1.2 .Tầm quan trọng của châu Phi trên bản đồ thế giới
3.1. Đánh giá chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Phi
3.1.2. Những thành tựu đạt được
Mặc dù hình ảnh châu Phi phần nào đó mờ nhạt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nhưng cũng không thể hoàn toàn phủ nhận những kết quả mà Chính quyền Clinton đã làm được trong 8 năm cầm quyền của mình. Thành công đó là việc tái xác định được mối quan hệ giữa Mỹ và châu Phi. Quan hệ lúc đó đã phát triển vượt ra ngoài chính sách dựa trên sự khai thác châu Phi do cạnh tranh giữa các siêu cường và tư tưởng người bảo hộ, để thiết lập một quan hệ đối tác với châu Phi dựa trên lợi ích và sự tôn trọng lẫn nhau.
Về mặt kinh tế và thương mại, dưới Chính quyền Clinton “Đạo luật cơ hội và tăng trưởng châu Phi- AGOA” đã được ban hành. Có thể nói AGOA là biểu hiện cho thành công thực sự của trao đổi thương mại giữa Mỹ và châu Phi. AGOA đã làm nghiêng cán cân về phía tự do hóa thị trường và hội nhập của các nước châu Phi vào nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định này đã góp phần mang tính lợi ích cho một số quốc gia giàu có của châu Phi như Nam Phi và Nigeria.
Như đã nói ở trên châu Phi chính là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch chiến lược của Tổng thống G. Bush khi mới lên cầm quyền. Các sáng kiến của Chính quyền Bush ở châu Phi có thể được coi là thành công trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời kỳ này. Nếu kết hợp cả chính sách phát triển và an ninh mà Mỹ đã triển khai ở châu lục này thì rõ ràng là Chính quyền Bush đã đưa ra được một chính sách nhất quán với châu Phi, điều đã không xảy ra trong thời gian trước đó.
Trước hết là các hoạt động nhằm giúp châu Phi cải cách nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo… như cung cấp chương trình viện trợ, theo đó đã cung cấp lương thực và nước uống cho khoảng 40 triệu người dân có nguy cơ bị nạn đói đe dọa; Sáng kiến của Tổng thống nhằm chấm dứt nạn đói ở châu Phi (IEHA) với ước tính trong năm tài khóa đầu tiên của giai đoạn 2005-2010, IEHA đã hỗ trợ cho Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện ở châu Phi tại khu vực châu Phi cận Sahara 200 triệu USD. Ngoài các hoạt động cứu trợ, Mỹ còn hỗ trợ vốn ODA cho châu Phi.
Năm 2002, ODA của Mỹ dành cho châu Phi là 3,189 tỷ USD, chiếm tới 14% tổng viện trợ của 10 nhà tài trợ lớn nhất cho châu Phi, chiếm 2% tổng viện trợ ra nước ngoài của Mỹ. ODA của Mỹ dành cho châu Phi đã tăng gấp 3 đạt con số 3,2 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000-2005. Với tỷ lệ này, Mỹ đã được coi là đối tác có mức tăng trưởng viện trợ lớn nhất trong nhóm các nhà tài trợ[3].
Một trong những chính sách của Tổng thống Bush có ảnh hưởng tích cực nhất ở châu Phi là Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp phòng chống AIDS (PEPFAR). Nhà Trắng cho biết ngân sách dành cho chương trình này đến năm 2008 đã tăng gấp đôi kể từ khi ông Bush nhậm chức năm 2001. Chương trình này mang lại lợi ích cho khoảng 1,4 triệu người, hầu hết là ở châu Phi. Tổng thống Bush đã đề nghị Quốc hội Mỹ phân bổ ngân sách 30 tỷ USD trong 5 năm cho PEPFAR, ngoài khoản đề nghị tăng thêm 300 triệu USD cho Sáng kiến phòng chống bệnh sốt rét, ông Bush cũng đề nghị Quốc hội chi 2,2 tỷ USD cho Tài khoản thách thức thiên niên kỷ để tài trợ cho chương trình phát triển ở những nước mà chính phủ ở đó có khả năng quản trị tốt, có trách nhiệm và minh bạch. Để điều trị AIDS các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới-WTO trong đó có Mỹ đã thông qua Tuyên bố Doha tại Qatar vào tháng 10/2001, với nội dung quan trọng là các sáng chế về thuốc sẽ không phải là cản trở với các nước nghèo trong tiếp cận chăm sóc y tế cần thiết. Mỹ đưa ra và thực thi Sáng kiến bảo vệ bà mẹ và trẻ em khỏi lây nhiễm HIV với 500 triệu USD đóng góp của Mỹ; tham gia Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS cũng với mức đóng góp 500 triệu USD và đóng góp sớm nhất.
Chính sách của Chính quyền Bush không chỉ bó hẹp trong các vấn đề nhân đạo mà còn có cả những hoạt động thúc đẩy quan hệ thương mại và ngoại giao với toàn châu lục. Tiếp nối thành công của AGOA năm 2000, đến tháng 8/2002, Tổng thống Bush đã chính thức phê chuẩn bản sửa đổi của AGOA II, dành những ưu đãi thương mại lớn hơn cho 35 nước châu Phi cận Sahara (năm 2003 đã lên tới 38 nước). Ngân sách viện trợ của Mỹ cho châu Phi năm 2006 là 4,1 tỷ USD, tăng từ khoảng 700 triệu USD trong năm 2001.
Trong thế giới ngày nay, quốc gia nào cũng thực hiện chính sách tăng cường sự hiểu biết quốc tế thông qua trao đổi văn hoá, giáo dục nhằm trao đổi và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này ở châu Phi gặp nhiều khó khăn bởi chính phủ ở các nước châu Phi thường bị các yêu sách của các tổ chức khủng bố như Al Qaeda đe dọa, những kẻ buôn bán ma túy bất hợp pháp hay thậm chí là nạn cướp biển- một vấn đề đang gia tăng dọc theo các bờ biển châu Phi. Nhưng cũng có những nhân tố phi nhà nước đóng vai trò là lực lượng tích cực đặc biệt ở châu Phi, đó là các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các trường đại học, các tổ chức tôn giáo và các nhóm cộng đồng... có thể tham gia vào các chương trình văn hóa, giáo dục một cách hiệu quả. Chính vì vậy Mỹ đã thực hiện chính sách hỗ trợ này với việc liên kết hợp tác với các tổ chức trên để ủng hộ mạnh mẽ các chương trình hợp tác văn hóa, giáo dục thông qua các chương trình ngoại giao cộng đồng (puplic diplomacy) như: Chương trình Fulbright, chương trình Hubert H. Humphrey Fellowship... Đây là những chương trình hợp tác văn hóa giáo dục hiệu quả của Mỹ được nhiều người biết đến không chỉ ở châu Phi mà trên toàn thế giới. Ngoài ra Tổng thống Bush đã đưa ra Sáng kiến về giáo dục ở châu Phi (AEI) do Vụ châu Phi thuộc USAID quản lý, bắt đầu thực hiện từ năm 2002 với tổng kinh phí 600 triệu USD trong thời gian 9 năm.
Đến thời Tổng thống Barack Obama đã có những điều chỉnh mang tính triết lý và cách tiếp cận mới mang lại nhiều thay đổi trong chính sách châu Phi của Mỹ. Tuy không thay đổi bản chất hay các mục tiêu nhưng chính sách đối ngoại của Chính quyền Obama đoạn tuyệt một số di sản bảo thủ với việc sử dụng các phương pháp mềm dẻo hơn Chính quyền Bush. Chính quyền Obama chủ trương kết hợp chặt chẽ với bạn bè châu Phi để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế, giáo dục và kinh tế, cũng như các mục tiêu đề ra khác của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt đói nghèo; phổ cập giáo dục phổ thông, bình đẳng giới, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống HIV/AIDS và thúc đẩy phát triển bền vững môi trường và quan hệ đối tác toàn cầu. Với những nỗ lực của mình, Mỹ đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các cuộc thăm dò dư luận ở nhiều nước châu Phi. Ngay cả
trong cộng đồng người Hồi giáo tại Tanzania và Kenya, Mỹ cũng được xem như một nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống AIDS, sốt rét và bệnh lao. Và để tiếp nối cho sự thành công này, Mỹ đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để mở rộng cơ sở y tế ở châu Phi, giúp nhiều người tiếp cận với các loại thuốc chữa bệnh và giảm các trường hợp lây từ mẹ sang con. Có thể thấy sự khôn ngoan của Chính quyền Obama khi tiếp nối những thành công trước đó ở châu Phi của Chính quyền Bush. Ngoài ra còn có những sáng kiến của Tổng thống Obama thể hiện sự được thành công trong chính sách của Mỹ với châu Phi như: Sáng kiến Lương thực cho tương lai một ví dụ về sự quan tâm mới của Chính quyền Obama với các giải pháp địa phương và hội nhập khu vực lớn hơn. Đó là một nỗ lực toàn diện để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo bằng cách đầu tư vào các kế hoạch của quốc gia như Rwanda và Ghana hoàn thành giai đoạn của chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện của Liên minh châu Phi. Hội nhập khu vực giúp cho việc chuyển thực phẩm từ những khu vực dư thừa đến những nơi thiếu hụt, tăng giá trị và giảm biến động giá cả được dễ dàng hơn. Và tiếp cận thị trường khu vực lớn hơn cho những thứ như hạt giống, phân bón, cây trồng cũng làm tăng khuyến khích sản xuất để đầu tư lâu dài trong công nghệ nông nghiệp. Vì vậy, thông qua Sáng kiến Lương thực cho tương lai, Mỹ đang hỗ trợ các nỗ lực như phát triển nông nghiệp trong khu vực ECOWAS và kế hoạch đầu tư an ninh lương thực, bên cạnh đó cũng làm việc để hợp lý hóa hành lang thương mại ở Tây Phi. Mỹ sẽ đầu tư thêm trong kế hoạch khu vực và quốc gia khác nhằm ưu tiên phát triển mở rộng thương mại trong nội bộ khu vực để những lợi ích này có thể được chia sẻ rộng rãi hơn. Sáng kiến Y tế toàn cầu với trọng tâm là phụ nữ và trẻ em gái vì chính sức khỏe của họ có tác động lớn nhất đối với gia đình và cộng đồng, đồng thời cũng nhấn mạnh việc tiếp cận với nước sạch, vệ sinh môi trường để tránh các bệnh truyền nhiễm. Tổng thống Obama đưa ra Sáng kiến lãnh đạo châu Phi trẻ, cùng nhau thúc đẩy các doanh nghiệp có triển vọng và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự nhằm đóng góp thêm tiếng nói quan trọng để thực hiện cải cách. Tháng 5/2012, dưới sự chủ trì của Mỹ, G-8 công bố chương trình Liên minh mới về an ninh lương thực và dinh dưỡng. Trong tháng
6/2012, Chính quyền Obama đưa ra chương trình Kêu gọi hành động vì sự sống sót của trẻ em (Child Survival Call to Action), quy tụ hơn 80 chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ trong việc giảm thiểu và ngăn chặn tử vong ở trẻ em.
Với sự giúp đỡ của Mỹ, châu Phi đã có những tiến bộ đáng kể, đây là kết quả của sự làm việc chăm chỉ, tài năng và quyết tâm của nhân dân và chính phủ các nước châu Phi. Chỉ riêng năm 2009, 2/3 trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara thực hiện cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Chính sách tài khóa có trách nhiệm hơn cùng với sự gia tăng về ổn định chính trị và tăng năng suất đã thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư. Quan hệ đối tác AGOA đã giúp nhiều hơn nữa các doanh nghiệp châu Phi thành công ở thị trường trong nước và tiếp cận thị trường mới ở nước ngoài. Các tập đoàn quốc tế lớn đang mở văn phòng mới tại thủ đô các nước châu Phi và mở rộng tầm nhìn vào tiềm năng đầu tư của châu lục. Chính quyền Obama đã làm việc để tăng cường thương mại với châu Phi trong những mặt hàng phi dầu mỏ. Sản phẩm dầu mỏ vẫn chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Có thể nói những thành tựu đạt được trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Phi qua các đời Tổng thống Bill Clinton, Geogre Bush và Barack Obama là không thể phủ nhận. Những chính sách đó đã làm thay đổi châu Phi, từ một lục địa nghèo khó, bất ổn định, thiếu dân chủ đã dần trở thành một lục địa tiềm năng, phát triển về kinh tế, thu hút sự quan tâm của thế giới. Tình hình chính trị tại châu Phi cũng dần được ổn định hơn với việc bầu cử lập ra các nhà nước dân chủ hơn, chú ý hơn đến quyền lợi của nhân dân. Đời sống nhân dân được cải thiện, giảm bớt bệnh tật và đói nghèo…