Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý chi ngân sách nhà nước
2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
2.2.4. Các công trình nghiên cứu có liên quan
Có nhiều công trình nghiên cứu trước đây có liên quan đến vấn đề quản lý chi NSNN ở cấp tỉnh, cấp huyện hay liên quan đến việc nguồn vốn NSNN ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, chỉ có một số nghiên cứu có giá trị tham khảo lớn cho đề tài và được thể hiện ở một số nội dung sau đây:
1. Nghiên cứu "Đánh giá kết quả thực hiện quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN tỉnh Hưng Yên" của tác giả Nguyễn Đức Tải (Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, 2015). Chi đầu tư xây dựng cơ bản là nội dung chiếm tỷ trọng lớn nhất (từ 22-26% tổng chi) trong chi NSNN ở tỉnh Hưng Yên, nghiên cứu đã mô phỏng bức tranh thực trạng của chi đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN, cũng như đưa ra một số giải pháp khả thi có thể áp dụng cho quản lý chi ngân sách ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
2. Nghiên cứu "Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN của huyện Yên Khánh" của tác giả Phạm Thị Nhung (Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, 2015). Ngoài vấn đề huy động nguồn vốn, nghiên cứu đã phân tích sâu các vấn đề phân bổ nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; đây là những thông tin quan trọng có liên quan trực tiếp đến đề tài. Qua nghiên cứu này, tác giả Phạm Thị Nhung đã nêu bật những mặt tích cực và hạn chế liên quan đến công tác chi đầu tư xây dựng cơ bản đang diễn ra ở địa bàn nghiên cứu trùng với đề tài nhóm nghiên cứu đang thực hiện. Vì vậy, số liệu và những phân tích của tác giả Phạm Thị Nhung là thông tin tham khảo quý báu cho việc thực hiện đề tài này.
3. Luận án tiến sỹ kinh tế: “Đổi mới quản lý chi NSNN trong điều kiện
kinh tế thị trường ở Việt Nam” của Nguyễn Thị Minh, năm 2008 đã hệ thống hoá
và làm rõ thêm được các vấn đề lý luận về NSNN, chi và quản lý chi NSNN trong nền kinh tế thị trường; mối quan hệ phân cấp quản lý kinh tế và phân cấp ngân sách, cơ chế quản lý chi NSNN, sự cần thiết phải đổi mới phương thức chi. Đặc biệt, khẳng định được vai trò của chi NSNN trong nền kinh tế thị trường thông qua việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Luận án cũng đã trình bày một cách khái quát thực trạng quản lý chi ngân sách của nước ta về phương thức quản lý chi theo yếu tố đầu vào; theo chương trình mục tiêu, dự án; theo kết quả đầu ra và chu trình ngân sách trong khuôn khổ chi tiêu trung hạn. Từ đó, rút ra những
kết quả đạt được và những hạn chế cùng với những nguyên nhân của việc quản lý chi NSNN trong những năm vừa qua, nhất là từ khi có Luật Ngân sách ra đời, có hiệu lực và đánh giá được những sửa đổi bổ sung, góp phần tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Nghiên cứu một số vấn đề về quản lý chi NSNN ở các nước phát triển và một số nước trong khu vực, rút ra 4 bài học có thể nghiên cứu vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chi NSNN trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Trên cơ sở trình bày định hướng về phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu tài chính, ngân sách của Việt Nam đến 2010 và những năm tiếp theo cùng với những quan điểm đổi mới chi NSNN, tác giả luận án đã nghiên cứu đề xuất một hệ thống gồm 5 nhóm giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý chi NSNN. Trong đó, giải pháp đẩy mạnh triển khai phương thức quản lý NSNN theo kết quả đầu ra với những điều kiện và khả năng áp dụng là cần thiết và phù hợp với việc đổi mới công tác quản lý chi NSNN hiện nay. Tuy nhiên, phần lý luận có một số lý luận về vai trò của chi NSNN chỉ đúng với điều kiện Việt Nam mà không đúng với các nước nói chung; phần kinh nghiệm nước ngoài, nếu có kinh nghiệm của các nước tương đồng với Việt Nam thì sẽ tốt hơn. Nếu Luận án đề cập một cách rõ ràng, cụ thể hơn những khó khăn, trở ngại mà Việt Nam phải đối mặt khi triển khai thực hiện phương thức quản lý chi NSNN mới như Luận án đề xuất thì tính thuyết phục của các giải pháp sẽ cao hơn.
Tóm lại, các nghiên cứu trên đã có ít nhiều đóng góp cho các nhà quản lý trong việc tăng cường quản lý chi NSNN ngân sách. Tuy nhiên, những công trình này chỉ nghiên cứu chuyên về từng mảng chuyên môn theo nội hàm của chi NSNN, mà chưa có công trình nào đề cập đến hoàn thiện quản lý chi NSNN ở địa phương hay cụ thể hơn đề cập nghiên cứu, giải quyết vấn đề hoàn thiện quản lý chi NSNN tại một huyện có nhiều đặc thù như huyện Tam Đảo.