1.2 .Tầm quan trọng của châu Phi trên bản đồ thế giới
2.1.1. Về kinh tế
Về kinh tế và thương mại, ngày 18/5/2000, Tổng thống Clinton đã ban hành "Đạo luật cơ hội và tăng trưởng cho châu Phi” (AGOA) với một loạt các điều khoản ưu tiên thuế quan cho hơn 2000 mặt hàng xuất khẩu của 35 nước châu Phi. Mục tiêu cao nhất của AGOA là giảm tỷ lệ nghèo đói ở châu Phi bằng cách tạo điều kiện tối đa để các nông dân châu Phi bán được nông phẩm sang các nước phương Tây. Cơ chế miễn giảm thuế mà Mỹ giành cho châu Phi sẽ tạo điều kiện để nông dân trong châu lục xuất khẩu nông phẩm, tạo đà phát triển kinh tế. Không chỉ quan tâm đến những lợi ích mà các quốc gia châu Phi được hưởng từ AGOA, Mỹ cũng quan tâm đến việc duy trì những ưu đãi dành cho châu Phi, tạo điều kiện để các nước trong châu lục mở rộng hoạt động thương mại và đa dạng hóa hàng xuất khẩu. Cụ thể, theo AGOA, Mỹ đã giảm, thậm chí miễn thuế và hạn ngạch cho khoảng 98% sản phẩm nhập khẩu từ châu Phi vào Mỹ gồm hàng tiêu dùng, hàng dệt may, khoáng sản, nông sản… Trong năm đầu tiên thực hiện AGOA, một nửa các nhà xuất khẩu châu Phi sang thị trường Mỹ được hưởng ưu đãi từ chương trình AGOA và gần 1/2 số lượng nhập khẩu từ các quốc gia này là hàng miễn thuế. AGOA đã tạo điều kiện khá hiệu quả cho các nước châu Phi phát triển kinh tế, giúp một số nước nghèo trong “lục địa Đen” có khả năng gia tăng nguồn thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu. Một năm sau khi có hiệu lực, tổng xuất khẩu của châu Phi sang Mỹ tăng 17%.
Đạo luật này được mở rộng vào năm 2002, 2004 cho đến 2015 bởi chính quyền Bush, “cho phép các nước cận Sahara xuất khẩu sang Mỹ những sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn của Hệ thống ưu đãi phổ cập (GPS) mà không cần thanh toán các chi phí hải quan và không hạn ngạch”[17]. Thỏa thuận đầu tiên chỉ bó hẹp trong vấn đề xuất khẩu quần áo và dệt may. Ngày 6/8/2002, những sản phẩm mới như đồng hồ, giày, túi xách và các sản phẩm dệt kim (tất, áo thun…) được đưa vào AGOA II, ban hành bởi Tổng thống George W.Bush. Để đủ điều kiện tham gia vào thỏa thuận này, các nước châu Phi phải tôn trọng nhân quyền và đa nguyên chính trị, thực hiện tự do hóa kinh tế và đặt biệt là mở cửa cho thương mại và đầu tư Mỹ.
Ngoài ra, họ còn phải nỗ lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng và đói nghèo. Đến năm 2005, 37 trong tổng số 48 quốc gia của châu Phi cận Sahara đã đủ điều kiện để gia nhập AGOA III, hiệp định mà theo Mỹ có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm trong khu vực có tỷ lệ tử vong, thất nghiệp và suy dinh dưỡng cao nhất thế giới.
Báo cáo của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ tháng 5/2005 cho thấy AGOA là biểu hiện cho thành công thực sự của trao đổi thương mại giữa Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên, báo cáo này không đề cập đến việc những trao đổi thương mại mang tính chọn lọc cao với những đối tượng tham gia cũng như các sản phẩm liên quan. Chỉ một số ít các quốc gia, chủ yếu là những nhà sản xuất dầu lớn, cụ thể là Nigeria, Angola và Gabon, chiếm phần lớn nhập khẩu, xuất khẩu và đặc biệt là đầu tư của Mỹ ở châu Phi. Quan trọng hơn là trong năm 2003, 80%các hàng nhập khẩu Mỹ trong khuôn khổ AGOA là sản phẩm dầu mỏ. Dầu vẫn là lý do chính cho việc thông qua Luật Thương mại giữa châu Phi và Mỹ, chỉ có 20% những trao đổi này là của ngành dệt may và quần áo. Nhìn chung, AGOA đã làm nghiêng cán cân về phía tự do hóa thị trường và hội nhập các nước châu Phi vào nền kinh tế toàn cầu, thay vì thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng ở châu lục. Đặc biệt, hiệp định này chỉ mang lại lợi ích cho một số quốc gia giàu có như Nam Phi và Nigeria. Bởi vì phần lớn các nhà nước châu Phi không có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các phương tiện sản xuất cho thị trường quốc tế.