Hỗ trợ phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Mĩ đối với châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 70 - 80)

1.2 .Tầm quan trọng của châu Phi trên bản đồ thế giới

2.3. Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Phi dưới thời Tổng thống B.Obama

2.3.1. Hỗ trợ phát triển kinh tế

Để thúc đẩy đầu tư, Chính quyền Obama giúp người dân Mỹ thấy rằng châu Phi là một thị trường quan trọng và là một cơ hội cho nền kinh tế Mỹ. Thị trường mới cho các công ty đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn có nghĩa là nhiều công ăn việc làm. Lần đầu tiên Tổng thống đã ký Chỉ thị Chính sách của Tổng thống về phát triển toàn cầu, nhấn mạnh vai trò trung tâm của tăng trưởng kinh tế bền vững vì sự phát triển và tập trung sáng kiến của Tổng thống về y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực - tất cả đều nổi bật trong cách tiếp cận của Mỹ với châu Phi. Mỹ đã thành lập các quan hệ đối tác cho tăng trưởng, hợp tác với một nhóm các quốc gia để xác định và xóa bỏ những hạn chế đối với tăng trưởng.

Để minh chứng cho những chính sách này, Tổng thống Obama đã có chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ tới vùng Cận Sahara, và điểm đến là Ghana. Tại đây ông đã có bài phát biểu với Quốc hội Ghana ở Accra ngày 11/7/2009 cam kết “hỗ trợ đáng kể” trong viện trợ nước ngoài của Mỹ, đặc biệt là cho nông nghiệp, trong khi kêu gọi người dân châu Phi hợp tác tốt hơn nữa để chống tham nhũng [71]. Sự đánh giá cao từ Washington được thể hiện cụ thể qua việc Mỹ đã cung cấp khoản viện trợ 500 triệu USD từ Quỹ Thách thức Thiên niên kỷ cho Ghana. Bên cạnh đó quốc gia vùng Tây Phi này có nguồn dầu lửa khá lớn, vì thế chuyến thăm Ghana của ông Obama chứa đựng một chiến lược dầu khí mới của Mỹ liên quan đến châu Phi. Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ cho rằng vào năm 2015, lượng dầu mỏ từ châu Phi nhập cảng Mỹ sẽ chiếm 25% tổng khối lượng dầu nhập khẩu Mỹ[55,60]. Bộ Năng lượng Mỹ từng cam kết vào năm 2020, mỗi năm Mỹ sẽ

nhập khẩu trên 770 triệu thùng dầu mỏ của châu Phi. Tổng thống Mỹ sẽ phối hợp với chính quyền và người dân Ghana để giúp họ khai thác những tiềm năng to lớn, tạo ra nhiều việc làm mới thông qua các hợp đồng trong ngành khai thác năng lượng. Chuyến thăm Ghana của ông Obama đã tăng cường mối quan hệ và ảnh hưởng của Mỹ với các đồng minh Tây Phi, thiết lập một liên minh mới để khai thác các nguồn lợi tài nguyên ở châu Phi.

Chưa đầy một tháng sau chuyến thăm Ghana của Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Kenya, mở đầu chuyến công du 11 ngày tới 7 quốc gia châu Phi. Chuyến đi này đã khẳng định sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với châu lục từng bị lãng quên trong chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Mở đầu chuyến công du, ngày 5/8/2009, Ngoại trưởng Mỹ đã có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế châu Phi lần thứ 8 - hội nghị nhằm xem xét tác động của Đạo luật cơ hội và phát triển châu Phi tổ chức tại Nairobi, Kenya. Bà Hillary đã kêu gọi các nước châu Phi gỡ bỏ rào cản thương mại, mở cửa thị trường nội khối và cho biết, tới năm 2014, Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi, đồng thời tăng số lượng các thỏa thuận song phương với các nước trong châu lục. Thực chất, những lời kêu gọi, cam kết của bà Hillary thể hiện “Mỹ có trách nhiệm đối với tương lai châu Phi” là nhằm thuyết phục châu Phi duy trì AGOA lâu dài, bảo đảm cho lợi ích kinh tế chiến lược của Mỹ[55]. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định cam kết của Washington nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư và tăng cường viện trợ nông nghiệp cho châu Phi nhằm chống đói nghèo.

Một vấn đề khác mà Mỹ quan tâm ở châu Phi chính là việc khai thác dầu, tài nguyên thiên nhiên của châu lục này. Quan hệ có phần lạnh nhạt của Mỹ với châu Phi dưới thời chính quyền G.Bush đã tạo cơ hội thuận lợi cho Ấn Độ, Brasil, A-rập Xê-út, Nga, đặc biệt là Trung Quốc... đẩy mạnh ảnh hưởng, cạnh tranh khai thác các nguồn tài nguyên phong phú ở khu vực này. Vì thế chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện sự quan tâm trở lại của chính quyền Obama đối với châu Phi. Tiếp đó, tại Nam Phi, thông qua chuyến thăm của bà Hillary Chính quyền Obama muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp mới với tân Tổng thống Nam Phi, Jacob

Zuma, bởi Nam Phi là nền kinh tế dẫn đầu lục địa Đen trong quan hệ thương mại với Mỹ. Với Angola, quốc gia có tiềm năng kinh tế, trữ lượng dầu lớn, ảnh hưởng rất quan trọng tại vùng Vịnh Guinea, nơi được dự báo đến năm 2020 sẽ cung cấp từ 20%-25% lượng dầu Mỹ nhập khẩu, sự có mặt của bà Hillary không chỉ nhằm thắt chặt quan hệ với quốc gia này mà còn để bảo vệ lợi ích các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ tại đây. Bởi nhiều tín hiệu cho thấy, Angola đang dần thoát khỏi ảnh hưởng viện trợ của Mỹ, nghiêng sang cung cấp dầu thô cho Trung Quốc.Việc bà Hillary tới thăm Nigeria cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi hiện nay Nigeria có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi với 34 tỉ thùng và 2.000 tỉ m3 khí đốt tự nhiên, đồng thời đây còn là đối tác cung cấp dầu chủ yếu cho Mỹ.

Có thể thấy, các điểm đến của bà Hillary đều là những nước xuất khẩu dầu và khoáng sản lớn của châu Phi. Mục đích của bà Hillary là thuyết phục lãnh đạo các nước châu Phi tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư Mỹ thâm nhập thị trường “lục địa Đen”, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác dầu. Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước hợp tác với Mỹ. Như vậy, Mỹ có cơ hội xây dựng quan hệ mạnh mẽ, can dự sâu vào các nền kinh tế lớn ở châu Phi.

Đến năm 2011 ở châu Phi đã diễn ra nhiều biến động chính trị, với 15 nước tiền hành bầu cử Tổng thống, 10 nước tiến hành bầu cử quốc hội và trưng cầu dân ý thay đổi Hiến pháp. Tình hình chính trị ở Tunisia, Ai Cập và Libya biến động mạnh, khiến cho Tổng thống của các nước này lần lượt từ chức. Tiếp theo đó là hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở các quốc gia Arab thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi như: Algeria, Jordan, Yemen, Quốc đảo Bahrain, Saudi Arabia, Mauritania, Oman, Sudan, Morocco, Syria, Iraq… Đặc biệt là việc nhà nước mới Nam Sudan ra đời mở rộng thành viên của Liên hợp quốc lên con số 193. Chính vì vậy phong trào nổi dậy từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông (MENA) được Mỹ và phương Tây gọi là phong trào Mùa xuân Arab.Việc ra đời những nhà nước ít tham nhũng và dân chủ hơn tại khu vực, mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Vì thế chính sách của Mỹ đối với châu Phi lúc này là thúc đẩy cải cách kinh tế- chính trị và ủng hộ chuyển đổi dân chủ trong toàn khu vực.

Trở lại với những trường hợp cụ thể, Mỹ đã có quan hệ tốt với những chính phủ cách mạng mới lúc đó tại Ai Cập và Tunisia. Đây là 2 quốc gia đầu tiên Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với nền dân chủ được đảm bảo bằng ổn định tài chính, thúc đẩy cải cách và hội nhập các thị trường cạnh tranh nhau và với nền kinh tế toàn cầu. Để hiện thực hóa những ủng hộ này, tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 lần thứ 37 khai mạc ngày 26/5/2011, Mỹ đã kêu gọi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra kế hoạch ổn định và hiện đại hóa nền kinh tế của Ai Cập và Tunisia. Bản thân Mỹ giúp giảm 1 tỷ USD trong khoản nợ của Ai Cập[40]. Mỹ cũng giúp Ai Cập tái tiếp cận với các thị trường bằng cách đảm bảo 1 tỷ USD trong khoản vay nhằm cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng thiết lập các Quỹ Kinh doanh đầu tư vào Tunisia và Ai Cập, làm việc với các đồng minh để chuyển hướng tập trung của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu sao cho ngân hàng này cung cấp sự hỗ trợ đối với những chuyển đổi dân chủ và hiện đại hóa kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi giống như đã từng làm ở châu Âu. Ngoài ra, Mỹ còn phát động Sáng kiến Đối tác Thương mại và Đầu tư toàn diện ở Trung Đông và Bắc Phi, tạo điều kiện thuận lợi tăng cường thương mại trong nội bộ khu vực, dựa vào những hiệp định hiện hành để thúc đẩy hội nhập với các thị trường Mỹ và châu Âu, mở cửa cho các nước áp dụng tiêu chuẩn cao của cải cách và tự do hóa thương mại để thiết lập một sự dàn xếp thương mại khu vực.

Đến khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình Chính quyền Obama tiếp tục có những hành động quan tâm đến châu Phi. Tháng 5/2012, dưới sự chủ trì của Mỹ, G-8 công bố chương trình Liên minh mới về an ninh lương thực và dinh dưỡng nhằm mục đích đưa 50 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong hơn 10 năm bằng cách kết hợp các cam kết theo đuổi cải cách nông nghiệp của các nhà lãnh đạo châu Phi với cam kết hỗ trợ những cải cách của các nước G-8 và đặc biệt quan trọng là cam kết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của châu Phi thuộc khu vực tư nhân[70]. Đã có hơn 50 công ty ở châu Phi và trên thế giới có ý định đầu tư để nâng cao năng suất nông nghiệp của châu Phi. Không chỉ là hoạt động từ thiện, không chỉ

là trách nhiệm của công ty mà còn là thương mại theo định hướng, tự duy trì, dựa vào thị trường, điều chỉnh rủi ro - lợi nhuận theo định hướng đầu tư.

Cũng trong tháng 6/2012 Tổng thống Obama đã đưa ra một chiến lược mới của Mỹ đối với châu Phi cận Sahara. Theo chiến lược này, Mỹ theo đuổi bốn mục tiêu: tăng cường thể chế dân chủ; thúc đẩy hòa bình và an ninh; thúc đẩy cơ hội và phát triển; và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư. Chiến lược mới của Tổng thống sẽ tăng cường quan hệ kinh tế của Mỹ bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường quản lý kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và khuyến khích các công ty Mỹ giao dịch thương mại và đầu tư ở châu Phi. Để khởi động thực hiện chiến lược mới và nhấn mạnh phương pháp tiếp cận “toàn bộ chính phủ” của Tổng thống Obama với vấn đề này, một phái đoàn quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ đã đến Dar es Salaam, Addis Ababa, Nairobi và Abuja . Tại đây phái đoàn đã gặp gỡ các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo trẻ của châu Phi, đến thăm các cảng và nhà máy điện, có cuộc thảo luận với các chủ doanh nghiệp nhỏ và quản lý của các công ty lớn. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng thương mại và đầu tư, bao gồm cả sản xuất nâng cao cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại.

Hành động tiếp theo để minh chứng cho chiến lược trên của Tổng thống Obama là việc Ngoại trưởng Clinton tiếp tục có chuyến công du 11 ngày đến châu Phi. Chuyến đi diễn ra từ ngày 31/7 đến ngày 10/8/2012 đến Senegal, Nam Sudan, Uganda, Kenya, Malawi và Nam Phi, với trọng tâm là thúc đẩy dân chủ, tăng trưởng kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực bên cạnh đó còn thể hiện chiến lược mới của Washington nhằm tạo dựng một nền tảng bền vững ở lục địa Đen và không để bị chậm chân trước các đối thủ tại châu lục giàu tài nguyên này. Trong chuyến thăm tới Kenya - một đối tác chủ chốt của Mỹ ở Đông Phi, bà Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển chương trình thương mại chung Mỹ - châu Phi với sự tham gia của các nước Đông Phi gồm Kenya, Tanzania, Rwanda, Burundi và Uganda. Các dự án chung là đầu tư tuyến đường sắt nối liền Nam Sudan

- Ethiopia - Kenya và một đường ống dẫn dầu từ Nam Sudan đến một nhà máy lọc dầu tại thành phố biển Mombasa của Kenya.

Chuyến thăm tới Malawi là chuyến thăm lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ tới đất nước ở miền Nam châu Phi này. Tại Malawi, Ngoại trưởng Mỹ có cuộc hội kiến với Tổng thống Joyce Banda. Bà Hillary Clinton đã ca ngợi chính sách cải cách kinh tế của nước này theo đề nghị của các ngân hàng phương Tây. Trước chuyến thăm, chính quyền Mỹ đã tuyên bố sẽ nối lại khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD cho lĩnh vực năng lượng của Malawi nhằm khuyến khích nước này đẩy mạnh cải cách chính phủ.

Tại Nam Phi, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tham dự cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ - Nam Phi thường niên lần thứ hai. Trong các cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Quan hệ quốc tế và hợp tác Nam Phi Maite Emily Nkoana - Mashabane đã nhất trí hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như thương mại, đầu tư, năng lượng, y tế, giáo dục v.v..., theo đó hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ tăng cường đầu tư ở Nam Phi và để hàng hoá Nam Phi được nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu hạn ngạch hay thuế nhập khẩu, thông qua những biện pháp như Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA). Nam Phi hiện là thị trường lớn nhất đối với hàng hóa của Mỹ ở Châu Phi, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng đối với Nam Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt 22 tỷ USD[15]. Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Mỹ - Nam Phi tại thành phố Johannesburg, nơi quy tụ hơn 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu cùng các quan chức chính phủ hai nước. Tại diễn đàn này, Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ đã cam kết tài trợ cho Nam Phi khoản tín dụng trị giá 2 tỷ USD để phát triển các dự án về năng lượng tái tạo có sự tham gia của các công ty Mỹ. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc Công ty Boeing của Mỹ sẽ cung cấp máy bay cho các hãng hàng không của Nam Phi.

Có thể thấy, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, châu Phi đã nổi lên như một thị trường lớn tương lai của thế giới, thế nhưng, 90% thời gian mà Obama

dành cho châu Phi chỉ là chống khủng bố trên khắp châu Phi[29]. Để sửa chữa cho sai lầm này khi mới lên nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống đã có chuyến công du "lịch sử" tới ba quốc gia châu Phi gồm Senegal, Nam Phi và Tanzania từ 26/6 đến 3/7/2013. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Obama đến châu Phi kể từ khi tái đắc cử và là sứ mệnh thứ hai kể từ khi nắm quyền điều hành nước Mỹ vào năm 2009. Tổng thống Obama đã nói rõ, thương mại và đầu tư là những thành phần quan trọng của chính sách phát triển của Mỹ. Để đạt được phát triển bền vững, nước Mỹ cần thương mại, chứ không chỉ là viện trợ, đầu tư, không chỉ là trợ giúp. Mục đích của chuyến đi là nhằm tái khởi động chính sách của Mỹ ở địa bàn chiến lược này, với kỳ vọng tăng cường hơn nữa các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ, giải quyết các vấn đề phát triển như an ninh lương thực, y tế, giáo dục, thúc đẩy dân chủ và củng cố an ninh khu vực. Trước thềm chuyến thăm, Nhà Trắng tuyên bố sẽ giúp các nước châu Phi tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy nền pháp trị.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Mĩ đối với châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 70 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)