Phong cách quản lý

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc trưng văn hóa tổ chức trong trường đại học (Nghiên cứu trưởng hợp Đại học quốc gia Hà Nội) (Trang 46 - 48)

Chương 2 : Thực trạng và khác biệt văn hóa tổ chức trong ĐHQGHN

2.1. Thực trạng văn hóa tổ chức trong ĐHQGHN

2.1.1 Phong cách quản lý

Phong cách quản lý là việc sử dụng ổn định một dạng phương pháp quản lý với dấu ấn chủ quan của riêng chủ thể quản lý [18.3]. Với cách hiểu như vậy, có thể thấy rằng phong cách quản lý thường được quy định bởi người lãnh đạo. Các phương pháp này được biểu hiện thông qua các giá trị mà mà tổ chức luôn làm theo và hướng đến. Ở đây chúng tôi sử dụng 9 cặp biểu hiện đối nghịch tương ứng để tìm hiểu cách thức quản lý tại đơn vị: chú trọng chất lượng - chạy theo số lượng, tiên phong đổi mới - bảo thủ trì trệ, tích hợp liên thông - cục bộ cát cứ, trách nhiệm xã hội cao - trách nhiệm xã hội thấp, chủ nghĩa cá nhân - chủ nghĩa tập thể, kèn cựa đố kỵ - tạo điều kiện giúp đỡ, quản lý theo quá trình - quản lý theo kết quả, trọng nam hoặc trọng nữ - bình đẳng nam nữ, cơ hội chủ nghĩa - công tâm vô tư. Người trả lời sẽ nhận thấy đây là thang đo kép, chẳng hạn, nếu đánh giá của họ thiên về chú trọng chất lượng thì đồng nghĩa với việc họ phủ nhận tính chạy theo số lượng của đơn vị.

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy điểm trung bình đánh giá của CBVC về cách thức quản lý trong ĐHQGHN chạy từ 5,07 đến 5,76 điểm là khoảng điểm thuộc mức trung bình cao. Biểu hiện được CBVC đánh giá cao nhất là bình đẳng giới trong đơn vị, đạt 5,76 điểm (độ lệch chuẩn 1,53). Xếp thứ hai là đánh giá về sự công tâm vô tư trong quản lý tại đơn vị, đạt 5,49 điểm (độ lệch chuẩn 3,34). Xếp thứ ba là tính trách nhiệm xã hội của đơn vị, đạt 5,41 điểm (độ lệch chuẩn 1,40). Xếp thứ tư là cách quản lý theo kết quả, đạt 5,30 điểm (độ lệch chuẩn 1,32). Xếp thứ năm là đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ đối với CBVC, đạt 5,29 điểm (độ lệch chuẩn 1,56). Xếp thứ sáu là tính chú trọng đến chất lượng, đạt 5,23 điểm (độ lệch chuẩn 1,48). Xếp thứ bảy là tính tiên

phong đổi mới tại đơn vị, đạt 5,20 điểm (độ lệch chuẩn 1,49). Xếp thứ tám là tính tích hợp liên thông trong quản lý tại các đơn vị, đạt 5,12 điểm (độ lệch chuẩn 1,53). Điểm thấp nhất là 5.07 về chủ nghĩa tập thể tại đơn vị (độ lệch chuẩn 1,51).

Mặc dù sự công tâm vô tư có điểm đánh giá trung bình xếp thứ hai nhưng độ lệch chuẩn của nó cũng vượt trội so với các điểm đánh giá trung bình khác (=3,34) cho thấy độ tản mát của dữ liệu lớn. Nhận thấy điểm khác thường này, chúng tôi tiến hành kiểm tra lại kỹ hơn về đánh giá của CBVC đối với sự công tâm vô tư trong quản lý tại đơn vị. Sau khi kiểm tra tỷ lệ các lựa chọn của CBVC, chúng tôi nhận thấy dải điểm lệch về hướng đánh giá tích cực, tức là phía điểm cao hơn của thang điểm. Số CBVC cho điểm 6 chiếm tỷ lệ nhiều nhất đạt 28,5%, tiếp đến là số CBVC cho điểm 7 đạt tỷ lệ 26,1%, số người cho điểm 5 đạt tỷ lệ 21,3%, số người cho điểm 4 đạt tỷ lệ 15%, còn lại là số người cho điểm 1, điểm 2 và điểm 3. Như vậy đa số CBVC đánh giá sự công tâm vô tư trong quản lý tại đơn vị ở mức trung bình.

Nhằm mô tả trực quan hơn kết quả phân tích, chúng tôi thể hiện qua biểu đồ hình radar. Các vòng sóng song song của radar có khoảng cách (theo tỷ lệ xích) càng lớn chứng tỏ các điểm trung bình có độ phân tán càng lớn, ngược lại các vòng sóng của radar có khoảng cách càng nhỏ cho thấy các điểm trung bình càng ít bị phân tán. Điểm trung bình của các items tạo thành hình đa giác. Hình đa giác càng đều thì càng ít có độ chênh lệch giữa các giá trị trung bình, ngược lại, hình đa giác càng có nhiều chóp nhọn thì càng có độ chênh lệch điểm trung bình giữa các items. Điểm càng gần hồng tâm của radar thì càng có giá trị nhỏ, ngược lại điểm càng xa thì càng có giá trị lớn.

Hình 2.1 là biểu đồ radar các điểm trung bình của phong cách quản lý trong ĐHQGHN. Các đường sóng song song của radar có khoảng cách không lớn cho thấy ít có sự phân tán của các điểm trung bình cho phong cách quản

lý. Bình đẳng nam nữ và công tâm vô tư là hai giá trị được các CBVC đánh giá cao nhất. Điều này cho thấy tính bình đẳng trong ĐHQGHN được chú trọng và thực hiện tốt. Tại các đơn vị, nữ giới được đối xử ngang bằng với nam giới và các nhân việc được đối xử công bằng trong mọi điều kiện công việc. Đồng thời, đây cũng là một trong những kết quả nghiên cứu khả quan cho công cuộc chống bất bình đẳng giới của chúng ta. Các giá trị tiếp theo là các giá trị về tính trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện giúp đỡ nhân viên, chú trọng chất lượng. Giá trị được đánh giá điểm thấp nhất là tính tích hợp liên thông và chủ nghĩa tập thể.

Hình 2.1: Điểm trung bình đánh giá của CBVC về phong cách quản lý tại đơn vị

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc trưng văn hóa tổ chức trong trường đại học (Nghiên cứu trưởng hợp Đại học quốc gia Hà Nội) (Trang 46 - 48)