nét riêng của từng nhóm hoặc cộng đồng người học vì họ có chung tiếng mẹ đẻ và có chung một nền văn hóa hoặc có nhiều điểm giống nhau về văn hóa cục bộ, bao gồm lỗi giao thoa ngôn ngữ và lỗi giao thoa văn hóa [41,66-74]. Tác giả Nguyễn Thiện Nam lại đưa ra hai hướng phân loại lỗi khác nhau, một là phân loại dựa vào nguồn gốc, hai là phân loại dựa vào các đơn vị ngữ pháp. Dựa vào nguồn gốc, ông chia lỗi ra làm hai loại chính là lỗi giao thoa và lỗi tự ngữ đích. Trong đó, lỗi giao thoa là loại lỗi sinh ra do ảnh hưởng từ tiếng mẹ đẻ của người học lên
ngữ đích, lỗi tự ngữ đích là lỗi sinh ra do những nguyên nhân trong nội bộ cấu trúc của ngữ đích. Dựa vào các đơn vị ngữ pháp có thể chia lỗi ra thành rất nhiều loại như: lỗi về đại từ nhân xưng, 17 lỗi về loại từ, lỗi về hư từ, lỗi về trật tự từ, lỗi về trật tự thành phần câu,...[34,18].
Trong luận văn này chúng tôi xin lấy cách phân loại lỗi của tác giả Nguyễn Thiện Nam để xác định và phân loại lỗi. Đó là:
+) Lỗi dựa vào nguồn gốc
- Lỗi giao thoa (Interlingual error) - Lỗi tự ngữ đích (Intralingual error)
Lỗi giao thoa là lỗi sinh ra do người học bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ lên ngôn ngữ thứ hai. Do khi bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai, người học đã có kĩ năng, kĩ xảo sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, vì thế các thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ và những hiểu biết về ngôn ngữ mẹ đẻ được người học áp dụng vào quá trình thụ đắc ngôn ngữ thứ hai. Và ở đây, người học đã sử dụng chiến lược chuyển di ngôn ngữ, chuyển di tiêu cực là đã áp dụng những mẫu, quy tắc của ngôn ngữ nguồn để tạo nên những câu mới, kết cấu mới trong ngôn ngữ đích nhưng dẫn đến lỗi và không phù hợp. Đó được gọi là lỗi giao thoa.
Lỗi tự ngữ đích là những lỗi sinh ra do những nguyên nhân trong nội bộ cấu trúc của ngôn ngữ đích. Người học vì chưa có đủ tri thức ngôn ngữ cần thiết nên trong quá trình giao tiếp đã cố gắng nói và tạo ra những câu sai ngữ pháp nhưng vẫn phục vụ được mục đích giao tiếp tức thời của mình. Người học đã sử dụng chiến lược vượt tuyến nới rộng việc sử dụng những quy tắc ra khỏi phạm vi cho phép. Đó được gọi là lỗi tự ngữ đích.
1.2.2.4 Lỗi ngữ âm.
Trong quá trình học ngoại ngữ, lỗi là điều không thể tránh khỏi. Người học có thể mắc những lỗi về từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm. Trong đó lỗi ngữ âm là lỗi đầu tiên mà người học mắc phải khi học 1 ngoại ngữ khác. Người
Lào cũng không phải là ngoại lệ. Căn cứ vào định nghĩa lỗi của người học trong cuốn “Từ điển ngôn ngữ học ứng dụng và dạy tiếng”, có thể định nghĩa lỗi ngư âm như sau: Lỗi ngữ âm là hiện tượng người học phát âm hoặc nói sai hay chưa chính xác so với ngừơi bản ngữ một đơn vị ngôn ngữ như từ, ngữ, câu hay chuỗi câu. Nói khát quát hơn thì lỗi ngữ âm là hiện tượng người học sử dụng chưa chính xác hay sai lệch “ hệ thống ngữ âm” của một ngôn ngữ nào đó dẫn đến việc thông tin không được truyền đạt trọn vẹn. [Dẫn theo 4,13].
Lỗi ngữ âm rất phức tạp và bao gồm nhiều cấp độ. Ở cấp độ âm tiết, người học có thể mắc lỗi về thanh điệu, âm đầu, âm chính, âm cuối,... Ở cấp độ từ và câu, người học có thể mắc lỗi về ngữ điệu, cach phát âm từ, cách ngắt câu. Nghiên cứu về lỗi ngữ âm của người nước ngoài khi học tiếng Việt đó là nghiên cứu về những lỗi phát âm sai khi họ phát âm tiếng Việt.
Tiểu kết chương 1
Trong chương này, luận văn của chúng tôi dựa vào những nghiên cứu về lỗi sử dụng tiếng Việt nói chung và lỗi ngữ âm nói riêng của người nước ngoài, lý thuyết phân tích lỗi ngôn ngữ để đưa ra những cơ sở lí thuyết cơ bản cho việc tiếp cận và làm sáng tỏ đối tượng nghiên cứu của mình. Cụ thể là:
Từ việc chỉ ra những khuynh hướng nghiên cứu lỗi ngôn ngữ, chúng tôi cố gắng hệ thống hóa các cách nhận định về lỗi ngôn ngữ và khái niệm về lỗi. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định khuynh hướng phân tích lỗi là cơ sở lý thuyết phù hợp để tiến hành các khảo sát, phân tích cũng như xác định nguyên nhân tạo lỗi trong quá trình học và rèn luyện ngôn ngữ của học viên, điều sẽ được làm rõ trong chương tiếp theo.
Cũng theo đó, sau khi xác định được nguyên nhân tạo lỗi của học viên, chúng tôi đưa ra những phương pháp, đề xuất khắc phục hiệu quả những lỗi phát âm mà học viên gặp phải.
Chương 2: LỖI PHÁT ÂM CỦA HỌC VIÊN QUÂN SỰ LÀO HỌC TIẾNG VIỆT TẠI ĐOÀN 871 – TCCT