Mở rộng cơ hội và phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Mĩ đối với châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 49 - 54)

1.2 .Tầm quan trọng của châu Phi trên bản đồ thế giới

2.2. Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Phi dưới thời Tổng thống

2.2.1. Mở rộng cơ hội và phát triển kinh tế

Châu Phi là một lục địa giàu với các nhà nước nghèo. Mỹ đã có những hành động cụ thể giúp châu Phi cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dưới thời Tổng thống Bush, chính phủ Mỹ được đánh giá là đối tác lớn nhất thực hiện viện trợ song phương cho châu Phi. Năm 2001, Mỹ đã góp hơn 1,1 tỷ USD vào các chương trình phát triển và cứu trợ nhân đạo tại châu Phi cận Sahara, và cũng là nước đóng góp lớn nhất, ngoài ra còn có các chương trình viện trợ khác tại Sierra Leone, Liberia, Somalia… Mức viện trợ Mỹ dành cho châu Phi tăng dần từ năm 2000. Cụ thể là Mỹ đã tăng 56% tổng giá trị viện trợ trong giai đoạn 2000-2005, trong đó mức viện trợ lương thực khẩn cấp đạt 184%, nhằm cung cấp lương thực và nước uống cho khoảng 40 triệu người dân đang có nguy cơ bị nạn đói đe dọa. Năm 2005, Mỹ tuyên bố Sáng kiến mới hỗ trợ sự phát triển châu Phi, theo đó Mỹ tăng viện trợ cho châu lục trong 5 năm từ 2005-2010[3].

Sáng kiến của Tổng thống nhằm chấm dứt nạn đói ở châu Phi (IEHA) bắt đầu được thực hiện năm 2003 với nguồn vốn được Quốc hội Mỹ rót thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), năm 2005 đạt 67 triệu USD. Mục tiêu của

IEHA là hỗ trợ châu Phi phát triển nông nghiệp nhằm đẩy mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân, tìm kiếm đối tác hỗ trợ chấm dứt nạn đói ở châu Phi… IEHA tập trung vào một số nước châu Phi tiêu biểu như Ghana, Mali, Mozambique, Uganda, Kenya, Zambia… Các cơ quan điều hành IEHA ở châu Phi cận Sahara hợp tác khá chặt chẽ với COMESA, ECOWAS để thúc đẩy thương mại liên khu vực, tạo điều kiện giao thương nông phẩm trên toàn lục địa. Bên cạnh các hoạt động cứu trợ, mục tiêu cao hơn của Mỹ là hỗ trợ nguồn vốn ODA cho châu Phi để thực hiện các chương trình phát triển dài hạn. Nguồn vốn này được sử dụng để đầu tư cho một loạt các mục tiêu như phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, tự túc lương thực…

Chính quyền của Tổng thống Bush còn tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp của châu phi. Các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường để bán hàng hóa và tạo ra công ăn việc làm cần thiết. Một phương thức chính để tiếp cận thị trường là Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA), được đánh dấu trong bộ luật của Mỹ năm 2000, trong đó quy định ưu đãi thương mại và miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ đối với các loại hàng hóa nhất định từ các quốc gia cận Sahara nhằm giới thiệu thị trường cơ bản.Tháng 8/ 2002, Tổng thống Bush đã chính thức phê chuẩn bản sửa đổi của Đạo luật AGOA II, dành những ưu đãi thương mại lớn hơn cho hơn 35 nước châu Phi cận Sahara (năm 2003 đã lên tới 38 nước). Năm 2004, xuất khẩu của châu Phi theo AGOA vào thị trường Mỹ đạt 26,6 tỷ USD, tăng rất nhiều so với kim ngạch 1 tỷ USD của năm 2001. Kim ngạch thương mại song phương Mỹ- châu Phi cận Sahara năm 2004 tăng 37% so với năm trước. Ngoài ra, AGOA đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động của các quốc gia trong lục địa. Kenya và Lesotho là hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ AGOA trong vấn đề tạo việc làm. Trong năm 2004, Kenya đã tạo được 50.000 việc làm mới có liên quan đến AGOA và Lesotho là 10.000 việc làm[3].

Bảng 2.2.1: Nội dung Hiệp ước Thương mại của Mỹ tạo lợi ích cho châu Phi

1. Hiệp ước chính AGOA 2. Số nước châu Phi được ưu đãi 38 3. Các sản phẩm được ưu đãi Hầu hết

4. Mức độ ưu đãi Miễn thuế và hạn ngạch

5. Quy tắc, nguồn gốc sản phẩm Đạt 35% giá trị gia tăng trong nước 6. Cơ sở áp dụng luật Tự động

7. Năm kết thúc Năm 2008 (năm 2004 với các sản phẩm may mặc)

Nguồn: [3]

Trong khuôn khổ AGOA, Mỹ đã xây dựng một hệ thống các hoạt động hỗ trợ dành cho châu Phi như hỗ trợ tài chính của Tài khoản Thách thức Thiên niên kỷ (MCA), các chương trình hỗ trợ của USAID, hợp tác đầu tư tư nhân tại hải ngoại (OPIC), sáng kiến Ngân hàng nhập khẩu, sáng kiến của Phòng Thương mại Mỹ… Trong đó, hỗ trợ tài chính của MCA và hoạt động của OPIC được Mỹ chú trọng hơn cả với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và cải cách kinh tế châu Phi.

Tháng 3/2002, Tổng thống Bush thành lập MCA nhằm tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển thực hiện các chương trình thúc đẩy tăng trưởng và cải cách kinh tế. Quốc hội Mỹ đã chi 1 tỷ USD trong năm tài khóa 2004 và 1,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2005. Tháng 11/2005, 23 quốc gia lần đầu tiên được nhận nguồn vốn hỗ trợ từ MCA trong năm tài khóa 2006, trong đó có 12 quốc gia châu Phi cận Sahara là Benin, Burkina Faso, Cape Verde, Zambia, Ghana, Lesotho, Madagascar, Mali, Mozambique, Namibia, Senegal, Tanzania trong đó Cape Verde, Madagascar và Benin chính thức được ký hợp đồng hỗ trợ. Cụ thể, trong năm tài khóa 2005, Mỹ đã ký 2 hợp đồng trị giá hơn 110 triệu USD mỗi hợp đồng với Cape Verde và

Madagascar, tháng 2/2006 Mỹ cũng ký với Benin một hợp đồng hỗ trợ trị giá 307 triệu USD trong thời hạn 5 năm[3].

Mỹ quan tâm nhiều đến tăng cường vốn đầu tư từ OPIC bởi Mỹ cho rằng châu Phi xứng đáng nhận sự trợ giúp phát triển của Mỹ để tăng cường thương mại và đầu tư. Lợi ích lâu dài của Mỹ khi mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế với châu Phi là nhằm tạo nên một châu Phi phát triển hơn, dân chủ hơn, ngăn chặn tốt hơn nguy cơ khủng bố, tạo nền hòa bình và an ninh bền vững có lợi cho Mỹ. OPIC được thành lập nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các dự án đầu tư tại châu Phi. Với văn phòng đại diện đặt tại Nam Phi, vai trò của OPIC không những kêu gọi các dự án đầu tư tư nhân vào châu Phi mà còn nhằm một số mục tiêu cơ bản như cố vấn thực thi luật thương mại, tư vấn nhằm tự do hóa từng bước chính sách thương mại châu Phi, cải thiện không khí đầu tư, khai thác ưu điểm của luật tự do trao đổi với Mỹ. Đến cuối năm 2003, FDI của Mỹ vào châu Phi là khoảng 11,5 tỷ USD tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2002. Trong đó, FDI chủ yếu tập trung vào 5 quốc gia như Nam Phi đạt 3,9 tỷ USD chiếm 34% tổng FDI vào châu lục; Nigeria 2,1 tỷ USD chiếm 18,1%; Guinea Xích Đạo 1,9 tỷ USD chiếm 17%; Angola 1,5 tỷ USD chiếm 13,3%; Chad 1,1 tỷ USD chiếm 9%. FDI vào 5 quốc gia này tương đương 92% tổng FDI của Mỹ vào châu Phi[3].

Với mục tiêu hỗ trợ châu Phi thực hiện cải cách nền kinh tế chủ yếu thông qua hỗ trợ thương mại, Mỹ đã xây dựng Diễn đàn hợp tác kinh tế và thương mại Mỹ- châu Phi cận Sahara. Đây là diễn đàn được tổ chức thường niên giữa Mỹ và các nước châu Phi được hưởng lợi từ AGOA với nội dung chính tập trung vào các hoạt động trợ giúp của Mỹ dành cho châu Phi nhằm phát triển giao lưu thương mại, xây dựng chính sách cải cách kinh tế. Mỹ cũng khuyến khích cải cách trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cân bằng các lĩnh vực hoạt động trong các tổ chức kinh tế toàn cầu, và sử dụng việc hỗ trợ phát triển như một chất xúc tác cho sự phát triển.

Bảo vệ môi trường và quản lý thích hợp nguồn tài nguyên nước, động vật hoang dã, thủy sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác là điều cốt yếu để bảo

tồn và khai thác các nguồn tài nguyên của châu Phi cho thế hệ tương lai. Ở Trung Phi, sáng kiến hợp tác rừng ở lưu vực Congo đã đưa Mỹ, một số nước châu Phi và các thành viên của tổ chức phi chính phủ (NGO) lại gần nhau, không chỉ định hình và thực hiện các chương trình bảo tồn mà còn thúc đẩy cơ hội kinh tế. Ngân sách viện trợ của Mỹ cho châu Phi năm 2006 là 4,1 tỷ USD, tăng từ khoảng 700 triệu USD trong năm 2001[25]. Sự tăng trưởng gấp 6 lần phản ánh mong muốn của chính quyền Bush là tăng cường viện trợ để đổi lấy trách nhiệm lớn hơn đối với việc nhận và sự dụng viện trợ. Tổng thống Bush cũng bày tỏ tham vọng cải cách các thể chế kinh tế toàn cầu chống lại đói nghèo và khuyến khích phát triển kinh tế.

Trong cả hai lĩnh vực thương mại và giảm nợ quốc tế, chính sách của Mỹ là tạo ra cơ hội lớn hơn cho châu Phi. Xây dựng năng lực thương mại (TCB: Trade Capacity Building) được coi là một trong những chiến lược quan trọng Mỹ dành cho châu Phi với mục đích hỗ trợ châu lục này đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua giao lưu thương mại, tạo điều kiện để các nước châu Phi nghèo tăng cường đàm phán thúc đẩy mở cửa thị trường, tăng khả năng hoạch định chính sách thương mại theo hướng cải cách… Mục đích của TCB giúp thúc đẩy khả năng liên kết hiệu quả giữa thương mại và tăng trưởng kinh tế bằng việc cung cấp cho châu Phi công cụ để tối đa hóa các cơ hội thương mại. Hoạt động hỗ trợ TCB của Mỹ dành cho châu Phi được thực hiện cụ thể qua hoạt động của một số tổ chức như Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR: United States Trade Representative), USAID, Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Nông nghiệp Mỹ, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ, Qũy Phát triển châu Phi… Mục tiêu cơ bản trong TCB của Mỹ với các nước hưởng lợi từ AGOA là nâng cao năng lực thương mại, tận dụng tối đa cơ hội từ AGOA. Việc Mỹ xây dựng 4 ủy ban thương mại khu vực ở châu Phi cận Sahara cũng không nằm ngoài mục tiêu trên. Trong năm tài khóa 2005, Mỹ đã dành 199 triệu USD cho hoạt động TCB ở châu Phi cận Sahara, tăng 10% so với với tài khóa 2004, tăng 50% so với tài khóa 2003[3]. USRT ở châu Phi tăng cường liên kết với một số cơ quan khác của Mỹ như USAID, OPIC, Cơ quan Hải quan và An ninh biên giới, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương

mại, Bộ Giao thông… đảm bảo huy động nguồn viện trợ cho các hoạt động TCB ở châu Phi được hoàn thiện, hiệu quả, không những đảm bảo nhu cầu của châu Phi mà cả mục tiêu thương mại của Mỹ. Trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp đã khiến cho hàng hóa nông nghiệp của châu Phi khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Mỹ đã tìm cách cân bằng thị trường bằng cách dừng các trợ cấp thương mại này.

Theo sáng kiến dành cho Các nước nghèo nặng nợ (Heavily Indebted Poor Countries- HIPCs) Tổng thống Bush xóa bỏ 100% nợ song phương đối với các nước châu Phi nghèo có hợp đồng vay nợ ký với Mỹ trước Hội nghị cấp cao tại Cologne năm 1999 với tổng số nợ 1,5 tỷ USD thông qua Chương trình giảm nợ. Đến năm 2008 đã có 25 quốc gia châu Phi đạt điểm quyết định HIPC (Decision Points HIPC) để được xếp vào danh sách HIPCs, bao gồm : Benin, Burkina Faso, Burundi, Cameroon, Chad, Cộng hòa Congo, CHDC Congo, Ethiopia, Zambia, Ghana, Guine, Guine Bissau, Madagascar, Malawi, Mali, Mauritanie, Mozambique, Nigeria, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Senegal, Syria Leon, Tanzania, Uganda, Zambia[6]. Mỹ đã xóa bỏ hoàn toàn các khoản nợ đa phương do các nước nghèo vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Phi. Việc này giúp để ra một khoản khoảng 30 tỷ USD đầu tư cho giáo dục và sức khỏe của người dân châu Phi. Ngoài ra, trong khuôn khổ Sáng kiến HIPCs, Mỹ đã cung cấp một khoản tài chính 675 triệu USD cho Quỹ tín dụng HIPCs (HIPCs Trust Fund), đây là một quỹ đa phương có nhiệm vụ hỗ trợ các ngân hàng khu vực và cơ quan đa phương thực hiện các khoản giảm nợ cho các nước nghèo.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Mĩ đối với châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)